Thứ sáu, 17/05/2024,


Tình yêu chưa thể đã yên nằm (05/06/2012) 
LB.c: Nhà thơ Đỗ Nam Cao (tên thật là Đỗ Sơn Cao), sinh ngày 8/6/1948 tại Liên Hoà, Phú Xuyên, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Viết văn Quảng Bá (Hội Nhà văn Việt Nam). Năm 1971, ông vào chiến trường Nam Bộ, công tác ở Ban Văn nghệ Trung ương Cục miền Nam.
Đỗ Nam Cao nguyên là thành viên Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam; nguyên Biên tập viên, Phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam, Biên tập viên Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin (Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh); Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Việt Nam… Ông mất ngày 8/11/2011 vì bệnh hiểm nghèo
Nhân ngày sinh nhật của Đỗ Nam Cao, lucbat.com xin giới thiệu một bài viết của tác giả Nguyễn Thế Khoa – Một người bạn thân thiết của ông - Người đã có công tổ chức bản thảo và ấn hành “Đỗ Nam Cao - Thơ” – Cuốn sách sẽ được giới thiệu tại Café Lục Bát Quán vào sáng Thứ Bẩy, 9-6-2012.

 
 
“Mưa rào rạch nước cá rô
Tôi bơi ngược đến kiệt khô sức mình
Sống là trống thúc thình thình
Chết vác vai những cột đình gốc đa…”
(Đỗ Nam Cao)
1
Thế là tôi đã không thể làm kịp tập thơ của Đỗ Nam Cao để anh được đọc trước khi đi xa. Mọi việc diễn quá nhanh. Đầu tháng 9, được tin Cao lâm trọng bệnh phải vào điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy, từ Quảng Ngãi, nhà thơ Thanh Thảo đã điện hối thúc tôi cố gắng làm kịp tập thơ cho Cao, đừng để phải hối hận như trường hợp nhà thơ Chim Trăng, đến khi mất vẫn chưa thể nhìn thấy tập thơ mà bạn bè định làm cho ông. Ở Hà Nội, các nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Thị Hồng gặp tôi cũng nhắc phải gấp gấp lên. Nhà thơ Nguyễn Hoa, Trưởng ban Hội viên Hội Nhà văn VN, nói Hội Nhà văn sẽ tài trợ ở mức cao nhất cho việc in tập thơ Đô Nam Cao. Bạn bè thân quen ai cũng biết Cao là một tài thơ độc đáo, thơ Cao rất nhiều, rất hay nhưng được công bố rất ít. Tuy vậy, tập hợp đầy đủ thơ Cao không dễ. Nhiều trường hợp, Cao ngẫu hứng, thơ chợt đến, anh chép tặng ngay bạn bè mà không hề lưu giữ bản thảo. Biết tôi đang làm tập thơ cho Cao, bạn bè đã gửi đến hơn 20 bài thơ như thế. Sau hơn 2 tháng, tập bản thảo “Đỗ Nam Cao – Thơ” vừa được tôi sơ bộ hoàn thành với non 150 bài thơ và trường ca “Hỡi cô cắt cỏ” thì từ TP.HCM, Vũ Ân Thi điện ra báo tin: Đỗ Nam Cao đã vĩnh viễn ra đi vào 10h45 ngày 8/11/2011. Thanh Thảo, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Thị Hồng trích giới thiệu ngay tập bản thảo trên các trang mạng Hội Nhà văn VN, Lê Thiếu Nhơn và Trần Nhương. Còn tôi thì bay vào TP.HCM đặt tập bản thảo in vi tính lên bàn thờ Cao ở 12B Nguyễn Thị Huỳnh, quỳ lạy bạn, mong bạn tha thứ cho sự chậm trễ bất khả khảng…
 
2
Cao và tôi cùng học khóa 12 khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng với Bế Kiến Quốc, Nguyễn Thị Kim Cúc, Vũ Ân Thi, Lê Quang Trang, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Hiếu, Vũ Dũng, Nguyễn Nguyên Bình, Trần Bảo Hưng, Nguyễn Hữu Hùng... Năm 1970, vừa tốt nghiệp chúng tôi cùng xung phong đi chiến trường và được đưa về khóa IV Trường Bồi dưỡng viết văn trẻ Hội Nhà văn VN, khóa đào tạo nhà văn nhà báo cho chiến trường miền Nam. Tháng 4/1971, chúng tôi chia tay nhau, Cao và Lê Quang Trang, Vũ Ân Thi, Trần Thị Thắng, Hà Phương, Phạm Quang Nghị, Phan Xuân Biên, Trần Đức Cường…đi chiến trường Nam Bộ còn tôi thì về Khu 5 với Nguyễn Trí Huân, Trần Vũ Mai, Nguyễn Khắc Phục, Ngô Thế Oanh, Đoàn Tử Diễn, Vũ Thị Hồng, Nguyễn Đức Hạt... Năm 1975, gặp nhau tại TP.HCM sau ngày đại thắng, Cao đã có tập thơ “Những cánh cò lửa” (Nhà xuất bản Văn nghệ Giải phóng), in chung với người bạn khóa IV Nguyễn Khắc Thuần. Đọc tập thơ, tôi biết trong 4 năm ở chiến trường Nam Bộ, Cao đã đến Đồng Tháp Mười, rồi về trụ bám khá lâu ở vùng chiến sự ác liệt nhất, vùng ven Sài Gòn với những địa danh nổi tiếng: Lộc Ninh, Bến Cát, Trảng Bàng, Củ Chi…Hơn 20 bài thơ của Cao trong tập như các ký sự thơ về những cảnh sắc, những con người, những khoảng khắc không thể nào quên mà anh đã gặp trong những năm tháng sống và chiến đấu ở đây: “Qua sông Sài Gòn”, “Đêm trảng cỏ”, ‘Màu xanh vùng ven”, “Cô gái thợ cày, “Tiếng xay lúa trong đêm”, “Ớt Trảng Bàng”, “Gặp người bắn “cá rô” ở Củ Chi”, “Đêm đột ấp”, “Những chiếc lá và cái tổ chim”, “Trăng địa hình”, “Hương sầu riêng”, “Con sinh ở rừng”, “Những căn hầm bí mật”…Thơ Cao đã ghi lại được nhiều nét bình dị và kỳ vĩ của chiến tranh nhân dân ở Nam Bộ và rực cháy ngọn lửa của lý tưởng cách mạng. “Những cánh cò lửa”, bài thơ hay nhất trong tập thơ, phần nào nói lên điều ấy: “Ô! Con cò, con cò bay/Con cò mà bỗng mê say lạ lùng/Xa trông như đốm lửa bùng/Cánh con cò cháy rực vùng trời cao…/Xuồng đi mây ửng ngọn sào/Tôi mang đôi cánh lửa vào tiền phương”.
Cùng với “Những cánh cò lửa”, Cao giới thiệu với tôi bạn gái của anh, Trần Thu Hồng. Gặp người con gái xứ Quảng tuổi 20 nhỏ nhắn, xinh đẹp và sắc sảo này, tôi không ngờ chị từng là biệt động thành Đà Nẵng, tù binh nhiều năm trời ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo. Cao gặp Hồng mùa xuân năm 1973 tại Lộc Ninh trong chuyến anh đi viết về những tù binh Côn Đảo vừa được trao trả tại đây. Hồng là nhân vật của Cao và một tình yêu đẹp đã nảy sinh giữa họ, một mối tình sẽ tạo nên hạnh phúc lớn cùng bất hạnh khủng khiếp trong cuộc đời Cao…   
3
Mãi đến 25 năm sau “Những cánh cò lửa”, Đỗ Nam Cao mới cho in tập thơ riêng đầu tiên của mình, tập thơ “Dính” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2000). Một phần tư thế kỷ cho một tập thơ 48 bài. Quá ít. Nhưng lại…quá hay. “Dính” là cuộc trò chuyện của Đỗ Nam Cao với chính mình về “chuyện đời như lửa chuyện mình như sương”, về nỗi ân hận “Ta quên mình đã có một thời/Đã đốt hết một thời lên thành lửa/Trong xác lá phủ dầy ai biết nữa/Hương tro còn ngần ngận ở đâu đâu”, về một thời đây biến động, đảo lộn“Cái thời mình như xiếc leo dây/Thăng bằng là tột cùng bản lĩnh/Trọng tâm rơi di động khôn lường/Khôn hồn thì đừng rơi lộn xuống”, cái thời của những “Linh cảm không tốt lành/Mùa thu này khó nhận biết/Nắng gió khác đi/Các cô gái khác đi”, cái thời mà mỗi buổi sáng thức dậy đã nghe “Báo đây báo đây như hát/Những hung tin” và “Chuyện người vời vợi lẫn với chuyện ma”. “Dính” trĩu nặng cô đơn, buồn đau, tan vỡ, tuyệt vọng nhưng cũng thăm thẳm tình yêu, hy vọng, là một chuỗi liên tục những “tắt ngấm” và “bừng sáng”, tiếng thét và sự câm lặng “Bất chợt hét toáng lên/Bất chợt ngồi lẳng lặng/Cuộc cãi lộn với chính mình dai dẳng/Như lửa thiêu như rượu đốt chính mình”. Đây là tập thơ của một tâm hồn trong trẻo nhân hậu, vô cùng nhạy cảm với những cái đẹp của thiên nhiên, con người, cuộc đời, nhất là những cái đẹp nhỏ nhoi bình dị, mong manh, dễ tan biến, dễ bị chà đạp, dễ bị khuất lẩp quên lãng với những lời thơ lung linh hư ảo run rẩy vụt sáng lên từ tiềm thức, trực giác của một tài thơ độc đáo bất ngờ.
Cần phải nói rằng hầu hết những bài thơ trong “Dính” ra đời trong những tháng năm Đỗ Nam Cao chìm ngập trong sự đỗ vỡ của tình yêu và bi kịch gia đình. Từ một cán bộ tổ chức Đảng của quận I, Trần Thu Hồng chuyển về Công ty Lương thực TP.HCM, nắm giữ vị trí quan trọng trong doanh nghiệp nhà nước được coi là điển hình của thời kỳ đầu đổi mới, trở thành một doanh nhân xuất nhập khẩu nổi tiếng, được khắp nơi săn đón chào mời. Tuy vậy khi doanh nghiệp này lâm vào khó khăn, đứng trước nguy cơ sụp đổ, như một con tốt thí, Trần Thu Hồng bị quy nhiều trọng tội, bị bắt giam. Cơn chấn động tinh thần quá sức chịu đựng khiến chị chìm sâu vào căn bệnh tâm thần phân liệt. Vụ án Trần Thu Hồng kéo dài hơn 10 năm trời và trong khoảng thời gian dằng dặc này, Đỗ Nam Cao đã luôn theo khắp các bệnh viện trại giam trong nam ngoài bắc để chăm sóc vợ. Luật sư Phan Trung Hoài, người nhận bảo vệ quyền lợi cho Hồng trong vụ án, kể rằng khi chứng kiến Đỗ Nam Cao để một bên những day dứt và điều tiếng thị phi xung quanh vụ án, kiên trì theo sát “chữa bệnh” cho vợ bằng tình yêu thương không bến không bờ, ông thực sự bất ngờ vì không hình dung nổi một người vốn dĩ vẩn vơ với thơ thẩn như anh lại có một ý chí, sức mạnh khủng khiếp để đương đầu với nỗi thống khổ kéo dài đến thế. Sau hơn 10 năm, Trần Thu Hồng được pháp luật minh oan, được trả lại mọi quyền lợi chính đáng nhưng tình yêu của Đỗ Nam Cao mới giúp chị nghị lực sống để vượt qua kiếp nạn lớn của cuộc đời. Trong “Dính”, Đô Nam Cao đã hơn một lần nói đến “Cái nùi rơm ngun ngút lửa thâu đêm”. Cái “nùi rơm” ấy chính là tình yêu thầm lặng, khoan dung, bền bỉ như một thứ xạ hương đã giúp Đỗ Nam Cao tỏa sáng trong đời và tỏa sáng trong thơ...
4.
Trong “Dính”, Đỗ Nam Cao đã bắt đầu nói đến một sự trở về “Thơ tôi đã từng hứng khởi/Đã từng hát khúc hùng ca/Tôi bay lướt đỉnh hào khí/Trường Sơn ngút ngàn mù xa/Để rồi từ từ đáp hạ/Đậu trên đỉnh mái nhà ta/Quê hương ôi rơm với rạ/Mẹ cha vách bùn cột tre”. Trong những tháng ngày tuyệt vọng nhất của cuộc đời, Cao đã tìm thấy niềm an ủi, sự bình tâm trong hình ảnh con cò của làng quê “Thương cò cò đứng một chân/ Đứng một chân cò mỏi gân không cò/Thương mưa dáng bước lò dò/Thương nắng nứt ruộng cò hò khàn hơi/Đẹp như mộng ở lưng trời/Cò bay rát rạt mặt người ngửa lên”, trong mùi ngô nướng thơm lừng trên những hè phố Hà Nội “Ô ngô lên thắm bãi bồi/Người ơi nhớ nhé mai rồi bẻ ngô/Để thơm hè phố xửa xưa/Lửa than hồng quạt vào mưa lạ lùng”, trước lũy tre làng trầm tĩnh và vững chãi “Nhìn vào bờ tre tĩnh lặng/Bình tâm giông bão đời mình/…Những tưởng thôi về thăm khổ/ Giờ đi lòng bớt nguy nan”…Và sau “Dính”, thơ Đỗ Nam Cao là cuộc trở về trọn vẹn với làng quê Việt, với truyền thống nhân văn, văn hóa Việt ngàn năm, một cuộc trở về thật hào hứng, say đắm “Áo xanh áo đỏ cào cào/Bay trong hương lúa giã chào làng quê/Nhà cao phố rộng tôi về/Thương con săn sắt ngủ mê giếng chùa”, mà cũng thật trân trọng, thiêng liêng “Làng ơi/Cúi lạy thành hoàng/Cho con được phép khẽ khàng vào quê”. Và anh liên tiếp có những “Về”, “Ở làng Đại Phùng”, “Ngõ nhà em”, “Cốm”, “Thăng Long”, “Ngồi bên sông Hồng”, “Yên Tử”, “Chiều Hồng Hạc”, “Quan họ phố”…rồi trường ca “Hỡi cô cắt cỏ”.
Từ năm 2002 đến 2010, năm nào vào mùa xuân Đỗ Nam Cao cũng từ TP.HCM ra Bắc, miệt mài rong ruổi khắp các lễ hội xứ Đoài, Sơn Nam Thượng, Kinh Bắc, Đền Hùng…Khi ở với tôi tại tòa soạn tạp chí Văn hiến VN ở phố Chân Cầm, Hà Nội, Cao thường nói với tôi chuyện anh phát hiện ra một cô cắt cỏ được thờ bên Thánh Tản ở đền Dội và truyền thuyết về cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa Thánh Tản và cô cắt cỏ anh nghe được tại đền Và. Cao cũng nhiều lần giục tôi cùng đến thăm đền Chử Đồng Tử ở Hưng Yên và bãi Tự Nhiên giữa sông Hồng thuộc địa phận Thường Tín, Hà Tây cũ. Với ai đó, những truyền thuyết về Thánh Tản với cô cắt cỏ và mối tình Chủ Đồng Tử - Tiên Dung giữa bãi sông Hồng có lẽ đã rất cũ. Nhưng với Đỗ Nam Cao, khi đắm mình vào không gian văn hóa cội nguồn dân tộc, anh đã cảm nhận được ở chúng nhiều điều mới mẻ. Và những truyền thuyết này đã trở thành “âm hình chủ đạo” cho trường ca “Hỡi cô cắt cỏ” của Đỗ Nam Cao, một tác phẩm thơ “không thể hay hơn” như nhận xét đầy hạnh phúc của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha.
Quả thật, khó có thể viết hay hơn những dòng thơ Đỗ Nam Cao viết về mối tình Chử Đồng Tử - Tiên Dung: “Thì thôi về bãi Tự Nhiên/Để em tắm để thánh hiền lòi ra/Con vua cũng thể đàn bà/Dẫu chàng đánh dậm vưỡn là đàn ông/Ôi Tiên Dung hỡi Tiên Dung/Giọt phù sa mẹ sông Hồng đẻ đau…/Sông dài bãi rộng trời cao/Màn anh đã mắc em vào động tiên” hay những dòng thơ về cô cắt cỏ: “Tứ thời cái áo tứ thân/Hỡi cô cắt cỏ của thần Tản Viên/Còn riêng cái yếm hoa hiên/Thì quên đi nhé bạc tiền quên đi…/Cười lên trăng đã hoa nhài/Yếm em nõn thế lược cài vào đâu”. Cũng khó có thể viết hay hơn Đỗ Nam Cao về tiếng chày giã gạo ban đêm: “Tiếng chầy thình thịch đêm đêm/Tiếng kêu con vạc kêu mềm bờ ao…/Chợt nghe như tiếng thở dài/Cối khuya ngừng giã gạo ai trắng rồi”, về nhịp đu bay bổng của hội làng mùa xuân: “Hội xuân trống động mái đình/Chân đu đã nhún đã tình lả lơi/Vút lên chóng cả mặt trời/Cho bay đi hết chuyện đời đảo điên/Bay đi cái túi không tiền/Vuông khăn dải yếm chiếc liềm bay đi” hay về sự hoan hỉ ngả nghiêng kỳ lạ của hội Giã La: “Hội giã La hãy mau mau/Mau chân kẻo chậm/Mau tay/Tay ải tay ai/Tay nắm cổ tay/Tay lần giải yếm/Cởi ra hội hè/Nhè nhẹ thôi/Nhẹ/Ngực e ấp ngực/Rất mực thần tiên/Đuốc đèn chợt sáng bừng lên/Trai hoan hỉ gái ngả nghiêng/Rõ hiền”.
Luật sư Phan Trung Hoài cảm nhận “Hơi cô cắt cỏ” là bản trường ca ẩn mình trong những câu đồng dao tuổi ấu thơ ngân nga ngoài cánh đồng.
Đúng là “Hỡi cô cắt cỏ” nhiều khi như những khúc đồng dao ngộ nghĩnh tươi vui của con trẻ: “Thôi sao được/Anh đánh cược/Chiếc lược sừng trâu/Một xâu lá bưởi/Một chuỗi hạt cườm/…Một keo đánh vật/Nếu anh thua thật/Anh mất yếm đào/Yếm xanh yếm trắng yếm nào/Một đàn cào cào/Một ao củ ấu/Một đấu tám xoan/Một rằng ngoan hai rằng ngoan/Đòng đong cân cấn khoan khoan mại cờ” nhưng cuối cùng lại là những lời ru đau đáu nỗi niềm của người mẹ: “À ơi ơi hỡi à/Thằng cuội ngồi gốc cây đa/Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời/Sao không gọi mẹ cuội ơi/Sao không gọi cái yếm sồi xửa xưa/Mẹ còn ăn bát riêu cua/Thì thừa sữa lạ nuôi vua mọi thời”…
 
Từ trái qua các nhà văn: Trung Trung Đình, Nguyễn Hoàng Thu,
Đỗ Nam Cao, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Văn Đệ và Hữu Kim
5
Lưu Trọng Văn kể với tôi rằng khi bệnh viện Chợ Rẫy trả Đỗ Nam Cao về nhà, ở 12B Nguyễn Thị Hùỳnh, Phú Nhuận, TP.HCM, Văn đến thăm thấy Cao đã rất yếu, nói rất khó khăn. Biết trong Cao lúc nào cũng đầy ắp thơ, muốn Cao vui, Văn hỏi Cao có thơ mới không, đọc cho nghe, Cao nhoẻn cười và gắng sức đọc: “Có không trong cõi vĩnh hằng/Có cô cắt cỏ với trăng lưỡi liềm/Có không trong cõi thần tiên/Rượu ngon lại uống bạn hiền lại chơi/Chỉ còn sờ sợ chút thôi/Có thơ không để tôi rơi xuống trần”. Văn rùng mình nhận ra đây là những lời cuối cùng Cao dành cho thơ và bè bạn nên ghi lại ngay. Khi nghe Lưu Trọng Văn đọc lại bài thơ này tại một khách sạn ở TP.HCM 3 ngày sau khi Cao mất, cả Lê Quân, Nguyễn Thụy Kha, Lê Xuân Đố và tôi đều bật khóc. Đỗ Nam Cao là vậy, trọn đời Cao đã sống vói “cô cắt cỏ với trăng lưỡi liềm” với thơ với bạn và trước lúc đĩ xa, điều “sờ sợ” duy nhất của Cao vẫn là rồi có thể sẽ không còn trăng lưỡi liềm, cô cắt cỏ, không còn bạn, còn thơ. Lê Quân nói rằng suốt mấy ngày nay anh không thể làm được bất cứ việc gì, trái tim anh như bị ai thò tay vào vò nát. Người nghệ sĩ đa tài, cựu chiến binh chống Mỹ, ông chủ của một doanh nghiệp sơn nổi tiếng, một kênh truyền hình và hai tờ báo nghệ thuật với 7000 nhân viên, con người được coi là rắn như thép này mỗi khi nhắc đến Cao đều rưng rưng nước mắt. Với Lê Quân, tuy mới chơi với Cao gần 3 năm nay, nhưng Cao là một người bạn không thể có lần thứ hai trong đời, một người bạn trong như ánh sáng. Tôi chợt nhớ những câu thơ Cao: “Ừ như thế có lần tôi thầm nhắc/Ôi bạn bè sao gió cũng lưa thưa/…Ừ như thế có lần tôi bật khóc/Bạn bè ơi bạn bè ở đâu đâu/Ở đâu đâu tìm nhau về tí với”. Cao ơi! Bạn bè đã nghe được tiếng gọi của Cao và đã tìm về cùng Cao. Một con người khát bạn như Cao, khát thơ như Cao thì dù ở cõi tạm hay cõi vĩnh hằng cũng sẽ có đủ bạn và thơ. Ở cõi bên kía, những người anh, những bạn thơ thân thiết của Cao, các anh Văn Cao, Hữu Loan, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Trần Vũ Mai sẽ rất vui mừng khi được đón Cao. Ở cõi bên này, dù Thanh Thảo quả quyết thơ Cao sẽ còn ở lại rất lâu, nhưng bạn bè vẫn không tin Cao đã mãi mãi đi xa, bới như Nguyễn Thị Hồng: “Không thể nào/Có ngày/Thăng Long/Biền biệt/Bạn!...”. Tôi lại thấy, như lời hẹn, mùa đông này, Cao lại ra Hà Nội để đưa tôi về làng Lịm của anh, về quê hương Lê Quân bên dòng sông Luộc và trở lại đền Hùng. Cao vẫn nói anh còn nợ những nơi này, mỗi nơi một bản trường ca. Vâng, Cao đã trở về cùng tôi, cùng bạn bè với với nụ cười như khóc và câu nói cửa miệng quen thuộc, đặc sản Đỗ Nam Cao: “Thương mến lắm”, “khổ lắm”…
Nguyễn Thế Khoa
            
(ĐT: 0904 218 951)
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: