Lục bát Tháng Mười
Tháng Mười đi dọc triền đê
Gió đông thông thống làng quê mẹ nghèo
Tre gầy xao xác hanh heo
Bóng Người cong gánh gánh bèo quặn lưng
Thời gian chưa một phút dừng
Cỏ cây đã vội rưng rưng úa vàng
Sông buồn mặt nước mỏng tang
Chùm hoa bèo tím nghênh ngang giữa dòng!
Nước còn là nước nữa không?
Lên trời, ra biển mặn lòng đại dương !?
Mùa đông ở cuối con đường
Nghe mênh mang gió quê hương chuyển mùa!
Nguyễn Khắc Hiền
Tháng Mười đi dọc triền đê
Gió đông thông thống làng quê mẹ nghèo
Tre gầy xao xác hanh hao
Bóng Người cong gánh gánh bèo quặn lưng
Nếu ai đã từng ở vùng quê châu thổ miền Bắc, chắc không quên Tháng Mười là mùa vừa thu hoạch lúa, là mùa chớm vào đông giá. Cánh đồng vừa gặt còn trơ những gốc rạ. Những đụn rạ xám xòe chân đứng chờ khô để về làng. Khi đó những cơn gió sổng đồng chạy hoang đuổi nhau vào đến tận chân tre bờ lũy…
Làng thưở xưa nếu giàu thì tre lũy dầy ấm để giữ làng, làng nghèo thì tre cũng không được ấp chân, thành ra thưa thớt gày guộc, vì vậy gió cứ thông thống qua làng, thông thống vào tận vườn, tận nhà… Cái từ láy “thông thống” cắt cứa tâm can. Quê nghèo, con người cũng vất vả cần lao. Thế nên bóng Người trong bài thơ in đậm dáng thương, dáng khó trong tâm thức. “Bóng Người cong gánh gánh bèo quặn lưng” có thể hình dung dáng mẹ lưng còng vẫn gánh nặng một gánh bèo đến cong đòn gánh, đến quặn lưng. Từ “cong” ở đây làm nhiệm vụ đúp. Đã là bèo thì cũng làm gì có trị giá gì đâu “Rẻ như bèo” ấy thôi. Chỉ bốn câu thơ lục bát đã vẽ ra cảnh làng quê nghèo đến xác đến xơ, con người tần tảo, cực nhọc, oằn oặt mưu sinh.
Quê hương này là quê hương tâm thức, nằm trong những vần điệu lục bát thân thương, những vần điệu ca dao chảy theo dòng thời gian như lời ru của bà, của mẹ.
Thời gian chưa một phút dừng
Cỏ cây đã vội rưng rưng úa vàng
Sông buồn mặt nước mỏng tang
Chùm hoa bèo tím nghênh ngang giữa dòng!
Thời gian cứ tiếp tục cuộc hành trình bất nhẫn. Cỏ cây, sông nước có thể coi như đại diện cho những khái niệm về giá trị tồn tại trong một khoảng thời gian không vĩnh cửu nhưng cũng bền vững. Vậy mà cỏ cây cũng đã “vội rưng rưng úa vàng” Sông thì cạn dòng đến “mỏng tang”. Thế thì Người có thể trụ vững không? Lẽ đâu liêu xiêu, dài rạc dằng dặc như sông trôi. Nước thì dựa sông mà uốn lượn chảy trôi, mà đầy vơi sóng sánh; nước cũng mỏng tang rồi… để cánh bèo nổi nênh ngang dọc… “Nhất nước...” là điều quan trọng với trồng lúa nước, thế mà nước dường như không còn là nước nữa sao? Nguồn nước ngọt đang cạn kiệt dần "mỏng tang", rừng đầu nguồn bị phá, môi trường ô nhiễm. Nước thành mây, mây tìm ra biển, rồi có làm mặn thêm đại dương vốn đã mênh mông… Hay có phải là một lời trách khéo,... nỡ ơ hờ với số phần trăm chiếm gần tám mươi “xao xác hanh heo” ấy! Lời thơ như con sóng quằn mình bên bờ sông lở của quê nghèo...
Nước còn là nước nữa không?
Lên trời, ra biển mặn lòng đại dương?
Nhưng rồi, dẫu quy luật đất trời, hay những vần xoay âm dương vô thường, đi qua tháng Mười tới Mùa Đông, nhưng gió trên quê hương là mênh mang gió chuyển mùa. Những cơn gió mới chuyển thời tiết, thao thiết theo Người “đi dọc triền đê” về náu trong ấm vàng rơm, thóc no mùa.
Mùa đông ở cuối con đường
Nghe mênh mang gió quê hương chuyển mùa.
Những bài thơ viết theo thể Lục Bát, thường dễ cảm động, dễ thấm và dễ thuộc nữa. Phải chăng, bởi mỗi người con dân Việt từ thưở ầu ơ đã ru giấc mơ thơ bé bằng chấp chới cánh cò bay lả trong câu ca dao mà lời bà, lời mẹ ngọt ngào đưa theo cánh võng. Trong những lời ru ấy thấm đẫm tình yêu quê hương, mẹ cha, đôi lứa, nhưng cũng xa xót bao nỗi nhọc nhằn, trắc trở, nuôi dưỡng thành lòng trắc ẩn. Những câu ca ru ấy thường là những bài thơ dân gian thể lục bát.
“Lục bát Tháng Mười” đầy trắc ẩn, rưng rưng từng câu chữ. Mười hai câu thơ, sáu cặp lục bát tưởng như được viết từ vài thập kỷ trước, về làng quê xưa, như từ tâm thức. Nhưng có lẽ đó chỉ là nỗi niềm đưa đẩy cho cặp câu thứ năm (!?). Làng quê còn nghèo, nhưng cũng đã nhiều đổi thay… hình như tre gày cũng vơi bóng rồi...
Câu kết mở ra vươn lên khi khi mùa xuân đang dần đến. Ước ao, khao khát đổi thay của con người của đất nước.
“Lục bát tháng Mười” rơm rớm quặn thắt mà vẫn lóng lánh niềm tin vào tương lai quê hương đất nước. Thương câu lục bát Tháng Mười!
Đỗ Minh Thúy