Nói 'Quí tộc' mà không nói 'Quí phái, thanh cao, diệu kỳ' bởi vì tính chất cao khiết, ung dung đạo mạo như loại thơ bề trên của tất cả các loại thơ khác.
'Quí tộc' là thường nói đến một giai cấp người ở xã hội Âu Châu. Còn ở Phương Đông Việt Nam, Trung Quốc có các bậc trưởng giả, tâm đức cao, rộng hiểu biết sâu, hay làm việc nghĩa, việc thiện nhân. Điều cần lưu tâm, lục bát là ngôn thi tự nhiên của người Việt từ muôn đời. Còn Tiếng Việt, còn Thơ Việt thì nước Việt còn, chứ không phải chỉ duy nhất có Truyện Kiều như người xưa đã từng nói.
Thơ lục bát chứa ẩn tư tưởng lịch sử Việt trường tồn. Thơ lục bát chở tư tưởng đại thành của người Việt, như con thuyền lớn chở đạo qua những ghềnh thác sóng to gió lớn của lịch sử, hình thành một tổng thức tư tưởng vạn đại của dân tộc để song song cùng lịch sử văn minh - văn hóa - văn học thế giới phát triển trong thời đại chúng ta.
Thời trung cổ và cận sử nhiều bài thơ lục bát (câu sáu câu tám) đã thị hiện tinh thần của các nhà thơ, nhà lãnh đạo lớn, là những đề tài có chiều sâu về cuộc đời, sự nghiệp của riêng thi nhân làm tiêu biểu xứng đáng của tiếng nói Chân - Thiện - Mỹ của một dân tộc.
Muốn đạt tới tinh hoa của ngôn thi Việt cũng không phải dễ, mà muốn đạt đến cái tinh túy của tiếng thơ lục bát và nhất là đến cõi bờ huyền diệu (tinh mật, tinh thể) của thơ lại càng lắm công phu. Một thứ tâm linh kỳ ảo như hào quang bao phủ lấy, phát quang làm sáng rực cả một trời phong nhã của nghệ thuật. Cung cách đó thuộc về hàng thi bá, như loại người vương giả có kiến thức và có tình thâm của một đạo gia cao siêu.
Khi nhà thơ phất tay áo, văn chương lập tức biến thành không gian và thời gian dàn trải cái tinh hoa huyền linh của sự vật quanh mình, như thơ Trần Dạ Từ:
“Nắng chiều đỏ một vườn không
Sầu ra nửa ngõ còn trông nuối về
Môi cười vết máu chưa se
Cành hoa gạo cũ nằm nghe nắng hiền”
Không - thời gian không trôi miên viễn một giòng mà kích thước và sự chuyển động khiến cho thơ dẫn người hiện tại thoắt trở về ngay quá khứ. Cái hình ảnh của sự vật bỗng huyền nhiệm vô cùng, cái sự vật vô thường kia bỗng hiện hữu, bỗng huyền nhiệm và trở thành bất tử với tâm tình thi sĩ.
Đại thi hào Nguyễn Trãi đã từng dàn trải tâm sự mênh mang nỗi đau thế sự của mình qua những dòng lục bát:
“Chiếc thuyền lơ lửng bên sông
Biết ai tâm sự ngỏ cùng ai hay
Huống chi thiên hạ đời nay
Mà đem thân thế làm rầy chiêm bao”
Chiếc thuyền lơ lửng bên sông! Bên sông nào? Hay là bức tranh siêu hình, nó đang trôi nổi ở giữa đất trời mang mang một mình. Chiếc thuyền lơ lửng bên sông! Dòng sông ở Lệ Chi Viên hay dòng sông Hồng Hà lịch sử đã đổ bao nhiêu máu để giành lấy độc lập tự do dân tộc. Dòng sông lịch sử đó lại nhuộm máu của biết bao người anh hùng, biết bao nỗi oan khuất hờn đau mà lịch sử đã dìm sâu trong dòng sông nọ. Nhà thơ bây giờ là Nhà Văn Hóa lớn của nhân loại, bỗng thấy mình lẻ loi như một cánh chim đầu đàn, một cánh chim Bằng, một loài chim Việt trong cổ tích ôm tâm tình viết lịch sử đời mình, với vần thơ lục bát đó. Nguyễn Du đi dạo lễ hội Thanh Minh giữa những nấm mồ và chiêm niệm ra lẽ tử sinh và sự trường cửu của nghệ thuật, tiếng nói hay thi ngôn của nghệ thuật.
Bóng hoa đầy đất vẽ ngang trời thơ lục bát là tiếng nói tinh anh tinh mật huyền diệu nhất của Tâm linh người Việt. Từ tiếng nói của thi thần, thần minh, của cõi trên, thơ lục bát lại rất phổ quát trong lời Việt mà bất kỳ một anh nông dân, một chị bán hàng rong, một anh lái thuyền, một chú thầy, thợ nào, mọi giới đều mở miệng ra là có tiếng thơ Việt từ trong tâm bào, từ trong huyết quản máu xương da thịt của dân tộc Việt. Họ đọc ra, ngâm lục bát, nói lục bát như dân miền Nam “nói thơ Lục Vân Tiên”, hát lục bát như người Bắc Ninh hát Quan Họ, hò lục bát như người xứ Quảng, xứ Huế ngâm vịnh, hò vè, ca xướng đã bao đời. Từ vua đến dân, từ vương tôn quyền quí đến dân giã nghèo nàn đều thị hiện, nói lên, viết lên không biết hàng vạn, hàng tỷ câu thơ lục bát Việt
Qua ca dao, tục ngữ, phong tình cổ lục, qua bao sự phế hưng lên xuống của triều đại. Vẻ hưng thịnh lẫy lừng và sự hoang phế điêu linh của nó đều hiện ra trong đôi dòng thơ lục bát. Thơ lục bát đã chuyên chở tất cả những tư tưởng và đặc tính nghệ thuật mới từ cổ điển, tượng trưng, trữ tình, siêu thực, lãng mạn của Đông Tây tư tưởng.
Thơ lục bát còn phối hợp với song thất lục bát một loại thơ dân tộc đã chở trong bản thân nó những bộ Sấm Giảng Thi Văn, Sấm Trạng Trình những bản kinh của các tôn giáo như Cao Đài Hòa Hảo, Phật giáo, Thần Đạo Việt Nam. Các lý tưởng và hoài bão của bao lớp thanh niên nam nữ trước tiền đồ tốt đẹp, trước sự lớn lao hùng tráng của một dân tộc kiêu hùng. Những nhà thơ lớn của Việt ngày nay như Bùi Giáng, Viên Linh, Nguyễn Đức Sơn, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng... đều có những vần thơ lục bát cao siêu lạ thường. Và với thơ lục bát ngôn từ Việt, tiếng Việt mới tới tinh thể nghệ thuật hơn các loại thơ khác - Xin nói lại, danh xưng lục bát là loại thơ quí tộc là như thế. Cả ông Nhất Linh Nguyễn Tường Tam mà cũng ngâm vịnh lục bát để đùa chơi.
Tôi muốn trích ở đây một số thơ lục bát mới
Bóng bẩy dịu dàng sâu xa kỳ bí như Bùi Giáng:
“Mình ơi ta gọi là nhà
Nhà ôi ta gọi mình là nhà tôi”
“Chàng leo thiếp cũng xin leo
Chàng trèo thiếp cũng xin trèo chàng coi”
Nói về vẻ đẹp huyền ảo nhất của hoàng hậu Việt
“Chập chờn trong bóng nhật thưa
Ảnh hình hoàng hậu năm xưa hiện về
Thùy dương xanh mái tơ thề
Quanh trường thành dựng ngọc kề trắng vai”
Hay mấy câu thơ buồn:
“Người đi biết độ nao về
Nhớ người giòng suối đam mê gợn buồn”
(Nhất Linh)
Nói với tuổi thơ:
“Tuổi thơ em có buồn nhiều
Hãy xin cứ để bóng chiều bay qua”
Có thiên hình vạn trạng trong thơ lục bát Việt
Chẳng hạn tả một cảnh đẹp bên Tàu, nhà thơ Hồ Dzếnh bên Việt
“Tô Châu lớp lớp phù kiều
Trăng đêm Dương Tử mây chiều Giang
Nói về một cuộc ra đi theo dòng lịch sử, Đinh Hùng viết:
“Trăng ôi đừng bỏ kinh thành
Hồn cố đô vẫn thanh hình như xưa”
Biểu tượng về vẻ đẹp vô cùng, Trần Dạ Từ viết:
“Áo người cũng trắng hồn tôi
Vầng trăng cũng lạnh một đời nhớ nhung”
Hay âm thầm siêu thoát như Nguyễn Đức Sơn:
“Đảo buồn thổi gió lao xao
Ngàn năm còn tiếng thì thào biển khuya”
Nói về trăng 16 - TTK ghi:
“Trăng mười sáu ngủ trong hoa
Em mười sáu tuổi trong tà áo xanh”
Còn Viên Linh với một Cúc Hoa, sau này là Thủy Mộ Quan. Và vô số những vần thơ lục bát đến nghẹt thở, đến rùng mình, đến bờ bến giải thoát kỳ bí lung linh của nhà thơ mà xưa nay chưa bao giờ có những sự phong phú vô cùng, nói như Tam Ích là một Khí Hậu Thơ lạ thường đến độ ấy. Tất cả giòng thơ lớn lao từ lịch sử, lớn lao về tư tưởng người Việt ngày nay. Căn cơ của tất cả sự kỳ bí của tinh thần Việt, nguồn cội Việt đều ẩn tàng trong đôi vần thơ lục bát này cả.
Ở VN nhà thơ Nguyễn Đức Sơn có những dòng thơ lục bát cao nhã vô cùng như:
“Về đây say với trăng ngàn
Phiêu diêu hồn ngập giấc vàng đó em
Trăm năm bóng lửng qua thềm
Nhớ nhung gì buổi chiều êm mất rồi”
Tiếp theo giòng thơ lục bát Nguyễn Đức Sơn (và cả Hoài Khanh), ngày nay có một Nguyễn Lương Vỵ, một Nguyễn Tôn Nhan... Họ thuộc dòng thi ca tư tưởng, cả đến Phạm Tường sau này, tiến dần tới cõi thơ lục bát lớn lao hiện đại. Chúng ta giở những trang thơ mới trong các thi phẩm Việt
Các thi sĩ đã tạo cho mình một dòng thơ lục bát riêng như một nghệ thuật lục bát tân kỳ mỗi người mỗi vẻ vậy.
Dịch thơ Đường thơ Tống, cụ Tản Đà viết:
“Hỏi thăm lên núi việc gì
Thảnh thơi ta chẳng nói chi mỉm cười
Hoa đào trên nước chảy xuôi
Đất trời riêng biệt cõi đời thẳm xa”
Các bài lục bát hay xưa nay đến trước 75 - hầu như các thi hữu đã thuộc cả. Nhưng với dòng lục bát mới của anh em hải ngoại xin được trích ra đây:
Hà Thượng Nhân vốn chuyên thơ 7 chữ, 5 chữ cũng viết đôi dòng lục bát như sau:
“Ta như là một giòng sông
Em theo con nước chảy vòng về đâu
Muốn qua nước chẳng thể sâu
Nước sâu khó sánh lòng nhau ngàn lần”
Phạm Quốc Bảo dịch thơ Tàu có câu:
“ Thôi ta về quách cho xong,
Vỗ gươm mà hát rằng đường gian nan”
(.. ‘ Thả phục qui khứ lai
Kiếm ca hành lộ nan’)
Vi Khuê với bài “Qua đèo nhớ trấn”
“Qua đèo nay nhớ trấn xưa
Hoang vu đồi hạ, đôi bờ cỏ may”
Trong bài “Xuân”, Cung Diễm viết:
“Xuân ơi, ai nhắn mà sang
Cho xanh nội cỏ cho vàng sắc mai
Buồng xuân từ phấn hương phai
Đêm hồ ly giấc liêu trai mơ màng”
Trong đời sống tha phương lưu lạc, Hà Trung Yên viết:
“Hôm nào xuân hiện trên môi
Chén sinh ly ấy mộng trôi cơ đồ
..
Trăm năm hưng phế đổi dời
Ta ngây ngô trước một thời suy vong”
Thi sĩ Đông Anh trong bài Bụi hồng nhẹ bay:
“Phong ba vang động mười phương
Hai ngàn năm đã vô thường trôi mau
Nghìn xưa trong cuộc bể dâu
Tang thương âu cũng nghìn sau mấy lần”
Nhà thơ Duy Năng mất đi còn để lại nhiều vần thơ lục bát:
“Cánh chim từ buổi viễn hành
Hạc vàng lầu cũ, thôi đành một phương
Thôi đành một cõi mù sương
Nghiêng nghiêng lối dốc, hoa vườn Bích Câu”
Nữ sĩ Tuệ Nga với tiếng thơ lục bát hải ngoại ngậm ngùi:
“Người đi nhớ nước non nhà
Ai nhìn mây trắng thiết tha cội nguồn”
Trong hồn thơ Tuệ Nga có rất nhiều mây trắng - đó là nét biểu trưng đặc biệt của hồn thơ Việt xưa nay.
Nguyễn Thùy, một người bạn văn chương của tôi đã lâu thay vì viết tư tưởng triết lý chánh trị, bỗng dưng tôi chợt thấy anh biến thành nhà thơ những dòng lục bát tuyệt vời:
“Việt
Tiếng Em như vọng tự trời nguyên sơ
Gặp nhau nào đợi nào chờ
Dặm dài thiên lý, bây giờ là đây
Hỏi giờ lá lại lên cây?
Hỏi giờ gió sẽ xe mây về rừng…
Giữa chiều tiếng hát rưng rưng
Nửa chừng gang tấc, nửa chừng chơi vơi”
Tô Thùy Yên, một kiện tướng, thi gia thơ tự do, cũng đã ghi vài dòng lục bát mới:
“Lũng sâu gom gọn nắng tà
Dải lâu sóng ngất bạc nhòa cuối mây
Biết còn ai đợi ai đây
Hú lên một tiếng cầu may mới đành
(Hái Rau)
Thơ lục bát như một dòng sông vô tận nối liền những cánh buồm phiêu bạt từ những đại hải ba đào dẫn về quê hương đất Việt thân yêu.
Các bản thi ca trường thiên của người Việt đều dựa vào dòng thơ lục bát và song thất lục bát mà hoàn thành như thơ Kiều, thơ Hoa Tiêu, Bích Câu kỳ ngộ, thơ Lục Vân Tiên. Các trường thi của các nữ thi sĩ như Giọt Lệ Thu của Tương Phố, như trước hơn nữa là Khóc chồng của Ngọc Hân Công Chúa. Các vở kịch như Tây Thi, như kịch Kiều Loan của Hoàng Cầm đều điểm những lời thơ lục bát như gấm như hoa:
“Chồng tôi rách nát chiến bào
Vi vu nước mắt đưa vào kinh đô ”
Với bút pháp tinh vi huyền ảo của những nhà thơ tài giỏi, hào sảng tài tình giá trị nghệ thuật cao quí mà chúng ta gọi đùa là “Những nhà thơ quí tộc” - câu thơ đầy nét sang trọng hào hoa.
Thơ lục bát trước hết là loại thơ của đại chúng, của người Việt không phân biệt đẳng cấp, giới tính sang hèn nghèo giàu. Nó như ruộng đồng mênh mông vô tận của Đồng Tháp Mười, nó như cánh rừng Tây Nguyên đại ngàn, nó trôi xuôi như sóng nước Cửu Long Giang với những câu hò đối đáp, bập bềnh trên sông nước hay trong đồi hoang núi thẳm. Trải qua mỗi thời đại thơ lục bát đôi dòng càng thêm tân kỳ, càng thêm duyên, càng thêm thấm đậm tình người và bất tận như Câu Chuyện Dòng Sông của Herman Hesse. Có lẽ trên thế giới chưa có một dòng thơ nào nuôi dưỡng tinh thần ý chí và tâm linh huyền ảo như thơ Việt, như những dòng lục bát Việt
Thơ lục bát được những thi sĩ có biệt tài sử dụng và mang phong cách của từng thi nhân riêng. Về cổ nhân ta có phong cách diễm tuyệt của Nguyễn Du ở xứ Bắc và phong cách mộc mạc của cụ Đồ Chiểu ở phương
Đặc biệt Hoàng Trúc Ly với Sầu ca sĩ:
“Từ em tiếng hát lên trời
Sợi buồn nhỏ xuống hồn anh
Lắng nghe da thịt tan tành xưa sau”
Hoàng Trúc Ly như cái gạch nối liền lục bát xưa và nay.
Đến Viên Linh, Nguyễn Đức Sơn, Trần Dạ Từ thì hoàn toàn rực rỡ chói lọi ánh hào quang lục bát tân kỳ, từ siêu thực, tượng trưng đến một Bùi Giáng trường mộng siêu hình bát ngát âm vang. Sau này lục bát ba câu của Nguyễn Tôn Nhan là một con chim lạ của thi đàn hiện đại đang còn là một thử thách với thời gian về 3 câu lục bát của chúng ta.
Vẻ đẹp của thơ lục bát có thể còn biến đổi đến vô cùng về thi pháp và tâm linh, đến tinh thần thi sĩ. Nó có nhiệm vụ chuyên chở cái đạo thơ của người Việt trên dòng lịch sử vô cùng vô tận...
Có lẽ, cho đến vạn đại khi mà dòng lịch sử Việt, tiếng Việt còn thì lục bát vẫn còn tuôn chảy từ cội nguồn văn hóa Việt càng phong nhiên, càng trường cửu, bất tận.
(Theo tác giả Trần Tuấn Kiệt)
Nguyễn Xuân Ngọc - Ngọc NX1939@gmail.com - 01677225720 - Hiệp Sơn Kinh Môn Hải Dương
(Ngày 01/12/2015 23:21:17)
LỤC BÁT DÂN DÃ CAO SANG |