Đã bao đời nay, tiếng ru của bà, của mẹ, của chị luôn đưa trẻ thơ vào giấc ngủ dịu êm để các em bay tới thế giới thần tiên của những truyện cổ tích, ca dao, dân ca. Và giờ đây, Bùi Nguyên Ngọc lại tìm được một tiếng ru mới bằng tứ thơ độc đáo: “Lời ru hài cốt trên lưng” – ru những đồng đội đã hy sinh trên đường về với quê nhà. Đây là một trong những bài thơ hay của năm 1993 được tuần báo Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tuyển chọn giới thiệu:
Lời ru hài cốt trên lưng
Bao năm ngủ dưới đất sâu
Giờ xin ngủ tiếp dưới bầu trời xanh
Đường xa ru giấc gập ghềnh
Sườn non dằng dặc bồng bềnh mây trôi.
Ước gì mây đỡ làm nôi
Gió đưa làm quạt, sông trôi lặng thầm
Để bạn yên giấc ngàn năm
Lời ru xin tặng khúc nằm trên lưng.
Lại đi qua lại cánh rừng
Một thời binh lửa đã từng địu nhau
Suối sâu ru giấc qua cầu
Nửa mây nửa nước, nửa sầu phong rêu
Sườn non giấc ngủ cheo leo
Giấc qua chợ huyện eo xèo cá cua
Qua rồi vất vả ngày xưa
Bom rung bom giật nắng mưa một thời
Chiến tranh cũng đã qua rồi
Con sông bên lở bên bồi còn đây
Bạn ơi xin ngủ giấc say
Xương gầy trên tấm lưng gầy có đau?
Ngày mai bạn tới đất sâu
Chẳng còn địu bạn dưới bầu trời xanh.
Bùi Nguyên Ngọc
Chiến tranh đã lùi xa hơn một phần tư thế kỷ rồi, nhưng gương mặt của nó vẫn còn hằn trên mỗi nét nhăn của mẹ, của chị, vẫn lặn sâu vào cõi tâm linh làm nhói đau con tim. Đó là nỗi đau day dứt khôn nguôi của những người đang sống khi chưa tìm được hài cốt của người thân nằm rải rác ở các chiến trường trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đất mẹ đã chở che cho bao hồn tử sĩ. Các anh đã ngủ dưới đất sâu bao ngày? Cảm động biết bao khi đồng đội đã “tìm thấy anh” và ru anh ngủ tiếp “dưới bầu trời xanh” đã sạch bóng quân thù. Các anh mãi mãi bất tử, và đang làm một cuộc viễn du trên lưng đồng đội:
Đường xa ru giấc gập ghềnh
Sườn non dằng dặc bồng bềnh mây trôi
Ước gì mây đỡ làm nôi
Gió đưa làm quạt, sông trôi lặng thầm.
Cả trời đất, núi non, sông nước nâng giấc anh: “mây đỡ làm nôi, “gió đưa làm quạt” đưa anh vào giấc ngủ vĩnh hằng. Anh như một thiên thần đang bồng bềnh giữa trời mây sông nước. Nhân vật trữ tình này mang tầm vóc của vũ trụ. Anh đã một thời “bước dài như gió lay thành chuyển non” (Tố Hữu), đã giáng sấm sét xuống đầu quân thù, nay lại được bạn cõng trên lưng trở lại quê nhà. Tác giả đã phác hoạ lại con đường năm xưa một thời binh lửa “bom rung bom giật”. Đồng đội lại đưa anh qua những cánh rừng, sườn non, qua những cầu treo, suối sâu, chợ huyện. Con đường hành quân gian khổ nhưng người đọc vẫn không thấy một chút gì bi lụy mà vẫn thấy toả sáng từ trái tim anh niềm kiêu hãnh tự hào:
Suối sâu ru giấc qua cầu
Nửa mây, nửa nước, nửa sầu phong rêu
Sườn non giấc ngủ cheo leo
Giấc qua chợ huyện eo xèo cá cua.
Anh nằm trên lưng bạn mà lắng nghe tiếng ru của nhạc suối, nhạc gió, và đâu đây chen lẫn cả tiếng nhạc xô bồ của cuộc sống đời thường ở nơi chợ huyện “eo xèo cá cua”. Anh lại chứng kiến con sông năm xưa như bao con sông trên mặt đất này, chịu sự tàn phá khốc liệt của dòng chảy thời gian: “con sông bên lở bên bồi còn đây”. Quán ngữ “bên lở bên bồi” vừa mang nghĩa hiển ngôn của ca dao: Con sông bên lở bên bồi/ Bên lở thì đục, bên bồi thì trong, lại vừa mang hàm ý chỉ sự hy sinh của các anh là một sự “lở” đi ở bờ này để bờ kia được “bồi” đắp. Anh đã “bồi” cho đất thêm màu, cho cây trĩu “trái độc lập tự do”. Chỉ sợ rằng trong mỗi chúng ta có sự “lở” đi, “mòn” đi mà chẳng bồi đắp được gì cho cuộc sống. Dòng sông cuộc đời vẫn không ngừng tuôn chảy trong hiện thực và trong tâm tưởng mỗi người. Những người đang sống không hiểu đã bồi đắp được gì cho anh, cho gia đình anh để làm vợi đi nỗi đau của các mẹ, các chị ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về lòng mẹ lặng im (Tạ Hữu Yên). Có thể nói Bùi Nguyên Ngọc đã thác lời đồng đội để an ủi anh, tâm sự cùng anh:
Bạn ơi xin ngủ giấc say
Xương gầy trên tấm lưng gầy có đau?
Câu thơ hồn nhiên và chân thật đến sững sờ, mang được vẻ đẹp khỏe khoắn của một nét điêu khắc gân guốc làm ta rưng rưng lệ. Cả hai đều “gầy” (tiếng Nam Bộ là “ốm”). “Xương gầy” và “lưng gầy” ôm ấp nhau, che chở nhau. Một từ “gầy” như con “mắt chữ”, “mắt thơ” đã nói được bao điều với bạn đọc. Nỗi đau của anh và nỗi đau của tôi hợp lại thành một lời ta tự ru nhau. Và ta tìm thấy ở đó một niềm vui mới, niềm tin mới của sự thủy chung. Bài thơ kết lại với sự tưởng tượng của tác giả về hiện thực trần trụi. Bạn lại về với đất mẹ yêu quý, và một nỗi luyến tiếc trào dâng:
Ngày mai bạn tới đất sâu
Chẳng còn địu bạn dưới màu trời xanh.
Những câu thơ lục bát của Bùi Nguyên Ngọc nhuần nhụy như ca dao mà rất hiện đại, phù hợp với lời ru. Nhà thơ đã cho mỗi chúng ta được cõng bạn và “ru hài cốt trên lưng”. Cả bài thơ không hề chạm tới một từ “chết”, hay từ “mất” để từ đó khẳng định tình cảm trân trọng thiêng liêng của những người đang sống với những người đã khuất. Những liệt sĩ hữu danh và vô danh trên khắp mọi miền đất nước sẽ không bao giờ đơn độc, lạnh lẽo.
“Lời ru hài cốt trên lưng” đượm một vẻ buồn sâu lắng nhưng vẫn toát lên nét lạc quan, niềm hy vọng. Đất nước, quê hương, gia đình, bè bạn luôn ở bên các anh, cùng với gió mây sông nước ru cho anh ngủ tiếp ở cõi trường sinh.
Lê Xuân
Điện thoại: 0947.615119
Email: xuanbot@gmail.com