Thứ tư, 24/04/2024,


Nguyễn Đình Trọng, người mê đắm thơ Lục Bát (Trần Hoàng Vy) (14/09/2013) 

Thể thơ truyền thống lục bát của Việt Nam rất dễ làm nhưng thật khó để có bài hay. Cái ranh giới mong manh, mỏng mảnh giữa…vè lục bát và thơ lục bát, khiến không ít người làm thơ phải… ngã về phía vần vè, thù tạc hay phải một chân giữa vè và một chân giữa thơ. Tội nghiệp?


Bìa Ngẫu hứng Lục bát


          Tập thơ với 39 bài lục bát và một “liên hoàn kết nối” giữa 132 tác giả, mỗi người một cặp 6/8 thành bài thơ dài mà Nguyễn Đình Trọng gọi là “Lục bát tình” với nhiều cung bậc và ý nghĩa của nó! Ở bài thơ “ Tự Bạch” trang 16, Nguyễn Đình Trọng đã gửi gắm tâm tình và khẳng định: “ Bao nhiêu ba sáu lăm ngày/ Vòng tay đồng đội, vòng tay bạn bè” và rồi: “ Tháng Năm hoa phương gọi hè/ Đã lên chức ngoại con mê…thơ tình” Để thấy người cựu binh bộ đội cụ Hồ, không mơ mình là nhà thơ, là thi sĩ, anh chỉ là người yêu thơ, mê đắm với thơ, đặc biệt là với thể loại thơ 6/8 của dân tộc.

           Thơ Nguyễn Đình Trọng, thủ thỉ về những tâm sự tình cảm với gia đình, đồng đội, bạn bè, đôi khi thể hiện những suy tư, dằn vặt giữa đạo lý, tình đời. Thơ anh viết cho vợ, cho con gái, cho cháu ngoại… và thù tạc cùng với những “đồng thanh, đồng khí” về các mặt của cuộc sống. Với người vợ của mình anh viết: “ Vai gầy, dáng mỏng liêu xiêu/ Mà Em lo hết bao nhiêu chuyện đời” ( Vợ ơi, trang 59), và anh mong ước “ Nguyện cầu cho em với anh/ Như câu tục ngữ: Rách lành có nhau!” ( Ước nguyện, trang 15). Với con gái ngày đi lấy chồng, lục bát của anh giống với…lời MC dẫn lễ cưới? “ Ngày vui con gái lấy chồng/ Chúc hai con trẻ mặn nồng thắm duyên…/ …..Nâng ly cạn chén rượu mừng/ Tiệc vui xin hãy tưng bừng… người ơi!” ( Chúc phúc, trang 47). Và với cháu ngoại thì: “ Ông yêu qúy em nhất nhà/ Bảo trâu còn bé gọi là Nghé thôi!” ( Nghé vàng, trang 19). Có sự thật thà, có cả những nôm na vần vè, song với anh là đáng quý, đáng yêu dường nào!

           Tâm sự với con sông Kôn quê hương anh, bỏ những suy tư trìu trĩu bởi môi trường bị “ chặn dòng, thải xả…”, anh có những câu thơ làm nao lòng người: “ Sông Kôn chẳng thể lở bồi/ Nhớ em bên ấy đứng ngồi chờ mong/ Xắn quần bì bõm qua sông/ Nhìn sông trơ đáy mà không muốn về…”. Bài thơ về Tây Sơn, miền đất võ Bình Định, cái ám vào anh, lại khiến người đọc liên tưởng đến cái anh Kim Trọng, dù rằng anh muốn hướng đến vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, khi anh cố gò hai câu: “ Áo Người sắc tựa ráng pha/ Vó câu muôn dặm đường xa mới về” ( trang 34), tôi nghĩ chỉ có hai câu “ Ôm hôn mảnh đất nghĩa tình/ Bâng khuâng nghĩ tới lúc mình sẽ xa…” ( trang 34), mới thực của tấm lòng anh?

           Những bài thơ viết về đồng đội, bạn bè… vẫn âm hưởng, chút giao lưu, thù tạc vốn có, chưa cô đọng bởi tâm tình cứ dàn trải, mông lung, song vẫn cứ chơn chất, thật thà vốn có như: “ Sắc màu lính chúng tôi mang/ Là xanh biển cả, là vàng non cao/ Là màu tím của ước ao/ Là hồng tươi sắc cờ sao huy hoàng” ( Màu xanh áo lính, trang 23), hay “ Tháng ngày mỏi rã cánh chim/ Nẫu ơi, tôi lại về tìm…Xuân quê!” ( trang 35).

           Miên man, say đắm, ngập tràn trong dòng chảy lục bát, chưa cách điệu, cách tân, chưa dấu ấn đặc biệt. Nhưng với sự liên kết “kết nối” 132 tác giả trên khắp mọi miền đất nước trong một bài lục bát dài, tròn trịa, nhuần nhuyễn, có lẽ chưa ai làm được ngoài Nguyễn Đình Trọng. Không đồng cảm, đồng điệu, không quí mến nhau sẽ khó có thể “nhặt” ra từng ấy câu thơ để mà “gắn kết” tạo nên cái tình của lục bát. Bạn bè chia sẻ khâm phục anh, và tôi người đọc anh cũng đã cảm cái tình anh mà gắn cho anh sự “mê đắm”, của một người vừa tròn tuổi “bảy mươi”, đang hổn hển thở cùng với “nàng” thơ lục bát yêu quí của mình…mà “ Trăm năm dù bạc mái đầu/ Lửa anh vẫn cháy cạn dầu bếp em!”…

Bên bờ Vàm Cỏ, tháng 9/2013

( Đọc NGẪU HỨNG LỤC BÁT, của Nguyễn Đình Trọng, NXB Văn học tháng 7/2013)

TRẦN HOÀNG VY

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: