Thứ bảy, 20/04/2024,


Đặc sắc ẩm thực Nam bộ (03/11/2013) 

Những nét văn hóa đặc trưng của người Nam bộ từ thời khẩn hoang đã góp phần hình thành nên con người Nam bộ đoàn kết, phóng khoáng, bộc trực và khoan dung, cùng với việc giới thiệu hàng chục món ăn truyền thống khẩu vị Nam bộ đã khiến không khí tại Bảo tàng TPHCM sôi động ngày cuối tuần. Hàng trăm học sinh - sinh viên, có cả sinh viên người nước ngoài, đã có mặt tại đây từ rất sớm.

Các bạn trẻ thưởng thức các món ăn đặc trưng ẩm thực Nam bộ.

Tinh hoa của đất của người

Có hơn 300 năm lịch sử, Nam bộ là vùng đất mới. Sống trong điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, những cư dân Nam bộ đầu tiên - những người khẩn hoang - luôn biết cách đoàn kết, đùm bọc cưu mang nhau sinh sống. Cũng chính sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã khiến họ luôn sáng tạo, linh hoạt và năng động. Dễ thấy nhất trong cách nhìn nhận vấn đề này là việc người Nam bộ chế biến các món ăn hàng ngày, lúc giỗ chạp, cúng tế hay những ngày tết cổ truyền.

Món ăn của người Nam bộ mang tính dân dã, dùng cách chế biến đơn giản để thưởng thức được hết hương vị tự nhiên của thực phẩm, kết hợp các gia vị tươi với vô số những loại rau rừng, rau ruộng, rau mọc quanh vườn nhà. Nguồn thực phẩm phong phú từ đồng ruộng, sông rạch, ao hồ được sử dụng linh hoạt, chế biến nhiều cách, từ món tươi đến món khô để dùng lâu ngày. Bữa ăn phần chính là cơm, rau, cá, thịt, trong đó phần nguồn để chế biến món rau, cá, thịt phải nói là vô số kể.

Cùng với các món ăn, nước chấm cũng được chế biến thành cả trăm loại theo từng món phù hợp: Tương dùng chấm gỏi cuốn, bò bía, chạo tôm, nem nướng; mắm nêm để chấm khi cuốn bánh tráng, cá nướng, cá hấp, bò nướng, bò nhúng giấm, thịt luộc; mắm tôm chua Gò Công, mắm ruốc Vũng Tàu có thể pha chế thành nhiều món chấm hấp dẫn; nước mắm cá cơm Phú Quốc đặc biệt ngon có thể chế biến mặn nhạt dùng chấm gỏi, chả giò, bì cuốn, bánh xèo, bánh khọt, bún thịt nướng… Đó là chưa kể đến các món chấm từ nước tương, muối ớt, muối tiêu…

Theo nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương, Chủ tịch Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn: “Không chỉ thể hiện văn hóa đặc trưng, người Nam bộ sống chan hòa với các dân tộc anh em nên sự giao thoa văn hóa cũng làm phong phú thêm kho tàng ẩm thực Nam bộ. Đơn cử như món bún nước lèo của người Khmer ở Sóc Trăng, Bạc Liêu (được nấu với cá lóc và củ ngãi bún), người Kinh có món mắm kho (kho với mắm cá sặc, mắm cá linh, cá basa, thịt ba rọi), người Hoa có món vịt quay. Vậy là món bún mắm ra đời, tổng hòa khẩu vị của cả ba dân tộc”.

Tự hào kho tàng ẩm thực Việt

“Xin cô giải thích cho tụi em biết thế nào là phương pháp “khìa” mà người Nam bộ thường dùng?”, Lê Thị Kim Ngân, sinh viên Khoa Du lịch, Đại học Văn hóa TPHCM, thắc mắc. Một bạn nữ cùng khoa du lịch đặt vấn đề, món nào của Nam bộ là đặc sắc nhất để có thể giới thiệu với du khách quốc tế? “Nhắc đến Hà Nội, người ta thường nhắc đến bún chả, chả cá; miền Trung nổi bật có món bún bò Huế, mì Quảng, vậy đặc sản ẩm thực Nam bộ là món gì?”, Trương Hoàng Minh, sinh viên Đại học KHXH-NV TPHCM nêu.

Hàng loạt câu hỏi về văn hóa ẩm thực được đặt ra: “Thịt kho tàu được hình thành từ bao giờ? Thịt kho nước dừa có phải là thịt kho tàu?”. Nhiều người nước ngoài thắc mắc vì sao nước mắm Phú Quốc của Việt Nam đặc sắc như vậy nhưng lại ít được dùng chế biến món ăn trong các nhà hàng lớn? Hay một bạn nam muốn tìm hiểu về văn hóa nhậu của người Nam bộ có gì đặc trưng so với người miền Bắc, miền Trung?... Tất cả những câu hỏi đã lần lượt được giải đáp thỏa đáng khiến các bạn sinh viên hồ hởi, nhiều bạn nữ không ngần ngại bày tỏ ý định đi học nấu ăn.

“Trước giờ ở nhà, em cũng học được cách chế biến món ăn hàng ngày của bà ngoại, của mẹ. Tuy nhiên, khi tham gia chuyên đề, em thấy những hiểu biết của mình vẫn còn quá ít ỏi. Văn hóa ẩm thực của người Việt, của người dân Nam bộ quả là một kho tàng đồ sộ, rất giá trị và rất đáng tự hào. Có lẽ em sẽ tìm hiểu cụ thể hơn qua một khóa học về nấu ăn ngay sau chương trình này” Lưu Hồng Loan, sinh viên Đại học Văn hóa cho hay.

Ngay sau phần giao lưu tìm hiểu, mọi người được thưởng thức những món ăn dân dã hương vị đặc trưng: bánh xèo, bún mắm, gỏi cuốn, bún chả giò, chè sương sa hột lựu… của những đầu bếp chuyên nghiệp.

Nhằm tăng cường giao lưu thu hút các bạn trẻ, hướng đến cộng đồng, mang đến những bài học bổ ích ngoài ghế nhà trường đồng thời xây dựng bảo tàng thân thiện, giao lưu “Ẩm thực Nam bộ” là một trong nhiều chương trình dài hơi mà Bảo tàng TPHCM nỗ lực thực hiện những năm qua. Trước đó, các chuyên đề: CLB Em yêu lịch sử, giao lưu tìm hiểu về âm nhạc truyền thống, tìm hiểu các nhạc khí dân tộc, về nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, sân khấu cải lương Nam bộ… đã được các bạn trẻ đón nhận và tham gia nồng nhiệt.

MINH AN

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: