GIẾNG LÀNG
Về quê, tìm lại giếng làng
Lối quen mà cứ ngỡ ngàng bước chân
Bao phen trời đất xoay vần
Làng xưa, xóm cũ mấy lần đổi thay.
Nép sau vườn dưới vòm cây
Lòng băn khoăn: có phải đây giếng làng?
Hỡi người duyên số dở dang
Nhớ chăng đêm ấy… trăng vàng chung soi
Lỡ tay thương chiếc gàu rơi
Làm xao lòng giếng… một thời vụng yêu
Giếng làng thuở ấy trong veo
Chia khắp thiên hạ: giàu, nghèo, hèn, sang…
Gái làng tắm nước giếng làng
Tóc càng óng mượt, da càng mịn thơm!
Bây giờ nước có đầy hơn
Chạnh buồn tên giếng không còn từ lâu
Bâng khuâng cầm lại dây gàu
Buông tay nhè nhẹ… sợ đau giếng làng.
Mai Văn Hoan
Ai cũng có một vùng quê gắn bó thân thương với cổng làng, cây đa, giếng nước. Từ xưa, nhìn thấy cổng làng, giếng làng là thấy quê hương, cha mẹ, gia đình… Từ làng, ta ra với đời uống nguồn nước giếng mát trong. Và giếng nước làng vẫn trầm mặc, lặng lẽ tiễn ta đi rồi lại đón ta về.
Hôm nay, tình cờ đọc được bài thơ “Giếng làng” của Mai Văn Hoan, lòng tôi bỗng xôn xao kỷ niệm. tác giả đã đưa tôi và bạn trở về với làng quê yêu dấu.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà hình ảnh cái giếng làng cứ đi về trong nỗi nhớ của những người xa quê. Cái giếng đã có mặt trong đời sống của người Việt từ lâu lắm rồi. Ít nhất thì trong chuyện cổ tích, nó đã hiện hữu để cô Tấm nuôi con cá bống còn sót lại như nuôi giữ cái khát vọng hướng thiện của con người. Giếng đã đi từ huyền thoại, khi Trọng Thủy gieo mình tự vẫn để giải cái oan tình yêu cho Mỵ Châu, qua những câu thơ phồn thực mang đầy ám ảnh của Xuân Hương nữ sĩ, đến tận ngày nay.
Mở đầu bài thơ là hình ảnh người xa quê về thăm làng cũ trong nỗi buồn trước sự thay đổi đến ngỡ ngàng. Người trở về như đang đứng trước một nơi khác nên băn khoăn không biết “Có phải giếng làng” hay không:
Về quê, tìm lại giếng làng
Lối quen mà cứ ngỡ ngàng bước chân
Bao phen trời đất xoay vần
Làng xưa, xóm cũ mấy lần đổi thay.
Nép sau vườn dưới vòm cây
Lòng băn khoăn: có phải đây giếng làng?
Những câu thơ giản dị như lời nói mộc mạc mà như xoáy vào nỗi buồn của người đã mất đi những di sản quý báu từ thời cha ông để lại.
Thời nay, làng đã lên phố. xe đạp, xe thồ, xe bò nhường chỗ xe máy. Những dòng sông bị lấp đầy nhường chỗ cho những khu công nghiệp hay chung cư lộng lẫy.
Những ruộng lúa màu mỡ, những nương dâu hay lũy tre, ao cá, vườn chè đã biến đi nhanh chóng. Từ khi có nước máy và giếng khoan, giếng làng đã bị lấp đi nhiều. Giếng khơi, có nơi còn gọi là giếng thơi, cũng ít nhà giữ lại. Chỉ thương cho những chiếc gàu bây giờ chả biết thả về vào đâu.
Bao phen trời đất xoay vần
Làng xưa, xóm cũ mấy lần đổi thay
Trong tâm thức của mình, người làng quê xưa có thể sống thiếu ăn, thiếu mặc nhưng không thể thiếu cái giếng nước. Giếng là trái tim của làng, là cái hồn của xóm, là nơi khởi nguồn của những tình yêu trai gái. Những đêm trăng sáng, bên giếng nước, cùng những dây gàu là những lời tâm sự dưới trăng. Bởi vậy, sang khổ thứ hai, tác giả trăn trở, nuối tiếc, hồi tưởng những kỷ niệm đẹp không phai mờ trong ký ức: “Cái đêm hôm ấy... Trăng vàng chung soi”. Dưới ánh trăng vàng, lỡ tay gàu làm xao động mặt giếng. Nhưng cũng chính cái đêm bên giếng ấy, tình yêu gọi một thời “vụng yêu”. Một tình yêu trinh nguyên trong sáng ấy đã có giếng làng bên cạnh chứng kiến. Chao ôi! Sao mà lãng mạn! Khổ thơ làm rung động trong tôi và bao người đã từng sống trong làng quê xưa. Giếng làng xưa nơi chứng kiến bao cảnh ngộ tình yêu dang dở bởi nhiều lý do:
Hỡi người duyên số dở dang
Nhớ chăng đêm ấy… trăng vàng chung soi
Lỡ tay thương chiếc gàu rơi
Làm xao lòng giếng… một thời vụng yêu.
Người trong cuộc gọi người trong cuộc như chim lẻ bầy tìm bạn chỉ còn trong dĩ vãng “Hỡi người duyên số dở dang” không biết còn nhớ hay đã quên “cái đêm ấy”… “gàu rơi”.
Vẫn là những kỷ niệm đẹp trong lòng người trở về quê. Người về cố tìm lại chính mình, tìm lại nghĩa tình làng xóm thuở trước sao mà đẹp thế.
Giếng làng thuở ấy trong veo
Chia khắp thiên hạ: giàu, nghèo, hèn, sang…
Gái làng tắm nước giếng làng
Tóc càng óng mượt, da càng mịn thơm!
Giếng làng hồi ấy nước trong lắm. Người trong làng nào có phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Gái làng vẫn thường dùng nước giến khơi trong. Vì thế tóc mượt, da càng mịn và thơm.
Dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, xây bằng gạch, đất hay đá ong, giếng vẫn là nơi gắn bó với đời sống nhiều nhất. Đình thì khi nào có lễ có hội mới ra, chứ giếng làng thì hôm nào chẳng đến. Cuộc sống quần cư biến cái giếng trở thành tâm điểm của làng. Người ta ra giếng lấy nước, tranh thủ hỏi nhau về công điểm, về lứa lợn, về chuyện nhà ông nọ làm đám bao nhiêu mâm, con gái bà kia lấy chồng tốt số... Trai gái làng ra giếng tranh thủ chòng ghẹo nhau hay hẹn hò. Cái giếng làng đã chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc tình, của biết bao nhiêu thế hệ.
Khổ thơ cuối chứa chấp nỗi buồn day dứt. Đời cũng khác mà Tình cũng khác:
Bây giờ nước có đầy hơn
Chạnh buồn tên giếng không còn từ lâu
Bâng khuâng cầm lại dây gàu
Buông tay nhè nhẹ… sợ đau giếng làng.
Nước có đầy nhưng tình lại vơi. Câu thơ không nói trực tiếp nhưng ẩn chứa bao suy nghĩ về tình đời.
Cảm ơn tác giả bài thơ “Giếng làng”. Bài thơ không cần gọt giũa con chữ nhưng đã mang đến cho người đọc về nỗi nhớ thương quê da diết, nhớ hình ảnh giếng nước làng xưa với ngổn ngang lo lắng. Tôi mong sao sẽ có ngày nào đó Người Việt ta vẫn còn giếng làng, vẫn giữ lại cốt cách văn hóa làng xã và tình đời đẹp hơn. Để khi ta trở về, con cháu ta sẽ còn mang hồn đất Việt.
Trần Đức Thủy
Trường THPT Long Thạnh- Giồng Riềng- Kiên Giang