CÚN CON
Cún con làm bộ suốt ngày
Hễ tao đi vắng là mày lêu têu
Cứ như mày chẳng ai yêu?
Chỉ tao mới biết nuông chiều mày thôi
Đá bóng mày cũng khoái chơi
Chồm lên mày đú mày đòi bắt gôn
Bóng căng tao sút kinh hồn
Mày nhoài người bắt dáng con nhà nòi
Vô lê chéo góc cún ơi
Bóng bay vào lưới tao cười tẹt ga
Mày thường bỏ bữa… hay là
Đợi tao đi học về nhà mới ăn
Ông bà tao cứ băn khoăn
Trừ tao chẳng có ai chăm nổi mày?
Tao tắm mày chạy theo ngay
Còn đòi dầu gội cho mày nữa cơ
Tao học mày cũng nằm chờ
Gác mõm lên cặp ngây ngô mày nhìn
Tinh mơ nhạc dạo báo tin
Bật dậy tao tìm đồng phục học sinh
Vì tao mày cũng rối tinh
Rồi bất thình lình mày chỉ ra ngay
Tiễn tao đến lớp sáng nay
Mặt mày buồn thỉu… mắt mày rưng rưng!
Hà Nội, 15/8/10
Vũ Xuân Quản
Có lẽ trong thời buổi kinh tế thị trường, những Nhà thơ có tâm huyết viết cho Thiếu nhi, nhất là viết theo thể thơ lục bát thì ngày càng mai một. Suốt thập niên đầu tiên của Thế ký 21, cùng với một số ít Nhà thơ đương đại, Vũ Xuân Quản đã viết cho Thiếu nhi một cách khá đều đặn.
Điều gì khiến Nhà thơ dành trọn cảm xúc và thời gian của mình để viết cho lứa tuổi hoa thật đáng yêu này? Chỉ có thể giải thích, là tấm lòng yêu trẻ của Tác giả trong veo như dòng suối, tươi mới như giọt sương thu long lanh treo trên đầu ngọn cỏ buổi sớm mai.
Đọc hai tập thơ xuất bản gần đây của Tác giả, các em sẽ bắt gặp chủ đề viết cho Thiếu nhi rất đa dạng, như: Nhà trường, gia đình, chim muông, hoa lá… rất đỗi gần gũi thân thương với các em hàng ngày. Bài thơ Cún con là một ví dụ khá thú vị về cách viết loài vật cho Thiếu nhi của Tác giả.
Có nhiều Nhà thơ đã viết về cún con. Nhưng bài thơ Cún con của Nhà thơ Vũ Xuân Quản lại có một cách viết khác. Bài thơ như một câu truyện ngắn lột tả tình cảm hồn nhiên, đáng yêu giữa cậu học trò Tiểu học với chú Cún nhà mình. Ngay khổ thơ đầu tiên đã khẳng định: cún con và cậu học trò dường như không thể xa nhau nửa bước. Xa bạn mình là cún nhớ, Cún chẳng muốn ở nhà, chỉ muốn đi đâu đó để rũ sạch nỗi buồn, mặc dù trong nhà ai cũng yêu Cún. Cún con làm bộ suốt ngày/ Hễ tao đi vắng là mày lêu têu/ Cứ như mày chẳng ai yêu?/ Chỉ tao mới biết nuông chiều mày thôi.
Cậu học trò Tiểu học đã gửi gắm niềm tin nơi Cún con, nên đã huấn luyện Cún con trở thành một thủ môn có hạng. Cún con có bàn tay nhựa, đã nhiều lần thi thố tài năng, với tài bắt bóng chẳng kém gì các Thủ môn lẫy lừng một thời. Bóng căng tao sút kinh hồn/ Mày nhoài người bắt dáng con nhà nòi. Đã là bóng đá thì bao giờ mà chẳng có những bất ngờ. Tài trấn giữ khung thành của Cún con chẳng ai phủ nhận. Ấy thế mà có lần gặp đường bóng bay hiểm hóc, Cún con đành bất lực, tiu nghỉu vào lưới nhặt bóng. Vô lê chéo góc cún ơi/ Bóng bay vào lưới tao cười tẹt ga.
Những khổ thơ sau chảy dài một mạch, như lời kể rất tự nhiên, sinh động về tình bạn keo sơn giữa cậu học trò Tiểu học với chú Cún. Từ ngữ trong thơ được Tác giả chọn lọc kỹ lưỡng, tứ thơ sâu sắc, câu thơ mượt mà, có cảm xúc, như có ma lực cuốn hút bạn đọc.
Dường như cậu học trò Tiểu học và chú Cún sinh ra để là bạn của nhau. Mọi sinh hoạt, học tập đâu chỉ dành cho một mà của cả hai đấy chứ! Cún con sẵn sàng bỏ bữa, khi bạn mình đi học chưa về. Đến tắm táp, học tối cũng phải đầy đủ cả hai: Tao tắm mày chạy theo ngay/ Còn đòi dầu gội cho mày nữa cơ. Tao học mày cũng nằm chờ/ Gác mõm lên cặp ngây ngô mày nhìn.
Cún con cũng biết chia sẻ cái lo của bạn mình, khi bạn mình đang cuống cuồng tìm bộ đồng phục để đi học. Vì tao mày cũng rối tinh/ Rồi bất thình lình mày chỉ ra ngay.
Hai câu kết của bài thơ rất đắc địa, như khép lại câu truyện ngắn về tình bạn sâu sắc giữa cậu học trò & chú Cún, khiến bạn đọc cũng thấy bùi ngùi khi chứng kiến: Tiễn tao đến lớp sáng nay/ Mặt mày buồn thỉu… mắt mày rưng rưng!
Linh Văn