1-Tiết tấu nhanh chậm, hối thúc trong một câu thơ :
-Một câu thơ nếu để trôi xuôi, sẽ có dạng như một dòng nước lững lờ, đều đều lặng lẽ.
Thí dụ :
Anh cho em một đoá hồng
Khơi lên hy vọng trong lòng của em
-Với thủ pháp ngắt mạch [Xin xem lại ở phần I, Thơ Lục Bát, Mỹ Từ Pháp, thủ pháp ngắt mạch], ta có thể dễ dàng thay đổi nhịp điệu của dòng chảy ấy, khiến cho nhịp thơ nhanh hơn, cuồn cuộn hơn, hối thúc hơn
Thí dụ :
Nụ cười, ánh mắt, hoa hồng
Cho em, cho cả tấc lòng yêu thương
Thí dụ khác :
Em là hạt cải gió đưa
Anh quen em lúc trời mưa bất ngờ
Viết lại bằng thủ pháp ngắt mạch :
Sấm vang, chớp giật, gió đưa
Mây mù xe mối, hạt mưa kết tình
-Khi muốn có một tiết tấu chậm hơn, thậm chí ngập ngừng, e dè, thủ pháp ngắt mạch cũng thường được sử dụng, kèm theo những dấu 3 chấm
Thí dụ :
Anh bây giờ ... còn lại ... một mình thôi
Tóm lại :
Chính thủ pháp “Ngắt mạch” đã có hiệu ứng thúc đẩy tiết tấu nhanh chậm, mạnh mẽ, hối thúc, hoặc chậm rãi, ngập ngừng ... của một bài thơ vậy
2-Lục bát biến thể ngắt câu :
Hai câu lục bát được ngắt mạch ra thành những câu ngắn hơn, phân biệt hoàn toàn bằng cách xuống dòng. Các thí dụ :
Biến thể [6/8] thành [3,3/8] hoặc [3,3/4,4]
Trời trong xanh, nước trong xanh
Êm êm tiếng hát, bập bềnh thuyền con
Đàn tơ sáo trúc nỉ non
Thuyền ai xa bến, cô thôn mong chờ
Viết lại thành [3,3/8] :
Trời trong xanh,
Nước trong xanh
Êm êm tiếng hát, bập bềnh thuyền con
Đàn tơ sáo trúc nỉ non
Thuyền ai xa bến, cô thôn mong chờ
hoặc [3,3/4,4]
Trời trong xanh,
Nước trong xanh
Êm êm tiếng hát,
Bập bềnh thuyền con
Đàn tơ sáo trúc nỉ non
Thuyền ai xa bến, cô thôn mong chờ
Biến thể [6/8] thành dạng [2,2,2/8], [2,2,2/4,4] hoặc [2,2,2/3,5], [6/2,2,2,2] v.v...
Một mai phấn nhạt hương phai
Bình rơi, trâm gãy, bèo trôi, hoa tàn
Viết lại thành dạng [2,2 ....]
Một mai
phấn nhạt
hương phai
Bình rơi
trâm gãy
bèo trôi
hoa tàn
Tóm lại :
Lục bát biến thể ngắt câu là một dạng lục bát mới xuất hiện khoảng 30 năm gần đây, và thường được coi như một trong các dạng Thơ tự do. Thể loại này khá hay, đặc biệt là diễn tả được tiết tấu nhanh chậm, hối thúc, hoặc ngập ngừng, chậm rãi của mạch thơ.
Một hậu quả xấu :
Khi ngắt mạch bừa bãi, tuỳ hứng, không vì một mục đích gì rõ rệt, hoặc vì không hiểu thủ thuật ngắt mạch, thì hậu quả là ta sẽ có được những bài ... “Lục bát ... tốn giấy” (!) , cũng hay được gọi đùa là ... “Lục nồi ... lung tung” (!)
Thí dụ :
Con mèo
mà
trèo cây cau
Hỏi thăm
chú
chuột
đi đâu vắng ...
nhà !
[... Thật là dị hợm phải không các bạn ? .....]
Thêm một thí dụ về Lục bát biến thể ngắt câu (của tác giả Promise) :
BẤT NGỜ
Bất ngờ nắng
Bất ngờ mưa
Bất ngờ anh đến
Lòng chưa hỏi lòng
Bất ngờ gió
Bất ngờ giông
Bất ngờ em nhớ
Anh không lại tìm
Kẻ quay đi
Người trách mình
Bất ngờ gặp gỡ
Vô tình chia xa.
Promise
(Trên thi đàn TTVNOnline.com năm 2001)
Hàn Sĩ Nguyên
nguồn Vnthuquan.net
Nguyễn Xuân Ngọc - nguyenxuanngoc661939@gmail.com - 01677225720 - Hiệp Sơn Kinh Môn Hải Dương
(Ngày 28/08/2014 11:31:43)
|