Chủ nhật, 22/12/2024,


Nắng chiều với một nỗi niềm (23/10/2008) 

 

Ngậm ngùi

 

Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau,
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây.


Lòng anh mở với quạt này
Trăm con chim mộng về bay đầu giường
Ngủ đi em, mộng bình thường
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ...


Cây dài bóng xế ngẩn ngơ...
Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?
Tay anh em hãy tựa đầu
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi

Huy Cận
(Lửa Thiêng)

     Chiều, chính là một giao điểm của thời gian, là dấu hiệu báo cho chúng ta biết rằng một ngày đang dần đi qua. Vạn vật cũng biến đổi theo và mang sắc thái riêng của nó khi trời chiều. Buổi chiều, cũng là thời gian đẹp nhất, lý tưởng nhất cho con người với những cuộc gặp gỡ, hẹn hò, tâm sự,... và cũng có những buổi chiều, con người lại bật lên nội tâm phong phú, êm đềm, hòa nhập cùng thiên nhiên, cây cỏ để dệt đan những lời ru ngọt ngào, đằm thắm cho giấc ngủ, mộng đời... của hiện tại, tương lai.... Chúng ta sẽ bắt gặp những cảm xúc rạt rào, đầy trữ tình nhưng không thiếu vắng cái buồn tênh trong bài thơ 'Ngậm ngùi' của Huy Cận.

 

     Huy Cận bắt đầu nhận ra buổi chiều trong ánh nhìn thật riêng, mang đầy tính hiện thực, chân dung của thiên nhiên được lồng vào cảm xúc con người. Ðó là 'Nắng chia nửa bãi...' Nắng đã chia bãi biển thành hai nửa, nửa vẫn nắng đầy, nửa thì nắng đã tàn phai. Bởi lẽ mặt trời đang về Tây, đi ngủ, bỏ lại sau lưng bóng những hàng cây thùy dương trùm lên nửa bãi, một dấu hiệu của thời gian đang chầm chậm đi qua... đi tới... để trong cái bóng mang dáng dấp nửa đó, tác giả kết luận: chiều rồi!

 

     Chiều đã đến! Chiều đã cho Huy Cận những lời thầm thì, tình tự nào chăng? Có chứ! Chiều mang đến cho tác giả một cái buồn bã như dấu chấm than! Bởi vì, sắp qua hết một ngày, qua rồi những dư âm, hình bóng, một cuộc gặp gỡ, những giây phút vui vầy, hạnh phúc... Những phút giây đẹp hết sức đời thường. Do đo con người trong mỗi chúng rta ai cũng phải đặt mình trong cái tâm thế vừa buồn, vừa tiếc cái chợt đến, chợt đi, dùng dằng... chợt mất... của ngày, rồi ngày tiếp nối...

 

Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau...

 

     Nghĩ lại, không phải chỉ có con người mà cái buồn vẫn không buông tha, tạm biệt mà ngay cả 'cỏ cây, hoa lá, con nhện' cũng đang đói điên cái điều tàn lụi đang đến. Thiên nhiên cũng biết trốn chạy điều buồn bã, tự nó, 'Vườn, là nhện cũng biết xếp lá, giăng mau sợi buồn...' Cái hay của Huy Cận đã hòa nhập mình cùng với thiên nhiên đồng cảm với nhau trong cái ưu trầm, sâu kín của đời, cất lên tiếng nhỏ nhẹ với tiếng buồn... như thế!

 

     Chúng ta hãy dừng lại nơi đây và nghiền ngẫm xem 'lá rầu' hay 'lá sầu' có gì khác nhau chăng? Cũng bắt nguồn từ sự buồn bã... nhưng Huy Cận rất khéo léo trong việc cấu âm, tạo từ, cắt tỉa cho đẹp chiếc 'lá rầu'. 'Lá rầu' đọc lên nghe hay lắm chứ! Nó não ruột hơn, đặt chiếc lá rầu trong chiều buồn vẫn hay hơn, chiều vẫn mênh mang, mênh mang hơn. Và trong phong cảnh ấy, lời thơ của Huy Cận có lúc như là lời vỗ về, đầy thương yêu tha thiết, êm đềm, nhè nhẹ như một lời ru, lời gọi mời không đon đả, khách sáo:

 

Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây.

 

     Có người lại hỏi rằng: 'Tại sao lại bảo em ơi hãy ngủ...?' Sao không thức mà tận hưởng cái thời gian vàng ngọc quý báu kia? Tận dụng thời gian để tặng cho nhau những kỷ niệm ngọc ngà, những lời chưa nói hết, một hạnh phúc đang đến trong vòng tay... Có lẽ thời gian đã nhận ra rồi: Còn ích gì nữa? Khi hạnh phúc, con người rất bé nhỏ, có sánh chi đâu bằng cái vô hạn của đời. Vì vậy, thời gian đã chọn thứ ngôn ngữ đến lặng thầm, và chấp nhận 'chiều' đã đến rồi, tất cả sẽ trôi qua, biến dạng.... Còn lại chăng, cái hữu hạn vĩnh cửu tồn tại trong lòng người mà thôi! Cho nên '... Hãy ngủ...', ngủ, để ít ra chúng ta còn có chút hy vọng cho dù cỏn con, mong manh: '... anh hầu quạt đây!' Ðể:

 

'Lòng anh mở với quạt này
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.'

 

     'Ngậm ngùi' của Huy Cận có trong đó một chiều thật đẹp trong thơ, và buồn trong cảnh. Thiên nhiên như bị đắm mình trong nỗi trầm tư, hoặc bị mê hoặc bởi nỗi buồn của cuộc sống, một nỗi êm dịu mênh mông. Thiên nhiên đã được tác giả dàn dựng cách công phu, rất mỹ thuật. Ðọc bài thơ, chúng ta hiểu ngay rằng thiên nhiên và con người có lúc vẫn là một. Chất thiên nhiên trong bài thơ vẫn chia xẻ được với chính nó, một cung cách huyền diệu, có đam mê, có êm dịu của vạn vật...

 

Ngủ đi em, mộng bình thường
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ...
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ...

 

     Trong một chiều mà tác giả vừa cảm nhận được thiên nhiên và chính mình đã có những rung động đồng dạng nhau: buồn, băn khoăn, thoáng chút e ngại... ao ước. Chúng ta không thể không nhận ra điều ao ước thật lạ:

 

'Tay anh em hãy tựa đầu
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi'

 

     từ tác giả. Có thật không 'một trái sầu rụng rơi...'? Thưa bạn, có đấy! Bởi câu trên, tác giả đã thấy trong một cái nền buồn bã, 'hồn em đã chín mấy mùa...' Những ý nghĩ thật sự của tác giả đang quay hướng cho mối băn khoăn về cuộc sống, nỗi e ngại cho điều nhận biết, linh cảm về một nỗi cách xa, lời chia lìa, tiễn biệt...

 

     Ðể kết lại, 'Ngậm ngùi' như là một bài hát ru. Lời ru bao giờ cũng chan chứa âm điệu buồn. 'Ngậm ngùi' là nỗi niềm của tác giả trong một chiều nắng đã chia nửa bãi. Huy Cận đã chia xẻ, trao gửi đến người đọc một thiên nhiên đầy sức sống, dịu dàng thơm mùi trời đất, cỏ cây. Bài hát ru tuy đẫm buồn nhưng rất hiền, ý tứ, không lòe loẹt. Mỗi từ ngữ trong bài đều mang chở một niềm khắc khoải được sống, sống đẹp, khắc khoải được yêu thương. Chúng ra có thể nói rằng: 'Ngậm ngùi' là một tấm lòng của tác giả, của một người để tâm đến một người. Ðọc 'Ngậm ngùi', giữa cuộc sống vẫn không thiếu sự cùng khốn, quạnh không, nhạt nhòa, buồn thảm, chúng ra bỗng thấy dâng lên và đọng lại trong lòng chút ấm áp, sự cảm thông, trân trọng và yêu thương....

Thảo A. Trần

 (Golden West College)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: