Đám cỏ xanh
Đấy đám cỏ nơi ngã ba
Em buồn nhiều cỏ biết là đợi anh
Nỡ nào bứt ngọn cỏ xanh
Đau em chợt chút cho thành đau cây!
Quá giờ hẹn anh qua đây
Cỏ gầy cũng ngóng từng giây đợi chờ
Em buồn nhiều cỏ bớt tươi
Đêm tối lắm chỉ sao cười yêu nhau.
Anh lỡ hẹn gió về đâu
Nỡ nào bứt cỏ cho nhàu ban mai
Em buồn nhiều cỏ khóc ai
Giọt sương ấy có ban mai nhận rồi
Lỡ hẹn bóng không còn đôi
Em như con dế không rời cỏ xanh.
Lê Thị Mây
Lời bình:
Từ xưa đến nay, tình yêu tuổi trẻ thường gắn với đám cỏ xanh. Có thể là đám cỏ xanh soi mình xuống dòng kênh trong vắt hoặc nằm chênh vênh trên sườn đồi có con suối róc rách chảy qua, có thể là đám cỏ xanh trong mảnh vườn nhà kín đáo hay trong công viên nhộn nhịp các cặp tình nhân. Nhà thơ Lê Thị Mây cũng đặt cuộc hò hẹn tình yêu của mình trong một khung cảnh như vậy, nhưng có phần éo le hơn: Đấy là đám cỏ nơi ngã ba.
Xưa nay nói về tình yêu, hình ảnh ngã ba thường ngụ ý sự phân ly giã biệt. Vì vậy đọc xong câu thơ mở đầu, chúng ta dự cảm ngay được sự bất thành của cuộc hò hẹn này. Bằng thủ pháp nhân cách hóa tài tình, tác giả không chỉ nói lên “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Truyện Kiều) mà còn đồng nhất được nỗi lòng mình với thiên nhiên - ngọn cỏ. Ba cặp tâm trạng đặt song song cạnh nhau: em buồn nhiều - cỏ biết là đợi anh, em buồn nhiều - cỏ bớt tươi và em buồn nhiều - cỏ khóc ai đã vẽ nên thần tình sự đồng nhất ấy. Ở đây tâm trạng của tác giả - con người không thay đổi (cả ba lần em đều buồn nhiều) vì con người biết tự chủ, nhưng tâm trạng của thiên nhiên đã được đẩy lên mỗi lúc một cao hơn: Từ chỗ nhận thấy (cỏ biết đợi anh) đến chỗ cảm thông (cỏ bớt tươi) và cuối cùng là sự chia sẻ (cỏ khóc ai) ngỡnhư ngọn cỏ đã hóa thân thành tác giả. Hình ảnh cỏ gầy gieo vào lòng người đọc một cảm xúc khó tả. Nhưng đứng cao hơn tất cả vạn vật và vượt lên mọi nỗi đau vẫn là tấm lòng nhân ái của con người, không nỡ làm đau một ngọn cỏ: ‘Nỡ nào bứt ngọn cỏ xanh / Đau em chợt chút cho thành đau cây”. Không nỡ làm giảm bớt dù là một chút vẻ đẹp thiên nhiên: “Nỡ nào bứt cỏ cho nhàu ban mai” dù trái tim mình đang nhàu nát vì thấp thỏm đợi chờ.
Trong tình yêu, người con trai bao giờ cũng phải chủ động, phải đến trước. Nhưng ở đây anh ta không những đã lỡ hẹn, mà có thể còn thất hứa. Dù vô tình lãng quên hay bận công việc đột xuất (sao không báo lại?) đó cũng là một việc làm không dễ thứ tha. Nhưng với một tấm lòng độ lượng và một trái tim nồng hậu, người con gái này vẫn giữ được cái nhìn trong sáng nên thơ: “Đêm tối lắm chỉ sao cười yêu nhau”, vẫn thủy chung trọn vẹn: “Em như con dế không rời cỏ xanh”.
Trong cuộc đời này, mấy ai không một lần lỡ hẹn? Nếu sau khi đọc xong bài thơ này, người ấy còn thêm một lần lỡ hẹn nữa thì quả là một điều đáng ngạc nhiên.
Thành Vinh, 9/9/2002
Lê Quốc Hán
(Theo TPCN)