Ớt nào mà ớt chẳng cay
Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng
(Ca dao)
Vụ ghen tuông của Hoạn Thư trong Truyện Kiều là vụ ghen tuông lớn nhất trong văn học trung đại Việt Nam. Hơn 200 năm nay, người đời vẫn lên án Hoạn Thư và bênh vực Thúy Kiều… Nhưng Thúy Kiều sau khi bị lừa bán vào lầu xanh của mụ Tú Bà,bỏ trốn không thoát, đã phải khuất phục: “Thân lươn bao quản lấm đầu – chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”, để làm gái mại dâm và đã gặp Thúc Sinh, được Thúc Sinh yêu và cưới làm vợ lẽ. Hoạn Thư là vợ của Thúc Sinh biết chuyện và đã ghen tuông nhưng cái sự ghen của nàng thể hiện một nhân cách đáng cho ta suy nghĩ…
Hoạn Thư đã bảo vệ tình yêu và hạnh phúc gia đình mình bằng cách của nàng. Bảo vệ danh dự gia đình bố mẹ là “Họ Hoạn danh gia” có địa vị cao sang trong xã hội, bố là “quan Lại bộ” ( Bộ trưởng Bộ Văn hóa).Gia đình nàng là gia đình nền nếp. Nhà chồng là thương gia giàu có, chồng lại là trí thức…Như mấy năm sau, khi Kim Trọng đi tìm Thúy Kiều vẫn nghe người ta nói trân trọng về Thúc Sinh “Chuyện này hỏi Thúc sinh viên mới tường”. Gia phong, gia lễ, gia đạo của Hoạn Thư là đáng nể. Riêng nàng, cụ Nguyễn Du cũng thừa nhận “Ở ăn thì nết cũng hay”. Là con nhà có học nên tuy ghen tuông nhưng nàng biết giữ danh dự và uy tín cho chồng, cho gia đình chồng. Khi chuyện gia đình vỡ lở, Hoạn Thư biết chịu đựng cơn “Ngứa ghẻ hờn ghen” do chồng nàng và Thúy Kiều gây ra.
“Nỗi lòng kín chẳng ai hay- Ngoài tai để mặc gió bay mé ngoài”, rồi sau đó “Tuần sau bỗng thấy hai người” ( hai người nói chứ không phải một), cụ Nguyễn Du cố ý để “hai người” nói là khẳng định dư luận về việc chồng nàng ngoại tình là có thật.) Lúc đó Hoạn Thư đã “Nổi giận đùng đùng” rồi cho “Đứa thì vả miệng, đứa thì bẻ răng”. Thực ra vừa để dẹp dư luận, vừa để bảo vệ danh dự cho gia đình nàng, vừa giữ kín âm mưu về sau. Nàng không hề đay nghiến, dằn vặt, xỉ vả chồng như những người đàn bà ghen tuông khác. Khi Thúc Sinh về thăm nhà lần đầu, sau khi cưới Thúy Kiều, Hoạn Thư đã biết chuyện chồng mình đã cưới vợ khác nhưng nàng vẫn: Lời tan hợp, nỗi hàn huyên/ Chữ tình càng mặn chữ duyên càng nồng. (nghĩa là tình cảm vợ chồng nàng vẫn mặn vẫn nồng).
Sau khi Thúy Kiều bị mẹ con nàng bắt, nhà cửa Thúc Sinh bị thiêu cháy, chàng về quê lần thứ 2, lần này Thúy Kiều đã ở trong nhà Hoạn Thư. Hoạn Thư vẫn vồn vã đón chồng.
Tiểu thư nghênh đón dãi dề
Hàn huyên đã đủ mọi bề gần xa.
Tất nhiên là Hoạn Thư ghê gớm nhưng phải là người có bản lĩnh và rất yêu chồng, cương quyết giữ chồng nên không làm cho chồng bẽ mặt. Nhưng dù sao nàng cũng là người phụ nữ, như nàng thừa nhận sau này “Rằng tôi chút phận đàn bà” và đàn bà thì “Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. Nàng đã hành hạ Thúy Kiều cũng là vì ghen, vì bảo vệ gia đình mình mà bất cứ người vợ nào yêu thương chồng, trân trọng hạnh phúc và danh dự gia đình cũng phải làm, tuy hình thức và ở mức độ có khác. Hoạn Thư đã bắt cóc Thúy Kiều về để hầu hạ mình, để đánh đàn hầu hạ vợ chồng nàng (nhưng xin nhớ, dưới con mắt nàng, một bậc mệnh phụ phu nhân thì Thúy Kiều lúc đấy chỉ là một cô gái lầu xanh) để hả cơn ghen nhưng rồi cũng chính nàng mở đường sống, tha cho Thúy Kiều và đưa Thúy Kiều vào cõi Phật.
Hoạn Thư là người có học trong một gia đình có văn hóa nên không ai trong mấy chục nhân vật trong Truyện Kiều hiểu và đánh giá đúng tài sắc và đức độ của nàng Kiều như Hoạn Thư. Mà lại còn ca ngợi Thúy Kiều ngay trước mặt chồng nàng (xin nhớ Thúy Kiều là tình địch và là người gây ra đổ vỡ hạnh phúc của Hoạn Thư):“Giá này dẫu đúc nghìn vàng cũng nên”. Và Hoạn Thư rất thông cảm với Thúy Kiều: “Hữu tài thương nỗi vô duyên lạ đời”.
Và sau cơn “ngứa ghẻ hờn ghen” mà ai cũng nên thông cảm cho bà vợ “ở ăn thì nết cũng hay” ấy bị chồng phản bội, cắm sừng do chính nàng Kiều gây ra, Hoạn Thư lại xót thương Thúy Kiều: “Rằng tài nên trọng mà tình nên thương”.
Rồi Hoạn Thư đã xử sự đúng với cái tầm của nàng khi bắt gặp chồng mình lại lén lút gặp người tình ở chùa sau vườn nhà mình, chứng kiến chồng mình và Thúy Kiều tình tự… nhưng nàng đã làm ngơ.
… bà đến đã lâu
Nhón chân đứng nép độ đâu nửa giờ
Rành rành kẽ tóc chân tơ
Mấy lời nghe hết đã dư tỏ tường
Nghĩa là Hoạn Thư đã nghe, đã biết hết nhưng nàng không chấp, bỏ qua và khi xem những bản kinh Thúy Kiều chép ở Quan Âm Các, Hoạn Thư đã thừa nhận tài năng của Thúy Kiều, khen ngợi, đề cao tình địch của mình trước mặt chồng:
Khen rằng bút pháp đã tinh
So vào với thiếp Lan Đình nào thua
Rồi ngay sau đó, Thúy Kiều ăn cắp chuông vàng khánh bạc nhà Hoạn Thư bỏ trốn mà nàng cũng bỏ qua, không truy đuổi: “Đến khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo”.Để rồi về sau, khi Thúy Kiều nhờ uy linh của Từ Hải mở phiên tòa để báo ân báo oán. Ở phiên tòa đó, Thúy Kiều đã nhận ra mình đuối lý, chấp nhận lời biện tội của Hoạn Thư và rồi đã tha bổng cho mọi “tội trạng” của Hoạn Thư. Công lý đã thắng, lẽ phải đã thắng vì Hoạn Thư là người không có tội.
PSG. TS. Lê Đình Cúc
(Nguồn: Báo Hà Tĩnh Online)