Thứ năm, 16/05/2024,


Thạch Quỳ - Thơ miền Trung trong tiến trình phát triển của thơ ca dân tộc (12/10/2011) 
Thơ Miền Trung là cây đàn muôn điệu đa thanh, đa nghĩa, đa dạng, đa ý, đa tình, ghét thói xấu như đổ đi, nhưng trân trọng các giá trị nhân văn, nhân bản, nhân tình, nhân tính. Thơ miền Trung là thơ của tài năng, của Nghệ thuật. Trải các thời, thơ miền Trung là bộ phận ưu tú với nhiều bài thơ hay, nhiều nhà thơ lớn, có vị trí quan trọng nhất trong nền thơ chung của dân tộc… (nhà thơ Thạch Quỳ)
 
Miền Trung, dải đất xương xẩu chật hẹp mọc đầy những loài cây lá kim tiết kiệm nước, vi vu trong gió, mộng mơ núi phía Tây, mơ mộng biển phía Đông, nghìn đời nay vẫn là mảnh đất của thơ. Thơ của lao động, của súng gươm, của tư duy và ngẫm nghĩ. Thơ trần trụi đánh vật với hiện thực cam go của đời sống, thơ bay bổng lãng mạn ước mơ. Thơ đi guốc vào tâm địa người, vào nhân tình thế thái. Thơ cất cánh bay lên đến tận cõi Phật, cõi Thiền, cõi trống không, chân khồng, cõi tâm linh, vũ trụ. Con người có cảm quan, cảm giác, cảm xúc, cảm nghĩ, cảm nhận, cảm hứng thế nào thì thơ thế ấy. Thơ Miền Trung là cây đàn muôn điệu đa thanh, đa nghĩa, đa dạng, đa ý, đa tình, ghét thói xấu như đổ đi, nhưng trân trọng các giá trị nhân văn, nhân bản, nhân tình, nhân tính. Thơ miền Trung là thơ của tài năng, của Nghệ thuật. Trải các thời, thơ miền Trung là bộ phận ưu tú với nhiều bài thơ hay, nhiều nhà thơ lớn, có vị trí quan trọng nhất trong nền thơ chung của dân tộc.
Thưa các bạn!
Nếu chúng ta xem lịch sử thơ Việt Nam như một quá trình liên tục thì ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, mỗi trào lưu, thơ miền Trung đều có vị trí xứng đáng của nó, hoặc nó mở đầu, hoặc nó khẳng định cho giá trị thơ ở thời kỳ đó, giai đoạn đó, trào lưu đó, Có thể nói: Quá trình thơ Việt Nam viết bằng chữ Hán thì đỉnh cao chất lượng kết tinh ở thơ chữ Hán Nguyễn Du. Quá trình phát triển thơ viết bằng chữ Nôm, đỉnh cao của nó như nhà thơ Xuân Diệu đã khẳng đinh “ Hồ Xuân Hương- Bà chúa thơ Nôm”. Từ Tú Xương, Nguyễn Khuyến chuyển qua thời thơ mới, sáng tác trong đêm giao thừa mới cũ ấy là thi sĩ Tản đà đất Bắc, cộng thêm sự nỗ lực của nhà thơ Thế Lữ. Tuy nhiên, để khẳng định thành công của giai đoạn thơ mới 1930- 1945, phải kể tên các thi sĩ của đất miền Trung: Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận… và nhiều nhà thơ tài danh khác.
Cách mạng tháng Tám 1945 nỗ ra, lịch sử Việt Nam chuyển giai đoạn, thơ Việt Nam chuyển sang thời kì mới. Đây là giai đoạn khó khăn nhất cho các nhà thơ trong bước chuyển đổi quan niệm về văn học nghệ thuật. Đường lối văn học nghệ thuật của Đảng Cộng Sản Việt Nam khẳng định: Xây dựng nền văn học nghệ thuật Việt Nam phục vụ Cách Mạng, phục vụ kháng chiến, phục vụ công nông binh. Chúng ta hiểu đó là nền VHNT phục vụ chính trị. Với quan niệm đó, không ít các nhà văn nhà thơ tuy có tấm lòng yêu nước, yêu chế độ, có nhiệt tình Cách mạng nhưng không tránh khỏi sự lúng túng của ngòi bút trước các vấn đề mới của VHNT. Có nhà thơ mất mười năm, 20 năm làm thơ thí nghiệm, tập tễnh dò đường cho ngòi bút sáng tạo của mình, thậm chí có nhà thơ im lặng, hoàn toàn tắt tiếng. Trước tình hình đó, thơ Việt Nam lại quay nhìn về mảnh đất miền Trung với sự hy vọng vào sự xuất hiện của các tác giả văn học mới. Sự hy vọng đó đã được các nhà thơ miền Trung đáp ứng lại một cách xuất sắc. Sự xuất hiện Trần Mai Ninh, Thôi Hữu, Hồng Nguyên, Hữu Loan, sau đó là Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Xuân Hoàng, Hoàng Trung Thông và nhiều tác giả khá đã góp phần làm nên diện mạo của một thời kì văn học mới. Đặc điểm của thơ thời kì này là thơ phải vượt qua những cảm xúc về nỗi buồn thương ủy mị riêng tư của thơ lãng mạn thời 1930- 1945 để đến với những tình cảm Cách mạng, tình cảm cộng đồng, tình cảm công nông binh, mang tính Đảng, tính giai cấp với dòng thơ giản dị,mạnh khỏe, gần giũ với quần chúng để động viên nhân dân, bộ đội vượt qua gian khó hoàn thành nhiệm vụ trước mắt là phục vụ cuộc kháng chiến. Thơ thời kì này đi vào ý chí và tâm hồn dân tộc, lạc quan và hy vọng ở thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến đấu. Nhiều bài thơ xuất sắc viết theo quan niệm văn học phục vụ Cách mạng đã ra đời: “Nhớ” của Hồng Nguyên, “Màu tím Hoa sim” của Hữu Loan, “Thăm lúa” của Trần Hữu Thung, “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ, “Bộ đội về làng” của Hoàng Trung Thông, “Đồng chí”của Chính Hữu và nhiều bài thơ của các tác giả khác. Ở thời kì này chúng ta nhìn thấy những chất liệu mới, giọng nói mới, nhịp điệu mới gần gũi với cuộc sống đã vang lên rất mạnh mẽ ở trong thơ. Những “ Sắt đường tàu” “ Mùn rơm”, “ Lựu đan”, “ Xắc mây”, “ Cơm nếp”, “ Ngô bung”, “ Sắn nướng”… lần lượt xuất hiện như những tín hiệu báo hiệu một diện mạo mới, một quan điểm mới trong thơ. Chúng ta có thể tự hào để tuyên dương bài thơ xuất sắc nhất mở đầu cho thời kì kháng chiến chống Pháp xuất hiện ở dải đất miêng Trụng. Đó là bài thơ “ Nhớ” của nhà thơ Hồng Nguyên. “ Lột sắt đường tàu, rèn thêm dao kiếm. Áo vải chân không đi lùng giặc đánh… Trong điếm nhỏ mươi người trai tráng. Sờ chuôi lựu đạn ngồi thổi mùn rơm. Thức vừa rạng sáng…” giản dị và hùng tráng như bản anh hùng ca ca ngợi những anh hùng chân đất áo vải mang ý chí quyết chiến quyết thắng của toàn dân tộc đứng lên đòi độc lập tự do cho Tổ Quốc. Tuy nhiên, chỗ đáng tuyên dương, chỗ thành công nhất, chỗ không có khuyết điểm của thơ thời kì này cũng để lại cho ta nhiều ngẫm nghĩ về các vấn đề bản chất của VHNT. 
 
Nhà thơ Thạch Quỳ và nhà thơ Hồng Nhu:
“Mắt là mắt của người ta/ Tôi đem mở nhắm như là mắt tôi”. Ảnh: Lãng Ma
 
Những ngẫm nghĩ như thế về thơ, về VHNT không được lý luận phê bình văn học đề cập, soi sáng, kéo dài mãi cho đến hết thời kì thơ ca chống Mỹ cứu nước. Thời thơ chống Mỹ cứu nước về nội dung, về bản chất không khác với thơ thời chống Pháp. Vẫn là thơ phục vụ Cách Mạng, phục vụ kháng chiến, đề cao tính Đảng, tính giai cấp. Nội dung thơ thể hiện ý chí và tinh thần quyết chiến quyết thắng của toàn dân tộc. Tuy nhiên các tác giả thơ của thời kì này là lớp thanh niên trẻ tuổi giàu sức sống, có kiến thức văn hóa, văn học và khoa học trong chừng mực tương đối có thể nói là cao hơn, toàn diện hơn so với các tác giả ở thời kì trước. Họ không phải tìm đường, không ngỡ ngàng trước các quan niệm về VHNT họ có “đà” nhận thức từ thơ chống Pháp. Bắt nhịp kịp thời với cuộc sống mới, hiện thực mới, thơ họ cất lên những tiếng nói tự nhiên mà rất mới mẻ, sảng khoái. Hàng loạt các tác giả thơ miền Trung đã xuất hiện làm nở rộ một mùa hoa mới thăm tươi và rực rỡ của thời thơ chống Mỹ cứu nước. Những Nguyễn Duy, Văn Đắc , Vương Anh, Mai Ngọc Thanh, Võ Văn Trực, Phạm Ngọc Cảnh, Cảnh Trà, Hải Kỳ, HoàngVũ Thuật, Lê Thị Mây, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Phủ Ngọc Tường,Nguyễn Trọng Tạo, Ngô Minh, Mai Văn Hoan, Thanh Quế, Trần Thị Lệ Thu… Thơ tập trung tâm lực, ý chí, đối đầu trực diện với kẻ thù để cất lên “ Tiếng hát át tiếng bom”.
Ở thời kì này, thơ bớt đi ít nhiều giọng điệu trữ tình tăng thêm cảm hứng anh hùng ca. Phải chăng đấy là một trong những đặc điểm của thơ thời kì ấy ? Thơ thời chống Mỹ có giọng điệu mới, hình thức thơ cũng mới, nội dung thơ có thể chung nhưng cá tính và giọng điệu thì rất riêng của từng tác giả. Chính cái riêng biệt ấy đã tạo nên sức hấp dẫn của thơ miền Trung ở thời này. Khó quên Nguyễn Duy với những thủ thỉ tâm tình trong cách vận dụng sáng tạo thể thơ lục bát truyền thống. Khó quên Lê Thị Mây, Lâm Thị Mỹ Dạ với cách nhìn cuộc sống mang đầy tính nữ nhưng không kém phần sâu sắc. Khó quên Cảnh Trà, Phạm Ngọc Cảnh ngồn ngộn chất liệu mới mẻ nhưng lại rất ý vị trữ tình. Ở thời kì này có nhiều tác giả trực diện trực tiếp chiến đấu ở chiến trường và cũng có nhiều tác giả ở Hậu phương ngoài chiến trận còn phải đối đầu đối mặt với những hành vi, những biến tướng, những thói xấu, những bệnh tình xã hội đang hình thành dưới làn bom đạn. Vì thế, thơ chống Mỹ không đơn giản một chiều như một số người đã nghĩ. Thơ thời chống Mỹ có nội dung phức tạp hơn nhiều so với những gì ta tưởng. Tôi lấy một ví dụ: “Đò Lèn” của Nguyễn Duy, “ Tản mản thời tôi sống” của Nguyễn Trọng Tạo. Hoặc là bài thơ “ Với con” của tôi mà các bạn đã biết. Xuân Quỳnh vào miền Trung năm 1967. Đây là bài thơ nói về việc Bộ đội đào giếng để lấy nước ngọt ở trên một hòn đảo:
                            Giếng cũ cạn rồi gần ba tháng nắng
                            Cổ chúng tôi khô cây cỏ úa vàng
                             Bốn chung quanh chỉ toàn nước mặn
                             Dưới chân người cát bỏng như rang
                             Không rừng cây làm sao có nước nguồn
                             Các dòng sông biển ngăn không tới đảo
                             Đám mây khô trên đầu cũng héo
                            Trời ngút xanh đâu rồi cơn mưa
Nếu các bạn thấy bài thơ này không đơn giản một chiều thì tôi có thể nói với các bạn thơ chống Mỹ cứu nước của các tác giả thơ miền Trung phức tạp hơn thế rất nhiều. Chúng ta không thể giản đơn hời hợt với nhận thức một chiều để đánh giá thơ ca thời chống Mỹ cứu nước. Đó là điều tôi muốn lưu ý các tác gia văn học sử, các nhà lý luận phê bình văn học khi nghoảnh nhìn lại thơ thời kì này. Sự phức tạp của cuộc sống, ở thờ kì đó không nằm ngoài các cảm quan mỹ học của thơ ca thời ấy. Không phải kính chiếu yêu mà phải có kính soi Thần mới có thể soi thấu những ẩn dụ thơ ca ẩn dấu phía sau các dòng chữ của thơ thời ấy. Ta có thể nói Thơ chống Mỹ không phải là thơ bề nổi, không phải là thơ phơi bày trên mặt bằng trang giấy mà thực chất thơ đó ẩn chứa nhiều cảm nghĩ sâu sắc về hiện thực xã hội, hiện tình cuộc sống và hướng tới cảm quan thẩm mỹ của thơ ca đích thực chân chính.
Từ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ… trãi qua các thời, thơ miền Trung luôn là sự mở đường, là sự đặt nền móng đồng thời là sự kết tinh các tác phẩm thơ ca đáng tự hào của cả dân tộc. Ngày nay, trong thời kì đổi mới của văn học, thơ miền Trung thực sự đã là thơ đổi mới. Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét: “ Nó đổi mới trước khi có chủ trương đổi mới của văn học”. Quả đúng vậy, Nguyễn Duy đã “đánh thưc tiềm lực” từ lâu. Nguyễn Trọng Tạo đã viết “ Nhà tù người Việt, người Việt xây” từ lâu. Và tôi lưôn trăn trở với các vấn đề của văn học ngay từ buổi đầu cầm bút .Nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh viêt:
                                   Hòa vào dòng lá ngụy trang
                            Tôi đi mất hút trong hàng quân đi…
Thưa các bạn! Cái mới trong văn học không bắt nguồn từ sự đổi mới câu chữ, vần vè duy hình thức. Cái mới ở trong con người mới, sức sống mới, tâm hồn mới , trí tuệ mới. Khi con người mang cái mới đầy ắp trong mình thì họ nói lên tiếng nói mới. Hình thức mới trong thơ không phải là thứ hình thức do đầu óc nghĩ ra, vẽ ra, mà do dung lượng cái mới dung nạp trong tâm hồn đã biến thành công năng, nhiệt năng đòi hỏi phải thoát ra ngoài bằng hình thức ấy, theo cách ấy. Cái đầu máy xe lửa không quyết định hình thù đám khói hơi nước khi nó mở chiếc nắp cáp- pô để kéo còi. Hình thù đám khói hoàn toàn phụ thuộc vào cường độ áp suất, áp lực ở trơng nối sup- de. Nếu dùng đầu óc tỉnh táo, khôn ngoan, cố tình ép câu, ép chữ, ép vần, cố tình lấy cái quái lạ làm mục tiêu, lấy sự khác người làm định hướng thì tôi e các tác giả đó khó đến được cái mới đàng hoàng chân chính của thơ ca và văn học. Hình thức mới của   thơ là ánh xạ 1<=>1 của cái mới trong nội dung thơ. Cái mới trong nội dung thơ là ánh xạ 1<=>1cái mới trong nội dung người, tức là cái mới trong tâm hồn, trí tuệ, trong sức sống nội tâm của chính người viết ra thơ đó. Mới trong thơ là biểu hiện của mới trong người không thể khác được.
Hiện nay, hầu hết các tác giả thơ miền Trung đều rất có ý thức hướng về cái mới, sáng tạo cái mới trong thơ. Nổi bật lên trong số các tác giả mê say sáng tạo đó, theo mắt nhìn của tôi, tôi có thể hy vọng thơ Văn Cầm Hải ở Huế , IsaRa ở Phan Rang, Trần Thu Hà ở Nghệ An và một vài bạn trẻ khác. Văn Cầm Hải đang tìm cách phá vỡ và vượt qua hệ tư duy logic hợp lý của trí tuệ để đến với một hệ tư duy khác thích hợp với tâm hồn hơn . IsaRa tiếp thu lý luận phương Tây hiện đại kết hợp với tinh hoa trí tuệ trong di sản văn hóa của dân tộc mình để sáng tạo. Trần Thu Hà vận dụng một hệ ngôn ngữ mới đương thời, đương đại. Chị đã viết 4 tập thơ với hệ ngôn ngữ đó. Thành công trong sáng tác của các bạn đã rõ, hy vọng thành công của các bạn còn lớn hơn. Hiện nay, tất cả các nhà thơ miền Trung thuộc các thế hệ đang nỗ lực sáng tạo. Chắc chắn là các tác phẩm mới sẽ lần lượt ra đời. Tôi hy vọng vào sự xuất hiện các tác phẩm thơ xuất sắc- những tác phẩm xứng tầm với thơ miền Trung, khẳng định chất lượng thơ miền Trung trong thời đổi mới của Văn học nước nhà
Hà Nội, 21 tháng 9 năm 2011
THẠCH QUỲ
 
Các tham luận tại “Hội thảo thơ Việt Nam hiện đại nhìn từ miền Trung”
Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 8, 9/10/2011 tại Sầm Sơn, Thanh Hóa:
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: