Tôi thử nhớ lại xem mình đã gặp thơ Đồng Đức Bốn trong trường hợp nào. Dạo đó cách nay đã hơn mười năm , vào một ngày nào đó, một số người chúng tôi tình cờ gặp nhau khi đến mừng một bậc đàn anh lên lão thất tuần. Người lên lão bảy mươi ấy là Trần Độ. Ông vốn tính rất trẻ, hôm ấy đã đưa chúng tôi xem một bài thơ mà ông bảo không biết của ai, vì ông thấy thích nên chép lại:
Cái hôm em ở với chồng,
Để ai hoá đá bên sông đợi đò.
Cái đêm hôm ấy gió mùa,
Tơ nhện giăng đến cổng chùa thì tan.
Cái đêm lành lạnh gió mùa,
Em trong chăn ấm có đùa cùng ai?
Ngang trời tiếng vạc mảnh mai,
Chém trăng đã đứt thành hai mảnh rồi…
Bọn tôi cùng xem thơ và cùng thừa nhận: một bài thơ hay. Hoạ sĩ Nguyễn Quân thích nhất câu “tơ nhện giăng đến cổng chùa thì tan”, một bạn thơ khác thì thích cái sáng tạo hình dung tiếng vạc mảnh mai chém lìa vầng trăng thành hai mảnh… Chúng tôi rủ nhau ký tên xung quanh bài thơ chép tay ấy rồi đưa ra phố photocopy mỗi người giữ một bản làm kỷ niệm… Hôm ấy, Nguyễn Huy Thiệp, có cả vợ và một con trai nhỏ đi cùng, chỉ nghe mọi người bình tán chứ không góp chuyện. Sau buổi hôm đó ít lâu, tôi mới biết rằng bài thơ trên là sáng tác của Đồng Đức Bốn, và rằng Nguyễn Huy Thiệp hầu như là người đầu tiên trong giới cầm bút hữu danh đã giới thiệu thơ Đồng Đức Bốn với công chúng.
Quả thật, Đồng Đức Bốn là người làm thơ hiếm hoi được Nguyễn Huy Thiệp cảm mến. Thiệp đã động bút viết về thơ Bốn không chỉ một lần, không chỉ bằng văn bình luận. Truyện Đưa sáo sang sông đưa ra hình tượng cái anh chàng mắc hội chứng “mê gái đã có chồng”, cái anh chàng hay lúc lắc cái đầu vì trong tai cứ kêu, cứ muốn rơi ra, một câu sáu một câu tám, rồi lại một câu sáu một câu tám… (chi tiết các câu thơ kêu trong tai tác giả đòi ra đời này, chừng như là mượn ở Hoàng Cầm).
Nguyễn Huy Thiệp thích thơ Đồng Đức Bốn - điều ấy đã rõ. Nhưng cũng chỉ thơ lục bát của Đồng Đức Bốn thôi, với Nguyễn Huy Thiệp mới là có giá trị.
Tôi nghĩ, cả Thiệp, cả Bốn đều chỉ thực tin vào những giá trị dân dã cổ truyền, đều chỉ thực lòng thương nhớ đồng quê.
- Nhà quê có cái giếng đình,
Trúc xinh cứ đứng một mình lẳng lơ…
- Nhà quê chân lấm tay bùn,
Mẹ đi cấy lúa rét run thân già…
- Nhà bạn cũng giống nhà tôi,
Mái tranh vách đất nhìn trời qua vung…
Dĩ nhiên “nhà quê” bây giờ cũng đã có nhiều cái khác. Trai quê trong thơ Bốn đã “quần bò, mũ cối”; tóc gái quê vẫn chưa hết hương bồ kết, hương nhu, nhưng con mắt đã hướng nhìn ra ngoài luỹ tre làng; điểm hẹn của những gái trai cùng làng có khi lại là những địa danh nơi kẻ chợ: (đường) Thanh Xuân, (phố)Trần Hưng Đạo, đê sông Hồng, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ…(tất cả đều ở Hà Nội!). Ấy thế mà đối với Đồng Đức Bốn (điều này hẳn Thiệp tán thành) thì:
Bao nhiêu là thứ bùa mê
Cũng không bằng được nhà quê của mình!
“Nhà quê” và thơ lục bát là hai thứ mà Đồng Đức Bốn cảm thấy mình nắm chắc nhất để nói chuyện với đời. “Nhà quê” và thơ lục bát Đồng Đức Bốn - cũng là những món chính mà Nguyễn Huy Thiệp tự tay ghi vào “menu” đưa cho các vị khách, cho công chúng của thơ.
Lục bát của Đồng Đức Bốn quả là có sức hấp dẫn. Có thể thấy nỗ lực của Bốn sáp thơ mình lại gần ca dao, đem cái mà người ta gọi là “thi pháp ca dao” vào để ngọt ngào hoá, mê đắm hoá câu lục bát của mình. Phương hướng này không phải không chứa đựng nguy cơ. Là vì những ý tứ cũ, chữ nghĩa cũ bị lặp lại, có thể đẻ ra thêm nữa những câu sáo mòn loại này:
- Sáng trong lòng một chữ tâm,
Bao nhiêu nắng lửa mưa dầm cũng qua.
- Tình yêu đổi lấy thi ca,
Máu xương đổi lấy phù sa sông Hồng
…
Ở khía cạnh tích cực, sự vận dụng “thi pháp ca dao” cần một sự đồng hành chủ động hơn của nhà thơ. Chẳng hạn, ngoa ngoắt là một nét vốn có ở ca dao truyền thống. Ước mong gặp mặt người yêu khiến lời thôn nữ có kích thước phi thường:
Ước gì sông hẹp một gang,
Bắc cầu giải yếm cho chàng sang chơi.
Sự cự tuyệt lời cầu hôn của một kẻ không ra gì cũng phổ một nét mỉa mai vào lời phúc đáp cực ngoa từ phía cô gái quê:
Bao giờ cây cải làm đình
Gỗ lim thái ghém thì mình lấy ta.
Bao giờ chạch đẻ ngọn đa
Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình.
(ca dao)
Có vẻ như Đồng Đức Bốn rất ưa cái ngoa ngoắt này của ca dao. Hầu hết những câu lục bát Đồng Đức Bốn mà Nguyễn Huy Thiệp dẫn trong bài giới thiệu đầu tiên đều xa gần có nét ngoa ngôn lộng ngữ:
- Chiều nay Hồ Tây có giông,
Tôi ngồi trên sóng mà không thấy chìm
- Cánh hoa sắc một lưỡi dao
Vì yêu tôi cứ cầm vào như không
- Đừng buông giọt mắt xuống sông
Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm.
Đồng Đức Bốn dường như thích in dấu những gãy đổ, những tai biến vào câu lục bát vốn dĩ mềm mại:
- Em mang câu hát theo chồng,
Thuyền tôi đậu nắng trên sông gãy sào.
- Tiếng ve xé nát đôi bờ
Chợ Thương để nắng bơ phờ trên sông.
- Sao rơi cháy cả đôi bờ
Mà anh thì cứ bơ vơ giữa trời.
- Em đi như chim về ngàn
Để rơi một cánh hoa tan nát chiều.
Cố nhiên đem đặt cạnh những câu ca dao kinh điển, thơ lục bát Đồng Đức Bốn, ngay những câu hay nhất, vẫn có nét gì nhân tạo, nhiều tiểu xảo.
Ở câu ca dao dẫn trên, rau cải là rau, không thể thành gỗ để làm cột đình; lim là gỗ “tứ thiết”, không bao giờ có thể đem thái làm rau ghém; nói chung, ở thế giới ca dao của người trần mắt thịt thì thì không thể có “voi chín ngà, gà chín cựa”… Ca dao tựa vào những sự thật kinh nghiệm đích thực, nên lời thách ngoa ngoắt kia cũng đích thực. Ở những câu lục bát tai biến của Đồng Đức Bốn, thường khi chỉ nhờ ý chí của tác giả, nhờ tiểu xảo của liên tưởng ngôn ngữ, những gì gọi là tai biến mới có thể được cảm nhận như là tai biến.
Thực vậy.
Chiều nay Hồ Tây có giông
Tôi ngồi trên sóng mà không thấy chìm.
Giông gió nổi trên Hồ Tây có thể là thật, nhưng ngôn từ “tôi ngồi trên sóng” thì chưa chắc đã có thể có nghĩa đen. Vậy mà chỉ khi người ta tin có chuyện “tôi ngồi trên sóng” thì mới xác lập được cái tứ “ngồi trên sóng… không chìm”.
Cánh hoa sắc một lưỡi dao
Vì yêu tôi cứ cầm vào như không.
Chắc hẳn cái mà “tôi” đưa tay ra cầm là hoa; nhưng nếu không có liên tưởng của tác giả biến cánh hoa thành lưỡi dao sắc, gây lấy chút ớn lạnh nơi người đọc, thì cái chuyện “vì yêu tôi cứ cầm vào” chẳng còn chút duyên nào nữa.
Những bến bờ bị “xé nát” bởi tiếng ve, bởi sao rơi; con thuyền tôi “gãy sào” mất lái vì “em” đã mang câu hát theo chồng mất rồi; trời chiều tan nát vì cánh hoa người con gái ra đi bỏ lại…- tất cả chỉ là những thực tại ngôn từ, những tai biến ngôn từ. Thực tại ngôn từ này do tác giả tạo ra, bằng ý chí riêng, bằng cả sự cưỡng bức nữa, đối với ngôn ngữ.
Tôi thường đi trên lưỡi dao,
Tay cầm cơn bão đem vào cho em.
Đồng Đức Bốn đã gần đến giới hạn bên này của sự bạo hành ngôn ngữ, điều mà Nguyễn Huy Thiệp dường như rất muốn cổ vũ.
Đồng Đức Bốn thường để cho thơ lục bát của mình tựa vào ca dao, coi vốn ca dao kinh điển là một liên văn bản rộng lớn của thơ mình. Ca dao vốn đã quen trích dẫn lẫn nhau. Khi một câu ca dao nói lời người con trai với đám con gái rằng: “Có rửa thì rửa chân tay/ Chớ rửa lông mày chết cá ao anh”
thì câu ấy ắt phải dựa vào, phải ngầm trích dẫn những câu ca dao tả cái liếc sắc sảo của đôi mắt đẹp:
Cổ tay em trắng như ngà
Con mắt em liếc như là dao cau…
Đồng Đức Bốn vốn tự nhận là rất mê gái một con (tâm lý này có lẽ cũng là trích dẫn ca dao) cũng nhắn nhủ đôi mắt kia:
Lông mày ai chớ uốn câu,
Để con cá chết, cho cầu ao đau.
Chung quy chẳng hề có chuyện cá chết hay cầu ao đau vu vơ nào, chỉ có sự đồng thuận của những bụng dạ đàn ông; - thói mê gái đã là động lực đẩy cho những nét nghĩa ngôn từ cứ tựa vào nhau mà trượt dài xa dần khỏi đối tượng mô tả; nói cá chết ao đau mà thật ra chỉ để rên rỉ rằng ôi đôi mắt cô em đẹp lắm!
Ở trên tôi đã nói nhiều về khía cạnh thơ lục bát Đồng Đức Bốn gắn bó với ca dao cổ truyền. Tuy vậy, Bốn là người của hiện tại, không phải không có lúc Đồng Đức Bốn chống lại “ý thức hệ” ca dao. Dù hơi hiếm, vẫn thấy ở thơ Bốn những câu loại này:
Chuồn chuồn cắn rốn biết bơi
Con tôi chết bởi lời người hát ru
Con tôi chết ở ao tù
Mà lời người vẫn hát ru ngọt ngào.
Một nhận biết kinh nghiệm rằng cái “chân lý” trong lời hát ru kia không phải là chân lý mà là sự giả dối, sự xui dại; điều đáng sợ là lời hát kia vẫn còn đó, vẫn ngọt ngào rót vào tai những ai chưa biết đó là điều giả dối.
Đúng ra, những câu lục bát “phản ca dao” kiểu này còn khá hiếm trong thơ Đồng Đức Bốn. Thơ Bốn vẫn còn nằm trọn ở hướng “về nguồn” dẫu trong đó đã thấm nhuần không ít những trải nghiệm thuộc loại khác hẳn, từ đời sống đương đại.
Trở về với mẹ ta thôi
Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ.
Tâm thức hướng trở lại trạng thái bào thai này, có người cho là tâm thức vĩnh cửu, hoài vọng vĩnh cửu của nhân loại; riêng tôi nghĩ nét tâm trạng này còn có chỗ đứng trong đời sống con người chừng nào trên cõi đời này chưa thấy những giá trị mới thật đáng tin cậy.
Lại Nguyên Ân
(Nguồn: tonvinhvanhoadoc.vn)