MẸ TÔI
Mẹ còn chi có hơn đâu
ngoài lòng nhân đức gối đầu cho con
Ra sông xuống biển, lên non
mấy mươi năm bước nắng giòn bờ vai
Mưa dầm tê buốt bàn tay
mỗi lần Mẹ cấy cuối ngày sang đông
Lúa reo ngan ngát hương đồng
qua bao nhiêu tháng dày công Mẹ gầy
Mẹ chiu chắt tính từng ngày
miếng cơm manh áo con đầy đủ chưa?
Chạy xuôi chạy ngược sáng trưa
con thêm vị ngọt – Mẹ thừa vị cay
Khi nao con ngủ không say
Mẹ càng thao thức – lay quay bế bồng
Con ơi con ngủ cho nồng
mỗi ngày mỗi lớn theo dòng thời gian
Con đừng vội bước nghênh ngang
ở đời không thể dễ dàng như mơ
Lời ru Mẹ đến bây giờ
đà thâm thấm mỗi vần thơ con rồi
Mẹ đi ngày ấy… Mẹ ơi!
chiều chiều con đứng con ngồi con trông
Xa xa biển cả mênh mông
thương con - Ai có hơn lòng Mẹ đâu!
Sài Gòn – 08/05/2009
Sông Hậu
"Mẹ” là hình ảnh đẹp đẽ, vô cùng ấm áp và thiêng liêng suốt cuộc đời mỗi con người. Tình mẹ, công lao mẹ dành cho con không gì có thể so sánh. Mẹ cũng luôn xứng đáng được đón nhận tấm lòng hiếu nghĩa, sự đền đáp của con không giới hạn. Một chân lý muôn đời “Tình mẫu tử là bất diệt”.
Đã có biết bao nhiêu câu ca dao, dân ca, bài hát, bài thơ, truyện, tranh ảnh... ca ngợi mẹ và tác phẩm nào cũng xúc động, thấm thía. Chúng ta sinh ra ai chẳng có mẹ và tình mẫu tử vốn rất tự nhiên từ thuở trong bụng mẹ. Mẹ là người nuôi ta từ khi còn trứng nước. Mẹ là người đem đến cho ta lời nói yêu thương, lời ru yêu thương từ thuở đầu đời. Đứa trẻ cất tiếng nói đầu tiên cũng thường tiếng gọi “Mẹ”. Tiếng gọi thiêng liêng và hạnh phúc biết nhường nào! Nỗi đau khổ nhất trên đời của ta cũng chính là ngày ta mất mẹ. Nhà thơ Sông Hậu cũng có một người mẹ đáng kính, người mẹ tần tảo của miền quê nghèo khó. Sông Hậu cũng đã phải mang nỗi đau mất mẹ và hình ảnh “Mẹ” vẫn mãi sống trong ký ức và sự biết ơn sâu sắc trong lòng Sông Hậu. Bài thơ “Mẹ” chính là tấm lòng thơm thảo của đứa con hiếu nghĩa kính dâng Mẹ.
Bài thơ viết theo thể lục bát, mang âm điệu ca dao bởi đậm chất trữ tình. Khổ thơ đầu tiên là lời khái quát đầy xúc động:
Mẹ còn chi có hơn đâu
ngoài lòng nhân đức gối đầu cho con
Ra sông xuống biển, lên non
mấy mươi năm bước nắng giòn bờ vai
Câu thơ đầu rưng rưng, nghẹn ngào diễn tả nỗi đau mất mẹ, khát khao mẹ còn sống của tác giả. Mạch cảm xúc tuôn trào từ cảm nhận sâu sắc về tấm lòng và nỗi vất vả của mẹ. Một sự khẳng định đẹp đẽ tấm lòng Mẹ nếu còn sống sẽ mãi chỉ biết dành cho con, không đòi hỏi nhận về mình sự hưởng thụ. Tài sản vô giá và duy nhất mẹ có để dành cho con là lòng nhân đức, là đạo làm người chứ không phải là tiền của nhiều, đất đai rộng. Cả cuộc đời Mẹ tôn thờ chữ “’đức”. Tấm lòng nhân đức ấy có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong cuộc đời con, được cụ thể hóa bằng hình ảnh liên tưởng thật độc đáo “gối đầu lên con”. Lòng nhân đức của mẹ mãi là vầng trăng tỏa sáng, dẫn lối con đi. Đó mới là phép màu mẹ cho con sức mạnh vượt qua mọi chông gai thử thách. Đó mới là phép màu mẹ cho con hạnh phúc. Lòng nhân đức của mẹ được vun trồng, xây đắp bằng cả một đời lao động lương thiện, chẳng quản ngại khó khăn vất vả. Các liệt kê, ẩn dụ, hoán dụ “ra sông, xuống biển, lên non... nắng giòn bờ vai” gợi tả, gợi cảm diễn tả sâu sắc nỗi gian truân và nghị lực phi thường của mẹ vì hạnh phúc và tương lai của con.
Từ những hình ảnh khái quát ấy, Mẹ hiện lên thật cụ thể, sống động:
Mưa dầm tê buốt bàn tay
mỗi lần Mẹ cấy cuối ngày sang đông
Lúa reo ngan ngát hương đồng
qua bao nhiêu tháng dày công Mẹ gầy
Hình ảnh tả thực Mẹ còng lưng cấy lúa trong cảnh mưa dầm gió rét tê buốt bàn tay khiến ta không khỏi bùi ngùi xúc động. Ta không chỉ cảm nhận được nỗi khổ của người nông dân mà còn cảm nhận thấy cả nghị lực vượt khó, cả tấm lòng rộng lớn của mẹ đang gieo sự sống và hạnh phúc cho con từ chính bàn tay gầy guộc run rẩy trong mưa rét của mẹ. Ta chợt nhớ đến câu thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài “Bầm ơi”: Mưa phùn ướt áo tứ thân/ Mưa bao nhiêu hạt thương Bầm bấy nhiêu!
Từ trong bùn lầy, mưa rét ấy, cây lúa lớn lên rồi trổ bông, tỏa hương thơm ngát đồng, Sông Hậu đa cảm nhận thấy cả niềm vui của mẹ trong thành quả lao động vất vả, cảm nhận sâu sắc hương thơm của lúa chính là hương thơm của lòng mẹ.
Nhưng, ngay cả niềm vui được mùa vẫn chưa đủ làm nhẹ đi nỗi vất vả của mẹ:
Mẹ chiu chắt tính từng ngày
miếng cơm manh áo con đầy đủ chưa?
Chạy xuôi chạy ngược sáng trưa
con thêm vị ngọt - Mẹ thừa vị cay
Hàng ngàn năm qua, được sống trên mảnh đất của những vựa lúa nhất nhì thế giới mà cha ông ta có bao giờ được no cơm ấm cật. Thiên tai, dịch bệnh nhiều khi làm mất mùa liên tiếp, khiến cho công sức của nông dân bỏ ra mất trắng. Bởi vậy, có câu:
Được mùa chớ phụ ngô khoai
Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng?
Để đảm bảo cho con không bao giờ phải đói rét, mẹ vẫn luôn phải thắt lưng buộc bụng, tằn tiện, tính toán chi li sao cho đạt mức tối thiểu. Suốt đời mẹ chỉ biết nhường nhịn, dành hạnh phúc cho con. Không chỉ là miếng cơm manh áo mà có khi cả trong từng giấc ngủ “Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo cho con”. Cảnh nhà túng bấn, mẹ lại còn phải chạy xuôi chạy ngược vay mượn, chợ búa, làm thuê... miễn sao cho con không phải đói rách. Cũng chính từ trong những gian khổ đó của mẹ, Sông Hậu vô cùng thấm thía “Con thêm vị ngọt - Mẹ thừa đắng cay”. Đây là câu thơ đặc sắc, đậm chất trữ tình nhất. Âm điệu và ý thơ khiến tôi không khỏi rớm lệ cùng tác giả. Bởi, hầu hết chúng đều đã từng được nhận vị ngọt ngào của cuộc sống từ muôn ngàn đắng cay của mẹ. Câu thơ tạo nên hai vế đối lập, giọng điệu bùi ngùi làm nổi bật sự tương phản trong cái logic của lòng mẹ giành cho con. Đọc mấy câu thơ này, ta chợt nhận thấy nét tương đồng trong bài ca dao:
Con cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con
Cả ngày xuôi ngược tần tảo vì miếng cơm manh áo cho con và cả gia đình. Đến đêm về, Mẹ cũng chẳng được an nhàn. Lại lo giặt giũ, xay lúa giã gạo,... Đêm về, Mẹ cũng chẳng yên lòng ngủ ngon giấc bởi còn luôn lo cho giấc ngủ của con. Nhất là những khi con trái gió trở trời, Mẹ trăn trở lo lắng và luôn tìm cách chăm sóc cho con. Mẹ như cánh cò vỗ về bên nôi ấm, nhận riêng mình sự hao mòn , khó nhọc và với Mẹ, Mẹ vẫn cảm thấy hạnh phúc- Hạnh phúc làm Mẹ:
Khi nao con ngủ không say
Mẹ càng thao thức - lay quay bế bồng
Con ơi con ngủ cho nồng
mỗi ngày mỗi lớn theo dòng thời gian
Hóa thân vào lòng Mẹ, Sông Hậu đã thể hiện khá chân thực và xúc động chân dung tấm lòng cha mẹ qua hình tượng Mẹ. Một tấm lòng luôn đau đáu hướng về con. Không chỉ hường về con trong hiện tại mà hướng về con trong cả tương lai:
Con đừng vội bước nghênh ngang
ở đời không thể dễ dàng như mơ
Lời ru Mẹ đến bây giờ
đà thâm thấm mỗi vần thơ con rồi!
Mẹ nuôi con không quản hy sinh khó nhọc với mong ước đẹp đẽ tột độ là mong con nên người có đức có tài. “Đức” mới là gốc làm người. Mẹ sẽ rất đau khổ nếu con lớn lên thành kẻ hư hỏng, không có nhân có nghĩa. Lời ru ngọt ngào của mẹ chứa chan cảm xúc, gửi vào con cả lời dặn ân tình, sâu sắc, trở thành sức mạnh lay động hồn con, ảnh hưởng đẹp đẽ với con suốt đời. Sông Hậu nhớ mãi lời ru ấy, thấm thía lời dặn ân tình của Mẹ và đã sống xứng đáng với công lao và tấm lòng của Mẹ. Những vần thơ thấm đẫm âm điệu lời ru của mẹ, thấm đẫm tình Mẹ của Sông Hậu chính là bông hồng đẹp nhất của nhà thơ dâng lên tặng Mẹ.
Đến khổ thơ cuối, Sông Hậu trở về vị trí của người con thổn thức, nghẹn ngào cất lên tiếng gọi “Mẹ ơi!” tha thiết. Tiếng gọi của sâu thẳm tâm linh khóc thương cho cuộc đời khó nhọc của Mẹ, muốn Mẹ sống lại để được đáp đền mà không thể được nữa. Tình Mẹ, hình bóng Mẹ đã hòa vào vũ trụ bao la, với sông núi, biển cả. Đó cũng chính là những liên tưởng ẩn dụ đẹp đẽ ca ngợi sự bất tử của Mẹ. Sự bất tử trong cõi trời đất. Sự bất tử trong lòng đứa con yêu.
“Mẹ” là một bài thơ hay và xúc động. Bài thơ là nén nhang tâm thành kính nhất, là bông hồng đẹp đẽ nhất, thơm thảo nhất của nhà thơ Sông Hậu cũng như của mỗi chúng ta khi nghĩ về “Mẹ”.
(Nguồn: Diễn đàn Người Sài Gòn)