Sang trang của Chử Thu Hằng, gặp thơ Nguyệt Thảo (sinh 1979 tại An Giang, mất tại Sài Gòn 13/3/2008). Người đã đi đâu rồi, mà thơ còn đấy. Sao thơ cô bé lại gợi cho tôi những xúc động trần gian. Chẳng phải là lãng tử phiêu bồng, chẳng phải là nhà thơ chăn ấm gối êm, chỉ là một tình thơ giữa đời thường, sống cùng cái môi trường hiện đại lắm rơm rác, vi trùng và nỗi dằn vặt khổ tâm. Những cảm giác nhục thể được bó gọn trong hàng câu chữ vừa tinh lại vừa giản, vừa phức tạp vừa đơn chiếc, độc đáo. Sự thực là tôi đã sợ những câu thơ này:
“Hở cho lưng thấy mặt trời
hai dây áo một vai người biệt ly
mảnh khăn hồng phấn lau đi
dấu tay còn triệu con vi khuẩn sầu
nhắc ngày chia thịt da nhau
đói đuôi mắt ngọt no đầu lưỡi thơm
mỗi phân xác một phân hồn
giăng nghiêng thế dựng cuộn tròn dáng cong”
(Tấm lưng trần ở Tân Sơn Nhất}
Viết về sự chia ly như thế thì có cái gì vừa hiện đại, vừa đau xót. Có bao giờ có thể nghĩ được như cô: “dấu tay còn triệu con vi trùng sầu”. Không phải nỗi buồn tràng giang của Huy Cận, cũng không phải là tơ tình của Xuân Diệu. Ở đây có gì đó giống cái điên Bùi Giáng, chỉ có cái đây là trạng thái tỉnh táo, hoàn toàn tỉnh táo. Tôi thích cái câu “giăng nghiêng thế dựng cuộn tròn dáng cong” dù vẫn mù mờ về trạng thái hình ảnh.
Ở bài thơ “Trùm mền”, tôi thấy thấp thoáng cái ý của Hàn Mạc Tử, nhưng nó lại có cái suy tư của khát khao giới tính. Tôi thich khổ đầu của bài thơ vì sự dẫn dụ của nó khác lạ.
”Trùm mền
đắp mảnh thân hư
che tâm ý
tưởng hồn như loã lồ
ngỡ rằng xương thịt hư vô
chạm môi trái cấm sao ngồ ngộ: đau
Trùm mền
ngăn khoảng đêm thâu
hương xa
gió thổi mùi nhau
bỗng thèm
Anh mùa đông cũng rũ mềm
ôm nhau nóng lại trùm mền sưởi nhau.”
(Trùm mền)
Có lẽ cũng tư duy ấy đã hình thành một lối đi độc đáo của cô trong suy tư về tình yêu:
"Nửa em và một nửa anh
ghép đi ghép lại hoá thành
nửa nhau
nửa này hỏi nửa kia đâu
thừa mong ngóng lại bù đau đớn vào"
Cuộc đời không cho Nguyệt Thảo hạnh phúc. Chị sớm phải gặp bất hạnh trong hôn nhân. Dấu ấn của đời sống riêng tư đi vào thơ chị cũng trúc trắc và đau đớn theo nỗi cảm nhận riêng. Gặp trong thơ chị nhưng từ cũ, cách thể hiện cũ, nhưng sao tình cảm thì lại có cái gì lạ lẫm, mới mẻ. Tôi trích nguyên một bài thơ để thấy cái hay cũng như cái còn chưa hoàn chỉnh trong một bài thơ của chị.
"thổi tro trong nhúm tro tàn
níu hoàng hôn lại trong hoàng hôn phai
lòng trong biển rộng sông dài
giòng tôi từ cõi thừa thai chảy về
chảy về chốn bỏ tôi đi
trời cho có một dậy thì ấy thôi
gặp nhau sống một lần đời
nên yêu cũng chỉ một người... phải yêu
chút tình còn lại mang theo
chút ghen với họ
chút kiêu với lòng
nhặt ra trong mắt môi chồng
thấy hồng nhan bạc phận hồng nhan tôi ?
đời cho sống một lần thôi
sao không yêu hết nhỡ rồi... phải khi
một mai qua dốc xuân thì
muốn yêu nữa biết lấy gì mà yêu
nhặt buồn trong cõi hoang liêu
thấy tôi trong cái bóng chiều đời tôi."
(Thổi tro trong nhúm tro tàn)
Thơ Nguyệt Thảo xứng đáng đứng trong những tuyển tập thơ về giới. Một người viết thơ thì bài hay bài dở là thường. Nhưng người đọc thì nhớ bài thơ hay, câu thơ hay, tứ thơ hay... Thơ chị có được cái đó. Và chỉ cần một số bài thơ thôi thì cũng có thể yên tâm về một đời thơ.
Đã định kết thúc vài nhận xét về thơ của Nguyệt Thảo rồi, song lại tiếc, và thấy cần đưa thêm một bài nữa đế thấy cái hay của một tài hoa bạc mệnh:
Gánh hương xuống chợ muôn trùng
tôi rao bán nốt nỗi cùng tận tôi
nhành mai goá bụa giữa trời
tiếc ngày xuân vội lỡ thời nhuỵ hoa
mùng hai mùng một người ta
giao thừa tôi đã mùng ba tết rồi
Thảo cùng Nguyệt tận xa xôi
thì trăng mờ cỏ dại thôi phải đành
phải đành mới tháng mới năm
mới mền mới chiếu mới chăn mới giường
ứơc chi mới được căn hồn
để tôi chứa đủ nỗi buồn mới tinh
(Thơ Tân Niên)
Nguyệt Thảo chọn lục bát để làm cõi trú của hồn. Chị thấy thoải mái trong xiêm áo ấy. Người đã đi rồi mà cuộc đối thoại với đời vẫn còn chưa chấm dứt.
Vũ Đức Tân