Chuyện dân gian
Giữa trưa trời đổ mưa rào
Không quen bỗng gặp cùng vào trú mưa
Bập bùng gió đập phên thưa
Mái nghiêng lại dột không chừa áo em
Nhẹ nhàng tôi nép sang bên
Nhường nơi khất gió cuối thềm cho nhau
Em cười: mưa vậy mà lâu
Anh xem, lại một chuyến tàu nữa qua!
Nhưng rồi mây tản đi xa
Và mưa bỗng tạnh, nắng nhoà bóng cây
Tôi chìa tay để bắt tay
Hỏi thăm nơi ở mai này lại chơi
Thế rồi người ấy yêu tôi
Tôi yêu người ấy thành đôi vợ chồng
Cái duyên nghĩ cũng lạ lùng
Trú mưa một lát, cảm thông một đời
Đến nay người ấy vẫn cười:
- Giá như buổi đó ông trời chẳng mưa!
Vũ Cao
Mở đầu Chuyện dân gian là một tình huống: cơn mưa rào đến bất ngờ (giữa trưa trời đổ mưa rào), chàng trai và cô gái không hề quen biết nhau vào trú mưa cùng một lúc. Nếu chỉ vậy thì có gì đáng nói. Điều đáng nói là cơn mưa rào khá lớn, lại có gió to, chỗ trú mưa không được tốt lắm:
Bập bùng gió đập phên thư
Mái nghiêng lại dột không chừa áo em
Cái nút thắt trong đầu Chuyện dân gian là ỏ chỗ này đây.
Nếu chàng trai là người vô tình, dửng dưng thì hà cớ gì lưu tâm đến cô gái. Đằng này “chàng” có để ý, có lưu tâm mới phát hiện (đúng hơn là thấy rõ mưa đã “không chừa áo em”. Ngẫm một chút, người đọc dám chắc lá khi vào trú mưa “anh” đã “để mắt” đến “em” rồi, vì nơi trú mưa chỉ có… hai người. Chính vậy mà, khi thấy mưa “không chừa áo em”, “anh” thật áy náy, băn khoăn. Không chần chừ so tính “anh’ đã nhẹ nhàng nép sang bên “Nhường nơi khuất gió cuối thềm cho nhau”. Thế mới gọi là đàn ông, mới đáng mặt là đấng “nam nhi quân tử” chứ! những lời thơ “nhẹ nhàng”, “nép”, “nhường”, “cho nhau” thật gợi, thật cảm, cho thấy cử chỉ, việc làm của “anh” rất ý tứ, khiêm nhường, lịch sự, đầy tính tôn trọng và rất văn hóa đối với “em”.
Người đọc hẳn đồng tình và “em” cũng rất xao xuyến, không thể thờ ơ trước việc làm đó của “anh” được. Điều đó có nghĩa là “anh” sẵn sàng hứng chịu cảnh mưa dột và gió lùa, nhưng ta biết chắc là lòng “anh”rất vui, phải không bạn? Hơn thế, theo sự “mách bảo” của trái tim, người đọc sẽ thẩm cảm được độ rung động của “em” qua những lời đằm thắm, chân tình:
Em cười: mưa vậy mà lâu
Anh xem, lại một chuyến tàu nữa qua!
Thế là rõ rồi. Bởi lẽ đã là mưa rào thì đâu có lâu, nhưng “em cười: mưa vậy mà lâu” vì “em” sợ mưa lâu thật thì “thương” và “tội” cho anh quá! Chỉ cần qua câu thơ này thôi, đủ thấy nhà thơ Vũ Cao rất tinh tế, sâu sắc về tâm lý, tình cảm của phái đẹp. Và, chỉ cần “em cười: mưa vậy mà lâu”, người đọc cũng ngẫm được bao nhiêu điều… sau đó.
Như vậy, cái thắt nút đầu Chuyện dân gian được mở ra. Từ lúc chàng trai nhường chỗ trú mưa, cũng là lúc cô gái tỏ ra “quan tâm” đến mưa hơn, đúng hơn là mong mưa mau tạnh hơn, thực chất là đã ngầm “để mắt” đến chàng rồi. Chính việc làm đẹp của chàng trai đã “cảm” cô gái, làm cho trái tim cô gái ấm dần lên, rung động lên, “nhịp đập tình yêu” đã có cơ “bừng cháy” khi có điều kiện.
Cái gì đến ắt nó phải đến. Theo “diễn biến” của bài thơ, thì mưa phải tạnh, hai người trú mưa cũng phải tạm chia tay. Điều thú vị chàng trai đã chủ động đưa tay bắt tay “em” tạm biệt, nhưng vẫn không quên “hỏi thăm nơi ở mai này lại chơi”. Chất xúc tác này chính là điều kiện để tạo nên một kết thúc có hậu:
Thế rồi người ấy yêu tôi
Tôi yêu người ấy thành đôi vợ chồng
(Lucbat.com sưu tầm)