Quảng Bình là một tỉnh có đặc điểm sinh thái đa dạng: biển, rừng, đồng bằng đã tạo cho vùng đất này có nhiều cảnh quan tươi đẹp: vừa hùng vĩ vừa nên thơ, nhiều sản vật độc đáo phong phú, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển cả ba đặc trưng văn hoá: văn hoá núi, văn hóa đồng bằng và văn hóa biển.
Trước hết điều kiện địa lý và môi trường tự nhiên đóng vai trò quan trọng để hình thành nên phẩm chất con người Quảng Bình. Đồng bằng nhỏ hẹp, núi non hiểm trở, nắng nóng, mưa nhiều, thiên tai…Ở Quảng Bình khi nói tới việc cách trở, khó khăn về mặt không gian, nhân dân thường dùng hình ảnh “truông”. Truông là một đặc điểm địa chất của vùng đất này. Truông là một nơi khó qua lại:
Eo truông cách trở khó qua,
Tam Đa là một, Đại Hoà là hai.
Về mặt lịch sử, xã hội, trong quá khứ, Quảng Bình là khu vực chiến tranh, nội chiến, bị phân ranh, chia cắt. Khi cuộc nội chiến Trịnh -Nguyễn nổ ra, sông Gianh trở thành giới tuyến phân chia Đàng Trong và Đàng Ngoài. Đi qua nơi đây như thử thách lòng dũng cảm, trí thông minh của con người:
Khôn ngoan qua cửa Thanh Hà,
Đố ai có cánh bay qua luỹ Thầy.
Cửa Thanh Hà là cửa sông Gianh, Luỹ Thầy là thành luỹ do Đào Duy Từ xây dựng ở Đồng Hới để phòng thủ ngăn chặn hướng tiến công của quân Đàng Ngoài: “Thứ nhất thì sợ luỹ Thầy, Thứ nhì sợ lầy Võ Xá”.
Môi trường khắc nghiệt rèn luyện cho con người Quảng Bình nhiều đức tính quý báu: lao động cần cù, chịu đựng gian khổ. Bên cạnh đó, sự thâm nghiêm của núi rừng, sự hùng vĩ của biển cả tạo cho con người nơi đây khí chất khẳng khái, mạnh mẽ. Dấu ấn thiên nhiên in dấu lên tâm hồn họ, tạo cho họ tính cách vừa hào phóng lại vừa khắt khe, vừa âu lo lại vừa hồn nhiên…Trong quá trình dựng nước, Quảng Bình là tỉnh có một số phận lịch sử khá đặc biệt. Thời cổ đại, đây là nơi diễn ra các cuộc chiến giữa Âu Lạc và Lâm Ấp chống Trung Hoa. Thời trung đại, là mảnh đất giao tranh của Chăm và Việt, của Đàng trong và Đàng ngoài. Về sau này là mảnh đất chịu nhiều bom đạm của giặc Pháp, giặc Mỹ. Đau thương và gian khó đã thấm vào từng tấc đất và con người nơi đây. Hoàn cảnh ấy khiến cho con người Quảng Bình có một khả năng đối phó cao, một tinh thần yêu nước và một ý chí sắt đá.
Một nhân tố cuối cùng tác động lên sự hình thành phẩm chất con người Quảng Bình đó là môi trường văn hoá. Quảng Bình là nơi pha trộn của nhiều luồng văn hoá khác nhau: văn hoá Đàng Trong, Đàng Ngoài, văn hoá Phú Xuân, văn hoá Trung Hoa, văn hoá Chăm Pa…Tính chất pha trộn này hình thành nên tính cách dễ hoà nhập của con người nơi đây.
Nhân dân Quảng Bình từ xưa đã có truyền thống hiếu học và học giỏi. Có thể kể số tên tuổi tiêu biểu như: học giả Dương Văn An, Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Phạm Tuân, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử… Nhiều làng quê văn vật có từ lâu đời như: Sơn - Hà - Cảnh - Thổ / Văn - Võ - Cổ - Kim. Nơi đây dồn tụ được khí thiêng sông núi để rồi sản sinh ra những danh nhân, những anh hùng của vùng đất “địa linh nhân kiệt”:
Chữ rằng nhân kiệt địa linh,
Đất chung khí tốt mới sinh anh hiền.
Tín ngưỡng của người Việt ở Quảng Bình là tín ngưỡng đa thần. Chất âm tính của văn hoá nông nghiệp dẫn đến hệ quả trong quan hệ xã hội là lối sống thiên về tình cảm, trọng nữ và tín ngưỡng Nữ thần chiếm ưu thế:
Bà vô mười bảy tháng tư,
Vạn lo lập lễ cầu ngư lưới nghề.
Thần linh dù được thờ ở đình làng hay các đền, các miếu đều được nhân dân và chính quyền hương thôn chăm lo, nhắc nhở nhau thờ phụng quanh năm:
Chớ thấy miếu rách bỏ thờ,
Bỏ miếu không thờ tội lắm ai ơi.
Tục thờ vong linh ở Quảng Bình là thờ linh hồn ông bà, cha mẹ, những người thân trong gia đình. Ca dao Quảng Bình có câu:
Đạp xe lấy nước lên đồng,
Lập lăng thờ mẹ ẵm bồng khi xưa.
Lễ hội mang tính chất tâm linh, giải trí nhưng chứa đựng tư tưởng nhân văn sâu sắc. Ở Quảng Bình có hội bơi trải trên sông Nhật Lệ và sông Kiến Giang theo lệ “lục niên canh độ”:
Kẻ Giàu có quán Đình Thanh,
Kẻ Hạc ta có ba đình ba voi.
Mười tám kéo thuyền xuống bơi,
Mười chín giã bánh, hai mươi rước thần.
Bên cạnh lễ hội bơi thuyền ở đây còn có nhiều sinh hoạt văn hoá khác:
Người về nhớ trống Kẻ Sen
Nhớ chuông Kẻ Hạc nhớ kèn Thiệu Yên
Bài chòi là một trò chơi văn nghệ. Để động viên, cổ vũ, khích lệ tinh thần người ta đặt lời vận động chơi bài chòi:
Đầu năm bói toán đâu xa,
Bài chòi một hội biết là rủi may.
Người Quảng Bình qua nhiều thế hệ đã hình thành nên phong tục ăn, mặc mang đậm dấu ấn của mảnh đất này. Phong tục ẩm thực Quảng Bình đi vào ca dao, tục ngữ: “Ăn chắc mặc bền”, “Ăn cay uống đắng”, “Ăn ít no lâu, ăn nhiều tức bụng”,… Thức ăn chủ đạo vẫn là rau củ: “Tối ăn rau đi ngủ, sáng ăn củ đi làm”. Bữa ăn nào có cơm cá đối với họ là một bữa ăn ngon và sang trọng. Người ta khuyên bảo nhau cách ứng xử: “Ăn nhai, nói kĩ”, “Ăn bớt đọi, nói bớt lời”, “Đừng ăn cháo đá bát”, “Đừng bao giờ ăn gian nói dối”, …Ăn phải biết lo toan, tính toán: “Ăn củ môn bữa mai, để củ khoai bữa mốt”. Ăn bao giờ cũng gắn liền với làm, ăn để mà làm, “ăn làm” chứ không phải “ăn chơi”: “Ăn cơm cho no, chèo đò Phú Trịch”, hay:
Muốn ăn mật vô rú Trèn,
Muốn xơi ốc đực phải lên thác Đài.
Món ăn thể hiện bức tranh sản vật của vùng quê, là sản phẩm của quá trình lao động. Món ăn trở thành đặc sản của mỗi vùng quê Quảng Bình:
Ai lên Tuy đợi thì lên,
Bún thịt chợ Tréo chớ quên mang về.
Món ăn trở thành niềm tự hào, thành nỗi nhớ của người con khi đi xa:
Mặt trời đã gác ngọn chông,
Đi mô cũng nhớ nồi hông cơm bồi.
Chế biến món ăn là cả một công trình nghệ thuật. Tục ngữ Quảng Bình nói đến nghệ thuật nấu nướng: “Cá bống kho tiêu, Cá thiều kho ngọt. Nghệ thuật chế biến thức ăn của nhân dân Quảng Bình chủ yếu thể hiện ở các món ăn chế biến từ cá. Có lẽ đây là do sở thích và thói quen ăn uống của họ:
- Cá dở thì hấp hành tươi,
Cá ngứa thêm nấm, cá buôi thêm ngò.
- Cá thiều mà nấu măng chua,
Một chút canh thừa cũng chớ bỏ đi.
- Muối mè rang với ruốc khô,
Có chết xuống mồ cũng dậy mà ăn.
Ăn gắn liền với nói, với giao tiếp và ứng xử: “Ăn đúng bữa, nói lựa lời”, khuyên răn, nhắc nhở nhau khi nói năng cần phải tìm ngôn ngữ đúng đắn, phù hợp. Người ta phê phán những kẻ khi ăn không tưởng đến ai nhưng làm thì nhờ mọi người giúp đỡ: “Ăn cúi trôốc, đẩy nôốc kêu làng”.
Trong các ngày Tết thì món ăn của người Quảng Bình là những món ăn truyền thống:
Tết về câu đối bánh chưng,
Chẳng ham giò chả chỉ ưng Ngứa, Xoè.
Trong ngày Tết, ở Quảng Bình không thiếu hai thứ cổ truyền của dân tộc: “câu đối đỏ”,“bánh chưng xanh”. Họ không cần những món ngon như giò, chả mà chỉ thích những món bình dân. “Ngứa, xoè” là hai loại cá có nhiều ở vùng biển Quảng Bình. Thức uống của người Quảng Bình là nước chè xanh. Chè xanh là một thứ nước uống bổ dưỡng: “Nước chè xanh vừa lành vừa mát”. Người Quảng Bình ai cũng biết đến vùng đất chè Tuyên Hoá:
Ai lên Tuyên Hoá quê mình,
Chè xanh mật ngọt thắm tình nước non.
Cũng có câu ca dao ví sự ngọt mát của nước chè với tình yêu, sự hoà hợp của vợ chồng trong cuộc sống:
Nước trong pha với chè tàu,
Lấy chồng Đồng Phú không giàu cũng vui.
Trong các bữa cỗ, bữa tiệc, họ còn uống rượu. Uống rượu cũng là dịp để giao tiếp, bày tỏ sự thân tình. Quảng Bình nổi tiếng với: “Sò nghêu Quán Hàu, Rượu dâu Thuận Lý”.
Nghề trồng lúa là nghề chủ đạo. Huyện Lệ Thuỷ có cánh đồng màu mỡ, phù sa bồi đắp hàng năm nên được coi là vựa lúa thứ hai của xứ Đàng Trong: “Thứ nhất Đồng Nai, thứ nhì hai huyện”. Có bài ca dao đã ca ngợi sự trù phú của mảnh đất này:
Lệ Thuỷ gạo trắng nước trong,
Ai về Lệ Thuỷ thong dong con người.
Một bài ca dao khác cũng ca ngợi sự ấm no nhờ nghề trồng lúa:
Hoàng Cương ăn tấm cũng no,
Đông viên có thóc bán cho Kẻ Hoàng.
Người Quảng Bình còn biết nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc:“Muốn giàu nuôi cá, Muốn khấm khá nuôi heo”. Họ còn biết tận dụng môi trường tự nhiên để phục vụ nhu cầu cuộc sống: “Trong làng đi tranh đi củi, Ngoài nghề đi dũi đi câu”.
Quảng Bình với đường bờ biển dài, với nhiều loại tôm cá, cư dân ven biển đã sớm biết khai thác, đánh bắt nguồn hải sản này. Nghề đánh bắt cá sớm trở thành nghề chính ở đây. Họ biết đóng thuyền, thả lưới, vào lộng ra khơi để khai thác món quà mà thiên nhiên ban tặng:
Tháng bảy nước phảy lên bờ,
Sắn rớ, sắm đáy đợi chờ làm ăn.
Ngoài nghề nông và nghề đi biển, Quảng Bình còn có một số nghề thủ công truyền thống như đan chiếu, làm nón: “Chiếu cói An Xá, nón lá Quy Hậu”. Bên cạnh đó việc buôn bán cũng rất phát triển. Chợ ở Quảng Bình được biết đến nhiều nhất là chợ Ba Đồn:
Ba Đồn là chợ xưa nay,
Tụ nhân tụ hoá mười ngày một phiên.
Chợ không chỉ là nơi trao đổi, buôn bán hàng hoá mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu tình cảm:
Chợ Sạt một tháng ba phiên,
Không đi thì nhớ lời nguyền bạn quen.
Trong đời sống tinh thần, con người sống thiên về tình cảm, quý trọng nề nếp gia phong. Con cái luôn có ý thức chăm lo, phụng dưỡng cha mẹ:
Ba đồng một khứa cá buôi,
Cũng mua cho được mà nuôi mẹ già.
Tình cảm gia đình là thiêng liêng, đặc biệt nhạy cảm là mối quan hệ giữa nàng dâu với mẹ chồng:
Mẹ già là mẹ của anh,
Ăn cơm có cá, có canh rau bầu.
Hạt gạo lúa dâu xót hai đầu cho trắng,
Tôm phơi một nắng bóc vỏ nấu canh,
Múc nước trong xanh để mẹ già tắm mát...
Đối với quan hệ xã hội, người lớn luôn khiêm nhường trong ứng xử, sống hài hoà, không gây hiềm khích với làng trên xóm dưới:
Nhịn nhau một chút cho xinh
Ai sợ chi mình, mình sợ chi ai
Lời ăn tiếng nói hàng ngày của người Quảng Bình tuy không ngọt ngào như các vùng khác nhưng nó ẩn chứa sự chân tình, cởi mở. Ngay từ thuở còn thơ cha mẹ đã dạy con cái cách ăn nói sao cho lễ phép: “Gọi thì dạ, bảo thì vâng”. Hoặc là: “Nói thì thưa trước, dạ sau”… Cha ông truyền dạy cho con cháu cách ăn ở, nói năng sao cho hoà thuận trong nhà, ngoài ngõ. Dần dần hình thành nên một phong tục trong ứng xử có thể thấy rõ trong câu ca: “Rây (dây) chùn khó đứt”. Họ coi sự hoà thuận làm yêu cầu đầu tiên trong giao tiếp. Hoà thuận trong lời ăn, tiếng nói để giữ mối quan hệ bằng hữu bền chặt.
Phong tục tập quán của người Quảng Bình vừa mang dấu ấn đồng bằng nông nghiệp vừa pha trộn với văn hoá núi rừng và biển cả. Ăn thì ham chắc, mặc thì ham bền, ở thì giản dị, giao thiệp thì chân thật và mến khách. Tình cảm chân tình, hiếu nghĩa. Nét đẹp của tín ngưỡng thể hiện ở sự tôn kính, biết ơn. Sống trong khó khăn, chiến tranh nên nghèo khó cứ đeo đẳng con người vùng đất này nhưng họ vẫn không hề nhụt chí, phiền não mà luôn ham sống, yêu đời, chấp nhận thử thách để vượt lên.
Qua ca dao, tục ngữ, văn hoá dân gian Quảng Bình đã thể hiện một dấu nhấn khá đậm nét của người Việt ở miền Trung, đóng góp một nét phong cách văn hoá của đất này với khu vực văn hoá Bắc miền Trung nói riêng và văn hoá vùng miền Trung nói chung. Đây là một vấn đề nghiên cứu khá thú vị nhưng rất khó khăn. Những gì đã trình bày trong bài viết này là rất nhỏ so với một nền văn hoá Quảng Bình đa dạng. Chắc rằng vào một dịp khác có điều kiện thuận lợi, chúng tôi sẽ đầu tư nghiên cứu kĩ hơn.
Dương Thị Kim Phụng - Lê Đức Luận
______________________
Tài liệu tham khảo:
1. Dương Văn An (2001), Ô Châu Cận Lục, Nxb Thuận Hoá, Huế.
2. Thanh Ba (Chủ biên, 2000), Quảng Bình - Nước non huyền diệu, Nxb TP. Hồ Chí Minh.
3. Nguyễn Nhã Bản (2001), Bản sắc văn hóa của người Nghệ Tĩnh, (Trên dẫn liệu ngôn ngữ), Nxb. Nghệ An.
4. Phan Kế Bính (2004), Việt Nam phong tục, Nxb. TP Hồ Chí Minh.
5. Nguyễn Thế Hoàn (Chủ biên, 2001), Giá trị tinh thần truyền thống con người Quảng Bình, Nxb Thuận Hoá, Huế.
6. Trần Hùng (Chủ biên, 1996), Văn học dân gian Quảng Bình, Nxb VHTT- Sở Văn hoá và Thông tin Quảng Bình.
7. Trần Hùng (1996), Trên đường tiếp cận một vùng văn hoá, Nxb Văn hoá, H.
8. Trần Kinh, Nguyễn Kinh Chi (2001), Quảng Bình - Thắng- tích- lục, Nxb. VHTT - Sở Văn hóa và Thông tin Quảng Bình, H.
9. Văn Lợi (chủ biên), Nguyễn Tú (sưu tầm, biên soạn) (2001), Địa chí văn hoá miền biển Quảng Bình, Nxb VHTT - Sở văn hoá và thông tin Quảng Bình, H.
10. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb GD.
11. Nguyễn Tú (2007) (sưu tầm và biên soạn), Những nét đẹp về văn hoá cổ truyền Quảng Bình, Nxb Thuận Hoá - Hội văn học nghệ thuật Quảng Bình.