HỌC QUÊN ĐỂ NHỚ
Học quên để nhớ cho nhiều
Học hờn giận để cưng chiều đấy thôi
Học lẻ loi để có đôi
Học ghen là để cho người thêm yêu
Em thì xa vắng bao nhiêu
Tôi đành học cách nói điều vu vơ
Học sắc sảo để dại khờ
Học già dặn để ngây thơ thuở nào
Tôi giờ còn lại chiêm bao
Cố trần tục để thanh tao kiếp người
Mải mê học khóc cho cười
Quên hờ hững để cùng người đam mê.
Đặng Vương Hưng
Nghệ sĩ ưu tú Thanh Thanh Hiền
Gần đây, trên một trang mạng, bài thơ này đã được một blogger bình luận khá sâu sắc, cùng với nền âm thanh là lời ca của Thanh Thanh Hiền rất mượt mà thể hiện bài thơ được phổ nhạc. Ấn tượng với bài thơ và bài bình cùng bài hát, tôi cũng muốn nói thêm đôi lời về bài thơ này.
Về những gì mà bài thơ thể hiện, đơn giản chỉ là những cặp câu thơ đối ý về sự học: Học thế này để đạt được thế kia! Cứ cách ấy, bài thơ có thể còn nói được nhiều hơn nữa về cái sự học (và như vậy, tiện thể nói luôn, cái tựa đề “Học quên để nhớ” chưa “ôm” được nội dung toàn bài thơ).
Song, cũng không thể đòi hỏi "bản thống kê" dài hơn, mà chỉ như vậy cũng đủ cho một bài thơ lục bát! Trước hết, những cặp câu thơ ấy chứa đựng những nỗi niềm:
Có điều chi mà thi nhân phải "học quên để nhớ". Nỗi niềm ấy dâng lên tột đỉnh, nên nhà thơ buộc phải "cố trần tục để thanh tao kiếp người"; đến phải "mải mê học khóc cho cười"? Phải chăng, đó là “cười ra nước mắt"? Nghe sao xa xót quá chừng!
Một số bìa sách tái bản của tập thơ "Học quên để nhớ"
Một khía cạnh khác, là tư duy triết luận của "Học quên để nhớ” - tưởng thế này mà hóa ra thế kia: Quên - hóa ra là nhớ; tưởng sắc sảo, hóa ra dại khờ; nghĩ là hờ hững mà lại đam mê!... Sự vật là vận động không ngừng, luôn luôn phát triển và chuyển hóa lẫn nhau! Trạng thái tâm tư-tình cảm con người cũng vậy!
Về hình thức thể hiện của bài thơ, rõ nhất là lối gieo vần mượt mà của thể lục bát. Mặt khác, đó là cách thể hiện sinh động của nội dung bài thơ "mang tính thống kê". Không phải cặp câu nào cũng y chang cái khung ngôn từ “học thế này để đạt thế kia" như kiểu “học quên để nhớ”, mà là biến hóa, chuyển đổi rất sinh động, linh hoạt của ngôn từ, song vẫn giữ được tinh thần “học... để...” của bài thơ.
Cảm ơn nhà thơ Đặng Vương Hưng về “Học quên để nhớ”. Bạn đọc cùng người viết bài này không cần học quên, nhưng vẫn nhớ mãi bài thơ của anh!
Mai Thanh