Thứ năm, 18/04/2024,


NSND Bạch Diệp - vợ cũ nhà thơ Xuân Diệu - qua đời (18/08/2013) 


Nữ đạo diễn đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam tạ thế sáng nay (17/8) do bệnh ung thư, hưởng thọ 85 tuổi.

Đạo diễn Đỗ Đức Thành - người từng sát cánh NSND Bạch Diệp trong các phim Hoa ban đỏ, Vui buồn sau lũy tre, Nụ tầm xuân - sững sờ khi nghe tin bà qua đời. "NSND Bạch Diệp ra đi là tổn thất lớn của điện ảnh Việt Nam. Tôi đã mất đi một người cô, một người bạn và một người mẹ" - Đỗ Đức Thành ngậm ngùi.

NSND Bạch Diệp trong trí nhớ của Đỗ Đức Thành là người rất nóng tính, hay mắng diễn viên nhưng hết lòng vì công việc. Vượt qua khoảng cách tuổi tác, hai người thân nhau như bạn vong niên. "Có lần, khi quay phim giữa rừng Lào đầy hoa đào nở, tôi và cô khoác vai nhau tâm sự. Cô kể với tôi rất nhiều về nghề nghiệp, về các cuộc hôn nhân của mình" - Đỗ Đức Thành bồi hồi nhớ lại.

Theo tiết lộ của Đỗ Đức Thành, NSND Bạch Diệp bị bệnh ung thư mấy năm nay. Khi nằm trên giường bệnh, bà từng chia sẻ với anh, bà sống tới giờ đã đủ mãn nguyện vì có nhiều bạn bè, được làm nghề yêu thích. Nữ đạo diễn mong sớm ra đi để giải thoát khỏi những nỗi đau thể xác. "Ai cũng biết ngày này sẽ đến, khó mà tránh khỏi thiên mệnh nhưng những người yêu quý cô vẫn không cầm được thương xót" - Đỗ Đức Thành buồn bã.

IMG0245-1-1376754153_500x0.jpg
NSND Bạch Diệp.

Với đạo diễn Khải Hưng, NSND Bạch Diệp là một người bạn lớn. Hai người thường xưng hô chị - em dù Bạch Diệp đáng tuổi mẹ của Khải Hưng. Năm 1992, Bạch Diệp về hưu nhưng vẫn thường xuyên cộng tác làm phim truyền hình cho hãng VFC lúc bấy giờ do Khải Hưng làm giám đốc. Theo nhìn nhận của Khải Hưng, Bạch Diệp là người cẩn trọng tới mức kinh khủng, khắt khe từng ly từng tí. Chính vì thế, bà đã để lại sức ảnh hưởng lớn cùng nhiều bài học quý giá cho các đạo diễn trẻ. Điều ông Khải Hưng quý nhất ở bà Bạch Diệp chính là tinh thần làm việc nghiêm túc cao độ. "Cách đây hai năm, trước khi bị bệnh ung thư, Bạch Diệp cũng đã trải qua một trận ốm lớn. Vừa khỏi bà đã đến tìm tôi, đề nghị làm một phim kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Bản thân Bạch Diệp không dùng được máy tính nhưng bà đã viết tay năm tập phân cảnh. Hà Nội một thời - công sức của Bạch Diệp - là một phim rất tốt về Hà Nội nhưng được ít người biết đến" - Khải Hưng kể lại.

Khải Hưng còn buồn hơn khi nhớ lại, cách đây nửa tháng, NSND Bạch Diệp gọi điện cho ông thông báo vào viện xạ trị lần ba. "Bà dặn tôi đừng vào viện thăm và còn bảo, khi nào ra viện sẽ cùng tôi thực hiện một dự án phim Pháp. Tôi vâng dạ nhưng biết bà lúc ấy đã yếu lắm rồi" - Khải Hưng bộc bạch. Ông vẫn chưa nguôi cảm giác bàng hoàng, thương tiếc khi nghe tin NSND Bạch Diệp qua đời.

NSƯT Trần Lực - người vào vai chính trong phim Hoa ban đỏ của NSND Bạch Diệp - cũng đầy cảm xúc khi nói về nữ đạo diễn vừa nằm xuống. Trần Lực rất yêu quý NSND Bạch Diệp, cảm phục tinh thần làm việc say mê của bà. "Cô là một đạo diễn nữ rất mạnh mẽ, hồn nhiên nhưng cũng rất nữ tính. Cô chỉ cáu giận khi làm việc bởi khi ấy, cô như lên đồng. Tôi cho rằng cô không khó tính mà là kỹ tính, làm mọi cách để có được một tác phẩm tốt nhất. Hiếm có ai đến 80 tuổi vẫn miệt mài làm phim như Bạch Diệp. Cô từng bảo nếu ngồi một chỗ, cô không chịu được. Cô là một cây cổ thụ của nền điện ảnh Việt Nam, người để lại những phim nhựa ấn tượng và cả những phim truyền hình hấp dẫn" - Trần Lực nhận xét.

Bạch Diệp tên thật là Nguyễn Thanh Tâm, sinh năm 1929 tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống nhiếp ảnh. Khi mới 16 tuổi, bà đã đi theo Việt Minh, tham gia Tổng khởi nghĩa và tham gia phụ nữ cứu quốc ở Hải Dương rồi hoạt động trong Tỉnh hội và thường vụ liên khu III. Năm 1955, bà chuyển về làm tại báo Nhân Dân, làm tổ trưởng tổ Hà Nội, chịu trách nhiệm thông tin về thành phố.

Năm 1959, Bạch Diệp theo học lớp đạo diễn điện ảnh dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô. Bà tốt nghiệp năm 1963, sau đó về làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam. Tác phẩm đầu tay của bà là bộ phim Trần Quốc Toản ra quân, chuyển thể từ chèo, sau được trao giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai. Những bộ phim tiếp theo của bà ra đời sau đó là Người về đồng cói (1973), Ngày lễ thánh (1976), Câu chuyện làng Dừa (1977), Người chưa biết nói (1979), Ai giận ai thương (1982)... Hai bộ phim Ngày lễ thánh và Huyền thoại mẹ - đều do NSND Trà Giang đóng vai chính - đều giành giải Bông sen Bạc.

Năm 1997, Bạch Diệp được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Năm 2007, bà nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuât. Bà là một trong số nghệ sĩ Việt Nam có tên trong Bách khoa toàn thư điện ảnh Liên Xô. Năm 2008, bà là một trong 11 nghệ sĩ đương đại được tôn vinh trong ngày kỷ niêm 55 năm thành lập ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam. 

Thành công trong sự nghiệp nhưng đạo diễn Bạch Diệp là người phụ nữ đa đoan trong cuộc sống riêng. Bà từng trải qua mối tình đầu trong trẻo với một cán bộ cách mạng, từng là "nàng thơ" của nhạc sĩ Tử Phác và đi qua hai cuộc hôn nhân. Nhưng có lẽ, như bà từng nói, để lại nhiều "dằn vặt, khổ đau, ngọt ngào xen đắng cay nhất” là đoạn đời ngắn ngủi sống chung với thi sĩ Xuân Diệu.

Nữ đạo diễn từng tâm sự về cuộc hôn nhân này rằng: “Công việc làm báo cuốn tôi đi mỗi ngày, tuổi 'băm' đã sầm sập đến sau lưng. Anh Hoàng Tùng mai mối cho tôi với anh Xuân Diệu. Chúng tôi cưới nhau khi tôi ở tuổi 27, còn anh ngấp nghé 40. Chưa đầy nửa năm, chúng tôi chia tay trong niềm thương và nuối tiếc... Ít ai biết tôi từng được làm vợ 'ông vua thơ tình' Việt Nam - Xuân Diệu. Những cuộc gặp gỡ định mệnh đem lại biết bao hạnh phúc và cả khổ đau, dằn vặt tôi suốt những năm qua. Người của một thời giờ đã đi vào thiên cổ, chỉ còn tôi vẫn giữ nguyên vẹn cảm xúc ngọt ngào xen lẫn đắng cay".

Bà kết hôn lần thứ hai với ông Nguyễn Đức Tường vào năm 1975. Họ đã sống với nhau 15 năm cho đến khi ông Tường mất. Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng nữ đạo diễn đã sống trong sự viên mãn của hạnh phúc. Bà từng tâm sự, ông Tường đúng là "người đàn ông mà tôi mong chờ".

Ngọc Trần (VNExpress)


Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: