Thứ bảy, 27/04/2024,


Cập nhật trực tiếp Hội nghị Viết văn Trẻ Toàn quốc lần thứ VIII (10/09/2011) 
         Trung bình cứ 5 năm một lần, Hội nghị Viết văn Trẻ Toàn Quốc, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cho các cây bút xuất sắc nhất, tuổi dưới 35 lại diễn ra. Sự kiện này luôn là mối quan tâm, chú ý không chỉ của những người cầm bút mà còn của cả công chúng yêu văn học cả nước.
          Hội nghị Viết văn Trẻ Toàn quốc lần thứ VIII được tổ chức từ ngày 7 đến 12-9-2011, tại 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang và Thái Nguyên, quy tụ được 112 nhà văn trẻ, sinh từ năm 1976 trở lại đây, đại diện cho các cây bút trẻ xuất sắc nhất của cả nước trong thời điểm hiện nay.
          Có lẽ lucbat.com là trang website cộng đồng duy nhất có phóng viên trực tiếp tham gia Hội nghị, đã liên tục cập nhật trực tiếp tin, bài và ảnh, bám sát "hơi thở" của Đại biểu Viết văn Trẻ.
          Xin được gửi tới độc giả yêu quý những thông tin mới nhất về Hội nghị nói trên đã diễn ra trong ngày 2 ngày 10 và 11-9-2011 tại Tuyên Quang, Thái Nguyên như thế nào.
 
 
Khu vực Hội thảo nhìn từ xa
 
Tuyên Quang dịu dàng buổi sáng. Đêm qua phố núi mưa to.
 
NGÀY 10/9/2011
 
7h00: Các nhà văn đang ăn sáng tại tầng 1 Nhà khách Kim Bình (Tỉnh ủy Tuyên Quang)
 
7h45: Các nhà văn trẻ đã tụm năm tụm bàn tán chuyện xung quanh khu vực Hội thảo.
 
8h00: Khai cuộc Hội nghị về Thơ và Văn ngày cuối.
 
 
Hội thảo Thơ Trẻ - Dòng chảy và Công chúng
 
8h05:
Hội thảo thơ đông người, ở tầng 2, bé tí, không đủ ghế cho đại biểu ngồi.
Nhà thơ Hữu Thỉnh ngồi dự ngay từ đầu.
 
Hội thảo Văn xuôi trên tầng 3, rộng rãi và thoáng mát, rất nhiều ghế trống. Nhiều đại biểu thơ đã phải lên trên này, vừa có chỗ ngồi, lại được ngắm cây bút 17 tuổi Phạm Nguyễn Ca Dao, hoa khôi của Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8.
 
Hội nghị Thơ và Văn diễn ra hết sức sôi nổi.
 
TẠI HỘI NGHỊ VĂN XUÔI
 
8h10:
Chủ tọa nhà văn Nguyễn Khắc Trường – Chủ tịch Hội đồng văn xuôi, cùng với Nguyễn Đình Tú và nhà văn Phong Điệp.
 
8h20:
Trong Lời đề dẫn nhà văn Nguyễn Khắc Trường phát biểu đại ý: Văn xuôi mà tính xã hội kém, nội dung nhạt, kém bản sắc thì vô phương cứu chữa.
 
8h40:
Nhà phê bình trẻ Đoàn Minh Tâm đến từ Tạp chí VNQĐ cho rằng: Những người viết trẻ hôm nay còn lười viết, kén chọn các hướng tiếp cận, anh lấy ví dụ như Truyện Chưởng (hay như thế), một bộ phận có nhu cầu rất lớn tại sao nhiều nhà văn không quan tâm?
 
Cả hội trường cười lớn. Hy vọng sau phát biểu của Đoàn Minh Tâm, sẽ có người nhảy vào viết Chưởng hay Kiếm hiệp...?
 
9h40:
Di Li phát biểu: Thế hệ trẻ ngày nay lẽ ra phải có nhiều tác phẩm đỉnh cao hơn trước, có rất nhiều nhà sách nồng nhiệt, quảng bá, truyền thông cho tác phẩm. Lớp nhà văn già không phải chịu áp lực như những người viết trẻ, bây giờ độc giả rất thông minh và có quá nhiều lựa chọn trước những phương tiện nghe nhìn hiện đại như ngày nay.
 
TẠI HỘI NGHỊ VỀ THƠ
 
Chủ tọa nhà thơ Bằng Việt, Phan Huyền Thư, Nguyễn Danh Lam.
Trịnh Sơn (thư ký)
 
Các ý kiến của các nhà thơ trẻ đưa ra hết sức thoải mái, kịch liệt bảo vệ với những luận điểm sắc sảo về thơ truyền thống, về hậu hiện đại, về thơ mạng, thơ đăng báo, thơ fotocopy, trình diễn thơ... có lúc tưởng như rơi vào bế tắc vì các đại biểu chưa đồng thuận.
 
8h30:
Trương Hồng Tú phát biểu: Bạn đọc văn thơ trên mạng không nhỏ đâu, nhất là các bạn trẻ, tôi yên tâm là bạn đọc không thờ ơ với thơ, chỉ có nhà thơ thờ ơ với cuộc sống. Thơ ca chịu đựng được những cú va đập ác nghiệt của cư dân mạng thì mới sống được
 
8h45:
Quân Tấn: Tôi làm thơ cho chú bác, cha mẹ, anh em, đọc cho họ nghe họ rất vui nhưng hàng chục năm trời không ai biết đến tôi. Nay vừa quăng lên mạng tôi đã nổi tiếng, bạn đọc khen thích lắm, vậy tôi chọn ai đây? Tôi muốn thơ có ích và làm cho cô chú, cha mẹ tôi vui.
 
9h00:
Nhà thơ Tuệ Nguyên: Tôi không muốn làm người của công chúng. Tôi chỉ muốn làm mới tôi.
 
9h30:
Trịnh Sơn: Trước hết phải là công chúng của mình trước đã. Tôi leo 141 bậc của Đền Hùng thấy mệt lắm, bất chợt gặp loài cây khác lạ, nó có tên là cây máu chó. Hãy tỏa sáng hết mình đi, căn cứ vào chất cây, sắc lá mà đặt tên, có tên.
 
10h00:
Nhà văn Y Ban đang nói: Các nhà văn trẻ kinh quá, chúng tôi đang ngồi ở đây: Dịch giả Kim Hiền, nhà thơ Lê Quang Sinh, nhà thơ Trần Ninh Hồ, nhà thơ Đỗ Hàn, Vũ Hồng… có lẽ nên mở một cuộc hội thảo “các nhà văn chưa già làm thế nào để bằng được các nhà văn trẻ”.
Nhà thơ Trần Ninh Hồ cho biết nhận được được rất nhiều tập thơ của các nhà văn trẻ gửi tặng, ông đã hóm hỉnh khà khà cười và ngẫu hứng lục bát:
“Làm thơ thì sự đã liều
Thêm thằng đề tựa như diều đứt dây”
Các nhà văn chưa già ha ha cười, vỗ tay rầm rầm.
 
10h15:
Nhà thơ trẻ Phạm Văn Vũ (Thái Nguyên) đang phát biểu: Chúng ta đã bàn rất nhiều về việc viết như thế nào, mà không bàn về chuyện sống như thế nào để viết. Một ý kiến rất đáng suy ngẫm.
 
11h00:
Hội thảo Văn đã kết thúc, các đại biểu kéo nhau xuống hết nhà ăn, trong khi đó Hội thảo thơ vẫn đang tiếp tục.
Nhà thơ Định Hải đang phát biểu, ông nói ông thích thơ Phan Hoàng từ thời tác phẩm tuổi xanh và đã đăng giới thiệu khá nhiều thơ của Phan Hoàng.
Nhiều tác giả thay vì đọc tham luận, đã xin lỗi Hội nghị và đọc thơ của mình một cách đầy hứng khởi và say mê.
Nhà thơ Hữu Thỉnh rất chú ý ghi chép, ông chống tay vào cằm và thưởng thơ theo kiểu rất riêng.
Các nhà văn già đã rủ nhau ra tiền sảnh nhà khách trò chuyện về lớp trẻ bây giờ.
 
11h45:
Hội nghị thơ kết thúc trong cơn đói của hầu hết các đại biểu, nhưng có lẽ là cơn đói thỏa mãn của người được mùa.
 
12h00:
Các đại biểu nhà văn trẻ và quan khách ăn trưa tại nhà ăn tầng 1.
 
BUỔI CHIỀU
 
13h15:
Phố núi lại đổ mưa rào rào, nhiều nhóm nhà văn trẻ đang cafe trò chuyện trong sảnh nhà khách tỉnh ủy Tuyên Quang, một số đã gọi Taxi đi chơi phố. Thành Tuyên những ngày Trung Thu thật đẹp, hoa đèn khẩu hiệu rực rỡ khắp phố.
 
14h00:
Phiên bế mạc Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 đã bắt đầu.
Nhà thơ Đỗ Hàn giới thiệu nội dung phiên làm việc buổi chiều.
 
14h15:
GS Phong Lê đang phát biểu.
 
14h35:
Nhà thơ Trần Ninh Hồ phát biểu rất hay, hội trường vỗ tay rào rào.
 
15h15:
Thiếu tướng, nhà văn Chí Trung đang phát biểu, ông cho rằng đây là một sân chơi trí tuệ của tuổi trẻ.
 
15h30:
Ngoài trời đang mưa rất to.
Nghe nhà văn Nguyễn Quang Thiều thông tin, Tuyên Quang đã và đang thử nghiệm Lễ hội đèn lồng trong 3 năm qua, nhận được sự đồng thuận lớn của nhân dân.
Tuyên Quang rất đẹp, trời mưa như vậy, tối nay không biết các nhà văn trẻ xem gì, nghĩ gì?
 
16h00:
PGS Nguyễn Văn Dân cho rằng chưa có hội nghị nào sâu sắc như thế này, Đoàn chủ tịch rất nhàn, ngoài hành lang không có hội nghị nhỏ, mọi người nghe chăm chú, rất đặc biệt. Nhiều Hội nghị thậm chí Đoàn chủ tịch còn bực tức bỏ cả ra ngoài. Hội nghị Văn trẻ 8 lần này rất ý nghĩa. Tôi tạm gọi ở đây 2 thế hệ, lớp trẻ và lớp cao tuổi. Thái độ mỗi người khi tham gia đều chân thành, nghiêm túc và tâm huyết. Ngay như lớp nhà văn cao tuổi chúng tôi cũng rất chăm chú nghe. Mỗi người hãy tự rút ra kết luận cho mình, muốn vậy chúng ta phải lắng nghe nhau. Có nên hay không nên phản đối đề tài? Theo tôi đề tài nào cũng giá trị như nhau, cái chính là phải có đam mê, như vậy thì đề tài mới hứa hẹn cho chúng ta những tác phẩm giá trị.

 

16h15:

Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Không phải về tác phẩm đâu, nhưng chúng tôi yên tâm về hành trình chuẩn bị, hết sức yên tâm về các bạn.

 
16h30:
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn phát biểu và đọc thơ lục bát. Bài con đường rất hay "Nếu anh đi với người yêu/ Chỉ xin anh nhớ một điều nhỏ thôi/ Con đường ta đã dạo chơi/ Xin đừng đi với một người khác em". Các đại biểu nữ vỗ tay rào rào tán thưởng.
 
16h45:
Nhà văn Xuân Cang phát biểu về Kinh dịch, về thuật toán Hà Đồ và văn mệnh của mỗi nhà văn có quan hệ với nhau như thế nào. Các nhà văn trẻ nếu muốn tham khảo, cứ liên hệ trực tiếp với tôi. Nhà văn trẻ tỏ ra thích thú với thông tin này.
 
17h00:
Chủ tịch Hội nhà văn Hữu Thỉnh phát biểu bế mạc:
 

Bồi dưỡng thế hệ trẻ là vấn đề sống còn của Hội Nhà văn, nếu căn cứ vào mục đích thì hội nghị đã thành công. Toàn bộ quá trình bồi dưỡng nhà văn trẻ là quá trình lâu dài mà hội nghị này chỉ là một điểm nhấn. Tôi có nói thêu thùa cho cá nhân thì khéo, may vá cho xã hội thì vụng; phải luôn có lý tưởng, cao vọng làm cho xã hội giàu mạnh. Cần nâng cao tính trách nhiệm đối với xã hội, trước hết là với bản thân, với ngòi bút của mình. Không thể không hiểu người, không hiểu đời mà có tác phẩm lớn được đâu. Không quan tâm đến nỗi đau con người thì văn học tự nó biến mất.

 
BUỔI TỐI
 
18h00:
Các đại biểu ăn tối tại nhà khách Kim Bình.
 
18h30:
Sự thành công rực rỡ của 2 ngày Hội thảo là điều không phải bàn cãi. Trong bữa tiệc tối nhà thơ Hữu Thỉnh đã chúc mừng Ban nhà văn trẻ và cho biết sẽ tặng bằng khen đặc biệt kèm số tiền là 5 triệu đồng, nhà thơ Văn Công Hùng - UV BCH Hội Nhà văn đã liên tục nâng ly với Võ Thị Xuân Hà, Hữu Việt, Phong Điệp chúc mừng đối với Ban Nhà văn trẻ.
 
18h45: 
Nhà thơ trẻ Miên Di (Gia Lai) cho biết sáng nay 7h30 đoàn do nhà văn Nguyễn Trí Huân - PCT Hội Nhà văn làm trưởng đoàn, cùng các đại biểu đại diện cho các vùng miền: Bế Kim Loan (HN), Lê Thùy Vân (TPHCM), La Ánh Hường (TPHCM), Miên Di (Tây Nguyên) và Trần Đức Tĩnh (Quân đội) đã đến tặng 6 thùng sách cho xã anh hùng Kim Bình cách thành phố Tuyên Quang 80km. Tại buổi tặng sách có rất nhiều cháu thiếu nhi chia vui với đoàn, một kỷ niệm hết sức thú vị trong lễ trung thu 2011.
 
Được biết vào lúc 20h00 tối hôm nay, 10-9-2011. trên tầng 10, nhà khách Kim Bình, các nhà văn trẻ sẽ tổ chức đêm thơ đón trăng vàng trung thu.
Tuyên Quang đã tạnh mưa, thời tiết lúc này rất đẹp.
 
21h15:
Nhà thơ Hữu Việt dẫn chương trình cho đêm văn nghệ trung thu. Nhà thơ Đỗ Hàn vừa đọc thơ xong thì trời mưa to, tất cả các nhà văn trẻ đã di chuyển xuống tầng 1. Có rất nhiều nhà văn già tham gia văn nghệ trung thu với các nhà văn trẻ như Bằng Việt, Trần Ninh Hồ, GS Hồ Ngọc Đại, Đình Kính, Văn Công Hùng, Lê Quang Sinh, Nguyễn Hòa...
 
21h45:
Nhà văn Phong Điệp đã mời các nhà văn trẻ lên tầng 3 tiếp tục đón trung thu trong Hội trường vì lý do thời tiết.
 
22h20:
Các nhà văn trẻ ăn hoa quả, bánh dẻo, hát và đọc thơ hào hứng.
Vi Thùy Linh nói: Đấy là không gian liên tài.
 
22h30:
Các đại biểu Trần Hoàng Thiên Kim, Quỳnh Nga, Quân Tấn, Trương Anh Quốc đọc thơ và hát.
 
23h00:
Điện đã được tắt hết, dưới ánh nến và hoa hồng nhà thơ Hữu Việt, Phong Điệp, Vi Thùy Linh đã cùng nhau trình diễn những giây phút vừa đau khổ, vừa ngọt ngào trong thi phẩm Tình Tuyên Quang.
 
23h30:
Đêm văn nghệ trung thu kết thúc.
Nhà thơ Hữu Việt công bố gương mặt khả ái nhất Hội nghị là Phạm Nguyễn Ca Dao (Đà Nẵng) và nam tính nhất thuộc về Miên Di (Gia Lai), người nói nhiều nhất Hội nghị là nhà thơ Vi Thùy Linh (HN), người đàn ông có mái tóc dài nhất Hội nghị là Hoàng Chiến Thắng (Bắc Kạn), người mặc váy hoa đẹp nhất là Lê Thùy Vân (TPHCM)...
 

Sáng mai (11 – 9), Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII sẽ hành hương về Tân Trào, Định Hóa (Thái Nguyên) và sẽ dự tiệc chiêu đãi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên ở hồ Núi Cốc vào cuối giờ chiều.

Sau đó sẽ về thủ đô Hà Nội.

   
CHÙM ẢNH ĐẶC BIỆT CỦA LUCBAT.COM
 
 
Nhà khách Kim Bình (Tỉnh ủy Tuyên Quang) chào đón nhà văn trẻ
 
Một chút hoa Tuyên trước cổng Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh
 
 
Cận ảnh Hội thảo Thơ Trẻ - Dòng chảy và Công chúng
 
Nhà thơ Định Hải phát biểu trong Hội thảo thơ trẻ
 
Các đại biểu đang dự Hội thảo thơ
 
 
Hội thảo của các cây bút Văn xuôi
 
 
Cây bút 17 tuổi Phạm Nguyễn Ca Dao tại Hội nghị
 
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp
 
Các Nhà văn: Khuất Quang Thụy, Vũ Hồng, Võ Thị Xuân Hà
 
Nhà văn trẻ Mai Phương (Bắc Giang) đang phát biểu
 
Nhà văn trẻ Uông Triều đang phát biểu
 
Nhà văn Di Li: Viết như thế nào khi độc giả bây giờ rất thông minh
 
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI PHIÊN BẾ MẠC BUỔI CHIỀU 10-9-2011
 
 
Đoàn đồng bằng Sông Cửu Long trước khi vào dự phiên bế mạc
 
Nhà thơ Đỗ Hàn giới thiệu phiên bế mạc
 
 
Đoàn Chủ tịch Hội nghị
 
 
Nhà văn Nguyễn Đình Tú (áo đen bên trái), A Sáng (áo trắng bên phải)
cười tươi với nhà thơ Phan Huyền Thư và kiểu tóc xù rất ấn tượng
 
 
Nhà văn Đình Kính đang xem Lucbat.com cập nhật trực tiếp về Hội nghị phiên bế mạc
 
Nhà thơ Đoàn Văn Mật (Văn nghệ Quân đội) và Lữ Thị Mai
 
Nhà thơ trẻ Trương Hông Tú và Nhà thơ Phan Huyền Thư
 
 
Các nhà văn trẻ Phạm Nguyễn Ca Dao, Phạm Phú Uyên Châu, Y Việt Sa... Ai là
"hoa khôi" của Hội nghị Viết Văn Trẻ Toàn quốc lần thứ VIII ?
 
Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh tặng cờ lưu niệm cho Hội VHNT Tuyên Quang
 
Các nhà văn trẻ bên nhà văn Nguyễn Xuân Khánh
 
Nhà thơ trẻ Lê Thùy Vân và Thiếu tướng, nhà văn Chí Trung
 
Nhà thơ già Văn Công Hùng và nhà thơ trẻ Trương Hồng Tú
 
Trái qua: Phan Hoàng, GS Hồ Ngọc Đại, Xuân Cang, Nguyễn Xuân Khánh, Đình Kính
 
Hy vọng vào tác phẩm giá trị sau Hội nghị từ các đại biểu nữ nhà văn trẻ
 
Nhà văn trẻ lưu niệm tại Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII
 

NGÀY 11/09/2011

 

7h00:

Buổi sáng xe xuất phát hướng về Sơn Dương - Tuyên Quang, đưa các nhà văn trẻ đi thăm đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào.

 

Cây bút trẻ 17 tuổi Phạm Nguyễn Ca Dao cho biết không đi chung được với đoàn và ngay trong ngày hôm nay, cùng với ba quay về Hà Nội và sẽ bay vào Đà Nẵng tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố.

 

9h42:

Đoàn đã rời Tuyên Quang đi thăm ATK ở Định Hóa - Thái Nguyên, trung tâm lãnh đạo chín năm kháng chiến (1945 - 1954).

Nhà thơ nữ sỹ xinh đẹp Nguyễn Thúy Quỳnh (P.Chủ tịch Hội VHNT Thái Nguyên) đã đón các nhà văn trẻ ngay tại khu vực vào An toàn khu. Đoàn đã đến dâng hương Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

14h00:

Đoàn các nhà văn trẻ đang trên đường đi thăm Hồ Núi Cốc. Đoàn TP Hồ Chí Minh cùng với đoàn đồng bằng Sông Cửu Long ngồi cùng nhau trên chiếc xe số 02. Các nhà văn nói chuyện rất hào hứng. Riêng các nhà văn trẻ TP Hồ Chí Minh có vẻ khoái kem Bắc Kỳ, đến đâu cũng mua và chia nhau ăn. Nhiều đại biểu đã mua chè, măng khô, một số đặc sản phố núi để làm quà.

 

15h15:

Sau cơn mưa đột ngột giữa trưa, Thái Nguyên đã hửng nắng. Gần như trong thời gian từ sáng sớm đến bây giờ, đoàn các nhà văn trẻ di chuyển trên xe ô tô liên tục, tại mỗi địa danh chỉ thăm thú được khoảng nửa hoặc non 1 tiếng đồng hồ.

 

16h00:

Đoàn đã đến Hồ Núi Cốc, các nhà văn trẻ đang đi chơi du thuyền quanh hồ.

 

16h45:

Thái Nguyên đã dành nhiều tình cảm cho các nhà văn trẻ, vào lúc này ông Chu Văn Nga - Phó Trưởng ban Thường trực Tuyên giáo tỉnh Thái Nguyên, ông Trịnh Doanh (Chủ tịch Hội VHNT Thái Nguyên) đã có mặt tại khu nhà Hồ Núi Cốc, đang trò chuyện với nhà thơ Đỗ Hàn - Chánh VP Hội NV bàn việc cho bữa tiệc chiêu đãi các nhà văn trẻ chiều tối nay.

 

17h00:

Mưa như trút nước đã trút xuống Hồ Núi Cốc, phía xa xa bóng núi, bóng mưa một màu bàng bạc trắng, gió thổi mạnh.

Nhiều nhà văn trẻ đã thuê xuồng cao tốc không có mái che, mưa như thế này, các nhà văn trẻ chắc chắn sẽ bị ướt. 

 

17h15:

Ông Đặng Viết Thuần - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã có mặt, đang chờ tiếp đón các nhà văn trẻ.

 

17h25:

Mưa đã ngớt, vẫn chưa thấy các nhà văn trẻ trở về khu nhà bày tiệc chiêu đãi của tỉnh Thái Nguyên. Theo dự kiến thì 17h30 các nhà văn trẻ sẽ tập trung giao lưu và dự tiệc chiêu đãi.

 

18h00:

Tiệc do tỉnh Thái Nguyên chiêu đãi bắt đầu. Đông đảo các nhà văn trẻ đã có mặt đầy đủ, dù rất nhiều người quần áo đang ướt sũng nước mưa.

 

18h15:

Nhà thơ Hữu Thỉnh tặng cờ lưu niệm cho Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên.

Nhà thơ trẻ Hoa Níp (Tp HCM) được nhà thơ Hữu Thỉnh tặng hoa và quà với lý do rất dễ thương: Ngày kia Hoa Níp sẽ cưới vợ (sáng mai sẽ bay về TPHCM).

 

18h30:

Ông Lê Quang Dực - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên  và Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh - PCT Hội VHNT Thái Nguyên vừa song ca bài "Người đẹp Thái Nguyên" rất hay gửi tặng các nhà văn trẻ.

 

18h55:

Chương trình văn nghệ sôi nổi, đoàn Tây Nguyên do nhà thơ Văn Công Hùng chỉ đạo đang trình diễn "Ngọn lửa cao nguyên" hết sức nóng bỏng.

 

19h00:

Trịnh Sơn đang phát biểu và đọc thơ.

  

19h05:

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên đã tặng quà đặc biệt cho đám cưới của Hoa Níp 2 ngày nữa sẽ diễn ra tại TPHCM.

 

19h10:

Nhà văn Đào Thắng - UV BCH Hội Nhà văn đang hát rất say đắm "Tình ca" của Hoàng Việt, "giữ lấy đức tin bền vững em ơi, giữ lấy trái tim đòi sống muôn đời".

 

19h15:

Đoàn TP HCM đang hát "Nối vòng tay lớn".

Tất cả các nhà văn trẻ đã đứng dậy, đang reo hò trong gió và sóng của Hồ Núi Cốc.

 

Nhà thơ trẻ Hoa Níp đã thay mặt các nhà văn trẻ toàn quốc gửi đến Thái Nguyên và Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đặng Viết Thuần bó hoa tươi thắm.

 

19h20:

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng đang hát tình khúc Đàn chim Việt da diết và lắng đọng.

 

19h25:

Chương trình kết thúc bằng bài hát "Việt Nam trên đường chúng ta đi" với hợp ca của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên và các nhà văn trẻ.

 

19hh30 Đoàn các nhà văn trẻ sẽ rời Hồ Núi Cốc về thủ đô Hà Nội.

    

NHỮNG HÌNH ẢNH NGÀY 11/9/2011
 
Trước khi đi Tân Trào, nhà thơ Văn Công Hùng - UV BCH HNV dặn dò với cây bút 17 tuổi
Phạm Nguyễn Ca Dao (bay vào Đà Nẵng để kịp thi Học sinh giỏi cấp TP ngay ngày mai)
 
,
 Đoàn nhà văn TP HCM và Sông Cửu Long cứ xuống xe là đòi... chụp ảnh lực lượng
 
PCT Hội NV Nguyễn Quang Thiều đang xem ảnh với "đội hình" Tây Nguyên
Trái sang: Lê Vi Thủy, Nguyễn Quang Thiều, Niê Thanh Mai, Miên Di
 
Phút giây thư giãn cùng xếp hàng ăn kem. Trái qua: DiLi, Dương Bình Nguyên, ViLi
Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Trọng Văn, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán
 
Lê Thùy Vân rất biết tạo dáng, ngay cả khi ăn kem cũng phải… 2 chiếc. Hữu Việt ngẫu dụ:
“Chiều nay e có rảnh không?/Hay là…? 2 đứa chúng mình gặp đi/Uống chung 1 tách cà phê/
Ăn chung 1 cốc kem li 6 màu/Nhìn nhau Ánh-mắt-ban-đầu/Buôn dưa lê chuyện dăm câu 3 điều/
Tóc xanh hỗ trợ muối tiêu/ Cùng nhau giải quyết một chiều lang thang”.
 
Thăm lán Nà Lừa
 
 
Nhà thơ Hữu Thỉnh và Nhà văn Võ Thị Xuân Hà thỉnh chuông tại Đài tưởng niệm Bác Hồ 
 
 
Nhà thơ Đỗ Hàn, Nguyễn Thúy Quỳnh (TBT Báo VN Thái Nguyên) với các nhà văn trẻ TPHCM
 
Trái qua: Hữu Việt, Thúy Quỳnh, Phan Hoàng và Nguyễn Quang Thiều
 
HNV Việt Nam tặng lưu niệm cho UBND tỉnh Thái Nguyên
 
Nhà thơ Hữu Thỉnh tặng hoa và quà chúc mừng nhà thơ trẻ Hoa Níp (TPHCM)
Hai ngày sau Hoa Níp tổ chức đám cưới
 
Với các nhà văn Thái Nguyên tại Hồ Núi Cốc
 
Hai nhan sắc thơ trẻ Trương Hồng Tú (HN) và Lê Thùy Vân (TP HCM)
Rạng ngời và lưu luyến trước khi chia tay
 
  
22h00 (11/9):
 Các nhà văn trẻ đã về đến thủ đô Hà Nội. Những chiếc ôm vội, xiết tay nhau trong suốt một hành trình dài sẽ là những dấu ấn khó quên trong cuộc đời và văn chương mỗi người.
 Nghề văn thật khắc nghiệt, bà con Cao Lan có câu: “Muốn có nhà cao, phải đào từng hòn đất”. Người Mông trông vầy vậy nhưng lại có cách nhìn biện chứng “Miền luổi piáo thuốt gan/Miền chiền piáo thuốt piàng” (Người lười cỏ mọc quanh nhà/Người chăm quanh nhà hoa nở). Chỉ có lao động, lao động thực sự mới tạo được tài sản văn chương của bản thân, chưa nói đến việc khởi sáng những mùa màng trĩu hương thơm quả.
 Thiên hạ bao la, giang hồ rộng lớn chẳng lo gì khi chưa tìm được chốn dung thân? Nhưng ở Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên này phong cảnh hữu tình như bích họa, thích hợp cho cả hội và nghị. Văn chương quá đỗi ngọt ngào, muốn khai sơn lập phái cũng phải có tình yêu, trách nhiệm và lẽ phải. 
Tôi bâng khuâng nghĩ đến diễn từ khai mạc Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII của nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn:
 - “Những người viết văn trẻ, bạn từ đâu đến?
- Chúng tôi đến từ miền của tài năng.
- Đúng quá, xin chào các sứ giả đến từ miền của tài năng.
Bằng tác phẩm của mình, các bạn đã chính thức bước lên những bậc thềm đầu tiên của ngôi đền văn học. Điều đó nói rằng, tài năng của các bạn không còn là của riêng các bạn nữa, nó đã thuộc về một cái gì rộng lớn hơn, cao vọng hơn. Cuộc sống, sự nghiệp, công chúng đang chờ đợi các bạn. Tất cả đang ở trước tầm tay”.
Biển rộng mặc sức cá vẫy vùng, trời cao tha hồ chim tung cánh.

 Bài và Ảnh: LÃNG MA
(Lucbat.com)

XEM THÊM: CHÙM ẢNH ĐẶC BIỆT “VĂN HỌC TRẺ VỚI BIỂN ĐẢO TỔ QUỐC”

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Đinh Gia Hưng - ghung71@yahoo.com - 0914 6122 207 - 44 - Ông Ích Khiêm - Đà Nẵng  (Ngày 12/09/2011 10:18:00)

Tôi thấy Hội nghị những người viết văn "trẻ" này là một hoạt động tầm cỡ và tiếp nối những giá trị mà giới văn chương Việt đã đạt được trong quá khứ, để mỗi người suy tư sâu rộng hơn về con đường văn chương nhân văn tương lai. Mỗi người nên góp ý vào xây dựng cho tiếng nói từ tâm hồn và tri thức văn được mãi đơm hoa kết quả trong nền văn hóa Việt.
Trân trọng,
Đinh Gia Hưng (Dự Án Sen)

Các bài khác: