Thứ hai, 16/09/2024,


Đến với bài thơ hay (27/02/2023) 

 Đến với bài thơ hay "NGHIỆP CHƯỚNG" của Võ Miên Trường.

                                                                               

Tác giả: Võ Miên Trường

 

     NGHIỆP CHƯỚNG ...

Với tay
hái nụ vô thường
Tặng nhau
một đóa
nên
vương cõi tình
Di Đà
tụng suốt mùa kinh
Mà sao
nghiệp chướng cứ rình rập em

Em về
đốt đuốc tìm xem
Thì ra
cái tội ...
đốt đền ... đòi thương
Lại còn
cạn chén Quỳnh tương
Cùng người
đối ẩm áo vương sân chùa

Nghe ra nghiệp chướng cũng vừa ...
Thôi về tụng nốt nửa mùa kinh em ...

XL ... 13.08.2019

Với năm cặp câu lục bát cả bài thơ NGHIỆP CHƯỚNG như một bức tranh xinh xắn tươi màu.

Ta hãy đọc hai câu thơ mở đầu:

Với tay
hái nụ vô thường
Tặng nhau
một đóa
nên
vương cõi tình 

Ơ kìa đã có ai nghe nói tới “ nụ vô thường” chưa nhỉ. Đã có “nụ vô thường” thì ắt sẽ có “ đóa vô thường” nở trên cây vô thường đấy. Một sự sáng tạo hay một sự tìm tòi mới?!. Trong thơ văn Việt Nam đã từng có thứ lá tình yêu kỳ diệu của thời hiện hữu – Đó là “ Lá diêu bông”. Nhưng ở đây không phải là sự ví von hay một sự tìm tòi mới nào mà chính là thứ ngôn ngữ khi như ẩn dụ khi lại là hoán dụ - để cụ thể hóa một sự việc vốn mênh mang trừu tượng - với cách diễn đạt rất đặc trưng của ngôn ngữ trong thơ Võ Miên Trường.

Ai hái “nụ”ai tặng “đóa” chưa cần nói rõ. Nhưng ở đây đã đề cập đến việc kết hợp và sự giao duyên trong cõi nhân sinh - và cũng chỉ với “ nên/ vương cõi tình” thì cặp câu lục bát mở đầu rất tài hoa của tác giả đã nêu bật chủ đề của bài thơ nỗi niềm giằng xé muôn đời: -Tình yêu và … hệ lụy!- một đề tài phong phú mà thú vị muôn thuở của cõi nhân sinh và tình yêu đôi lứa. Cái hệ lụy đã được nhà Phật đặt tên là NGHIỆP CHƯỚNG  chính nó đã được nữ sỹ đặt tên cho bài thơ của mình!.

Ta hãy đọc tiếp:

Di Đà
tụng suốt mùa kinh
Mà sao
nghiệp chướng cứ rình rập em

Chủ thể của bài thơ là “ em” - một cô gái hay là chính nữ tác - giả đến với cuộc sống đến với tình yêu bằng một bản tính tự nhiên, thánh thiện dù đã có cả sự đắn do dưỡng dục của cha mẹ và cả điều răn dạy kỹ càng của tôn giáo – “ tụng suốt mùa kinh” vậy mà em đã đón nhận nó rất tự nhiên trong sáng và mạnh mẽ dầu vẫn luôn nhận thấy “ nghiệp chướng cứ rình rập em”. Hai câu thơ này là một dấu hỏi lớn không phải chỉ với em mà còn cả với muôn người ở cõi đời này.

Vô thường” là danh từ nhà Phật nói về cái hữu hạn của một kiếp nhân sinh. Cuộc sống của mỗi cá thể là hữu hạn nhưng sự sống là tồn tại mãnh liệt và bất diệt. Cơ chế để tồn tại sự sống là việc sáng tạo tuyệt vời của tạo hóa. Nhưng không chỉ với con người mà với vạn vật cũng có sự đấu tranh giằng co để sinh tồn mà không thể nằm ngoài quy luật tự nhiên ấy. Xuân đã về muôn vàn cỏ cây cùng nảy mầm ra nụ đơm hoa. Hoa thì có mật ngọt, có hương thơm và sắc đẹp để cùng với ong bướm chim muông tạo nên một mùa xuân tuyệt mỹ của đất trời. Mật ngọt. hương thơm hay sắc màu rực rỡ xét cho cùng chỉ là những sản phẩm của sự dâng hiến. Nhưng ong bướm hay chim muông đâu phải chỉ là đối thủ mà còn là một đối tác cho việc thụ phấn kết trái đọng hạt duy trì sự sống cho những mùa xuân bất tận của trời đất. Nói cà kê như vậy là để phần nào vẽ nên một hình ảnh dễ nhìn dễ thấy về mối quan hệ nam nữ và nhu cầu tồn tại hiện hữu của tự nhiên. Con người vốn có tư tưởng có tình cảm và ngôn ngữ giao tiếp phong phú thì ở mối quan hệ nam – nữvà gia đình thật là tuyệt vời tỏa trăm sắc ngàn hương trong dòng chảy sinh tồn. Nhưng đằng sau hạnh phúc sẽ có khổ đau, đằng sau ngọt ngào sẽ là cay đắng Đấy chính là hệ lụy hay là nghiệp chướng hay như ta vẫn nói đến nỗi đa đoan của cuộc đời mà nó sẽ không bao giờ hết được.

Xin hãy trở lại với hai cặp lục bát thứ ba và thứ tư:

Em về
đốt đuốc tìm xem
Thì ra
cái tội ...
đốt đền ... đòi thương
Lại còn
cạn chén Quỳnh tương
Cùng người
đối ẩm áo vương sân chùa”

Đi tìm lý giải cho sự việc được cụ thể bằng câu :” Em về / đốt đuốc tìm xem”.

Mượn con mắt của giáo lý để chỉ ra nguyên nhân ấy là: cái tội … đốt đền… đòi thương, cạn chén Quỳnh tương. Không! Em đâu có lỗi khi em yêu đến mãnh liệt, dâng hiến đến hết mình. Đấy thực ra là một cách sống hiện đại, tích cực đáng trân trọng chứ. Thật lý thú hơn nữa bởi: áo vương sân chùa. Hay nhỉ áo vương chứ không phải là áo rơi. Áo vương vì đây là cái áo mỏng, áo đẹp thậm chí như còn phảng phất mùi hương. Áo không phải là đồ vật cầm tay hoặc bỏ túi mà áo để mặc trên người. Áo vương không phải do em vô tình mà bởi em đã đối ẩm đến quên cả đất trời đấy thôi! Trong ca dao cổ khi cái áo “ qua cầu gió bay” đã là tài tình thì với “ áo vương sân chùa” có lẽ đến người xưa cũng phải "chào thua”. Kịch tính càng được đẩy lên cao khi mà cái áo ấy chẳng vương ở đâu lại ở ngay sân chùa. Bốn câu này trong bài thơ chính là hình ảnh được đẩy lên mức cao trào của vấn đề. Thể hiện một sự nhận biết sâu sắc, sự chấp nhận tối đa với một cách diễn đạt khéo léo đến tài tình của nhà thơ nữ này!

Ta hãy đọc tiếp hai câu cuối:

Nghe ra nghiệp chướng cũng vừa ...
Thôi về tụng nốt nửa mùa kinh em ...”

Thế là sau khi đã hiểu rỏ căn nguyên được mất thì cô gái – hay nữ tác giả - vẫn biết chấp nhận một cách nhẹ nhàng tự nhiên không oán trách với tình yêu và cuộc sống thực tại. Đây là sự khẳng định một lần nữa rằng đã sống thì phải biết yêu phải yêu hết mình và biết chấp nhận. Đây cũng chính là chủ đề xuyên suốt của bài thơ cũng là thông điệp tác giả muốn gửi đi và nó sẽ còn sống mải trong lòng bạn đọc. Cái tựa đề NGHIỆP CHƯỚNG tưởng như nặng nề hóa ra nó chỉ là hiện tương nhẹ nhàng tự nhiên vốn có của cõi người cùng sinh linh vạn vật. Bài thơ thật hay mà tình em với đời thật đáng trân trọng. Em hãy cứ yêu đi mà sống hết minh nhé!

Thơ hay thường buồn. Nhưng với Miên Trường hình như không thế. Em cứ như một cô gái nhẹ nhõm trong phiên chợ buổi mai – Dẫu đó là phiên chợ đời.
Bằng thủ pháp khi ẩn dụ khi hoán dụ đến điêu luyện tác giả đã diễn đạt những sự việc tưởng như rườm rà, trừu tượng mà cụ thể rất gọn gàng đến mức tưởng như có thể nhìn thấy được, nắm bắt được. Chỉ có ở thơ Miên Trường cây vô thường mới có nụ để hái, có đóa đẻ tặng. Cũng chỉ có Miên Trường mới “ cầm nỗi nhớ từ bi”( Phiên chợ đời), “ Buồn giăng nỗi nhớ nghiêng thành quách em” và với”Gọi chiều vào góc quán xa” (GOI).Với ngôn ngữ đặc thù của thơ ca và sự nhuần nhuyễn trau chuốt kỹ lưỡng của tác giả Võ Miên Trường thì ngôn từ đã được diễn đạt một cách nhẹ nhàng, tự nhiên với một độ nén thông tin rất cao còn để lại một âm ba trong không gian rất rộng cho người đọc cảm thụ và suy ngẫm. Với một bài thơ gồm bảy mươi chữ thì nó đã gọn gàng xinh xắn như bức tranh tươi màu sắc nét vậy!

Chỉ là một thành viên yêu thơ trong Câu lạc bộ LỤC BÁT ĐẤT PHƯƠNG NAMchưa có điều kiện gặp gỡ Miên Trường cũng như duy nhất chỉ đọc thơ của tác giả là ở trên facebook. Với không gian và điều kiện hạn hẹp trong một bài thơ thì cảm nhận của tôi chắc chắn sẽ là rất nhiều khiếm khuyết vậy mong tác giả cũng như bạn thơ thông cảm và lượng thứ.

Chúc những bông hoa Lục bát Đất Phương Nam luôn nở những đóa diệu thường!

Sài Gòn ngày 22 tháng 9 năm 2019

 

Tác giả bài bình : Nguyễn Khoan 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: