Thứ tư, 15/05/2024,


“Chuyện nhà nông” qua ca dao, tục ngữ (15/10/2011) 
 
Đời sống của người dân Việt Nam đã đi vào tục ngữ ca dao vô cùng phong phú, nhất là đề tài nông nghiệp nông thôn. Điều này cũng thật dễ hiểu bởi nước ta vốn là một quốc gia nông nghiệp, “con trâu đi trước cái cày theo sau”.
 
Trong kho tàng văn học dân gian, tục ngữ, ca dao đã thể hiện tinh tế những tình cảm, thái độ ứng xử trong cuộc sống hàng ngày hay những kinh nghiệm, tập quán được đúc kết từ thế hệ này sang thế hệ khác, vừa mộc mạc vừa gần gũi nhưng cũng ngầm chứa cả một câu chuyện “nhà nông” vui buồn quanh lũy tre xanh.
Gắn bó nghìn đời với cây lúa, giồng khoai, luống đất, sớm nắng chiều mưa... ông bà ta đã có nhiều câu ca dao, tục ngữ nói về cây lúa đúc rút từ những mùa vụ trên đồng ngoài bãi. Ví như:
 
“Tháng sáu mà cấy mạ già
Thà rằng công ấy ở nhà ẵm con
Tháng chạp mà cấy mạ non
Thà rằng công ấy ẵm con ở nhà”
 
                              Hay:
 
“Mồng tám tháng tám không mưa
Bỏ cả cày bừa mà nhổ lúa đi”
 
 
Vì sao vậy? Vì cái nắng hạn tháng sáu và cái rét tháng chạp hoàn toàn không phù hợp với cây mạ già hay cây mạ non. Trong khi đó tháng tám được xem là đỉnh điểm của nắng hạn “tháng tám nắng rám trái bưởi”, nếu không có mưa, cây lúa đổ cằn không phát triển được nên người nông dân đành phải nhổ lúa để trồng cây khác.
Đó còn là những nét phong tục, tập quán từng vùng thôn quê; hiện tượng tự nhiên về mây gió, trăng sao, mưa nắng, mùa vụ gieo trồng với các loại cây lương thực, hoa màu bao đời gắn bó với người nông dân, ví như những câu: “Trăng tỏ mười bốn được tằm/ Tỏ trăng hôm rằm thì được lúa chiêm”; “Trăng mờ tốt lúa nỏ, trăng tỏ tốt lúa sâu”; “Được mùa lúa úa mùa cau,  được mùa cau đau mùa lúa”. Cây lúa ở ruộng con tằm trên bờ, thế nhưng nó lại có mối quan hệ gắn bó với nhau cùng chịu sự tác động của tự nhiên đó là vầng trăng - một tiểu vũ trụ thấm đẫm mạch nguồn những câu chuyện cổ tích về cây đa, chị Hằng, thằng Cuội trong tâm hồn mỗi chúng ta từ những ngày còn bé. Hay cùng điều kiện thời tiết, gió mưa như nhau nhưng được mùa cây trồng này thì mất mùa cây trồng khác... 
Nhìn nhận khách quan, nếu tục ngữ đi sâu vào lý trí, kinh nghiệm thì ca dao lại biểu hiện những tình cảm lãng mạn, những cung bậc của tâm hồn. Đời sống lao động, đời sống tâm linh cũng được phản ánh qua tục ngữ, ca dao như những triết lý nhân sinh, quy luật bất di bất dịch trong vòng chu chuyển của đời người để hiểu hơn bản chất sự vật: “Trẻ trồng na, già trồng chuối”; “Chuối sau, cau trước”; “Tốt quá hoá lốp, xanh nhà hơn già đồng”; “Bốc mả kiêng ngày trùng tang, trồng khoai lang kiêng gió bấc”.
Đó còn là những câu ca gắn liền cuộc sống hằng ngày của người nông dân, có thể giản đơn đó là chuyện ăn uống ẩm thực, gieo trồng, mùa vụ như: “Chim ngói mùa thu, chim cu mùa hè”. “Ếch tháng ba gà tháng bảy”; “Cần tái cải nhừ”; “Tốt mốc ngon tương”; “Cơm chín tới, cải ngồng non, gái một con, gà gạ ổ”; “Lợn giò, bò bắp”; “Vịt già, gà tơ”; “Nắng sớm thì đi trồng cà, mưa sớm ở nhà phơi thóc.”; “Ruộng cao trồng màu, ruộng sâu cấy chiêm”; “Trồng khoai đất lạ,  gieo mạ đất quen”;“Làm ruộng có năm, nuôi tằm có lứa”; “Lang đuôi thì bán, lang trán thì cày” (Bò trâu); “Một tiền gà, ba tiền thóc”; “Làm ruộng ba năm không bằng chăn tằm một lứa”....
Có thể nói “chuyện nhà nông” thông qua ca dao tục ngữ hết sức phong phú như chính đời sống của người nông dân. Đó cũng chính là hiện thực mang khát vọng đẹp đẽ của người nông dân từ bao đời này để họ biết thăm thẳm với đời, với nghề:
 
“Đêm trăng em nói câu thề
Duyên quê ta giữ cùng nghề canh nông...”
 
Võ Văn Trường
(Nguồn: Đài PTTH Quảng Nam)
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: