Thứ sáu, 19/04/2024,


Có nên xây dựng Tượng đài và đền thờ Thánh Võ? Tổ chức Lễ hội Võ Việt và Giải thưởng Võ Nguyên Giáp? (11/10/2013) 
LTS: CCB, Nhà văn Đặng Vương Hưng được biết đến là người có nhiều ý tưởng độc đáo, là tác giả khởi xướng, đề xuất và tổ chức thành công những cuộc vận động lớn, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc: Sưu tầm và Giới thiệu Kỷ vật kháng chiến (2008 - 2010); Sưu tầm và Tuyên truyền Kỷ vật lịch sử CAND (2012 - 2015)... Anh vừa đề xuất một ý tưởng mới: Tổ chức Cuộc vận động xây dựng Tượng đài và Đền thờ Thánh Võ; Lễ hội Võ Việt và Giải thưởng Võ Nguyên Giáp hằng năm. Nếu Cuộc vận động này được thực hiện, thì sẽ có một Đền thờ không chỉ dành riêng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà còn thờ các danh tướng Việt Nam mọi thời đại; cùng một Lễ hội mang đậm màu sắc CCB Việt Nam...
Phóng viên NCT đã có cuộc trò chuyện với Nhà văn Đặng Vương Hưng về ý tưởng độc đáo và nhân văn nêu trên...
 
 
Phóng viên (PV): Lý do nào khiến anh nêu ý tưởng dựng tượng, xây đền thờ và tổ chức lễ hội về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng các Danh tướng Việt Nam và Lễ hội dành riêng cho các CCB?
Nhà văn Đặng Vương Hưng (ĐVH): Theo tín ngưỡng dân gian, những người có công với nước, nếu được nhân dân “phong thánh”, thì sẽ bất tử và trường tồn cùng dân tộc. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, chúng ta đã có “Tứ bất tử”: Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh Công chúa... Chúng ta còn tự hào bởi có Đức Thánh Trần – Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn; Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ… Những người anh hùng dân tộc đã được nhân dân đời sau dựng tượng và lập đền thờ ở nhiều nơi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa “hóa thánh”. Tên tuổi của Người đã gắn liền với những chiến công lẫy lừng chống xâm lược của dân tộc ta trong thế kỷ 20, được cả thế giới kính nể và khâm phục… Đã từ lâu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là biểu tượng của chiến thắng và hòa bình; trở thành niềm tự hào mọi thế hệ Người Việt Nam. Cuộc đời và nhân cách của Người xứng đáng được tôn vinh và trở thành di sản cho muôn đời sau!
Bởi thế, chúng tôi mạnh dạn đề xuất ý tưởng về Cuộc vận động Tượng đài và Đền thờ Thánh Võ; Lễ hội Võ Việt và Giải thưởng Võ Nguyên Giáp, mang đậm màu sắc CCB Việt Nam hằng năm.
 
Nguyện vọng của nhân dân và cựu chiến binh cả nước!
PV: Theo anh, ý tưởng này có được sự đồng tình ủng hộ của mọi người?
ĐVH: Chúng ta đều biết không phải chỉ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời, báo chí truyền thông của Việt Nam và cả thế giới mới có hàng loạt bài, ảnh và chương trình ca ngợi ông; mà cách đây hơn nửa thế kỷ, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, quân đội cả thế giới đã phải nghiêng mình kính phục vị Đại tướng huyền thoại của Việt Nam. Tài năng, nhân cách, đức độ và bầu nhiệt huyết cách mạng của ông đã khiến không chỉ bạn bè quốc tế, mà ngay cả các tướng lĩnh đối phương thua trận cũng phải nể phục. Điều đó được thể hiện trong hàng trăm cuốn sách, hàng nghìn chuyên đề, hàng vạn bài báo ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp được viết bởi những tác giả nước ngoài...
Ở Việt Nam, thật hiếm có một vị tướng, hay nhà là lãnh đạo nào lại dành được nhiều tình cảm của nhân dân đến thế! Sinh thời, những năm cuối đời, dù nghỉ hưu đã lâu, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn thường tiếp khách là các CCB và quần chúng nhân dân. Nhiều người về Hà Nội, chỉ được mong được gặp mặt, chụp ảnh với Đại tướng một lần trong đời là hạnh phúc và tự hào lắm rồi.
Sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, những ngày này, dù Đảng, Nhà nước và Quân đội ta chưa chính thức tổ chức tang lễ; nhưng nếu ai có dịp qua đường phố Hoàng Diệu, thấy hàng vạn người, trong đó có hàng ngàn CCB đứng xếp hàng từ sáng sớm, để được vào ngôi nhà số 30 thắp hương, thành kính trước chân dung của Đại tướng. Thậm chí, nhiều người không vào được, vẫn chắp tay thành kính bái vọng từ xa, cầu mong cho linh hồn của Đại tướng siêu thoát...
Một vị Đại tướng gần gũi nhân dân và được dân quý trọng như thế, sẽ trở thành biểu tượng chiến thắng xâm lược, không bao giờ phai mờ trong tâm tưởng những người Việt Nam yêu nước, đặc biệt là với các CCB. Người xứng đáng được dựng tượng đài, được xây đền thờ và các CCB tổ chức Lễ hội tưởng nhớ hằng năm. Và đây cũng là ý nguyện chính đáng của nhân dân, đặc biệt là cựu chiến binh cả nước và người Việt trên khắp thế giới.
 
Điểm nhấn là Lễ hội Võ Việt: Các CCB Việt Nam "tiếp lửa truyền thống" cho thế hệ trẻ
PV: Xin anh cho biết đôi nét khái quá nội dung ý tưởng cuộc vận động nêu trên cần đạt được?
ĐVH: Có thể nói ngắn gọn một số nội dung chính như sau:
Về Tượng đài và Đền thờ Thánh Võ: Cần tổ chức một cuộc thi phác thảo tượng đài này cho các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên; đối tượng dự thi là người Việt và cả người nước ngoài; thời gian phát động và tổng kết khoảng một năm sẽ trao giải và chọn mẫu tượng đẹp và ý nghĩa nhất để thi công.Tượng đài cần đặt ở vị trí trang trọng, cạnh lăng mộ của Đại tướng, mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa và giáo dục cho nhiều thế hệ người Việt Nam và bạn bè thế giới thăm viếng. (Lưu ý:“Thánh Võ” là gọi theo truyền thống dân gian để tôn vinh vị Thánh họ Võ, đồng thời còn có ý nghĩa là Võ Tướng và Võ Công hiển hách chống ngoại xâm... Bởi thế, trong đền thờ này, ngoài tượng đồng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sẽ có tượng của các danh tướng Việt Nam xưa và nay khi đã qua đời.Đền thờ cần được xây dựng tại vùng đất linh thiêng, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp yên nghỉ vĩnh hằng và “hóa thánh”. Ngoài đền thờ chính tại quê hương Quảng Bình, có thể xây Đền thờ Thánh Võ ở nhiều địa phương khác theo nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng nhân dân và các CCB tiện thờ cúng và thăm viếng).
Về Lễ hội Võ Việt:Là một Lễ hội mới, mang đậm màu sắc CCB Việt Nam, được tổ chức vào ngày 30 tháng Tám âm lịch hàng năm – Ngày “hóa thánh” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm Quý Tỵ - Với nhiều nghi lễ độc đáo: Tái hiện lại cuộc đời và sự nghiệp của một vị Đại tướng huyền thoại, “Người ảnh cả” của QĐNDVN; Học sinh, sinh viên thi kể chuyện truyền thống; Các tướng lĩnh, cựu CCB giao lưu; Đặc biệt, là mở hội thi Võ Việt cho các võ sinh đến từ nhiều quốc gia trên thế giới… Qua đó, góp phần góp phần giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tinh thần chống ngoại xâm cho mọi người Việt, nhất là với thế hệ trẻ ngày nay; bởi tình hình thế giới ngày càng phức tạp, và công cuộc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ngày càng quyết liệt…
Lễ hội Võ Việt có thể do Hội NCT phối hợp với CCB Việt Nam, Trang VNTime, chính quyền và nhân địa địa phương tự tổ chức. Cần được xây dựng kịch bản tốt với những nghi thức đặc trưng và riêng biệt.
Chúng tôi hi vọng: Đền Thánh Võ và Lễ hội Võ Việt sẽ trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn. Lễ hội Võ Việt sẽ mang đậm màu sắc của những CCB Việt Nam "tiếp lửa truyền thống" cho thế hệ trẻ. Và đây cũng là “điểm nhấn” trong dự thảo đề án của chúng tôi.
 
Mong ước Giải thưởng Võ Nguyên Giáp như "Nobel của Việt Nam"
PV: Vậy còn Giải thưởng Võ Nguyên Giáp?
ĐVH: Đó là một giải thưởng mang tính nhân văn cao đẹp, được trao thường niên, tôi mong ước như “Nobel của Việt Nam". Ngoài việc được vinh danh, người có giải còn được nhận một khoản tiền lớn, hoặc giá trị vật chất đủ ghi dấu ấn trong cuộc đời. Giải thưởng Võ Nguyên Giáp do báo giới bình chọn và đề cử. Hội đồng Giải thưởng Võ Nguyên Giáp gồm các nhà hoạt động Chính trị, Quốc phòng, An ninh, Kinh tế, Xã hội, Văn nghệ sỹ và trí thức có uy tín trên nhiều lĩnh vực sẽ xét chọn độc lập, công khai và dân chủ;
Giải thưởng Võ Nguyên Giáp được trao cho người Việt và cả người nước ngoài, có thành tích đặc biệt xuất sắc trong năm, có đóng góp cho cộng đồng và xã hội ở Việt Nam. Để giải thưởng có nguồn kinh phí ổn định, lâu dài, đề nghị thành lập “Quỹ Giải thưởng Võ Nguyên Giáp” có tư cách pháp nhân, tài khoản và con dấu riêng, hoạt động theo quy định của Nhà nước và pháp luật hiện hành.
 
PV: Lộ trình thời gian của Cuộc vận động này thế nào?
ĐVH:Dự kiến Cuộc vận động sẽ được tiến hành trong thời gian 10 năm, chia làm 3 giai đoạn: 3 năm đầu tiên cần đề xuất cơ quan có thẩm quyền ra Quyết định phê duyệt Đề án; thành lập Văn phòng thường trực; Tổ chức khảo sát, thống nhất địa điểm xây dựng Tượng đài và Đền thờ; Tổ chức cho các nghệ sĩ đi thực tế và phát động cuộc thi sáng tác ý tưởng và mẫu tượng đài, đền thờ cho người Việt trên khắp thế giới; Tổng kết và trao thưởng cuộc thi này. 3 năm tiếp đó là tổ chức thi công Tượng đài và Đền thờ; tổ chức các hội thảo khoa học và bình chọn các danh tướng xưa và nay; tổ chức đúc tượng các danh tướng được thờ tại Đền Thánh Võ… Giai đoạn 3 (4 năm cuối cùng): Xây dựng kịch bản, phối hợp với Hội CCB Việt Nam và chính quyền địa phương tổ chức tốt các Lễ hội Võ Việt vào ngày 30 tháng Tám âm lịch hằng năm. Mở hội thi kể chuyện về các danh tướng Việt Nam cho học sinh, sinh viên và thanh niên toàn quốc; Mời các danh tướng, CCB Việt Nam giao lưu; Mở hội thi đấu Võ Việt cho các võ sinh toàn thế giới; Khánh thành công trình. Tổng kết và vinh danh những người có công với Đề án Cuộc vận động nêu trên.
PV: Mục tiêu rất lớn và thời gian cũng khá dài. Vậy còn kinh phí đảm bảo chắc chắc cần rất nhiều tiền? Các anh sẽ đi vay ngân hàng, hay mượn từ đâu?
ĐVH: Cuộc vận động này sẽ cần kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Chúng tôi không vay ngân hàng, cũng không đi mượn ai cả, mà sẽ huy động từ nguồn lực xã hội hóa bằng hình thức vận động tài trợ, mời gọi quảng cáo, nhắn tin ủng hộ, vv...
PV: Và tất cả những ý tưởng nói trên, đã được anh thực hiện cụ thể như thế nào?
ĐVH: Nói thì đơn giản vậy, nhưng tôi đã viết thành một bản dự thảo Đề án dày hơn 20 trang A4, đề xuất cụ thể: Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam; Quỹ Mãi mãi tuổi 20; thân nhân gia đình cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp… đồng chỉ đạo và thực hiện. Vì vấn đề quá lớn, cần phải xin ý kiến, tranh thủ sự ủng hộ của nhiều cấp và nhiều ngành. Chúng tôi đang chuyển dự thảo đề án cuộc vận động tới các cấp lãnh đạo, các nhân sĩ, trí thức và các CCB uy tín... để xin ý kiến đóng góp.
Tóm lại, đây là vấn đề rất lớn, có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, nên không thể trình bày trong một bài viết ngắn. Chúng tôi kính mong các cơ quan báo chí, mạng xã hội, hãy tổ chức diễn đàn, để bạn đọc gần xa cùng cho ý kiến góp ý thêm bằng những bài viết, thư, điện... sôi nổi. Hy vọng, tâm nguyện chính đáng của nhân dân cả nước và các CCBVN sẽ sớm trở thành hiện thực!
PV: Xin chúc CCB, Nhà văn Đặng Vương Hưng thêm nhiều sức khỏe, may mắn và thành công với những ý tưởng mới!
 
Hà Nội, những ngày Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp
                    Lý Chúc Linh (thực hiện)
                    
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  LÊ NGŨ NAM PHONG - namphong2408@gmail.com - 01 - xã Mỹ Lương Cái Bè Tiền Giang  (Ngày 13/10/2013 21:10:43)

Lê Ngũ Nam Phong rất hoan nghênh ý kiến đề bạt của nhà thơ, nhà văn, Đặng Vương Hưng. xin tóm ngắn " uống nước nhớ nguồn " đề cao Thánh Võ rất ý nghĩa sâu sắc, con cháu muôn đời nhớ ơn......

Lê Ngũ Nam Phong

Các bài khác: