Chủ nhật, 05/05/2024,


"Vòng gieo gặt" - Vòng nhân sinh? (29/01/2012) 
 
VÒNG GIEO GẶT
 
Gieo rồi gặt, gặt rồi gieo
Cái vòng gieo gặt ta theo bao đời
Hạt mục rữa, lúa tốt tươi
Bàn tay vun xới thuận trời nắng mưa.
Lúa nở bụi, hạt ngọc sa
Đầy bồ lúa, miến* nhà nhà ấm no
Em ơi có hỏi bao giờ
Cây hay hạt thuở khai sơ trên đời?
 
Đặng Phúc Minh
 
____________
* miến: lúa mì
 
 
Nhà giáo, nhà thơ Đặng Phúc Minh đã xuất bản hai tập thơ và hai tập văn xuôi được nhiều bạn đọc yêu thích. Thơ của anh không phải là thứ thơ để ngâm vịnh hay kể lể giãi bày, mà thơ anh mang vẻ đẹp về những vấn đề nhân sinh, vũ trụ, những triết lý về con người và cuộc sống muôn màu ẩn chứa bao điều kỳ diệu mà không phải ai cũng thấy được. “Vòng gieo gặt” là một bài thơ mang tín hiệu thẩm mỹ như thế.
Nhà thơ Sóng Hồng đã viết: “Thơ là loại hình nghệ thuật kỳ diệu bậc nhất của trí tưởng tượng”. Nhà thơ Tư Khấu (Trung Quốc), trong tác phẩm “Đàm Long tục” có viết: “Thơ như con rồng thần thấy đầu chỉ thấy đuôi, có khi từ trong một đám mây lộ ra một cái vuốt hay một cái vây mà thôi, làm gì có toàn thể. Toàn thể chỉ là rồng tô, rồng vẽ”. Bài thơ “Vòng gieo gặt” của Đặng Phúc Minh mang “ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời). Nó chỉ là cái “vuốt” hay cái “vây” của con “rồng thần- thơ” thôi, nhưng gợi ra nhiều liên tưởng thú vị. Tác giả chỉ nói chuyện gieo và gặt nhưng hàm chứa một thông điệp về nhân sinh, về lẽ sống mà con người từ xưa tới nay cần phải tuân theo. Đó là quy luật nhân-quả. Có gieo ắt có gặt, gieo nhân nào gặt quả ấy. Và cái vòng “Gieo rồi gặt, gặt rồi gieo” cứ lặp đi lặp lại suốt quá trình tiến hóa của muôn loài. Cái này “mục rữa” để cái khác “tốt tươi”. Trong “Tân ước” của Kinh thánh có câu Chúa phán qua dụ ngôn hạt lúa mì: “Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó sẽ trở nên trơ trọi một mình. Nếu nó chết đi nó mới sinh được nhiều hạt thóc”. Tuân theo quy luật tự nhiên, cái này tàn đi thì cái khác phát triển. Song, rất cần một yếu tố quan trọng là sự tác động của con người: “Bàn tay vun xới, thuận trời nắng mưa”. Chính bàn tay con người đã làm nên bao điều kỳ diệu. Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã viết: “Bàn tay ta làm ra tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Trời đất và con người cùng chung tay làm nên cuộc sống này. Ngày xưa người nông dân cực khổ, làm ăn phải lệ thuộc nhiều vào thời tiết có thuận hòa hay không, nên họ cầu mong đủ thứ qua bài ca dao “Đi cấy”: “Người ta đi cấy lấy công/ Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.../ Trông trời trông đất trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày trông đêm/ Trông cho chân cứng đá mềm/ Trời yên bể lặng, mới yên tấm lòng”. Còn người nông dân ngày nay tuy cũng rất cần trời ban cho “mưa thuận gió hòa” nhưng nhiều người đã vận dụng các thành tựu của khoa học kỹ thuật để giảm bớt sự nặng nhọc vất vả trong lao động và tăng năng suất vật nuôi, cây trồng. Trong thơ Đặng Phúc Minh, họ đã vượt lên nỗi vất vả, cực nhọc để vui với thành quả lao động của mình:
 
Lúa nở bụi, hạt ngọc sa
Đầy bồ lúa, miến nhà nhà ấm no.
 
Ở đây ta thấy mối quan hệ nhân-quả khá rõ nét ở câu lục: Lúa “nở bụi” (tốt tươi, đẻ ra nhiều nhánh) là nhân dẫn đến quả “hạt ngọc sa” (bông lúa trĩu hạt, sa xuống). Và cả câu lục (Lúa nở bụi, hạt ngọc sa) là nhân, để câu bát (Đầy bồ lúa miến nhà nhà ấm no) là quả. Thiết lập mối quan hệ nhân-quả liên hoàn bằng một lô-gic hình thức trong triết học cũng như trong thơ để minh chứng một điều: cái này là nhân của cái kia, và cái quả kia lại là nhân của cái kế tiếp. Đúng là trong nhân có quả và trong quả lại có nhân. Mùa này gieo rồi gặt những hạt vàng, hạt ngọc để làm giống cho những mùa sau gieo gặt tiếp, bội thu hơn. Cuộc sống con người nhờ đó mà vươn tới ấm no, hạnh phúc. Câu thơ đơn giản nhưng thật đa nghĩa. Nó còn gợi cho ta về cái “vòng nhân sinh” của kiếp người: sinh, lão, bệnh, tử. Ông bà, cha mẹ dù có về thế giới bên kia nhưng vẫn còn lại lớp cháu con nối tiếp...
Kết thúc bài thơ là một câu hỏi tu từ dạng nghi vấn:
 
Em ơi có hỏi bao giờ
Cây hay hạt thuở khai sơ trên đời?
 
Nhân vật trữ tình cất tiếng hỏi cái điều tưởng giản đơn nhưng không đơn giản chút nào: Cây hay hạt thuở khai sơ trên đời? Trong vũ trụ này, trong cuộc đời này “cây hay hạt” cái gì có trước? Trong triết học, người ta đã từng tranh cãi: con gà có trước hay quả trứng có trước? Đặng Phúc Minh lại đặt vấn đề hắc búa này trong thơ mà đối tượng là cây và hạt, cái nào có trước? Theo tôi, tất cả là do bàn tay Tạo hóa sắp đặt. Thiên nhiên có quy luật của thiên nhiên nhưng không bất biến mà còn do bàn tay của con người tác động vào, như ở phần trên của bài thơ đã đề cập tới: "Bàn tay vun xới thuận trời nắng mưa". Song, nếu ta làm bất cứ điều gì mà không “thuận thiên” (thuận lòng trời) thì khó có kết quả tốt đẹp. Ý nghĩa triết lý nhân sinh là ở đó. Công lao, sức lực của người nông dân một nắng hai sương sẽ được đền đáp. Đúng như câu ca dao: "Có làm thì mới có ăn/ Không dưng ai dễ đem phần đến cho”. Bác Hồ cũng đã nói về sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ là để cho đất nước ta được “nở hoa độc lập, kết quả tự do”.
Bài “Vòng gieo gặt” của Đặng Phúc Minh chỉ có hai khổ thơ với tám câu lục bát mang âm hưởng ca dao mà làm người đọc phải xao xuyến, suy nghĩ mới thấy hết các tầng ý nghĩa chứa đựng trong mỗi câu chữ. Cái hay của bài thơ là ở sự giản dị của ngôn từ và sự trong sáng ở hình tượng thơ. Nó như phần nổi của tảng băng, dễ thấy. Nhưng cái cao hơn, hay hơn một bậc mà tác giả đặt ra ở bài thơ lại nằm ở phần chìm của tảng băng, mà ta phải ngẫm suy kỹ mới nhận ra được. Đó là vấn đề nhân sinh của con người như một “vòng gieo gặt” của cuộc sống mà tạo hóa đã ban tặng. Bài thơ là một câu hỏi lớn còn nhiều ẩn số ở những tầng nghĩa mới. Sự cộng hưởng, đồng vọng ở nơi bạn đọc sẽ phát hiện thêm vẻ lấp lánh của vỉa quặng thơ còn nằm sâu dưới lòng đất.
 
 
Lê Xuân
Điện thoại: 0947.615119
Email: xuanbot@gmail.com
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: