Thứ sáu, 27/12/2024,


Chở em cùng những điệu chèo sang sông (05/01/2012) 
 
LÚNG LIẾNG
 
1
Mắt em lúng liếng đưa duyên
Làn chèo em đổ cho thuyền đứt neo
Anh về buộc lại dây lèo
Chở em cùng những điệu chèo sang sông
 
2
Chiều qua còn ở bên nhau
Vườn xanh lộng gió hương cau nao lòng
Bây giờ sông đã đổi dòng
Thương em phía ấy đường vòng heo may
 
3
Em như cánh bướm lượn lờ
Anh chao anh vợt trụi bờ cỏ may
Trời cao cánh bướm vờn bay
Mình anh ôm chút bóng ngày về không.
 
Vũ Thành Chung
 
 
 
Tôi với Vũ Thành Chung quen biết nhau từ khi còn khoác trên mình “màu xanh áo lính”. Lúc ấy Chung ở sư đoàn bộ, tôi ở dưới đơn vị chiến đấu. Khi sang xứ sở Bạch Dương, Chung ở thủ đô danh tiếng Matxcơva, còn tôi ở tít miền xa xôi Xibia giá lạnh và hiện tại Chung ở trung tâm Hà Nội còn tôi ở mãi Hải Phòng. Nhưng giữa chúng tôi lúc nào cũng có sợi dây vô hình, luôn mách bảo hai trái tim hướng về nhau. Không phải vì hai trái tim ấy đầy ắp “mùa thu vàng nước Nga”, đầy ắp tâm hồn thơ văn, mà hai trái tim đó lang bạt tít các chân trời xa lạ, nhưng quanh quẩn thế nào, cuối đời lại gặp nhau ở Hội Nhà văn Việt Nam.
Thời còn trên ghế nhà trường, Chung học khá các môn xã hội và bắt đầu làm thơ từ khá sớm. Năm 1975 anh giành giải chính thức trong cuộc thi thơ về đề tài thương binh liệt sỹ do Bộ Lao động Thương binh & Xã hội và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Sau đó mải mê với việc học hành ở Nga, bỏ bẵng một thời gian dài, khi đã thành danh Chung mới quay lại làm thơ, viết văn. Đến năm 2003 tập “Thơ những ngày xa” in chung với Kim Chuông, Hà Cừ ra đời. Năm 2004 tập thơ “Miền quê thao thức”, đứa con tinh thần riêng của Vũ Thành Chung chính thức được trình làng và cứ như vậy Chung đẻ sòn sòn một mạch mấy “đứa” liền: Biển nhớ, Thơ xanh bóng núi, Lục bát giao duyên, Cảm ơn nỗi buồn, Cát ru. Nhà thơ Trọng Khánh (bạn của mấy anh em chúng tôi) thấy thế hốt hoảng, đùa rằng: “Vũ Thành Chung đang công tác tại Trung ương Đoàn, chắc chắn bị đuổi việc vì tội đẻ quá dày”.
Trong mấy “đứa con tinh thần” của Vũ Thành Chung, tôi trân trọng “đứa con” đầu “Miền quê thao thức”. Lý do không phải vì có năm nhà thơ nổi tiếng viết lời bình, không phải vì có Nguyễn Trọng Tạo vẽ bìa và viết lời giới thiệu, không phải hình thức “đứa con” này đẹp sang trọng, mà bởi những cảm xúc tươi mới của Vũ Thành Chung được thể hiện qua từng câu chữ. Trong đó bài thơ “Cảm nhận” sau này Chung đổi thành “Lúng liếng” mà tôi không quên. Bài này có ba khổ thơ, mỗi khổ ví như một “nam châm điện”, được đặt lệch nhau trong một vòng tròn, tạo nên một “từ trường quay” vĩnh cửu. “Từ trường quay” ở đây được “tạo ra” trong hoàn cảnh nào tôi cũng không rõ, nhưng chắc chắn nó “tạo ra” bởi một kỷ niệm đẹp trên “đất chèo” vào những năm tháng đầu của thiên niên kỷ mới. 
 
Mắt em lúng liếng đưa duyên
Làn chèo em đổ cho thuyền đứt neo
Anh về buộc lại dây lèo
Chở em cùng những điệu chèo sang sông
           
Đến “quê lúa” Thái Bình bạn không thể bỏ đi một cách dễ dàng được. Bởi đây là đất chèo, những “làn chèo em đổ” làm mê hoặc lòng người, đặc biệt đối với những nhà thơ thì cảm xúc càng giàu có và hưng phấn hơn. Có thể Vũ Thành Chung đang trong con thuyền gỗ trên sông Trà Lý hay trong “con thuyền ảo” đang bồng bềnh trên “sông đời” ở một vùng quê lúa nào đó. Bằng lối nhân cách hóa tác giả đã nhấn vào hồn người đọc một thông điệp về một làn điệu chèo truyền thống. Tác giả ví mình như một con thuyền độc mộc, được buộc chặt vào bến bờ. Khi nghe làn điệu chèo của người thôn nữ đổ, giống như cơn lốc ập đến, con thuyền ấy bị đứt dây neo và văng ra khoảng không tự do. Nó thể hiện nội lực của một tình yêu mãnh liệt, vượt qua mọi thác ghềnh và rào cản của xã hội để đến với nhau. Khi ta lắng nghe tác giả cởi hết lòng mình, dồn nén vào những câu thơ gan ruột để “Chở em và những điệu chèo sang sông”. Theo tôi khổ thơ thứ nhất này là những câu lục bát hay nhất về thơ lục bát của Vũ Thành Chung, dẫn người đọc tới góc vườn lục bát toàn bích. Với những hình ảnh: Mắt, làn chèo, thuyền, sông, dây lèo… Vũ Thành Chung dùng từ ngữ khéo léo, bố cục chặt chẽ, lời lẽ tinh tế cho độc giả thưởng thức món ăn tinh thần tương đối khá về nội dung và nghệ thuật.
            Sang khổ thơ thứ hai, cũng với những địa danh thôn dã ấy, cảm xúc thay đổi bất ngờ do cách sử dụng thủ pháp khôn khéo, tác giả đưa người đọc sang một cung bậc tình cảm khác:
 
Chiều qua còn ở bên nhau
Vườn xanh lộng gió hương cau nao lòng
Bây giờ sông đã đổi dòng
Thương em phía ấy đường vòng heo may
 
Hình ảnh ở đây thể hiện một cách năng động, uyển chuyển. Mỗi câu thơ có một cấu trúc riêng, như một lời giải thích cho bức tranh khá đẹp. Tác giả đã chắt chiu từ ngữ và cảm xúc để tạo nên tính trữ tình trong thơ. Khổ thơ thứ nhất là một hình ảnh sống động, tươi rói, thì sang khổ thơ thứ hai tác giả quan sát tinh tế hơn, cách nhìn cẩn trọng hơn. Tình yêu một vế chỉ là bột phát. Trong khoảnh khắc ngắn, mới hôm qua bên những hàng cau thôi, nay tâm hồn đã lắng lại và cảm xúc ngoặt sang một hướng khác. Con thuyền đang rời bến sang sông thì dòng nước đổi hướng, không biết tình cảm ấy có đến được bến bờ hay không, mặc dù đường đời còn nhiều gập ghềnh chông gai, sóng gió. Từ thế bị động trong si cuồng “thuyền đứt neo”, tác giả đã chuyển dần sang thế chủ động “sông đã đổi dòng”.
            Sang khổ thơ thứ ba ta thấy quá trình xuất hiện hình tượng và thủ pháp của thơ ở một dạng khác nữa. Để có được mối liên kết giàu sức biểu hiện như vậy, Vũ Thành Chung đã chọn lọc những từ ngữ tương đối tinh tế và tâm trạng của một tình yêu trong khoảnh khắc bất chợt. Những thông tin ấy tưởng chừng vô lý nhưng lại có lý.
 
Em như cánh bướm lượn lờ
Anh chao anh vợt trụi bờ cỏ may
Trời cao cánh bướm vờn bay
Mình anh ôm chút bóng ngày về không.
 
            Thế giới nội tâm của tình yêu chuyển từ si mê một làn điệu chèo “buộc lại dây lèo”, chàng thi sĩ có thể phá mọi rào cản đến với tình yêu một cách phóng túng. Sang đến khổ thơ thứ ba, tính cách nhân vật được thể hiện rõ nét hơn. Tác giả đã khai thác tình yêu ở một miền thôn dã vùng “quê lúa” ven sông rất lãng mạn nhưng cũng đầy thử thách. Trong câu kết Vũ Thành Chung dùng từ “bóng ngày” càng thấy cách chọn từ khá và đó mới là nội hàm thơ. Âm hưởng thơ cứ day dứt người đọc khi kết thúc bằng lối bỏ lửng “… ôm chút bóng ngày về không”. Ta không ngạc nhiên những tác giả lãng mạn thường dồn nén tâm trạng, tuyệt vọng khi mối tình nhanh chóng đến rồi nhanh chóng tan. Trong thể loại lục bát, Vũ Thành Chung rất chú trọng về liêm luật, nên đôi lúc người đọc có cảm giác con chữ không được tự do quẫy đạp, nhưng bài này người viết có nghề và tinh tế hơn. Ba khổ thơ như ba “nam châm điện” tạo nên “từ trường quay” có hướng của Vũ Thành Chung đã kéo được độc giả về phía mình. Làm thơ lục bát rất khó, còn hay lại càng hiếm, được những câu thơ như “Lúng liếng” cũng là đáng trân trọng lắm rồi.
            Khi đọc “Lúng liếng”, nhạc sĩ Huy Thục rất tâm đắc và ông phổ bài thơ với những nốt nhạc tài hoa. Bài hát được chọn vào những ca khúc chính thức của Hà Nội năm 2006. Sau đó nhạc sĩ Huy Thục và Vũ Thành Chung đã cho đoàn ca múa nhạc Thái Bình được độc quyền sử dụng bài hát này trong các chương trình biểu diễn. “Lúng liếng” như một bức tranh về đa giác tình yêu, những rung cảm ở tầng chìm tâm hồn, tạo được nét chấm phá trên con đường sáng tác của người cầm bút.
 
Hải Phòng năm mới 2012
 
Tô Ngọc Thạch
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Phạm Huynh - huynh200279@gmail.com - 0912860320 - Nga Sơn- Thanh Hóa  (Ngày 05/01/2012 11:54:21)

Tôi không biết nhà văn Tô Ngọc Thạch còn là nhà phê bình văn học nữa. Bài bình khá hay, rất có nghề. Chúc nhà văn có nhiều bài bình để cho độc giả thưởng thức.
Phạm Huynh

Các bài khác: