Ngày xuân vào chùa
Chuông ngân kép cửa hoàng hôn
Nén nhang chứng kiến kẻ buồn người vui!
Nam mô thỉnh, lời chen lời
Toà sen ngó xuống, Phập ngồi từ bi...
Người cầu phúc lộc những gì?
Tôi xin bớt được đam mê bụi trần
Người cầu thoát kiếp trầm luân
Tôi xin cát bụi xoay vần trong tôi...
Thinh không lặng lẽ đất trời
Chư vị La Hán vẫn ngồi ngoảnh đi!
Bước ra tự biết làm gì
Không hay chiếc lá Bồ Đề đậu vai!
Phạm Thế Minh
Con Người sinh ra đầu đội trời, chân đạp đất chịu sự thịnh suy của xuân hạ thu đông, sinh trưởng ẩn tàng của tạo vật như muôn loài cũng “sinh, lão, bệnh, tử”. Tiếng chuông chùa đã khép cửa hoàng hôn nơi cửa Phật, nơi chập chờn tối sáng. Cửa từ bi thấu hiểu mọi lẽ thiện ác nên nơi tòa sen Người chỉ ghé xuống mỉm cười. Còn các vị La Hán vẫn ngồi ngoảnh đi trước bao lời thỉnh cầu của kẻ buồn, người vui cầu mong thoát kiếp!
Ngày xuân vào chùa, thi nhân mong mình bớt được bon chen cùng dục vọng toan tính đời thường để tâm hồn thảnh thơi mà thăng hoa cùng trời đất. Khác với mọi người ông lại cầu mong cho mình được vần xoay cùng cát bụi, để đối diện với đời thật dù sớm nắng, chiều mưa. Đó chính là hình ảnh một người có tâm hồn cao khiết luôn hướng thiện, hướng thượng. Bởi ông biết nhân nào thì quả ấy!
Bước ra tự biết làm gì
Không hay chiếc lá Bồ Đề đậu vai.
Thiện tâm, thiện tâm đó chính là sự tu hành đắc đạo của mỗi kiếp người. Thi nhân không cầu mong thoát kiếp nhưng chính vì hướng thiện, hướng thượng mà chiếc lá Bồ Đề đã đậu xuống vai mình.
Bài thơ lời kiệm mà bừng thức một quan điểm sống: Tu thân, tích đức...
“Ngày xuân vào chùa” của Phạm Thế Minh thắp sáng một quan điểm nhân sinh với triết luận Phương Đông sâu sắc.
Bùi Hải Đăng
(Nguồn: Blog’s “Nhà Bên Sông”)