Chủ nhật, 22/12/2024,


“Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ” (27/10/2008) 

MẸ GIÀ

 

Mẹ già cuốc đất trồng khoai
Ảnh hình xưa có nguôi ngoai đến giờ

Chiến chinh qua đã bao mùa
Mẹ nay với mẹ ngày xưa khác nào

Nón rách xác lá hanh hao
Áo nâu đẫm ướt chanh chao giữa đời

Còng lưng che đỡ nắng trời
Tay gầy móc đất uơm chồi nuôi con

Bới tìm trong bóng hoàng hôn
Chút than tro nguội thảo thơm ngọt lành

Gạn trong sỏi đá cỗi cằn
Dây khoai sần sượng muộn mằn cầm tay

Vườn nhà héo ngọn trầu cay
Bờ tường nắng đổ lắt lay cơ cầu

Dám mơ thân phận sang giàu
Một đời cuốc đất nông sâu kể gì

Thênh thang đường rộng con đi
Thân già năm tháng... thôi thì cũng qua

Ngồi buồn chợt nhớ câu ca
Mẹ già cuốc đất nuôi ta... ngậm ngùi.

Đức Tiên 

“Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt cuộc đời, lòng mẹ vẫn theo con”

 

           Có lẽ tôi chưa đủ lớn để dám nói rằng mình từng trải, nhưng tôi có đủ những trải nghiệm yêu thương để có thể khẳng khái tuyên bố với cuộc đời, rằng vĩ đại nhất, bao la nhất chính là Mẹ - là bến đỗ an lành của mỗi con người! Và cũng chẳng hiểu tại sao, trong sâu thẳm tâm hồn tôi, nơi nhạy cảm nhất là nơi tôi cất giữ hình bóng Mẹ già, và điều dễ khiến tôi rưng rưng nhất, chính là những điều về Mẹ… Khi đọc những vần thơ của Đức Tiên, trong tôi lại dâng lên những nỗi niềm như thế!

 

“Mẹ già cuốc đất trồng khoai

Ảnh hình xưa có nguôi ngoai đến giờ”

 

          Dường như miền ký ức của tôi và thi nhân đã gặp nhau trong cái hình ảnh rất đỗi đời thường ấy. Mẹ - có lẽ suốt một đời lầm lũi với nghĩa vụ thiêng liêng của người phụ nữ: làm vợ, làm mẹ, nên hình ảnh đầu tiên gợi nhớ về Người chính là những phút giây lao động miệt mài. Trong không gian thân thuộc của mảnh vườn nhà, hình như còn đó bóng mẹ đang vun xới những mầm khoai bé nhỏ để nuôi lớn những mầm sống khác – những đứa con! Tác giả, cố ý hay vô tình, đã tạc nên bức tượng “Mẹ già” vừa gần gũi thân thương, vừa có gì thiêng liêng quá! Sợi dây vô hình kết nối những yêu thương mẫu tử có lẽ sẽ là thứ thuốc thần giúp “vĩnh cửu hóa” “ảnh hình xưa” ấy mãi trong lòng mỗi người con, để khi thời gian đã kéo mọi thứ lùi xa vào quá vãng, thì bóng Mẹ vẫn hiện lên vẹn nguyên như vừa mới hôm qua:

 

“Chiến chinh qua đã bao mùa
Mẹ nay với mẹ ngày xưa khác nào”

 

           Dù vật đổi sao dời, dù trời đất vần xoay, thì Mẹ vẫn thế: giàu tình yêu thương và tận tụy vun vén cho con:

 

“Nón rách xác lá hanh hao
Áo nâu đẫm ướt chanh chao giữa đời”

 

            Phụ nữ Việt Nam vốn giàu đức hy sinh. Mẹ cũng thế! Dù phần mình chỉ là những “hanh hao” của cái nghèo, cái khổ, của cái rách rưới đến nao lòng, nhưng Mẹ vẫn đủ niềm tin và nghị lực để  bon chen với đời. Hai từ láy liên tiếp vang lên như khắc sâu thêm cái khổ, cái nghèo của Mẹ già, nhưng cũng làm bật dậy sức mạnh tinh thần của người phụ nữ đáng kính ấy. Khổ đấy, nghèo đấy, vất vả đấy, nhưng mẹ vẫn bám víu “giữa đời” để nuôi lớn khôn ta:

 

“Còng lưng che đỡ nắng trời
Tay gầy móc đất uơm chồi nuôi con”

 

            Hình như cả đất, cả trời, cả những thử thách khắc nghiệt nhất của tạo hóa cũng phải khuất phục trước sức mạnh phi thường của Mẹ. Tấm lưng còng, đôi tay gầy guộc, nhưng nghị lực nào đã giúp Mẹ đứng vững trước nắng trời chang chang? Phải chăng, tình mẫu tử thiêng liêng chính là sức mạnh tiềm tàng trong Mẹ, để từ trong cằn cỗi cuộc đời, Mẹ ươm lớn những mầm xanh của niềm tin và hy vọng! Thế mới biết, không có gì vĩ đại hơn lòng Mẹ, bởi Người chỉ biết cho đi mà không đợi chờ nhận lại:

 

“Bới tìm trong bóng hoàng hôn
Chút than tro nguội thảo thơm ngọt lành”

 

            Trong phút hoàng hôn của đời người, có lẽ chút “ngọt lành” của lòng hiếu thảo cũng đủ làm lòng mẹ khấp khởi vui. Nhưng sự đời, nước mắt thường chảy xuôi, nên đôi khi dòng đời vô tình đã cuốn những đứa con vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền hay hàng ngàn thú vui cuộc sống, mà quên mất Mẹ già đang lay lắt ở cái dốc bên kia của đời người. Con vô tâm, vô tình, hay bạc bẽo thế nào đi nữa, thì tấm lòng bao dung của Mẹ chẳng một lần than phiền hay trách cứ con thơ, vì có lẽ, trong mắt Mẹ, “con dẫu lớn vẫn là con của Mẹ”, vẫn bé bỏng và dại khờ như cái thuở xa xưa… Chợt nhớ đến những vần thơ tôi đã đọc ở đâu đó từ lâu lắm:

 

“Con đi chín núi mười non
Vẫn là cái bóng lon ton ngày nào”

                           (Bóng mẹ)

 

            Có lẽ đến đây ta nên dừng lại, đừng bàn đến tình Mẹ và lòng Mẹ nữa, bởi sẽ chẳng bút mực nào diễn tả hết thứ tình cảm thiêng liêng vô bờ bến ấy đâu. Dường như tác giả cũng không muốn dài dòng văn tự về điều đó, nên chuyển hẳn sang góc riêng tư của đời Mẹ:

 

“Gạn trong sỏi đá cỗi cằn
Dây khoai sần sượng muộn mằn cầm tay

Vườn nhà héo ngọn trầu cay
Bờ tường nắng đổ lắt lay cơ cầu”

 

             Có lẽ tạo hóa trêu ngươi hay số phận cơ cầu, mà đời Mẹ chưa bao giờ may mắn gặp được những điều suôn sẻ, tốt đẹp. Tất cả những gì Mẹ có, chỉ là “sỏi đá cỗi cằn”, “dây khoai sần sượng”, “héo ngọn trầu cay”… Người ta bảo “lửa thử vàng, gian nan thử sức” quả là không sai, khi chính mẹ đã chứng minh sức trỗi dậy bền bỉ của một con người. Từ trong những khô cằn của cuộc sống, Mẹ vươn lên “gạn trong sỏi đá” để chắt chiu nhựa sống, tích cóp những vật chất ngỡ như tầm thường nhất… Mẹ bươn chải, nhưng tuyệt nhiên không bon chen danh lợi:

 

“Dám mơ thân phận sang giàu
Một đời cuốc đất nông sâu kể gì”

 

          Có lẽ ước mơ lớn nhất của đời mẹ đã đặt trọn trong tương lai những đứa con, nên đâu có vật chất tầm thường nào cám dỗ Mẹ:

 

“Thênh thang đường rộng con đi
Thân già năm tháng... thôi thì cũng qua”

 

           “Thôi thì cũng qua” – tôi không rõ là tiếng thở dài an phận của Mẹ hay tiếng lòng tác giả tự khỏa lấp cho chút vô tâm của mình? Vâng, có thể, một lúc nào đấy, “thân già năm tháng” sẽ trôi qua cuộc đời, nhẹ nhàng như một áng mây… Để lại phía sau là những ngậm ngùi trễ muộn:

 

“Ngồi buồn chợt nhớ câu ca
Mẹ già cuốc đất nuôi ta... ngậm ngùi”.

 

            Câu thơ chợt làm sống lại trong tôi những lời ca dao ngọt ngào tôi đã nghe từ thuở ấu thơ:

 

“Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”

 

            Và vô tình, hai câu thơ cuối vực dậy trong tôi cả một miền tuổi thơ hồn hậu…  Chợt thèm được bỏ lại tất cả những bon chen đời thường, để trở về với Mẹ, sà vào lòng Mẹ và cảm nhận được những ấm áp yêu thương nơi lồng ngực…

Phan Thị Cẩm Tú

ĐT: 0909804823

Email: phantubd@yahoo.com.vn

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: