Thứ năm, 25/04/2024,


Nhà văn Nguyễn Đăng An với “Người đàn bà nghịch cát” (23/01/2014) 

Tập truyện ngắn "Người đàn bà nghịch cát" của Nguyễn Đăng An, NXB Hội Nhà văn, 2013, là một cuộc trở lại kỳ thú của Đại tá - nhà văn Nguyễn Đăng An sau một thời gian tạm gác chuyện văn chương để lo chuyện đời. Có thể nói, truyện của Nguyễn Đăng An là tiếng gọi của những thân phận trắc trở, éo le, đau đớn, của những khát vọng không thành, của những cảm xúc nội tâm trữ tình, của những bi kịch cá nhân lẩn khuất trong bi kịch lớn xã hội.

 

Nhà văn Nguyễn Đăng An – Tân Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014.

Dường như số đông người Việt thích đọc các tác phẩm văn xuôi có cốt truyện với những xung đột mạnh, rõ ràng, rành mạch. Và cũng đã có những nhà văn quyến rũ được người đọc bằng những câu chuyện kể hấp dẫn, có duyên. Nguyễn Đăng An là người kể chuyện có duyên. Hơn thế, anh là một nhà văn của những cốt truyện éo le và tình huống bất ngờ. Bạn đọc có thể thấy"Giọt nước mắt người lính" hay ở cốt truyện éo le, ly kì với tình huống bất ngờ đến sững sờ khi người lính trở về. Cái độ hấp dẫn chính là ẩn số giải quyết thế nào… khi đứa con của vợ lại là "em trai" mình? Hai lần "hy sinh", người lính cao thượng ấy đã phải giấu đi nỗi đau bẽ bàng, xếp lại ổn thỏa cái gia đình tưởng như bẹp rúm, tanh bành. Truyện "Lời nguyền" có cái hay ở tứ truyện độc đáo, điển hình cho lý thuyết "truyện ngắn là một lát cắt cuộc sống".

Cốt truyện éo le và tình huống bất ngờ thì bao giờ cũng xuất hiện xung đột. Ở truyện ngắn "Lời nguyền", xung đột hành động kết hợp hài hòa hợp lý với xung đột tâm lý đẩy đến tận cùng căng thẳng, mấp mé giới hạn "nổ tung" rồi tác giả từ từ hạ nhiệt. Câu chuyện cuộc sống giản dị hé mở những những chân lý giản dị: Đời là những chuỗi bất ngờ có thể biến cái phức tạp thành cái đơn giản và ngược lại.

Xung đột nhanh, giải quyết chóng vánh, nhưng hậu quả dài lâu phải kể đến truyện ngắn "Cú đấm muộn mằn". Ông đại tá cởi sắc phục nhà binh trở về với đời thường lơ ngơ chạm mặt với những nhố nhăng thường nhật mà suốt đời binh nghiệp không nhìn thấy. Những trò bắt chẹt, bắt bí, lừa đảo, "cướp cạn", hay trấn lột trắng trợn giữa ban ngày được biến tướng dưới các hình thức khác nhau… đã đẩy đến "cú đấm" của viên đại tá đặc công hưu trí.

Nếu như nhân vật của Nguyễn Đăng An trong "Người đàn bà ở bến đợi xe thành Rome" sống đến tận cùng khao khát hạnh phúc, bám lấy, níu lấy, cầm nắm lấy hạnh phúc không chịu để tuột khỏi tay, thậm chí kiến tạo ra hạnh phúc, thì nhân vật "thiếu nữ xin con" trong "Khát vọng thời xa ngái" là kiểu nhân vật khát khao mà lại không dám dấn thân, lại do dự, nửa vời, ngập ngừng, thụ động với may rủi số phận, dấn một bước là cuộc đời này, quay lại là một số phận kia, đến nỗi để tuột mất hạnh phúc long lanh. "Người đàn bà ở bến đợi xe thành Rome" không hạnh phúc về đường con cái với ba người đàn ông của chị cả ở phía bên này lẫn phía bên kia. Anh chồng trước không ban tặng chị đứa con lành lặn thì chị kiếm ở anh chồng sau; anh chồng sau dâng hiến cho chị đứa con tật nguyền định mệnh thì chị bền bỉ đi tìm hạnh phúc con trẻ hoàn hảo ở người tình sau nữa… trong thao thiết hy vọng dù mong manh nhưng quyết liệt.

Cũng tương tự, nhân vật người vợ trong "Lời thề chân lý" tựa hồ "kẻ nổi loạn" dám chống lại những luật tục hà khắc đã bó buộc, cầm tù khát khao bản năng giống cái. Người ta tán dương cái đai đồng trinh tiết và đức hạnh đàn bà, thực ra là khuyến khích nhẫn nhục, vô tình ngợi ca "cái nhà tù vô hình" giam hãm, kìm nén người phụ nữ trong ngưng đọng, trì trệ. Nguyễn Đăng An đứng về phe đàn bà yếu đuối không có khả năng tự bảo vệ, để cổ vũ phụ nữ vùng dậy phản nhẫn "phá" đai trinh tiết, chống lại "Lời thề chân lý" cũng là chống lại thế giới đàn ông ích kỉ và nhà nước lỗi thời. Nguyễn Đăng An đã moi cái đai đồng trinh tiết trong mớ đồng nát hoen gỉ bị chôn vùi trong đống rác quá khứ tật nguyền của loài người; anh lật nó ra dưới ánh sáng mặt trời công lý; anh soi chiếu bằng cái nhìn nhân ái của nhà văn hiện đại đầu thế kỉ XXI.

Đọc tập truyện "Người đàn bà nghịch cát" của Nguyễn Đăng An, bạn đọc chắc chắn không chỉ bị hấp dẫn bởi cốt truyện éo le, với những thân phận bị quăng quật bã bời, mà còn bị quyến rũ bởi tính đa âm đa sắc của giọng văn. Giọng văn hoạt, thanh thoát, uyển chuyển như trong"Lời thề chân lý". Giọng văn kể lể, chậm chạp đến sốt ruột, nhưng rõ ràng, chân mộc như trong"Mẹ xóm Đoài". Đắng cay, buốt giá và có phần bẽ bàng nhưng cuối cùng vẫn mở ra một chân trời nhân ái nhân sinh như trong "Giọt nước mắt người lính". Xót xa, da diết buồn thương và thì thầm chia sẻ nỗi đau tê dại thời hậu chiến như trong"Người đàn bà ở bến đợi xe thành Rome"…

Nếu như "Người đàn bà ở bến đời xe thành Rome" đặt trong sự biến ảo của nhiều không gian nghệ thuật: chiến trường khốc liệt, vùng cát trắng miền Trung, thành Rome trữ tình thơ mộng với những chiếc khóa tình yêu… khiến người đọc không nhàm chán, thì "Căn nhà triệu dollas" lại là không gian tù đọng, ngột ngạt của một gia đình đặt trong các xung đột tâm lý, quan niệm lối sống thân nhân ruột thịt.

Văn của Nguyễn Đăng An thiên về diễn biến hành động với những xung đột khi thì chói gắt, tàn độc như gã chồng của "Người đàn bà nghịch cát", lúc lại chỉ như cơn hờn giận tựa hồ mưa bóng mây như "Khát vọng thời xa ngái". Xung đột hành động nhân vật bỏng rẫy quyết liệt như "Cú đấm muộn mằn", như "Tiếng gọi của lương tri",… Xung đột tâm lý nhân vật dữ dội, nghiệt ngã như "Lời nguyền", như "Người đàn bà ở bến đợi xe thành Rome", như "Căn nhà triệu dollas", "Lời tự bạch của cô gái nhiễm HIV"… Ở loại xung đột nào anh cũng đẩy vấn đề đến tận cùng, không chấp chới nửa vời. Phải là người cao tay ấn thì "phù thủy" mới điều khiển được "âm binh", anh đã vượt qua được công việc người thợ chữ miêu tả cái ác, cái dữ dội thô giản để chạm vào chủ nghĩa nhân văn trong sáng tác của người nghệ sĩ.

 

Trung tướng - nhà văn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng - CAND trao giải cho các tác giả đoạt giải ba cuộc thi truyện ngắn 2011-2012 của Tuần báo Văn nghệ. Người đứng thứ hai từ trái qua là nhà văn Nguyễn Đăng An.

Văn chương là nghệ thuật ngôn từ, nhà văn không phải là người thợ kim hoàn khéo léo đẽo gọt, mà dứt khoát phải là kẻ sáng tạo và khai mỏ hồn chữ. Văn chương trước hết phải là… văn. Nguyễn Đăng An có nhiều câu văn đẹp, giàu hình ảnh, chi tiết, và con chữ sống động cựa quậy như: "Chị đưa tay vân vê chiếc cúc áo đã cố tình mở sẵn trên ngực rồi đứng lên ngồi xuống. Bí quá không biết làm sao, chị bỗng òa khóc"; hoặc: "Gió lồng lộng thổi trên quảng trường. Đi qua chỗ hòn đá cẩm thạch, nàng kéo chồng bước thật nhanh. Cái miệng thần Sự thật sâu hun hút. Hốt hoảng vô tình sờ lên cánh tay trái, nàng bỗng dưng lạnh gai người…".

Một cái kết truyện hay và ám ảnh người đọc bao giờ cũng khó nhọc và lấy mất khá nhiều tâm sức của một nhà văn chuyên nghiệp. Tác giả phải đứng trước sự lựa chọn, trước sự thử thách để làm vừa lòng bạn đọc đủ mọi hệ mỹ học hay "gây sự" với họ?

Nhà văn Nguyễn Đăng An chưa có một "cú đấm nghệ thuật" cuối cùng ở đoạn kết gây sốc làm bừng tỉnh hay làm mê muội người đọc. Anh chọn cách kết có hậu với cái đẹp cổ kính thỏa mãn số đông bạn đọc, mà hình ảnh người đàn bà thoát khỏi đòn ghen tình tàn độc của chồng cũ, ngồi nghịch cát cùng hai đứa con riêng và một đứa con chung với người đàn ông mới trẻ khỏe trong truyện "Người đàn bà nghịch cát" là một ví dụ.

Ngoài cách kết truyện có hậu kể trên, Nguyễn Đăng An còn sử dụng lối kết truyện dở dang mở ra nhiều chiều suy ngẫm thấm thía tùy cách tiếp nhận của bạn đọc (các truyện"Lời tự bạch của cô gái nhiễm HIV", "Lời nguyền"…).

Một "sang chấn mỹ học" gây thất vọng hoặc thích thú cuồng lên nơi độc giả vẫn là cái thiếu vắng của Nguyễn Đăng An. Một độ "phiêu" vừa phải để các nhân vật "cất cánh", thăng hoa lên bầu trời và ngoái nhìn lại dấu chân ở mặt đất cũng là cần thiết đối với một cây bút tuổi không còn trẻ nữa.

Có cần thiết không để làm điều đó, hay vẫn cứ "lối cũ ta về" với những hiện thực nghiệt ngã và trữ tình đau đớn? Nhưng mà, "nhân vô thập toàn", những nội dung, nghệ thuật và thông điệp mà Đại tá - nhà văn công an Nguyễn Đăng An đã công bố trong tập truyện "Người đàn bà nghịch cát" đủ để chúng ta trân trọng, tìm đọc và tri âm.

Sương Nguyệt Minh (VNCA)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: