Tháng 10 năm 2009, tác giả Phạm Minh Giắng – Trung tâm Bảo trợ xã hội Vũ Thư, Thái Bình có gửi cho tôi một bài viết về những nghiền ngẫm dịch bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một bài viết trăn trở đã lâu của tác giả, sự cố gắng không mệt mỏi của một người suốt hơn 40 năm qua chỉ có thể nằm ngửa để ăn, để sinh hoạt và… làm thơ, đã làm cho chúng ta khâm phục. Anh còn gửi cho tôi bản thảo tập thơ Mười con mắt nhớ để nhờ tôi sửa bản in và tôi đã thức trọn một đêm để đọc Mười con mắt nhớ của anh để kịp xuất bản ra mắt bạn đọc. Với bài viết “Nghiền ngẫm dịch bài Nguyên tiêu nguyệt chính viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, sau khi đọc xong tôi có viết cho anh một bài trao đổi và đề nghị anh nêu bài viết của mình ở mục Bạn đọc trên lucbat.com để tham khảo ý kiến thảo luận của bạn thơ. Sau đây là bài viết tôi đã trao đổi riêng với tác giả Phạm Minh Giắng:
Thân gửi Phạm Minh Giắng – Trung tâm Bảo trợ xã hội Vũ Thư, Thái Bình.
Tôi nhận được thư anh gửi đề ngày 10/10/2009.
Tôi thật sự khâm phục và ngưỡng mộ anh – một người đã vượt lên chính mình trong suốt hơn 40 năm qua, về những cố gắng trong cuộc sống, về nghị lực học tập, về những tìm tòi suy tư đã chất chứa trong lòng anh nhiều năm qua về một bài thơ, mà lại là thơ của một nguyên thủ quốc gia – Người mà cả dân tôc Việt Nam kính yêu và tôn thờ - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiểu được tư tưởng và thơ của Người, với chúng ta là một việc hết sức khó khăn. Còn dịch thơ Người lại là một việc còn khó hơn gấp nhiều lần.
Về bài thơ Nguyên tiêu của Bác, từ trước tới nay chỉ mới có mỗi bản dịch của nhà cách mạng, nhà thơ Xuân Thuỷ được coi là bản dịch hay, đầy đủ và sát với ý thơ của Bác. Cũng chính vì vậy mà không có bản dịch thứ hai! Từ cảm hứng bài thơ Nguyên tiêu cùa nhà thơ Hồ Chí Minh, nên từ năm 2003 Hội nhà văn Việt Nam đã quyết định chọn ngày Rằm tháng Giêng làm Ngày Thơ Việt Nam.
Muốn dịch một bài thơ chữ Hán phải qua nhiều bước. Trước hết ta phải có trong tay bài thơ nguyên gốc bằng chữ Hán, từ đó mới có bản phiên âm, rồi bản dịch nghĩa và cuối cùng mới có bản dịch thơ. Thường thơ chữ Hán là thơ đường luật, thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt. Tuỳ theo cảm hứng của người dịch mà bài thơ được dịch ra nhiều thể thơ khác nhau: thất ngôn tứ tuyệt, song thất lục bát hoặc là lục bát.
Với người dịch thơ bằng chữ Hán thì bản chữ Hán vô cùng quan trọng, người dịch phải dựa vào câu chữ và từ ngữ trong câu để dịch thoát (phỏng dịch) hay dịch sát ý. Thơ gì cũng có thể dịch ra thành thơ lục bát kể cả thơ Tây và thơ Tàu! Chỉ có điều dịch có sát và… có hay không mà thôi!
Nói như vậy để biết trong tay tác giả Phạm Minh Giắng không có bản thơ bài Nguyên tiêu ( 元宵) bằng chữ Hán. Chỉ dựa vào bản phiên âm để suy luận rồi dịch ra thì bài thơ dịch sẽ có thể đi theo một chiều hướng khác. Điều này các nhà nho thường hay nói: “Chữ tác đánh lác chữ tộ”. Có nghĩa là trong chữ Hán chữ “tác” (作) và chữ “tộ” (阼) viết thì gần giống nhau nhưng khi đọc thì âm và nghĩa là hai chữ hoàn toàn khác nhau, tuỳ theo sự phối câu mà thành “tác” hay “tộ”. Chữ Hán là một loại chữ tượng hình, có nhiều chữ chỉ mới nhìn thôi cũng biết nghĩa cùa nó, như nhất ( 一) là 1 gạch ngang, nhị (二) 2 gạch, tam (三) 3 gạch. Chữ Hán cải cách có tất cả 189 bộ, mỗi bộ đặc trưng cho một loại hình riêng biệt. Như những thứ gì chỉ về hoặc thuộc về đàn bà thì đứng phía trước là “bộ nữ” (女), chỉ về sông nước có “bộ thuỷ” (氵), chỉ về cháy nổ có “bộ hoả” (火), chỉ về con người có “bộ nhân” (仁), chỉ về con vật có bộ “thú” (狩) v.v… Cũng chính vì vậy mà trong chữ Hán các chữ tuy viết giống nhau, số nét viết bằng nhau, đọc âm giống nhau nhưng đứng sau các “bộ” khác nhau thì ý nghĩa hoàn toàn khác nhau! Như từ “mãn” có 3 từ đều đọc giống nhau nhưng viết và ý nghĩa khác nhau . Hoặc từ “Viên” trong “Nguyệt chính viên” có đến những 13 từ Viên đọc giống nhau nhưng viết và nghĩa thì khác nhau đều đọc là “Viên” như: “Viên” là vườn, là nhân viên, là hình tròn, là tường thành, họ Viên, một loài vượn, là dắt kéo, và cuối cùng còn có nghĩa là mỹ nữ - người con gái đẹp. Tất cả 13 từ có âm Hán Việt là “Viên” thì người Trung Hoa đều đọc là “Yuan” với nhiều ngữ điệu, âm sắc khác nhau.
Do chữ Hán gồm nhiều nét hợp thành, khó viết, khó đọc, khó nhớ nên vào những năm 60 của thế kỷ trước người Trung Hoa muốn cải cách chữ viết thành như chữ La-tinh, nhưng lại càng rối rắm thêm, bỡi đây là một ngôn ngữ đồng âm dị nghĩa.
Bài Nguyên Tiêu (元 宵) được viết theo chữ Hán và âm La-tinh như sau:
Yuan xiao
Jin ye yuán xiao yue zheng yuan
Chun jiang chun shui je chun tian
Yan bo shen chu tan jun shi
Ye ban gui lai yue man chuan
Chữ Hán viết theo kiểu âm La Tinh như trên thì đến bố Tàu cũng… bó tay không hiểu mô tê gì cả. Cùng chính vì vậy, Họ lại trở về với cách viết chữ Hán kèm cả phiên âm như trên. Chỉ có điều họ cải cách chữ viết từ dạng phồn thể sang giản thể, ít nét hơn một chút mà thôi! (Tuy vậy, đến nay người dân đảo Đài Loan thuộc Trung Hoa vẫn hoàn toàn sử dụng kiểu chữ phồn thể, viết đầy đủ các nét như tiền nhân họ đặt ra nên một bản thơ chữ Hán thường thấy có hai cách viết là như vậy).
Trên đây tôi đi hơi lòng vòng một chút để nói rằng cứ theo bản phiên âm để dịch thơ thì ta lại luẩn quẩn vào con đường “Chữ tác đánh lác chữ tộ” mà thôi!
Trở về những diễn giải về từ ngữ của tác giả Phạm Minh Giắng:
Theo tác giả có nhận diện hai chữ “Nguyên tiêu” có viết rằng “Nguyên “ là nguồn mà “tiêu” là đến là cách chiết tự theo nghĩa tiếng Việt rằng Nguyên là nguồn, còn tiêu là mục tiêu. Cách giải thích này không dựa vào bản chữ Hán nguyên tác. Theo Từ điển Hán Việt của Bắc Kinh Thương vụ ấn quán thì “Nguyên” là đầu tiên, thứ nhất. Còn “Tiêu” là đêm. “Nguyên tiêu” là đêm rằm tháng thứ nhất, tháng giêng chứ không có nghĩa “điểm đến đầu nguồn” như tác giả suy luận. Tiếp đến tác giả nhận diện chữ “Thiên” là dời. Cũng trong Tự điển trên có đến… 8 chữ đều mang âm Hán Việt là “Thiên”. Một chữ Thiên chỉ về Trời, còn 7 chữ nữa là nghìn, là di dời, là cái xà beng, là kilowoat, là cái bờ ruông, là thêm hoặc sinh thêm v.v… Vậy phải nhận diện đúng một trong 8 cái chữ “Thiên” ấy trong câu thơ của Bác. Đó là chữ “Thiên” kết hợp với chữ “Xuân” để thành Xuân Thiên là mùa Xuân của đất trời. Còn cụm từ “Nguyệt mãn thuyền”, thì dù có chiết tự thế nào thì từ “Mãn” này đứng phía trước có “bộ thuỷ” là tràn, đầy chứ không phải là “mãn cuộc”, “mãn” không phải là hết mà là “đầy” . “Nguyệt mãn thuyền” (月 滿 船) là trăng đầy tràn trên thuyền.
Nói tóm lại: tác giả muốn thay đổi: Nguyệt chính viên là rằm tháng giêng vì Nguyên tiêu cũng chính là Rằm tháng giêng vậy! Về ý nghĩa đích thực của cụm từ Nguyệt chính viên nghĩa đen là Trăng thật tròn chứ không phải là Rằm tháng giêng như tác giả đã diễn giải, mà Trăng thật tròn thì tháng nào cũng có!.
Về bài dịch của tác giả Phạm Minh Giắng, dù là thất ngôn tứ tuyệt (anh còn gửi cho tôi một bản dịch Đường thi) hay là Lục bát đều không toát lên được cái thư thái, nhẹ nhàng, thơ mộng, cao sâu của Thơ Bác, mà Lục bát của bạn ít vần điệu, các câu bát đều là “biến thể vần bằng”, câu từ không rõ nghĩa, không ai hiểu dịch giả muốn nói gì như: “mới được rằm giêng”, “tiếp trời xuân nước xuân thiên”, sóng sương giăng” hoặc “bỏ thuyền trăng giữa trời” (Dịch giả còn dùng 2 từ “thuyền trăng” làm cho người đọc hiểu là trăng non, trăng lưỡi liềm chứ không phải trăng Rằm):
Nguyên tiêu nguyệt chính viên
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
Dịch nghĩa:
Đêm nay, đêm rằm tháng giêng đầu tiên
Đón xuân sang, đồ uống có nước sông xuân
Đến khúc sông vùng sâu nhiều sương bàn việc quân
Mười hai giờ đêm quay về, trăng lên giữa trời thì rời khỏi thuyền
Dịch thơ:
ĐÊM RĂM THÁNG GIÊNG ĐẦU TIÊN ĐÓN XUÂN
Đêm nay mới được rằm giêng
Đón xuân sang, nước xuân thiêng nào bằng
Bàn việc quân, sóng sương giăng
Nửa đêm về, bỏ thuyền trăng giữa trời.
Bản dịch thơ sau đây của cố nhà thơ Xuân Thuỷ là sát nghĩa và thơ hơn cả:
Nhà thơ Xuân Thủy kể lại: Sau cuộc họp ở chốn “yên ba thâm xứ”, Bác xuôi thuyền về nơi căn cứ. Nhân trăng sáng, cảnh đẹp, Bác cảm hứng đọc:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên
Rồi thêm hai câu nữa thành bài Nguyên tiêu.
Có người đề nghị Bác cho dịch ra tiếng Việt. Bác bảo: “Có Xuân Thủy đây, Xuân Thủy dịch đi”.
Sau một hồi suy nghĩ, nhà thơ Xuân Thủy đọc bản dịch.
Bác khen: “Dịch lưu loát, giữ được chất thơ, nhưng dòng thứ hai có ba chữ xuân hòa với nhau mà bản dịch của chú chỉ có hai chữ xuân, thế là ý thì đủ mà chữ thì còn thiếu”…
Về sau, nhà thơ – dịch giả Xuân Thủy đưa thêm một chữ xuân nữa vào bản dịch như chúng ta đã biết :
元 宵
今 夜 元 宵 月 正 圓
春 江春 水 接 春 天
煙 波 深 處 談 軍 事
夜 半 歸 來 月 滿 船
Phiên âm: Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
Dịch nghĩa : Đêm rằm tháng riêng
Đêm nay, rằm tháng riêng, trăng vừa tròn,
Nước sông xuân tiếp liền với màu trời xanh.
Giữa nơi khói sóng thăm thẳm, bàn bạc việc quân,
Nửa đêm trở về, ánh trăng đầy thuyền.
Dịch thơ : NGUYÊN TIÊU
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Minh Giắng thân mến ! Mọi người rất thấu hiểu hoàn cảnh của bạn, rất khó khăn về sinh hoạt, về cuộc sống, về suy nghĩ, về… mọi thứ, muốn làm một chút gì cho đời, rằng mình vẫn vui, sống khoẻ, sống đẹp hiện hữu trên thế giới này. Bản dịch của Minh Giắng về bài thơ Nguyên tiêu của Bác Hồ là rất cố gắng, có tìm tòi, tìm đủ mọi sách vở, nhưng bản dịch của bạn chưa toát lên tầm vóc vĩ đại trong tư tưởng của Người và thơ của Người – một vĩ nhân của thế giới. Trên đây chỉ là những suy nghĩ hạn hẹp, xin được trao đổi cùng Minh Giắng để tham khảo.
Chúc Minh Giắng sức khoẻ, sống vui, đóng góp nhiều thơ trên lucbat.com.
Tp.Hồ Chí Minh, Ngày 12.10.2009
Nguyễn Đình Trọng
(ĐT : 01233 123 789)
Phạm Thanh Cải - phamthanhcai@gmail.com - 01696306682 - 2/178 Nguyễn Văn Linh, Hải Phòng
(Ngày 1/02/2010 06:05:30 PM)
Xin có ý kiến cùng hai bác Cả trong lụcbat.com:
Trần Đình Thư - dinhthu4338@yahoo.com - 0909657525 (%3Bn - 180/38 Ba Cu Vũng Tàu
(Ngày 18/01/2010 02:13:04 PM)
Tôi được người bạn chép cho bài thơ sau đây (không có bản gốc). Tôi chép ra kính mong quý bạn cho ý kiến: Phong Kiều dạ bạc Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên Giang phong ngư hóa đối sầu miên Cô tô thành ngoại , hàn san tự Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền Tương Phế |