Thứ tư, 24/04/2024,


Lê Huy Quang và những đổi mới ngôn ngữ thơ ca (14/04/2015) 

      Lê Huy Quang sinh năm 1944. Quê cha Hà Tĩnh, quê mẹ Nghệ An
       Đã xuất bản 12 tập thơ, trường ca, kịch bản, tiểu luận nghệ thuật.
   

       Được tặng nhiều Giải thưởng, Huy chương Vàng, về thơ, hội họa, sân khấu.
   
 Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ủy viên Hội đồng thơ - Hội Nhà văn Hà Nội.

     Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Trang trí - Hội Mỹ thuật VN.
     
Nghệ sĩ Nhân dân chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật sân khấu.

     Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát triển Nghệ thuật SK- Hội NSSKVN.

 



Nhà thơ Lê Huy Quang

    Tập thơ Phải khác của Lê Huy Quang gồm 108 bài trong một hành trình thơ 40 năm từ năm 1968 đến năm 2008, cũng là “40 năm trĩu nặng duyên tình với thi ca”. Tập thơ gồm 3 phần, Phần I: Những bài hát ru là mẹ 1968 – 1987, phần II: Phải khác. 1988 – 2008, phần III: Đồng vọng. Đây là tập thơ Lê Huy Quang nói nhiều về tình yêu, tình cảm gắn bó với quê hương, và bộc lộ cả những suy tư, trăn trở về thế thái nhân tình. Đó cũng là cảm hứng chung của nhiều nhà thơ đương thời, nhưng không giống họ, Lê Huy Quang luôn ý thức kiếm tìm những chân trời nghệ thuật mới. Điều này thể hiện rõ qua sự đổi mới ngôn ngữ thơ ca. Lê Huy Quang là nhà thơ luôn tìm cho mình cái mới, và những mới mẻ trong thơ ông không phải là những gì xa lạ, nó nằm ngay trong cuộc sống đời thường. Nhà thơ luôn trải lòng mình ra để sáng tạo, để cống hiến những vần thơ “phải khác”.
 

    Thơ Lê Huy Quang tràn đầy cảm xúc của người con về mẹ, về quê hương, xóm làng, nơi ấy người mẹ đã cho anh cuộc sống, ước mơ và cả niềm khao khát sống. Những vần thơ Lê Huy Quang viết về mẹ thì bao giờ cũng gan ruột và đằm thắm: Bài thơ cuộc đời/ mẹ viết bằng máu và nước mắt cho con/ Mẹ già rồi/ Con day dứt yêu hơn/ mỗi bước mẹ đi hằn trên đắng cay vất vả/ tóc bạc/ mắt sâu/ lưng còng/ vội vàng/ tất tả/ Mẹ vẫn cười vui khi con lớn khôn hơn…(Mẹ). Nhà thơ nhớ về mẹ là nhớ về những năm tháng ở quê nghèo, nơi đó vẫn còn in đậm màu tóc bạc của mẹ đã vì con khôn lớn, và nơi đó vẫn còn lưu giữ những kỉ niệm thiêng liêng của cuộc đời. Tiếng gọi của mẹ luôn vọng về trong tâm tưởng và suy nghĩ của nhà thơ, tiếng gọi ấy luôn tha thiết, yêu thương để rồi ám ảnh mãi cuộc đời của đứa con lớn khôn ra đi và đã vuột khỏi bàn tay mẹ.

   

    Kỷ niệm tuổi thơ luôn hiện về với những gì thân thuộc nhất, giản dị nhất: Hễ trở trời/ muỗi bay vào từ bùn ao cỏ dại/ trăng trắng liềm cao/ nước vòng chậm mãi...” (Xóm ca). Thấm khô cát sau đêm mưa/ bất ngờ lên xanh những miền quả chín/ gió Lào gai gai nóng/ thương quê nghèo một nón lá em đưa... (Quê cha); Nhớ mưa Vinh buồn lên từng giọt trắng/ Mưa Vinh sao nhiều vị đắng/ Thương quê mưa nghèo đong đầy mắt cay (Mưa Vinh). Những rung động của hồn thơ ông dành cho quê hương những cách tân trong việc sử dụng ngôn từ tha thiết, chứa chan tình cảm: gió Lào gai gai nóng, mưa Vinh buồn lên từng giọt trắng, mưa Vinh sao nhiều vị đắng, thương quê mưa nghèo đong đầy mắt cay. Là một người con yêu quê, luôn tự hào về quê hương mình, ông có những vần thơ xúc động đến thế.

 

     Ngôn ngữ thơ Lê Huy Quang đa dạng, lời thơ đôi lúc đọc lên có cảm giác gồ ghề và trần trụi, cũng một phần bởi ông vẫn thường hay có thói quen bộc bạch ý nghĩ và tình cảm của mình: Anh lang thang em/ Anh xanh xao em/ Anh mi ni em/ Đêm về/ Anh/ tiết canh/ em (Chân dung). Ngôn ngữ đầy ấn tượng như vậy, độc đáo và rạo rực cảm xúc; có khi thẳng tắp đi đến tận cùng, nhưng cũng có khi lại uyển chuyển đến ngạc nhiên: Em/ Là vòng tròn khép kín những vòng tròn/ Từ cái trung gian/ em biến những bắt đầu ra sự cuối/ Anh lại quẩn quanh những vòng tròn nối/ gấp/ khúc/ đường/ em (Người con gái ấy).
Trong sáng tác thơ ca, ngôn ngữ bao giờ cũng là ngôn ngữ của nghệ thuật, các nhà thơ thường biểu đạt suy nghĩ và tình cảm của mình bằng những câu thơ giàu hình ảnh và tượng trưng, thì đối với sáng tác của Lê Huy Quang, đó lại là ngôn ngữ của đời sống hàng ngày: Em là con toán bất động sản/ Anh giải tìm trong lãng quên! Em là phin cà phê pha đêm/ Em nhỏ giọt vào mắt anh nóng bỏng/ Em nhỏ giọt vào tay anh sóng sánh/ Ta nhỏ giọt/ giọt giọt/ vào nhau (Chân dung).

 

     Thơ Lê Huy Quang gây được sự chú ý của người đọc bởi cái cách ông sử dụng ngôn từ rất quen thuộc, mộc mạc trong đời sống, nhưng lại rất lạ lẫm trong thi ca, nhà thơ viết: Tôi thỏa thuê ngắm nhìn em hợp pháp, hay: Tôi ký sinh trùng dọc thể xác em/ Tôi hóa mặt trời giữa nấc ngực đêm (Nguyện cầu); phơi trần mình/ gió trưa/ cát trưa/ nắng trưa/ muối biển nhuộm màu mây trắng/ em – xuôi – một – dải – chân trời…(Biển động). Những không gian rộng cứ liên tiếp mở ra. Giữagió, cát, nắng của buổi trưa muối biển nhuộm màu mây trắng, trước cái không gian mênh mang, cao vút và tĩnh lặng vào buổi trưa của biển, hình ảnh người thiếu nữ nằm phơi trần mình như một dải chân trời.

     Sự đóng góp quan trọng và lạ nhất ở những vần thơ của Lê Huy Quang là ông đã đưa cả những cái sần sùi nhất, chân chất nhất, lam lũ nhất, tất bật nhất của cuộc sống thường nhật vào trong thơ một cách sinh động và lãng mạn: Riêng ta và em vẫn lầm lỳ/ Ngồi trên chiếc xe chở than tổ ong chậm rãi/ Con bò lặng lẽ kéo đi/ Trườn lên đầu dốc nắng/ Và mảnh khăn che mặt em đen thẳm/ Cũng…… bay …… đi (Bài hát mở mùa 1988).

 

     Lê Huy Quang thường ngắt nhịp thơ một cách tự do, thoải mái; điều này làm cho các câu thơ có vẻ như rất ít thành tố ngôn ngữ, nhưng lại tạo ra được sự phóng khoáng và giàu sức biểu cảm. Vẫn là những từ ngữ miêu tả cái cảm xúc rất tự nhiên, tươi mới, tràn ngập phong vị trong trẻo của đồng nội vào mùa xuân nhưng ở chỗ khác, người đọc lại cảm nhận được sự nâng niu, trân trọng của người nghệ sĩ với mối tình giản dị: mương nước sáng bờ cây chiều/ dẫy dẫy/ cột đèn/ chim rũ cánh mưa/ em đi làm rửa chân gầu giếng ấm/ ao xóm/ cầu về/ gái xóm/ giêng rồi/ thấp thoáng/ áo em giêng(Giêng xuân).

     Tập thơ Phải khác còn là những tìm tòi, đổi mới nghệ thuật đầy bất ngờ trong thơ Lê Huy Quang: Tôi lọc sạch mùa mưa đông qua đế giày cao cổ/ tất những viễn cận liên quan nhau/ vòng hút đất sinh sôi/ ngoài lề trang vở học sinh tôi nằm dài thừa thãi (Tự khúc đông), Chỗ anh đứng lâu ngày/ lõm/ xuống/ Thụ thai người gác cổng/ thức/ canh em!!! (Thanh âm). Những cách tân ngôn ngữ thơ của Lê Huy Quang thật muôn hình muôn vẻ. Có lẽ, đây cũng là cách để ông khám phá chính mình, để trải nghiệm và suy ngẫm. Với một người nghệ sĩ có niềm đam mê lớn với nghệ thuật, thì khát vọng sáng tạo trong họ dường như không bao giờ dừng lại. Bao nhiêu năm qua, Lê Huy Quang vẫn lặng lẽ, bền bỉ sáng tạo cái đẹp của riêng mình.

 

     Những duyên nợ thơ phú, theo cách lý giải của Lê Huy Quang về khởi nguồn của nó, cũng là điều dễ hiểu, bởi ông sinh ra và lớn lên trên một miền quê, một vùng văn hóa vốn đã thấm đẫm chất thơ từ muôn đời. Tuy nhiên, cho dù trong ông là nỗi nhớ quay quắt, khắc khoải của một người con đi xa, vẫn dõi về đất mẹ gió Lào cát trắng, nhưng Lê Huy Quang vẫn dành nhiều tình cảm sâu nặng với mảnh đất Hà Nội mà ông đã gắn bó và lập nghiệp suốt gần 50 năm qua. Với Lê Huy Quang, mỗi góc phố, những con đường, từng hàng cây Hà Nội đều in đầy những kỷ niệm. Nơi đây, ông có những bạn hữu văn nghệ sĩ để đồng cảm, sẻ chia những câu chuyện bất tận về thơ ca nghệ thuật. Sống giữa bầu không khí văn nghệ của Thủ đô, ông dường như được tiếp nhận thêm năng lượng để sáng tạo. Lê Huy Quang từng ra mắt tập thơTa về Hà Nội đi em (Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNTVN năm 2002) để dâng tặng mảnh đất đã dung dưỡng ông.

 

    Tình yêu Hà Nội trong thơ của ông thật nồng nàn, tha thiết: Ta thả mình trôi trên hè phố cổ/ Chợt chạnh lòng nhớ một giấc mơ xưa. ở đó, ta nhận ra bóng dáng của một Hà Nội cổ kính không lẫn với nơi nào: phố cũ rêu phong in không phai mờ/ hương hoa sữa thơm tròn năm cửa ô. Hay có khi là cảm tác trước mùa xuân Hà Nội Quất Nghi Tàm má em chín ửng/ Hoa Ngọc Hà khem khép rét nàng Bân. Với Lê Huy Quang, thơ là đạo. Thơ là bất chợt những buồn vui, vĩnh viễn sinh sôi trong sạch nhất của tình yêu. Đó không chỉ là tình yêu nam nữ đơn thuần mà là tình yêu của con người và cuộc sống. Bởi vậy, dù viết về đề tài nào, dù cách tân hay truyền thống thì vẫn là một Lê Huy Quang giàu chất nhân văn. Ông làm thơ như một thôi thúc nội tại, không vẽ ra được bằng tranh thì viết bằng thơ. Thơ và họa dường như đan quyện vào nhau trong một con người. Hội họa cho ông sự cân bằng về lý trí, thơ đem đến cảm xúc bay bổng, bình yên.

 

    Lê Huy Quang luôn là người bận rộn. Bận rộn với những suy tưởng, sáng tạo, với công việc thường ngày và cả những buổi trà sớm rượu trưa với bạn quý. Ông cũng thừa nhận rằng, ông rất sợ sự rảnh rỗi, sợ sự bon chen, đố kỵ, tranh giành... Ông thẳng thắn: “Đời tôi không sợ cái xấu, không sợ cái ác nhưng tôi sợ sự đố kỵ, nhất là sự đố kỵ trong nghệ thuật. Nó tiêu diệt lòng trung thực và khiến con người trở nên nhỏ nhen, ích kỷ, là mầm mống tiêu diệt sự sáng tạo...”. Và ngót 50 năm lăn lộn trong đời sống nghệ thuật, đã đủ cho ông rút ra một trải nghiệm sâu sắc rằng: “ở đời phải biết thua người khác. Biết thua người khác chính là đã thắng được bản thân mình. Phải biết sức, biết tài mình đến đâu để sống đúng với mình. Ngay cả một dân tộc cũng phải sống đúng cội nguồn và văn hóa của mình. Cuộc đời nếu không biết thua thì không làm được gì. Biết thua không phải là “mất”, mà đó chính là cái “được” vô hình mà không phải ai cũng ý thức được”. Bởi thế, ném mình vào sự bận rộn dường như cũng là cách ông lánh mình ra xa những thói hư tật xấu ở đời. Nhiều người cũng giống như tôi, từng băn khoăn về sự “phân thân” độc đáo này của ông, rằng làm sao ông có thể cùng lúc làm nhiều việc đến thế, ông chỉ cười mà rằng: “Ở đời nhiều người đang mất rất nhiều thời gian để kèn cựa, săm soi người khác, mà không biết rằng nếu dành thời gian ấy để vào việc có ích thì cũng được vô khối. Tôi đã ý thức được điều đó từ sớm và chọn được lối đi riêng cho mình. Tôi vẽ tranh, vẽ bìa sách, minh họa, làm thơ, làm báo, làm sân khấu… quá bận rộn như thế, để không còn thời gian đố kỵ, tranh giành, bon chen với ai và không còn thì giờ để đi nói xấu người khác...”. Ý thức sớm về “bản ngã” và trung thành với quan điểm “phải khác” - điều mà nghệ sĩ Lê Huy Quang từng “tuyên ngôn” trong thơ mình: “Nghe như gió chuyển sang mùa/ Giọng nói bạn bè đã pha màu đố kỵ/ Bay đi một cọng lá vàng/ Tất cả mọi người đều tiến lên hối hả/ riêng ai lùi lại một mình/ Tất cả mọi người đều reo lên hỉ xả/ riêng ai ngơ ngác lặng câm/ Tất cả mọi người đều vỗ tay như sấm/ ai như vô hình bay lên. “Phải khác” là tên bài thơ cũng đồng thời là tên tập thơ viết từ những năm 1968 với những “cách tân” từng khiến dấy lên nhiều ý kiến tranh luận. Song với Lê Huy Quang, ông cho rằng chỉ cần thơ của mình được bạn bè thuộc, đọc lên dù chỉ là dăm ba câu, thậm chí là một câu trong các cuộc đàm đạo văn chương, trong các cuộc trà dư tửu hậu, cũng là điều đáng vui và tự hào lắm thay!

 

    Tìm cho mình một lối thơ riêng giữa muôn ngàn cái mới đã có, là một điều khó đối với một thi nhân, nhưng Lê Huy Quang đã làm được điều đó. Trên thi đàn, tư tưởng cũng như phong cách mới lạ thấm trong từng câu, từng chữ đến quen thuộc như trong thơ ông không nhiều. Thơ ca của Lê Huy Quang, cái mới thuộc về ngôn ngữ nghệ thuật. Những cái “khác” của ông thật chẳng giống người. Nếu ai đã có dịp đi hết những miền thơ của ông thì cũng dễ dàng nhận thấy những điều này, bởi ngay từ khi cầm bút vẽ tranh hay họa cuộc đời bằng thơ, Lê Huy Quang đã tâm niệm Cuộc đời. Ai nhớ. Ai quên? Nhưng mà PHẢI KHÁC. Mới nên chữ NGƯỜI.

                                             

                                                (Nguồn: Báo Văn nghệ số 13/2015)
 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: