Chủ nhật, 22/12/2024,


Cảm nhận về Hà Nội mưa lụt và cuộc sống qua một bài thơ (04/11/2008) 

                

BÂY GIỜ

 

Bây giờ đường phố thành sông

Cái tôm cái tép chạy rông sân trường

*

Bây giờ mưa ngập phố phường

Ô tô, xe máy đầy đường chết trôi

*

Bây giờ mưa trắng cả trời

Mất điện, quần áo ướt phơi đầy nhà

*

Bây giờ chạch đẻ ngọn đa

Sáo đẻ dưới nước... hóa ra chuyện thường

*

Bây giờ mưa ngập cả giường

Người Hà Nội phải ra đường tập bơi

*

Bây giờ phố xá kẹt người

Kéo nhau lên núi hỏi... trời biết chưa?

*

Bây giờ Hà Nội vẫn mưa...

 

Đặng Vương Hưng

Đầu tháng 11-2008

 

 

 

            Đang cháy lòng cháy ruột thương về quê nhà trong những ngày lũ lụt này thì tôi gặp bài thơ “Bây giờ” của Đặng Vương Hưng trên lucbat.com. Bất chợt tôi có một cảm giác thật lạ; một chút gì khẽ lướt qua làm cho lòng thoáng nhẹ nhàng, vợi bớt đi cái nỗi niềm da diết bởi cái giọng điệu dí dỏm, phớt đời của bài thơ.

            Đến Hà nội trong những ngày này, bạn sẽ có dịp bơi thuyền dạo phố, tận hưởng “ thú vui sông nước” ngay giữa phố phường. Một cảnh tượng vừa lãng mạn, vừa hài hước:

 

“Bây giờ đường phố thành sông

Cái tôm cái tép chạy rông sân trường”

 

            Những ai trước kia sinh ra ở nông thôn, có gốc gác nhà quê bỗng nhiên có cơ hội “trở về tuổi thơ”, bầu bạn với cái tôm, cái tép. Chuyện thật như đùa ấy, lại xảy ra giữa một thành phố lớn, với những hệ lụy bi hài:

 

“Bây giờ mưa ngập phố phường

Ô tô, xe máy đầy đường chết trôi

 

*

Bây giờ mưa trắng cả trời

Mất điện, quần áo ướt phơi đầy nhà”

 

            Với vài ngày mưa lớn, mọi thứ văn minh, hiện đại tự nhiên trở nên thừa thãi, vô dụng một cách ngớ ngẩn. Cuộc sống bì bõm, ướt át. Sinh hoạt khó khăn, công việc ngưng trệ, đảo lộn… Không biết có cặp tình nhân nào đủ lãng mạn, hẹn nhau dạo phố vào những ngày này không? Nhưng nhà thơ của chúng ta thì vẫn rất hài hước. Những câu thơ như là phê phán, như là trách cứ, như là đành lòng trước nghịch cảnh, vừa hóm hỉnh, vừa buồn buồn, đăng đắng, chát chát  trong lòng:

 

“ Bây giờ chạch đẻ ngọn đa

Sáo đẻ dưới nước... hóa ra chuyện thường

 

*

Bây giờ mưa ngập cả giường

Người Hà Nội phải ra đường tập bơi”

 

            Bài thơ giản dị, nhẹ nhàng, mang đậm màu sắc dân gian. Tác giả sử dụng  hình tượng nghịch lý trong ca dao “chạch đẻ ngọn đa, sáo đẻ dưới nước”, để làm nổi bật cái vô lý. Khi cái vô lý trở thành chuyện thường ngày, thì đấy chính là sự tận cùng của cái vô lý. Đây chính là thông điệp đầy ắp suy tư khi đọc bài thơ này.

 

 

            Không lẽ chúng ta chấp nhận cái vô lý, khi chỉ với vài ngày mưa lớn, mọi hoạt động của thành phố đã gần như ngưng đọng. Không ai nghĩ rằng Hà Nội lại trở thành địa bàn cần cứu hộ.

 

            Bài thơ ra đời trong những ngày mưa lịch sử, nóng bỏng tính thời sự, như một lời cảnh tỉnh, cho cho chúng ta tự nhìn lại mình. Nhìn lại để nhận ra sự bất cập, yếu kém trong qui hoạch, xây dựng đô thị; Sự bất cập và chậm chạp trong việc xử lý tình huống  khó khăn, nhằm đảm bảo an sinh và an toàn xã hội; sự bất cập trong phát triển kinh tế, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường.

 

            Hà Nội ngập trong biển nước. Những người dân quê hiền lành, suốt đời lam lũ mà vẫn nghèo, đã không ít lần hy sinh thành quả lao động trên đồng ruộng của mình, chia lũ cho Hà Nội; khi mà  những cơn mưa quê, cũng đang trắng đất, trắng trời, bạc mái tóc cha, sờn vai áo mẹ, nỗi lo âu trĩu nặng cả lời ru. Người nông dân, bao đời nay vẫn vậy, tảo tần, tình nghĩa, bao dung, quên mình vì Hà Nội. Vậy nhưng chỉ đến khi Hà Nội ngập lụt thì những người Hà Nội mới cảm hết được cái nỗi vất vả của nông dân và nhớ đến họ.

 

            Hà Nội bao giờ hết ngập? Đấy còn là chuyện xa xôi. Bây giờ, Hà Nội trong thơ của Đăng Vương Hưng, mọi người vẫn còn ngơ ngác, “kéo nhau lên núi hỏi trời”, trong khi “bây giờ Hà Nội vẫn mưa…” :

 

“Bây giờ phố xá kẹt người

Kéo nhau lên núi hỏi... trời biết chưa?

*

Bây giờ Hà Nội vẫn mưa...”

 

 

            “Hỏi trời”, đấy là câu hỏi dân gian có từ ngàn xưa, khi con người thất vọng hay bế tắc, khi mà cái vô lý “bây giờ” ngang nhiên tồn tại. “Hỏi trời” chỉ là cách nói hài hước, thực ra là hỏi mình, hỏi những người có trách nhiệm, đã và sẽ làm gì cho Hà Nội và cho đất nước này, khi mà “bây giờ Hà Nội vẫn mưa...”, khi mà cả nước vẫn mưa?

 

                        

 

            Bài thơ “Bây Giờ” của nhà thơ Đặng Vương Hưng, mang dáng dấp và hồn thơ của một bài ca dao xưa. Tác giả dùng thực tế sinh động của ngày hôm nay, như là một câu trả lời dí dỏm và hóm hỉnh với người xưa.  Bây giờ,  có những điều vô lý  đã trở thành hiện hữu trong cuộc sống, mà không cần phải lãng mạn.

            Tác giả dùng từ “bây giờ” lặp lại nhiều lần xuyên suốt bài thơ như là lời nhắc nhở, day dứt, lo âu về một vấn đề tồn tại của cuộc sống. Bao giờ Hà nội hết ngập nước? Bao giờ chúng ta có một thành phố, một đất nước phát triển bền vững, thực sự vì hạnh phúc của con người? Cái “bây giờ” của bài thơ, đã trở thành câu hỏi “bao giờ?” Một câu hỏi còn bỏ ngỏ cho mỗi người chúng ta những day dứt, suy tư về tương lai.

 

                                     Nguyễn Xuân Sinh

                       ĐC: 11F/2 Bạch Đằng, P2, Tân Bình, Tp HCM

                                  Điện thoại: 0988533996

 

_______________

LBT: Cảm ơn tác giả Nguyễn Xuân Sinh đã kịp thời có bài viết đồng cảm với nhà thơ Đặng Vương Hưng, gửi lucbat.com. Nhưng xin bạn đọc gần xa yên tâm, những ngày này, Người Hà Nội vẫn lãng mạn, yêu đời và kiên cường trong mưa lũ. Nếu không tin, hãy nghe một ca khúc vui theo địa chỉ dưới đây:

http://missuniverse2008.wordpress.com/2008/11/04/ha-noi-mua-vang-nhung-con-mua-ha-loi/

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: