Thứ năm, 25/04/2024,


Về quê với Khoảng trời hoa nắng của Nhà thơ Chử Thu Hằng (Quỳnh Trâm) (28/11/2012) 
 
Cầm trên tay tập thơ “Khoảng trời hoa nắng” của nhà thơ Chử Thu Hằng (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2011), bỗng thấy trái tim mình cứ xôn xao… Xôn xao bởi cái dịu ngọt của của tình người phụ nữ tỏa lan sao mà đồng cảm đến thế, ấm áp đến thế! Mọi cung bậc tâm hồn được diễn tả trong những vần thơ đẹp và sâu thẳm. Trong những vần thơ của “Khoảng trời hoa nắng”, hình ảnh quê hương luôn nhẹ nhàng và dung dị thấp thoáng bao bọc chở che hồn người mong manh. Và một lần, hãy cùng “về quê” với chị, để tận hưởng sự bình yên của một khoảng trời nắng vàng hoa thắm:
 
VỀ QUÊ
 
Về quê tìm cánh diều xưa
Cho lòng vợi bớt nắng mưa, dãi dầu
 
Về thời cắt cỏ chăn trâu
Cùng em vớt ánh vàng gầu trăng thanh
 
Rời xa cát bụi thị thành
Ta về đây với thẳm xanh bầu trời
 
Bạn quê nồng nã tiếng cười
Bát nước nụ vối mát môi, mát lòng
 
Ai về quê với ta không?
Thả lòng hát với mênh mông cánh diều…
(Chử Thu Hằng)
 
 
Bài thơ có âm hưởng thật dịu dàng từ 5 cặp lục bát, mỗi cặp thơ là một khung trời của kỉ niệm và tình người. Cặp thơ thứ nhất như một lời tâm tình vì sao ta muốn về quê:
 
“Về quê tìm cánh diều xưa
Cho lòng vợi bớt nắng mưa dãi dầu”
 
Hình ảnh ẩn dụ “cánh diều xưa” trong câu thơ đã vẽ nên cả một thời thơ ấu trong trẻo hồn nhiên quá! Đó không chỉ là cánh diều của một thú chơi rất quen thuộc của người Việt Nam, đặc biệt là trẻ con, mà còn là cánh diều ước mơ khát vọng của tuổi thơ. Biết bao nhiêu đứa trẻ khi thả diều đã gửi những ước mơ gì lên bầu trời xanh ngày xưa ấy? Về với nơi quê cha đất mẹ, tìm lại tuổi thơ ngây, để dịu lòng đi trước bao bộn bề của cuộc sống: “Cho lòng vợi bớt nắng mưa dãi dầu”. Sự từng trải nắng mưa giúp người ta già dặn hơn, hiểu đời hơn, nhưng cũng vì thế mà đôi khi khiến người ta mệt mỏi. Và lúc đó, khung trời quê hương với cánh diều tuổi thơ là nơi thanh lọc tâm hồn, tiếp thêm nguồn sống cho mình. Câu thơ mở đầu thật giản dị và thấm đượm một tình quê.
 
Và tiếp tục trong mạch cảm xúc, kỉ niệm hiện về ngọt ngào trong ánh trăng thanh:
 
Về thời cắt cỏ chăn trâu
Cùng em vớt ánh vàng gầu trăng thanh
         
  Câu thơ gợi nhớ câu ca dao xưa:
 
“Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”
 
Cảnh thôn quê hiện ra đẹp biết mấy! Cũng ánh trăng vàng xôn xao đáy nước, nhưng nếu trong câu ca dao xưa, cô thôn nữ tát nước một mình, chỉ một mình “múc ánh trăng”, thì trong thơ của Chử Thu Hằng, có “hai mình” đang cùng “vớt ánh vàng gầu trăng thanh”. Cái từ “vớt” sao mà nâng niu, dịu nhẹ, như đang hết sức cố gắng giữ gìn cho vầng trăng khỏi vỡ trong chiếc gầu sòng, như nâng niu gìn giữ tình yêu đầu đời say đắm. Câu thơ gợi sự hình dung về những bàn tay của “anh”, của “nàng” đang cùng nhè nhẹ vớt trăng, về hai gương mặt rạng ngời những nụ cười tươi tắn. Cái thời “cắt cỏ chăn trâu” mà đã “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” thế kia, sao mà dễ thương đến thế! Kỉ niệm ngọt  ngào mát dịu trong ánh trăng quê và làn nước ruộng đồng…
 
Về quê không chỉ là về với kỉ niệm, mà còn là về quê của ngày hôm nay - một khoảng trời quê hương trong veo, về với những người bạn tâm giao chân thật mộc mạc:
 
Rời xa cát bụi thị thành
Ta về đây với thẳm xanh bầu trời
 
Bạn quê nồng nã tiếng cười
Bát nước nụ vối mát môi, mát lòng
 
 
Chốn thị thành bon chen danh lợi phù hoa và cát bụi phố phường đôi khi khiến cho ta thấy ngạt thở. Quê hương luôn dang rộng vòng tay đón chờ đứa con xa trở về “với thẳm xanh bầu trời”. Và nơi đó, người nhà quê bình dị đón chào với tiếng cười chân chất, mời “bát nước nụ vối” mát lịm cả trưa hè. Từ “nồng nã tiếng cười” vang lên trong câu thơ nghe thật thích thú! Nó vừa nồng ấm, mộc mạc, lại vừa rộn rã. Tôi nghe được âm vang của tiếng cười, tiếng nói xởi lởi hồn hậu từ những người bạn quê nghĩa tình, chất phác, tiếng cười “nồng nã” ấy cũng đang làm rộn rã cả hồn tôi…
 
          Quê hương với bầu trời tuổi thơ, cánh diều ước vọng, với ánh trăng sóng sánh gầu sòng kỉ niệm… Quê hương với những con người bình dị như hương vị của bát nước nụ vối thấm ngọt tận đáy lòng. Hình ảnh cánh diều mở đầu và kết thúc bài thơ đã tạo nên một kết cấu đầu cuối tương ứng, để hình ảnh quê hương càng neo đậu mãi trong bến tâm hồn. Lời mời gọi cuối bài thơ như một câu hát nghĩa tình dư vang:
 
Ai về quê với ta không?
Thả lòng hát với mênh mông cánh diều…
         
          Sẽ có nhiều người thốt lên: “Về chứ! Về với quê hương ta…”. Một cách rất tự nhiên, quê hương đã tạo nên tâm hồn con người ngay từ khi vừa cất tiếng khóc chào đời. Có ai khôn lớn mà không nhớ quê hương? Đi khắp bốn phương trời, dù có là ai, dù ở vị trí nào, thì bao giờ cuối cùng nơi người ta muốn về nhất cũng là nơi chôn rau cắt rốn của mình. Không giảng giải triết lí, chỉ bằng cách bày tỏ niềm hạnh phúc khi “về quê”, Nhà thơ Chử Thu Hằng đã nói lên những giá trị vô cùng ý nghĩa khi biết yêu và nhớ về quê hương.
 
          Và “Khoảng trời hoa nắng” của chị đã mở ra bát ngát cả bầu trời quê hương xứ sở!
 
 
Hải Dương, 9/7/2012

Quỳnh Trâm.

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: