Chủ nhật, 05/05/2024,


Nhà văn Nguyễn Hoàng Đức: Không thể có thơ hay nếu không có sinh hoạt thơ lành mạnh (09/10/2011) 
 
Câu chuyện làm sao để nền thơ của chúng ta hùng mạnh? Làm sao để chúng ta có những bài thơ và nhà thơ đỉnh cao phải nói tốn không biết bao nhiêu bút mực. Nhưng chúng ta có e ngại sự tốn kém đó không? Chắc là không! Bởi vì, còn sống thì người ta còn phải tốn thức ăn nuôi dưỡng, tốn nước uống, tốn rượu, tốn xăng xe đi lại, và tốn chi tiêu cho các loại hình giải trí. Sáng tạo thơ mà ngại bàn về thơ thì có khác gì ngành ca nhạc ngại hát hò múa may, ngành thể thao ngại chạy đua…
 
 
Nhà văn Nguyễn Hoàng Đức phát biểu tại “Hội thảo thơ Việt Nam hiện đại –
nhìn từ miền Trung” ngày 08/10/2011 tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Lãng Ma (Lucbat.com)
 
Nhưng bàn về thơ như thế nào? Chúng ta cần phân biệt: bàn về thơ có trách nhiệm, có sở cứ; khác với bàn lung tung vô trách nhiệm – bàn để trưng diện, khoe mẽ, làm sang, bàn để “được ăn, được nói”.
 
Để bàn về nền thơ của chúng ta nói chung, thiết nghĩ không thừa để chúng ta thừa nhận một sự thật chung, như Hội Nhà văn Việt Nam đã đánh giá không ít hơn một lần cho đến tận bây giờ: chúng ta chưa có tác phẩm lớn, tác phẩm đỉnh cao, tác phẩm ngang tầm thời đại, mới chỉ có tác phẩm bé và vừa.
 
Làm sao để có tác phẩm đỉnh cao? Chắc chắn là phải có nền móng rộng thì mới có đỉnh núi cao. Đất nếu chỉ rộng bằng miệng thúng thì không cách gì có thể mọc lên một trái núi đùa giỡn cùng mây gió. Đây là tiêu chí chắc chắn nhất. Các chuyên gia bóng đá cho rằng, cầu thủ giỏi, đội tuyển bóng đá mạnh, và các câu lạc bộ đỉnh cao chỉ được sản sinh trong môi trường bóng đá toàn thể của đất nước. Phong trào bóng đá ở Mỹ yếu, dù Mỹ là một cường quốc trên nhiều lĩnh vực, nhưng về bóng đá thì vẫn ở trình độ nhược tiểu. Có một câu hỏi cho nền thơ Việt Nam, thơ của chúng ta èo uột, làng nhàng, thiếu bứt phá, thiếu thăng hoa cực đoan là tại sao dù chúng ta có số đông người làm thơ bậc nhất thế giới đi nữa? Câu trả lời 99% có lẽ là: vì sinh hoạt thơ của chúng ta quá nghiệp dư yếu ớt, thừa cãi vã lung tung vô sở cứ mà thiếu những ý kiến xác đáng nghiêm túc có trách nhiệm.
 
Muốn làm thơ hay, thì chúng ta không chỉ có mỗi một việc là viết thơ rồi ngâm vịnh, mà chúng ta phải sống thơ, hành động thơ, sinh hoạt thơ, văn hóa thơ. Về trình độ văn hóa của văn nghệ sĩ Việt Nam có thể lấy một hình ảnh khá phổ biến để so sánh, một lần ngồi xem ti vi, nhìn cảnh các văn nghệ sĩ Việt mặc quần áo lôm côm, sắn áo dài tay, đi giầy thể thao… một anh bạn có nói, mọi người nhìn đi, những cầu thủ nước ngoài lên lĩnh giải thưởng, họ vận com lê đồng bộ đàng hoàng, vậy mà ở đây toàn nghệ sĩ tên tuổi “nhớn” lại ăn mặc ba vạ, lôm côm, tùy tiện như vậy, thử hỏi văn hóa ở mức nào?
 
Ngôn ngữ là trí tuệ! Trí tuệ là ngôn ngữ! Đấy là một đúc rút phổ quát bậc nhất của các nhà khoa học ngôn ngữ từ triết gia Platon trở đi. Nghĩa là văn thơ là chữ nghĩa có học ngược chiều với bản năng. Có một biểu hiện khá phổ biến của đặc điểm này là, có rất nhiều cây bút Việt nói: viết hay là do thiên bẩm mới có chứ đâu phải do học hành. Đây là cách nói ngụy biện cho việc ít học của họ. Mozart hay Beethoven mà không có thiên bẩm sao, vậy mà họ phải tập đàn hơn mười giờ một ngày mới thành tài. Một phương ngôn rất phổ thông của phương Tây được nói hàng ngày rằng “luyện tập là bí quyết của thành công”. Nhạc sĩ thiên tài Schumann có nói: “Thiên tài chỉ là chút sắt gỉ, nếu không được tinh chế thì không thể thành dây cót đồng hồ”. Chúng ta thử nhìn ra khắp thế giới, nước mênh mông vô tận thật là nhiều nhưng làm gì có giọt nước nào tự hóa rượu nếu không nhờ bàn tay tinh chế của con người? Chính văn hào Victor Hugo đã nói: “Thượng Đế làm ra nước, con người làm ra rượu”. Vậy nếu ta còn ít học thì hãy cố học nhiều lên, chứ đừng yên chí gối cao ngủ kỹ bằng một biện hộ phải có thiên bẩm mới thành tài, và hình như chính ta có thiên bẩm đó. Thiên bẩm cũng là thứ chính đáng, nhưng tiếc thay có rất nhiều người đã bơi cùng cá heo nhưng lúc vào cuộc đua lại không bao giờ chiến thắng. Tại sao? Vì tạo hóa nếu có tạo ra thiên bẩm thì cùng lúc cũng tạo ra sự trái khoáy nghịch lý thậm chí sỉ nhục thiên bẩm. Nếu ta có thiên bẩm, tức vốn tự có, thì có ai lấy mất của ta, cái vốn tự nhiên tất yếu đó không nên bàn, mà cái bàn là: ta sẽ tạo ra “con kênh” đào dài bao nhiêu km?
 
Sinh hoạt cao nhất của thơ cũng như các ngành khác là đối thoại, phê bình và lý luận. Phê bình lý luận thơ của chúng ta ra sao? Nói thẳng là còn yếu ! Điều này đã được nhiều đại hội các cấp bàn đến và nêu ra một cách đích thực sở thị, cụ thể còn nêu báo Văn Nghệ nên có một trang chuyên môn giành cho lý luận phê bình, nhưng đến giờ này, báo Văn Nghệ vẫn chưa thể thực hiện được. Nhưng lại có một nghịch lý rằng, ở hội nghị nào, người ta đổ mồ hôi xếp chỗ cho các tham luận mà không đủ thời gian, cho dù là hội nghị văn thơ hay lý luận trẻ vẫn chỉ thấy các ông già lên thượng đài, nói đi nói lại vẫn chỉ có từng ấy “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” đã thế lại còn đem rất nhiều nào tượng trưng, nào siêu thực, nào hậu hiện đại, và rất nhiều chuyên gia kỳ cựu ra che chắn. Về việc này, tôi thấy chúng ta còn mang nặng dấu vết tiểu nông theo kiểu đi hội nghị để “được ăn, được nói”. Giờ biện pháp giải quyết việc này sẽ ra sao?
 
Đề nghị báo Văn Nghệ hay tạp chí Văn Nghệ cho đăng nguyên văn những tham luận hay phát biểu của mọi cây bút, sau đó cho mọi người phản biện, nếu có cái hay thì xin học tập phát huy, còn nếu là cái “nói dai, nói dài, nói dại” thì nói và nghe một lần cho đã, xong rồi thôi, nên nhường phần cho người có ý kiến khác. Còn về các chủ nghĩa nào siêu thực, tượng trưng, hậu hiện đại hay gì gì nữa của các bác, qua theo dõi tôi thấy, hầu hết là cách đem nhân vật lớn hay chủ nghĩa lớn ra để bảo hiểm cho nhận thức chưa đủ chín của mình. Tôi chắc đến 99% rằng, ở Việt Nam chưa một ai làm thơ theo lối rạch một đường cày tiền phong ở mức sản sinh chủ thuyết hay trường phái. Việc này không chỉ trong hiện thực mà còn ở mức lý thuyết trên phạm vi toàn cầu. Theo các chuyên gia đại bác học đánh giá: tất cả các chủ nghĩa trên đời như chủ nghĩa nô lệ, chủ nghĩa phong kiến, chủ nghĩa tư bản đều được đúc kết sau hiện thực, nghĩa là khi hiện thực đã qua đi rồi, người ta mới đặt tên gọi cho chủ nghĩa phong kiến, hay chủ nghĩa tư bản. Chỉ có duy nhất chủ nghĩa xã hội là ra đời có mô hình trước…
 
Cũng vậy, cho dù tượng trưng, siêu thực hay hậu hiện đại, thì người sáng tạo không phải lúc nào cũng nhằm nhằm đi trước hay đi theo nó, mà sáng tạo đích thực là cách người ta hòa đồng cùng nó, cái quan trọng hơn là người ta tạo ra tác phẩm chứ không phải là để tạo ra tên gọi trường phái này hay trường phái khác. Và về hiện thực, nước ta còn hơn 80% tam nông, chúng ta chưa hề có nền tảng rồi thói quen rồi nhu cầu muốn tạo ra các loại trường phái trong sáng tạo. Về việc này, mới đây có một nhà thơ bậc lão niên cho rằng: Người Việt chưa sẵn sàng đón đọc những tác phẩm hiện đại? vậy thì có nên đặt câu hỏi: người Việt đã có đủ tâm thế chín muồi để làm ra thơ trường phái hiện đại chưa? Thử nhìn, như bóng đá là môn cơ bắp mà người Việt mới chỉ có trình độ sân vắng teo vắng ngắt, đó là do thiếu chiến thuật hiện đại hay chỉ lo bán độ, đánh lộn, đánh cả trọng tài? Rồi ngành sản xuất ô tô, gần 20 năm chưa xác định được dòng xe lớn hay nhỏ là chiến lược thì do tư duy trường phái chiến lược nào hay chỉ muốn lắp ráp lấy tiền tươi nhanh? Thơ Việt Nam cũng vậy, nó ưu tư để muốn khai sơn phá thạch những vỉa quặng của bút pháp hay tư tưởng hoặc mấy chục năm chỉ chăm chắm muốn gặt hái tức thì trên mặt báo? Và có những ý kiến phản biện rằng, chẳng qua nói bạn đọc Việt chưa đủ nhận thức hiện đại để đọc thơ Việt là để bao biện cho thứ thơ giả cầy hiện đại đọc không vào của mình.
 
Muốn trở thành nhà thơ lớn cũng như nền thơ lớn hiển nhiên chúng ta phải chú trọng đến đời sống tư duy thơ cúng như lý luận. Tất cả những người có học và tự hào mình là người có học thì như người Việt dạy đều phải “nói có sách mách có chứng”. Trái lại có học mà nói tùy tiện, bạ đâu nói đấy, nói không có sở cứ, không có trách nhiệm thì sẽ bị coi là thứ vô học, tùy tiện. Đời sống thơ Việt xuất hiện rất nhiều các lối sinh hoạt, đánh giá, tung hô, và thẩm định tùy tiện. Ngoài đời đã rõ, rõ hơn là trên mạng, đa số lấy các thứ tên nặc danh, nói rằng, tôi chỉ là quê mùa không biết gì, nhưng cuối cùng, tôi thấy thơ của anh A thế này không chấp nhận được, anh B thì đi vào lòng người… Đó là một dạng tháu cáy, nhận mình là quê mùa không biết gì để người ta “tha bổng” ở vòng loại, sau đó đến vòng chung kết thì lại phán xét, anh A thế này, anh B thế khác. Tóm lại đây là cách sinh hoạt thơ không có “hồ sơ” của người mang ý kiến. Cảnh sát Việt Nam cũng như các nước, muốn để họ nâng cao trách nhiệm, người ta phải in số hiệu, rồi tên riêng lên áo. Vậy mà muốn tham gia trao đổi văn chương học thuật lại cứ dùng võ ném đá giấu tay, không chịu trách nhiệm về viên đá mình ném ra, thử hỏi làm sao nền thơ có sinh hoạt lành mạnh? Có người còn bảo “trích thơ thế cũng trích, sao không trích câu hay của tác giả?” Nếu thấy câu nào hay hơn, sao người đó không trích ra để người khác thưởng thức, lại còn bắn “chỉ thiên” như vậy thì làm sao có thể định vị cho trí tuệ của mình?
 
Nhưng sẽ là ngây thơ khi tin nhiều nhà thơ của chúng ta chỉ sống bằng cảm tính. Cụ thể, khi được in thơ ở các báo văn nghệ, nếu ông nào đứng số 19 mà đăng thụt ông ấy xuống 21, thì có vấn đề ngay. Thậm chí nếu ông ấy đáng đứng ở hàng năm mà cho ông ấy xuống hàng sáu cũng lập tức có phản ứng. Vì thế ở nhiều báo, người ta rất thận trọng khi in ảnh hoa lá cảnh vào trang thơ, thà in một cái ảnh chèn vào, để các ông không thể tăng hay tụt hàng, còn hơn làm sai hàng thì hệ lụy ngay. Điều đó chứng tỏ nhiều nhà thơ không hề xuê xoa cảm tính chút nào. Thậm chí họ còn rất khôn , nếu thấy mình tăng hạng thì không sao, nhưng chỉ cần thấy mình rớt mấy con số thôi thì phản ứng liền.
 
Ở đời, người quân tử thì muốn nâng người khác lên cho bằng mình, còn kẻ tiểu nhân thì muốn kéo mọi người xuống ngang mình. Trong một công ty, người giám đốc muốn phân công việc, anh ta phải phân biệt người này là tổ trưởng, người kia là tổ phó, chỉ có thế dây chuyền mới hoạt động. còn kẻ lười nhác hãm tài lủi việc trong xó tối và muốn mọi người đều bất tài lười nhác như mình để được dung túng ẩn nấp. Đó chính là lý do những kẻ thấp kém đều mong chơi hòa cả làng, chơi hội đồng, và chơi tập thể. Một dàn đồng ca, thì không cần phân biệt kẻ hát hay người hát dở, vì tiền trả được chia đều mỗi người một tẹo. Nhưng hát đơn ca thì không vậy, nếu anh hát dở thì không được hát mà phải nhường cho người hát hay hơn, như vậy người ta phải quyết liệt cạnh tranh loại bỏ nhau. Đó là sự phân biện của loại tuyển.
 
 
Trái qua: Nhà lý luận phê bình văn học Nguyễn Hoàng Đức, nhà thơ Bằng Việt,
Nhà văn Nguyễn Thị Phước (TC Sông Lam, Nghệ An), nhà văn Đình Kính. Ảnh: Lãng Ma
 
Để kết thúc bài viết, tôi xin đưa ra hai minh họa:
 
1. Về văn xuôi, tôi chọn Nguyễn Huy Thiệp, vì ông là “vua truyện ngắn” đứng rất lâu chưa có người lật đổ ở làng văn. Vừa rồi, tôi nói chuyện với một anh bạn rất xuýt xoa khâm phục tài năng văn chương của N H Thiệp. Tôi hỏi “vậy tại sao ông Thiệp không được đề cử và lĩnh giải Nhà Nước hay Hồ Chí Minh”. Anh ta cười xòa và bảo “ông Thiệp làm sao mà được?” Tôi liền bảo: như vậy nhận thức của anh có vấn đề và không công bằng, anh vừa ca ngợi ông Thiệp như vậy, giờ lại cho rằng ông ta không xứng đáng nhận giải hơn những người tài năng thua hẳn ông ta, là cớ làm sao? “Không được! Không được!” anh ta lại cười xòa như một bằng chứng xuê xoa tất cả. Chỉ có điều giải thưởng lớn kia rơi vào tay ai sẽ là một định hướng mà không thể nào là xuê xoa cả???
 
2. Về thơ, tôi chọn Nguyễn Quang Thiều, vì, với tập “Sự mất ngủ của lửa”, cùng với cả hành trình dài, yêu thơ, làm thơ, dằn vặt vì thơ, tôi thấy N Q Thiều đã chạy vượt tới một cái đích khá xa. Nhưng đã rất từ lâu, 20 năm rồi, tôi vẫn gặp những con người thế này, họ tuyên bố ngay “Nguyễn Quang Thiều là dân văn xuôi, chỉ biết viết văn, không biết làm thơ”. Nói xong họ cũng chẳng cần phải đưa ra bất kỳ một sở cứ nào. Và kiểu nói này không chỉ giành cho Nguyễn Quang Thiều mà giành cho rất nhiều tác giả thơ, họ vẫn thường nói, cô A, anh B ư, đấy đâu có phải là thơ? Chỉ cần thao tác một câu đó mọi người liền bị gạt sang lề.
 
Văn thơ là gì mà quan trọng vậy? Theo kinh điển, văn là những ngôn từ đã vượt qua thông tin cấp một. Còn thơ thì như văn nhưng cộng thêm vần điệu. Người có văn hóa thì phải biết chấp nhận thước đo chung, khi ta chấp nhận thước đo giành cho người khác, đến lượt ta mới được đo bằng thước ấy. Đấy là một sinh hoạt lành mạnh, không à uôm, không tháu cáy, không cân gian… Chỉ có bằng một sinh hoạt lành mạnh chung thực thì chúng ta mới có trận đấu chung thực để tìm thấy nhà quán quân đích thực. Trái lại, nếu chúng ta sinh hoạt đời sống thơ à uôm, nhập nhèm thì chúng ta chỉ tìm ra một giải quán quân nửa vời tranh tối tranh sáng mà thôi.
 
05/9/2011
 
NGUYỄN HOÀNG ĐỨC
(Bản gửi riêng cho lucbat.com, trân trọng cảm ơn nhà văn NHĐ)
 
Xem thêm các tham luận tại “Hội thảo thơ Việt Nam hiện đại nhìn từ miền Trung”
Do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 8, 9/10/2011 tại Sầm Sơn, Thanh Hóa:

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Tràm Xanh - tramxanh65@yahoo.com.vn - 0123456789 - Đồng bằng sông cửu long   (Ngày 09/10/2011 8:45:01)

Bài viết xác đáng.Không "Hàn lâm kinh viện" nhưng hay,thiết thực.Tôi thích tác giả này.

Các bài khác: