Sáng mùng 5 tháng 8 Âm lịch, (12-9-2010) Lễ hội Lục Bát Canh Dần mang tên Ngàn năm hồn Việt đã diễn ra tưng bừng. Hàng ngàn tác giả và người yêu thơ khắp mọi miền đất nước về tham dự, nhiều người ăn mặc trang phục dân tộc: khăn xếp áo the, áo tứ thân đến hội. Dãy quán Lục bát mang đậm hồn quê được phục dựng với cối xay, thúng tấm, thúng cám…
Lần đầu tiên, Lễ hội đã trịnh trọng công bố và âm vang bài Chúc văn (văn tế thiên địa, tổ tiên) do Lucbat.com phụng soạn...
Lễ hội Lục bát khẳng định tầm quan trọng và sức sống mãnh liệt của thơ Lục bát trong dòng chảy văn hoá Việt
Đây là hoạt động hướng đến chào mừng Đại lễ 1.000 Thăng Long- Hà Nội do Website lucbat.com khởi xướng và phối hợp tổ chức cùng Báo Người cao tuổi, Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội, Câu lạc bộ Thơ Việt
Lễ hội đã diễn ra nhiều hoạt động phong phú như: Dâng hương và phát lộc thơ lục bát. Lần đầu tiên đọc Chúc văn thơ lục bát gồm 9 khổ, 68 câu trước hàng ngàn tín đồ lục bát. Trưng bày cuốn thư pháp độc bản “Tinh hoa lục bát” của nhà thư pháp Đậu Phi Hùng.. Góc Thư họa Thơ của dị nhân Văn Thùy và trưng bày sách đóng góp cho các thư viện vùng xa. Đặc biệt tại Lễ hội, người yêu thơ còn được thưởng thức những bài thơ lục bát thông qua một số làn điệu dân ca và sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống…
Độc đáo và ấn tượng là Quán Lục bát của nhà sưu tầm giới thiệu văn hóa và cổ vật Trần Thế Kôi sắp đặt đã trưng bày những sản vật dân dã các vùng miền, người yêu thơ được thưởng thức bánh đa, kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dừa Bến Tre, ăn ngô luộc, uống nước chè xanh… bên những cô nàng áo mớ bảy mớ ba tươi rói màu lễ hội… với không gian tre trúc, hoa cỏ, rơm vàng, cối đá, thóc gạo đậm nét hồn Việt... Bên cạnh đó, Lễ hội Lục bát năm nay còn tổ chức 68 chiếu thơ để giao lưu giữa các tác giả, người yêu thơ lục bát, đồng thời tổ chức thi sáng tác thơ lục bát tứ tuyệt… tạo lên một sân chơi bổ ích cho công chúng yêu thơ trong cả nước.
Lễ Hội Lục bát được tổ chức hàng năm như một ý thức về cội nguồn
Lục bát là một thể thơ truyền thống của dân tộc ta, được nhiều người xem như là “hồn vía” văn hóa Việt, là “cội nguồn” của thi ca Việt Nam. Đó là một trong những thể thơ đã có từ hàng ngàn năm, tồn tại và phát triển thông qua lời ăn, tiếng nói của ông bà ta xưa truyền lại cho con cháu, qua tục ngữ, ca dao và qua các làn điệu dân ca ở khắp mọi miền đất nước.
Có thể nói: Ở đâu có lục bát là ở đó có văn hóa Việt
Theo nhà thơ Đặng Vương Hưng, Chủ nhiệm của lucbat.com, thì Lễ hội lục bát “Ngàn năm hồn Việt” sẽ không chỉ có tính thời sự nhân kỷ niệm Đại lễ Ngàn năm Thăng Long – Hà Nội. Website lucbat.com và cộng sự đã cố gắng vận động tổ chức Lễ hội lục bát như một cách xây dựng thương hiệu. Một thương hiệu thơ và văn hóa rất xứng đáng được tôn vinh, được thường xuyên duy trì, bảo tồn xây dựng và phát triển mãi mãi, khẳng định tầm quan trọng không thể thiếu, không thể mai một, không thể mất của thể thơ lục bát vốn được coi là hồn thiêng, là tinh tuý của dân tộc.
Và Lễ Hội Lục bát sẽ được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng 8 âm lịch hàng năm như một nét đẹp văn hóa tâm linh hướng về cội nguồn, về bản sắc và sự kế thừa văn hoá truyền thống cha ông.
Bài, ảnh:
Thu Hằng - Thiên Kiều – Đạt Ma - Thục Anh
CHÙM ẢNH TƯNG BỪNG LỄ HỘI CỦA PV LỤC BÁT
Đọc Chúc văn Lễ Dâng hương Thơ lục bát
Thượng tọa Thích Chân Quang, TBT Kim Quốc Hoa, Nhà thơ Đặng Vương Hưng
Tiếp nhận Lộc Thơ từ Đội nữ tế Thủ đô rước từ nhà thờ tổ Vân Hồ
Nhà thơ Vũ Mão đọc thơ tại lễ hội
Đông đảo người yêu thơ “bao vây” lễ hội lục bát
Ký tên ủng hộ lục bát là 'Quốc thơ'
Một tiết mục văn nghệ trong lễ hội
Phỏng vấn người yêu thơ bên Chiếu thơ 6 và 8
______________
Mời xem Truyền hình VCT2 về Lễ hội Lục Bát Canh Dần
Mời xem thêm ảnh Lễ hội lục bát trên các đường dẫn:
http://www.trannhuong.com ; http://blogtiengviet.net Lưu Quốc Hòa
CẦN SƯU TẦM CLIP, ẢNH TƯ LIỆU VỀ LỄ HỘI LỤC BÁT
Kính mời các tác giả và người yêu thơ có clip, ảnh đẹp về Lễ hội Lục Bát Canh Dần, hãy gửi cho chúng tôi theo địa chỉ email: lucbat.com@gmail.com. (Lục bát sẽ ghi rõ nguồn sử dụng).
Trân trọng cảm ơn!