Ra về anh có dặn rằng
Đâu hơn em kết, đâu bằng đợi anh
Có thể khẳng định câu ca dao: “Ra về anh có dặn rằng/ Đâu hơn em kết, đâu bằng đợi anh” nhằm phản ánh lời tỏ tình mang yếu tố tự sự, phảng phất chút trách móc, giận hờn hay thử thách vẫn thường xảy ra khi đôi lứa yêu nhau của chàng trai đối với cô gái đang lưng chừng “bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước”. Câu ca dao này còn khai thác một khía cạnh khác độc đáo hơn nhiều, đó là cả hai anh chị - sau thời gian tìm hiểu đã khẳng định: “Đẳng thức” cho tình yêu đã được thiết lập một cách bền vững. Bối cảnh hình thành câu ca dao cho phép chúng ta kết luận dứt khoát mệnh đề đó.
Quá trình tìm hiểu chín muồi, trước lúc chia tay, chàng trai bịn rịn thổ lộ (còn thiêng liêng hơn cả lời dặn đấy), mà chắc chắn nếu đơn phương “một phía” thì chẳng bao giờ dám nêu chính kiến như thế, để rồi tiếp theo dòng chảy tình cảm trào dâng trong lòng là: “Đâu hơn em kết”. Chỉ cần dừng lại ở vế này, chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng đã đủ để chúng mình đến với nhau trên con đường xây đắp hạnh phúc. Không thể có một đối tác nào hơn một khi em đã “kết”, nghĩa là em đã bằng lòng yêu anh, yêu đến trọn đời. Tưởng rằng như vậy đã quá đủ cho một lời nguyền, vậy mà tài tình thay, cha ông ta viết tiếp: “đâu bằng đợi anh”. Để rồi hiển nhiên cái “mệnh đề” giữ vai trò “chủ ngữ” - nhờ vận dụng khéo léo, uyển chuyển kiến thức toán học được biến thành một “đẳng thức” tình cảm tuyệt vời: Đâu hơn em kết = Đâu bằng đợi anh.
Không chỉ riêng chàng trai khẳng định “đâu hơn em kết”, mà cho đến lúc này đây, cô nàng cũng thẹn thùng, ngập ngừng công nhận “đâu bằng đợi anh”, chỉ có điều không đủ can đảm nói thẳng như đấng mày râu, chỉ “nhờ” anh nói hộ mà thôi! Không thể có một bậc nam nhi nào khác sánh duyên ngang anh, cho nên cũng không một địa chỉ nào “bằng đợi anh” đâu! Thật gắn bó, thân thương, gần gũi, song cũng tế nhị, lãng mạn quá chừng.
Hơn thế nữa, ý nghĩa nhân văn của câu ca dao còn ở chỗ giáo dục cho các bạn trẻ hãy giữ gìn truyền thống thủy chung son sắt của đôi lứa, của đạo lý vợ chồng, đừng “đứng núi này trông núi nọ”, đừng vì tác động của yếu tố tiền tài, địa vị mà thay lòng đổi dạ, bởi xã hội nào cũng vậy, dân tộc nào cũng vậy, gia đình là nền tảng của hạnh phúc, là cái nôi nuôi dưỡng sinh thành những chủ nhân đất nước, kiến tạo một quốc gia phồn thịnh, một xã hội văn minh, tiến bộ.
Nguyễn Tiến Đạt
(Nguồn: Báo QĐND)