Thứ sáu, 29/03/2024,


Đặng Vương Hưng: Nhà văn nào được quyền chăm sóc cho những bạn đọc của mình, đó cũng là hạnh phúc! (01/01/2014) 


          Vào những ngày cuối tháng 12-2013, cuốn sách “Phi công Mỹ ở Việt Nam” đã ra mắt bạn đọc. Nhiều tư liệu giá trị về phi công Mỹ từ gần 70 năm trước lần đầu tiên được giải mật và chính thức công bố. Cuốn sách công phu gần 400 trang, khổ lớn của nhà văn Đặng Vương Hưng đã lập tức thu hút được sự quan tâm của dư luận.

VNT đã có cuộc trò chuyện cùng nhà văn Đặng Vương Hưng về quá trình thực hiện tác phẩm  đặc biệt này.
 
 
Ý tưởng thực hiện cuốn sách “Phi công Mỹ ở Việt Nam” đã hình thành trong anh từ khi nào?
Đó là vào đầu năm 2008, khi tôi cho công bố loạt bài tư liệu nhiều kỳ trên tờ An ninh thế giới “Sự thật về vụ tập kích cứu phi công Mỹ tại Sơn Tây năm 1970”, đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của bạn đọc. Còn nhớ, mỗi kỳ báo sắp ra, nhiều độc giả đã quan tâm chờ đợi và hào hứng đón đọc. Các đại lý phát hành đặt tăng số lượng cả vạn tờ. Khi số cuối cùng của loạt bài ấy phát hành, nhiều người cứ tiếc rẻ vì đọc chưa “đã”, bởi nhu cầu của họ muốn kéo dài thêm nữa... Chính điều đó đã gợi ý cho tôi phải viết một cuốn sách về đề tài này
Rất nhiều tư liệu chưa được giải mật. Việc gặp nhân chứng cũng không dễ dàng. Có vô vàn khó khăn đặt ra trong quá trình thực hiện cuốn sách. Anh có thể chia sẻ?
Đúng là khi bắt tay vào việc mới thấy khó. Bởi đây là một đề tài cho đến nay vẫn rất ít được nói đến trong cách sách báo phát hành công khai. Trước tôi, chỉ có nhà văn Xuân Ba viết đôi bài “Hỏa Lò tò mò ký” và cũng mới chỉ đề cập khá chừng mực, nhân một chuyến thăm của cựu tù binh phi công Mỹ tới trại giam Hỏa Lò... Thêm nữa, cách lưu trữ tài liệu mật ở ta không giống như nước ngoài. Hầu như trong nhiều năm chúng ta không có quy định về việc “giải mật” tài liệu. Mãi tới cuối năm 2011 nước ta mới có Luật Lưu trữ. Luật này có hiệu lực từ tháng 7 năm 2012. Và còn phải đợi đến đầu năm 2013, Chính phủ mới có Nghị định 01 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật lưu trữ. Cụ thể, Điều 14 quy định: “Tài liệu lưu trữ có giá trị bảo quản vĩnh viễn của các ngành Công an, Quốc phòng, Ngoại giao phải nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử trong thời hạn 30 năm, kể từ năm công việc kết thúc, trừ tài liệu lưu trữ chưa được giải mật hoặc tài liệu lưu trữ cần thiết cho hoạt động nghiệp vụ hàng ngày”. Trước đó, vào năm 2009 Đảng ta có Quy định số 212-QĐ/TW về giải mật tài liệu của các cơ quan, tổ chức trước khi nộp lưu vào Kho Lưu trữ Trung ương Đảng và tài liệu của Kho Lưu trữ Trung ương Đảng. Theo đó: "Việc giải mật tài liệu phải đảm bảo nguyên tắc bảo vệ lợi ích và an ninh của quốc gia, của Đảng; thực hiện theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; căn cứ vào Danh muc bí mật nhà nước để tiến hành giải mật tài liệu".
Sở dĩ tôi phải trích dẫn kiểu “nói có sách, mách có chứng” như thế để thấy sự phức tạp của vấn đề. Bởi “Phi công Mỹ ở Việt Nam” không chỉ gặp khó khăn khi muốn tra cứu tài liệu lưu trữ ở các cơ quan Nhà nước, của Ngành chuyên môn, mà cả khi gặp các nhân chứng họ cũng ngại cung cấp tư liệu, không dám nói ra những điều mắt thấy tai nghe, vì ai cũng “sợ lộ bí mật quốc gia”.
Nhiều tư liệu quý, có những tư liệu lần đầu tiên được công bố khiến cuốn sách trở nên hấp dẫn với bạn đọc. Tuy nhiên không phải không có những ý kiến ngờ vực về sự chính xác của các tư liệu. Với tư cách tác giả, anh nói gì về điều này?
Điều đó cũng là dễ hiểu. Tôi tự biết sức mình và khả năng có hạn, dù đã cố gắng hết mức. Bởi thế, một số tư liệu, con số thống kê, chi tiết… tôi cung cấp cái nhìn từ nhiều phía, để bạn đọc tự khám phá và kết luận theo cách cảm, cách nghĩ của riêng mình. Tôi không có ý định áp đặt cho ai điều gì. Cách viết của tôi với cuốn sách là luôn mở ngỏ, để bạn đọc cùng hoàn chỉnh.
 Thời điểm nào anh cảm thấy tự tin về khả năng thành công của cuốn sách?
Đấy là khi tôi lần lượt cho công bố các bài viết trên báo chí. Vừa làm vừa nghe ngóng, xem phản hồi từ phía bạn đọc và nhất là các cơ quan chức năng. Đặc biệt, là năm 2010, trước khi cho công bố bản in thử nghiệm của “Phi công Mỹ ở Việt Nam”… theo yêu cầu Nhà xuất bản CAND, tôi chuyển bản thảo cho Cục Xuất bản để giám định. Trực tiếp ông Mạc Văn Trọng (nguyên Giám đốc Thư viện Quân đội), Tổ trưởng Tổ Đọc của cơ quan Cục đã xử lý bản thảo này. Tôi rất mừng, vì nhận được kết quả nhanh. Ông Trọng đã khen cuốn sách viết chắc tay, hấp dẫn và chân thành góp ý cho tôi. Và khi những bàn in đầu tiên của cuốn sách được phát hành, tôi nhận được sự ủng hộ đồng thuận cao của dư luận bạn đọc, cùng sự góp ý chân thành và xây dựng của các đồng nghiệp… để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện cuốn sách.
Trong 16 năm âm thầm thực hiện cuốn sách, có những kỉ niệm nào đáng nhớ với anh?
Nhiều kỷ niệm lắm. Đặc biệt là với các bạn đọc là cựu chiến binh. Nhiều cụ vừa đọc xong là gọi điện, viết thư cho tôi ngay, góp ý từng chi tiết nhỏ. Đại tá Trần Trọng Duyệt, cựu Trại trưởng tù binh Mỹ ở Hỏa Lò đã gọi điện mời tôi về tận nhà riêng ở Hải Phòng để cung cấp tư liệu. Thú vị nhất là thông qua Sứ quán Mỹ ở Hà Nội, Giáo sư Benjamin F. Schemmer, Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự nổi tiếng của Mỹ đã viết thư trao đổi tư liệu với tôi. Ông này từng phục vụ tại Viện Hàn lâm quân sự Mỹ, Cố vấn Bộ Quốc phòng Mỹ, Chủ bút Tạp chí Các lực lượng vũ trang, Tổng biên tập Tạp chí Chiến lược… Ông là khách mời bình luận thường xuyên của các hãng truyền hình nổi tiếng như: ABC, CNN, NBC, BBC và CBC và cũng là tác giả của cuốn “The Raid” (tức "Vụ tập kích Sơn Tây). Benjamin F. Schemmer đã trân trọng coi tôi như một người bạn đồng nghiệp. Thậm chí sau này ông còn giới thiệu với tôi với những người bạn của mình khi họ sang Việt Nam. Đó cũng là cơ duyên, để tôi gặp khá nhiều các cựu tù binh phi công Mỹ khi sang thăm lại Việt Nam bằng con đường du lịch… có người đeo hàm Tướng, có người từng là Thống đốc… Họ đã cung cấp cho tôi thêm rất nhiều tư liệu quý.
 
CHÙM ẢNH MÀU TƯ LIỆU HIẾM HOI VỀ LỄ TRAO TRẢ
          TÙ BINH MỸ NĂM 1973 TẠI GIA LÂM - HÀ NỘI
 
Viết về phi công Mỹ, anh có nghĩ tới việc, làm thế nào để cuốn sách đến được với các cựu phi công Mỹ - những nhân chứng sống của cuốn sách này?
Tôi có một số người bạn sống ở nước ngoài. Một số trí thức của Mỹ khi tới Hà Nội cũng tìm đến thăm tôi - với tư cách là một nhà văn cựu chiến binh. Chúng tôi thường trò chuyện cởi mở, chân tình và hiểu nhau. Tôi hi vọng là các cựu tù binh Mỹ sớm muộn sẽ được đọc cuốn sách tôi đã viết về họ bằng bản dịch tiếng Anh.
 Từng có kinh nghiệm nhiều năm làm báo. Có vẻ như tư duy làm báo đã được anh sử dụng một cách rất hiệu quả khi anh chuyển sang lĩnh vực xuất bản?
Đúng là tôi có may mắn nhiều năm làm báo An ninh thế giới – Tờ báo có lượng phát hành lớn nhất nhì cả nước một thời. Nghề làm báo dạy người ta tư duy nhanh nhạy, cách chọn vấn đề và xử lý thông tin xã hội quan tâm nhất. Mỗi cuốn sách tôi làm đều cố gắng tạo ra một điều mới lạ, dù nhỏ thôi. Hình như tôi cũng có một chút duyên với lĩnh vực xuất bản, nên đã làm được một số cuốn sách được coi là “sự kiện” và xếp vào loại “bestsellers”. Nhưng tôi cũng phải thú nhận là mình không có tư duy làm kinh doanh, nên không thể biến nó thành lợi nhuận cho mình được.
 Người ta lo ngại rằng xu hướng đọc hiện nay ở nhiều người chỉ thiên về những cuốn nhẹ nhàng, dễ đọc, mang tính giải trí cao. Nhưng có thể nhận thấy rằng những cuốn sách anh chủ biên hoặc trực tiếp thực hiện đều là những cuốn sách công phu, với cách chọn đề tài không hề “chiều lòng độc giả”. Vậy mà chính độc giả buộc phải tìm đọc chúng. Anh có thể nói gì về điều này?
Mỗi người có một cách làm riêng. Những cuốn sách nhẹ nhàng, dễ đọc, mang tính giải trí cao thì dễ được nhiều độc giả chấp nhận. Nhưng vẫn cần những loại sách dụng công, hoặc chuyên sâu một đề tài, một lĩnh vực nào đó. Độc giả luôn đúng và nhu cầu của họ là vô cùng, vô tận. Người viết sách và làm sách phải có trách nhiệm với ngòi bút của chính mình và lương tâm nghề nghiệp với xã hội nữa. Điều quan trọng là chúng ta phải nuôi dưỡng được sự đam mê và hãy làm hết khả năng của mình đi. Lo gì không có bạn đọc chứ! Tôi vẫn sẽ làm những cuốn sách dù không nhiều người đọc, nhưng khi độc giả cần vẫn phải tìm đọc.
 Chỉ sau hơn một tuần kể từ ngày ra mắt, cuốn sách “Phi công Mỹ ở Việt Nam” – theo đường bưu điện đã tỏa đi mọi nơi, đến tay những độc giả có nhu cầu. Anh luôn trực tiếp làm việc trực tiếp kết nối với độc giả, thay vì chỉ trông chờ ở các hệ thống phát hành sách. Vì sao vậy?
Một điểm mới của “Phi công Mỹ ở Việt Nam” – Phiên bản 2014 là tôi muốn thử nghiệm cách phát hành qua kênh “chuyển phát nhanh” của hệ thống bưu điện; tạo điều kiện cho tác phẩm có thể tiếp cận bạn đọc nhanh nhất, dù họ ở bất cứ địa phương nào trên cả nước. Để hỗ trợ cho việc này, tôi đã thiết kế thêm cho mỗi cuốn sách một chiếc áo bọc giống như vỏ hộp kiêm phong bì thư. Rồi nhờ các đồng nghiệp trợ giúp cho công khai địa chỉ nhận thư: Café Lục Bát (40 Võ Thị Sáu, TP. Hà Nội), hoặc email: dangvuonghung03@gmail.com và số điện thoại: 0913 210 520 trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng… Chỉ cần bạn đọc có thư, điện thoại, tin nhắn yêu cầu mua sách và gửi tiền về Đặng Vương Hưng, tài khoản VND: 17001 48490 34677 EXIMBANK chi nhánh Ba Đình - Hà Nội; tôi sẽ trực tiếp tặng chữ ký bằng bút mực tươi và thậm chí trực tiếp đóng góp, ra bưu điện chuyển phát nhanh luôn… Tôi cho rằng: Nhà văn nào được quyền chăm sóc cho những bạn đọc của mình, thì đó cũng là điều hạnh phúc! Đáng mừng là mới trong khoảng một tuần đã có hàng trăm yêu cầu được gửi về cho tôi. Tôi tin họ là những người thật sự yêu sách và sẽ lưu giữ tác phẩm của mình tốt nhất.
Điều anh tâm đắc nhất sau khi thực hiện xong cuốn sách “Phi công Mỹ ở Việt Nam”?
Cuốn sách vừa ra đời là kết quả của 16 năm lặng lẽ, bền bỉ và kiên trì theo đuổi một đam mê. Tôi đã làm việc hết mình, dù khả năng có hạn và cũng không có gì phải ân hận cả. Hạnh phúc nhất với tôi là bạn đọc đã chấp nhận và đang đón đọc nó. Điều ấy đã cho tôi một cảm hứng để viết một cuốn sách mới…
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
 
PVVNT (thực hiện)
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Chử Thu Hằng - trangthuquyenru@gmail.com - 01663332171 - Sơn Tây, Ba Đình, Hà Nội  (Ngày 01/01/2014 22:24:44)

“Phi công Mỹ ở Việt Nam” là cuốn sách quí có giá trị lịch sử, được viết bằng tài năng và tâm huyết của Nhà thơ Đặng Vương Hưng.
Vì vậy, tôi trân trọng đặt mua 4 cuốn x 150 000 đ để làm món quà Xuân cho những người bạn của tôi.
Kính chúc Nhà thơ Đặng Vương Hưng có thêm nhiều ý tưởng độc đáo, nhiều tác phẩm giá trị.

Các bài khác: