Lễ Hội Lục Bát do website Lục Bát Việt Nam khởi xướng, vận động và trực tiếp tham gia tổ chức; được diễn ra thường niên, vào đúng ngày - tháng “Lục Bát” - mùng Sáu tháng Tám âm lịch hàng năm, tại Thủ đô Hà Nội.
Chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về Lễ hội Lục Bát, để các tác giả và người yêu thơ hiểu thêm về về một sự kiện văn hóa độc đáo, mang tính truyền thống và tâm linh đặc sắc; có tầm cỡ quốc gia, đang được báo giới và dư luận cả nước quan tâm...
Tâm điểm của Lễ hội Lục Bát là nghi thức Rước Thơ, Dâng hương
và Phát lộc Thơ Lục Bát do các Cao tăng chủ trì...
Lễ hội Lục Bát nhằm mục đích gì?
Với sự khởi xướng của website lucbat.com, nhiều cơ quan Văn hóa - Báo chí của Thủ đô Hà Nội và các văn nghệ sĩ, trí thức, đã phối hợp, đồng tổ chức Lễ hội Lục Bát Kỷ Sửu – 2009, Lễ hội Lục Bát Canh Dần – 2010; Lễ hội Lục Bát Tân Mão - 2011; Lễ hội Lục Bát Nhâm Thìn – 2012 và Lễ hội Lục Bát Quý Tỵ - 2013. Đó thật sự là những Lễ hội Văn hóa độc đáo, đặc sắc, mang tầm cỡ Quốc gia, với sự tham gia của hàng ngàn nhà thơ, các tác giả Lục Bát và người yêu thơ; đặc biệt, Lễ hội còn có sự tham gia của nhiều vị Cao tăng Phật giáo, đội Nữ tế, đội Nam tế, Phường Bát âm, nhiều Nghệ sĩ dân gian nổi tiếng của Việt Nam… Tất cả đều mặc trang phục dân tộc truyền thống.
Một trong những chương trình đặc sắc “tâm điểm” của Lễ hội Lục Bát là: Đại diện Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh trống khai hội; Lễ Dâng hương và rước Thơ Lục Bát, Chủ lễ (hoặc một Nghệ sĩ uy tín) sẽ đọc “Chúc văn” cầu cho Quốc thái dân an”, Lễ Phát lộc ấn phẩm “Lộc Phát” của các Cao tăng; Ngoài ra, Lễ Hội còn thu hút khách tham quan và báo giới bởi sự độc đáo của phần trình diễn, sắp đặt “Lục Bát Quán” với các di sản hồn quê, dân dã đặc sắc. Đặc biệt, các thiếu nữ, người mẫu xinh đẹp, xuất hiện trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội, trong trang phục dân tộc rực rỡ, đeo băng đỏ, mời quan khách lưu niệm và ủng hộ chữ ký để tôn vinh Thơ Lục Bát là “Quốc thi” và “Lục Bát là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” – Đó cũng là những mục đích cao cả, nhân văn, mà không phải Lễ hội nào cũng có được.
Sự ủng hộ của báo giới và đồng thuận cao của dư luận Người yêu thơ
Nhờ có nhiều chương trình hoạt động phong phú, mang tính văn hóa, vừa mới lạ, độc đáo, vừa thiêng liêng và nhân văn, nên Lễ Hội Lục Bát luôn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các phóng viên báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tấn; ngoài ra, nội dung và hình ảnh của Lễ hội còn được các trang thông tin điện tử, các Blog… chuyển tải rất nhanh và rộng khắp trên mạng internet…
Bởi thế, Lễ hội Lục Bát không chỉ là tâm điểm của báo giới, dư luận và công chúng yêu thơ trong nước, mà còn có cả du khách quốc tế, trong những ngày đầu tháng 8 âm lịch hàng năm.
Chúng tôi cho rằng: Lễ Hội Lục Bát là một hoạt động văn hóa cộng đồng lành mạnh, mang tính xây dựng và nhân văn cao đẹp, một việc làm thiết thực góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
ĐÀI TRUYỀN HÌNH THÔNG TẤN LÀM CHƯƠNG TRÌNH ỦNG HỘ “THƠ LỤC BÁT LÀ QUỐC THƠ VÀ DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ” (24/02/2011)
Sau nhiều lần tổ chức thành công Lễ hội Lục bát, tạo sự đồng thuận cao của báo giới và dư luận; đặc biệt gần đây Website Lucbat.com lại gây bất ngờ với sự xuất hiện độc đáo của “Lục bát Quán” tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ IX - Tân Mão, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Trong 2 ngày 23/02 và 24/02/2011, Đài truyền hình Thông tấn phối hợp với Báo Thể thao & Văn hóa đã cử PV và ekip truyền hình 'Rada Văn hóa', thực hiện một chương trình trò chuyện đặc biệt, về chủ đề 'Thơ Lục Bát là 'Quốc thơ' và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại'.
Kịch bản: Huy Thông - Đỗ Doãn Phương;
Biên tập: Huy Thông – Yên Khương;
Thực hiện: Trung tâm Kỹ thuật Truyền hình Thông tấn;
Kỹ thuật dựng: Yên Khương – Phạm Thắng;
Thời lượng phát sóng: 30 phút.
Nhà thơ Đặng Vương Hưng và Nhà phê bình Văn học- TS Chu Văn Sơn được làm khách mời tọa đàm, ghi hình tại trường quay của Đài Truyền hình Thông tấn - 79 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Nhóm Phóng viên Truyền hình thông tấn còn thực hiện phóng sự, phỏng vấn, ghi hình xung quanh sự kiện ủng hộ “Thơ Lục bát là Quốc thơ và Di sản văn hoá phi vật thể” tại Lục Bát Quán - 6/40 Võ Thị Sáu - Hà Nội.
Trò chuyện xung quanh sự kiện này có nhiều cây bút uy tín đã thành danh bởi Thơ Lục Bát: Nhà thơ- PGS-TS Phạm Công Trứ, Nhà thơ Lê Đình Cánh, Nhà thơ Nguyễn Thị Mai, Nhà thơ Đỗ Huy Chí... Mỗi người một ý kiến, góc nhìn khác nhau, đã cùng phát biểu về nguồn gốc, quá trình hình thành và biến đổi của Thơ lục bát, nêu lên ý nghĩa của Thơ lục bát trong đời sống văn hoá đương đại. Làm cách nào để tôn vinh Thơ Lục bát là Quốc thơ và Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại? Cần có chuyển động, lộ trình như thế nào để Thơ lục bát “ở trên bàn Unesco” trong thời gian sớm nhất?
Chương trình 'Để Thơ Lục Bát là Quốc Thơ', đã được phát sóng trên kênh Truyền hình Thông tấn, Kênh K+ và My TV... vào lúc 18h30 ngày thứ sáu, 25/02/2011 và phát lại nhiều lần (lúc 7h00 và 11h30 cùng ngày 26/2/2011; lúc 15h15 ngày 01/3/2011). Sau đó, quý vị và các bạn cũng có thể xem lại chương trình nói trên qua máy tính nối mạng, khi truy cập vào mục Trò chuyện - Truyền hình Thể thao Văn hóa của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - Thông tấn xã Việt Nam.
***
MC Yên Khương, Nhà phê bình Chu Văn Sơn và Nhà thơ Đặng Vương Hưng
sau buổi ghi hình cuộc tọa dàm tại trường quay Đài truyền hình Thông tấn.
Nhà thơ, PGS – TS Phạm Công Trứ phát biểu khẳng định
Thơ Lục bát xứng đáng là Quốc thơ và Di sản văn hoá phi vật thể
Nhà thơ Lê Đình Cánh khẳng định:
Thơ lục bát là tinh hoa văn hoá của Việt Nam
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai: cần có lộ trình
để đưa Thơ lục bát ra với bạn bè quốc tế
Nhà thơ Lê Đình Cánh và Phạm Công Trứ đang ký tên
Ủng hộ Thơ lục bát là Quốc thơ và Di sản văn hoá phi vật thể
Nhà thơ Đặng Vương Hưng, nhà thơ Nguyễn Thị Mai,
Nhà thơ Lê Đình Cánh, PGS – TS Phạm Công Trứ
Một số thành viên tham gia chương trình Truyền hình Thông tấn,
chiều 24/2/2011 (từ trái qua): Lãng Tử Đạt Ma, Chử Thu Hằng,
Bích Thuỷ, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Thị Mai, Phạm Công Trứ,
Đặng Vương Hưng, Lê Đình Cánh và Đỗ Huy Chí.
Bài và ảnh: Lãng Tử Đạt Ma