Thứ sáu, 27/12/2024,


Mèo trong ca dao (11/11/2011) 
 
Con mèo con chó có lông
Bụi tre có mắt, nồi đồng có quai
 
Câu ca dao đơn giản được truyền tụng rộng rãi trong dân gian, nhất là ở thôn quê, đã gây tranh luận về giá trị. Nhiều người chê, tiên phong là Xuân Diệu, trong một bài viết ca ngợi Nguyễn Du, 1958, đã có lời phê: “Khi tôi còn nhỏ, ở miền Nam, lúc nào má tôi túng câu hát ru em, hoặc vì các câu khác đã hát hết, hoặc vì lúc đó không nhớ ra câu nào nữa, thì má tôi hát (…). Đó là một kiểu mẫu về câu thơ vô vị, chưa kể rằng nó chỉ dùng được cho miền Nam, chứ không áp dụng được cho cả miền Bắc, vì ở Bắc nồi đồng không có quai. Câu thơ này trần trụi như mèo chó đã bị vặt lông, và nghe đến nó, thì ống tre cũng không thấy hứng thú gì mà có mắt nữa”. Tệ đến thế thì thôi!
Tác giả uyên bác và chăm chỉ học tập văn học dân gian, nhưng khổ nỗi, ăng-ten Xuân Diệu không bắt được tần số ca dao. Và rất nhiều bậc trí thức cao minh không chịu nổi một câu vô vị, trần trụi như thế, mà họ cho là vè, chứ không phải là thơ.
Bản thân tôi, từ năm mươi nam nay, rất thích thú câu này và nhiều lần đã phát biểu. Nói rằng: Con mèo, con chó có lông quả là không mang lại một thông tin thiết thực nào cho người nghe. Nhưng cùng một thực tế ấy mà nói lại cách khác: con mèo, con chó không thể không có lông, là mặc nhiên đặt ra vấn đề triết học, nêu lên nét khu biệt giữa quy luật và tình cờ, bản chất và sự kiện, định mệnh và tự do.
Nhưng người Việt Nam, ở đây là bà mẹ nông thôn, không đặt vấn đề như thế. Họ không đặt vấn đề. Họ sống trọn vẹn cuộc đời “tự nhiên như nhiên”. Họ không viết, không đọc Nam hoa kinh của Trang Tử, họ không hiểu một công án Thiền. Nhưng đời sống của họ ngày qua ngày từ đời này sang kiếp nọ, không khác gì những trang kinh lời kệ. Khi cần, thì họ ngân nga với chính mình con mèo con chó có lông, như ngân nga cuộc đời, qua những hình ảnh thân thuộc, những động vật gần gũi ngày ngày, những thực vật bao che, những vật dụng nuôi nấng. Cái nhìn của họ dần dần hướng nội, từ lũy tre, nhìn vào sân nhà, và cuối cùng nhìn vào bếp lửa. Họ không nói gì về ngọn lửa của nội tâm. Vì câu ca, tiếng hát là ngọn lửa.
Câu thơ “vô vị” vì thông tin không đáng kể, “trần trụi” vì không có lời hoa mỹ. Nhưng theo nền lý luận về thơ hiện hành trên thế giới thì hai yếu tố này không cần thiết.
Câu thơ hay tuy vẫn có ý nghĩa, nhưng không hay nhờ vào ý nghĩa; hơn nữa “ý nghĩa” trong thơ là một khái niệm phức tạp, cần được quy định theo nhiều nhân tố - có khi chủ quan và vô thức.
Thứ đến, câu thơ hay không cần thủ thuật. Con mèo con chó có lông, trong ngôn ngữ “trần trụi” ắt tiềm ẩn giá trị tâm lý gửi gắm vào thi pháp, chủ yếu là nhạc điệu, mới được phổ biến nhiều đời và nhiều nơi, kể cả miền Bắc, vì Nguyễn văn Ngọc có sưu tập trong Tục ngữ phong dao, xuất bản tại Hà Nội, 1928. Trong sưu tập, còn có câu này:
 
Con mèo con mẻo con meo
Muốn ăn thịt chuột thì leo xà nhà.
 
Đây là chú mèo lười, mè nheo đòi ăn mà lười bắt chuột, chủ nhà nhắc nhở một quy luật chung áp dụng cho cả loài người: tay làm hàm nhai; muốn ăn thì lăn vào bếp, trong khi chú mèo toan tính: leo xà nhà chưa chắc đã bắt được chuột, mà bắt chuột nhắt thì không bõ công leo.
Mèo là gia súc độc lập, tự do, sinh hoạt tùy thích, có người xem như bí hiểm, thậm chí nham hiểm; và có câu thơ phiền trách:
 
Mèo nằm bồ lúa vểnh râu
Thấy con chuột chạy ngóc đầu kêu ngoao.
 
Trong Phấn thông vàng, 1939, Xuân Diệu kể lại là thuở nhỏ, nhà đã nuôi một con mèo tham ăn và lười biếng: “Nó ăn sang! Nó làm bộ! Cho ăn tử tế thì không chịu. Để rồi đi ăn vụng, sướng hơn! Nó lại còn làm biếng nữa. Trong bốn tháng trời nuôi nó, nó chỉ bắt được một mẩu chuột tí hon”.
Nhưng khi hứng chí, mèo không quản ngại trèo leo – không nhất thiết vì đói:
 
Con mèo mày trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo
 
Lời ca dao hóm hỉnh, nhẹ nhàng, không nhằm truyền đạt một thông tin nào, mà chỉ tạo niềm vui cho lời nói – hạnh phúc trong cuộc đời. Đối thoại mèo chuột lý thú: “hỏi thăm” là một uyển ngữ ý nhị để che dấu một dụng ý phũ phàng, và chuột đã đốp chát ngay lại bằng một uyển ngữ khác “giỗ cha” có nghĩa là “chửi cha” ! Đặc sắc của câu đồng dao, với chúng ta ngày nay là đã vẽ lên quang cảnh và sinh hoạt nông thôn. Bóng cau trên nền trời, tuy người dân quê không có tâm thái “nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”, và không hát “bóng cau với con thuyền, một dòng sông…”. Và cũng không làm được câu thơ “Trẻ thời đi vắng chợ thời xa…”, “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều…”.
Đặc biệt gợi cảm là cụm tự luyến láy mua mắm mua muối, với nội dung lém lỉnh và cảm động. Hóm hỉnh vì mèo không thiết tha với mắm muối. Cảm động vì nhắc đến khốn khó, bữa cơm đạm bạc của Tản Đà: “cái dưa thời khú, cái cà thời thâm” bữa tiệc bè bạn Trần Huyền Trân:
 
Đưa nhau qua bữa cơm nghèo,
Đứa sầu gào rượu, đứa nheo mắt cười…
 
Chúng ta lại nhớ đến thơ các đại gia tiền bối: chữ dưa muối nhiều lần gặp ở Nguyễn Trãi, rau cùng muối ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, hay gần ta hơn sớm trưa dưa muối cho qua bữa của Nguyễn Khuyến.
 
 
            Nhưng có người đề nghị một nội dung khác, nặng tính cách xã hội: mèo tượng trưng cho cường quyền, kết hợp bạo lực và mưu lược, luật pháp, để áp chế, mà nạn nhân muôn đời là chuột  không có phương cách thoát ly. Giỗ cha là tiếng chửi đổng, là sức phản kháng mạnh mẽ của tầng tầng lớp lớp dân chúng, thấp cổ bé miệng suốt đời sống dưới áp bức.
Trong thực tế của những xã hội chuyên chế, kẻ yếu đành tìm cách thỏa hiệp, như cảnh tranh dân gian “Đám cưới chuột”hay “Chuột vinh quy” Trong một đám rước long trọng mà chuột phải mua đường bằng cách hối lộ, đấm mõm Mèo Già bằng con cá. Đầu bức tranh còn ghi chú hai chữ  “giữ thân” châm ngôn của chuột già_ và những người sức yếu thế cô.
Mà không cứ gì ở Việt Nam, tranh dân gian trên giấy papyrus của Ai Cập thời cổ sử, hay tranh dân gian Nga thế kỷ XVIII cũng có cảnh mèo chuột thỏa hiệp như vậy. Đã đành là do óc trào lộng của dân gian, nhưng cũng là khuynh hướng cầu hòa, hay an thân thủ phận trong một xã hội không dân chủ. Trong xã hội bình thường thì không ai cần hối lộ, mà việc hối còn bị pháp luật nghiêm trị, dù hối lộ có trá hình dưới những hình thức truyền thống đẹp đẽ: biếu xén, tết nhất, quà cáp, ơn nghĩa.
Trong những nước Á Đông sử dụng âm lịch, phân phối năm tháng theo hệ thống can chi, gốc gác Trung Quốc, thì Việt nam là nước duy nhất chọn con Mèo tiêu biểu cho cung thứ tư là cung Mão còn đọc là Mẹo, thay vì con Thỏ. Phải chăng chỉ vì từ Mẹo gần với tiếng mèo ngoao? Hay còn vì lý do khác? Chắc chắn là có lý do tâm cảm  và đạo đức: mèo là con vật thân thuộc và gần gũi nhất với con người, từ lâu đời. Câu tục ngữ “mèo tới nhà thì khó, chó tới nhà thì sang” nhất định phải có từ lâu, vì đã được Nguyễn Trãi đưa vào Quốc Âm thi Tập từ đầu thế kỷ XV.
Phải chăng còn vì tâm hồn Việt Nam tình nghĩa và phóng khoáng đối với Mèo, con vật được xem như là độc lập, tự do, bất khuất, vô chính phủ, có phần cá nhân chủ nghĩa và… khoái lạc chủ nghĩa.
Thì đã có sao đâu…
 
Đặng Tiến

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  dinh thi thanh nhung - nhung@pro_123 - 01653916054 - khu pho 3 hem 23 nguyen trai  (Ngày 22/11/2011 19:31:12)

wa hay la cho nguoi doc co cam nghi va rat hay

Các bài khác: