DÌ TÔI
Quê mùa mộc mạc thế thôi
Dì về đám cưới con tôi lấy chồng
Không đi thì chẳng đành lòng
Đi mà vẫn ngại nâu sồng khó coi
Xiêu xiêu tải gạo bên người
Vẫn là dáng của mẹ tôi ngày nào
Thảm êm bước thấp bước cao
Bàn chân mới khỏa nước ao lên bờ
Vuông khăn tần tảo ngày xưa
Hết bà đến mẹ bây giờ dì mang
Bàn thờ run rẩy khói nhang
Hình như tiếng mẹ sẽ sàng gọi tôi
Xin đừng buồn thế dì ơi
Ngày vui sao nước mắt rơi nghẹn lòng.
Nguyễn Hữu Hà
Mở đầu tác giả giới thiệu một sự kiện của gia đình anh: Đó là việc con gái anh lấy chồng và bà dì ruột của anh ra thành phố - Nơi anh cư trú để dự cưới cháu. Đó cũng là chuyện thường tình. Nhưng ở đây nổi lên một vấn đề là tâm lý của bà dì khi ra thành phố dự cưới cháu. Bà mặc cảm, băn khoăn về sự quê mùa, mộc mạc của mình. Không đi thì không được, mà đi thì cũng thật sự ngại ngùng:
Không đi thì chẳng đành lòng
Đi mà vẫn ngại nâu sồng khó coi
Có thể nói đây là một tâm lý khá phổ biến ở lớp người là bà, là mẹ, là người già ở thôn quê- Lớp người mà họ mới thực sự thoát nghèo quãng trên chục năm trở lại đây thì tâm lý ấy là một thực tế phổ biến. Cái nếp sống tằn tiện, giản dị, mộc mạc của cả đời người lam lũ, chịu khó chịu thương đã hằn sâu vào tâm thức biết bao thế hệ.
Chỉ bằng vài nét chấm phá, tác giả đã dựng lên hình ảnh bà mẹ nhà quê đầy cản động:
Xiêu xiêu tải gạo bên người
Vẫn là dáng của mẹ tôi ngày nào
Quà cưới của bà tặng cháu là tải gạo, của ngọc thực, cái thứ quý nhất mà bà có được từ nắng lửa mưa dầm, giành giật được từ bão giông ngập lụt. Cái tải trĩu nặng mồ hôi, nước mắt ấy đang ở trên vai bà. Hình như bà bị quá sức khi mang nó, làm cho dáng bà xiêu vẹo, bước thấp bước cao trên nền thảm đỏ cao sang của cháu nơi phố thị:
Thảm êm bước thấp bước cao
Bàn chân mới khỏa nước ao lên bờ
Cái dáng đầy xúc động ấy xuất hiện bên khung cửa, làm người cháu hấp tấp, vội vàng chạy ra đón đỡ, lòng đầy sung sướng, nhưng cũng thật khó cười… Đặc biệt là trong trang phục dự cưới của bà còn có:
Vuông khăn tần tảo ngày xưa
Hết bà đến mẹ bây giờ dì mang
Tuy vuông khăn chẳng phải là gấm vóc, nhung lụa nhưng nó quý lắm, bởi chính nó là nhân chứng lịch sử của cuộc đời, không phải chỉ một, mà có tới ba cuộc đời tần tảo lam lũ sớm hôm, nuôi con nuôi cháu. Đến bây giờ, trước khung cảnh nhà cao cửa rộng khang trang, bà thật ngỡ ngàng, để rồi bước thấp bước cao trên nền thảm êm của con của cháu. Cái vuông khăn- Nhân chứng lịch sử ấy, quả là một diểm nhấn đặc biệt quan trọng trong bức họa chân dung người dì của Nguyễn Hữu Hà. Có thể nói tác giả đã rất tài tình khi đưa hai vật thể quan trọng là “tải gạo quà cưới” và “vuông khăn kỷ vật đời người” để khái quát hóa cái tình máu mủ ruột già của dì cháu, mẹ con, chị em. Người đời có câu “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”. Sự hiện diện quý báu của bà dì trong ngày cưới con mình, làm cho anh bâng khuâng trước cảnh:
Bàn thờ run rẩy khói nhang
Hình như tiếng mẹ sẽ sàng gọi tôi
Và anh đã lựa lời:
Thôi đừng buồn thế dì ơi
Ngày vui sao nước mắt rơi nghẹn lòng
Anh khuyên dì mà chính anh lúc đó đang phải nuốt những giọt nước mắt nóng hổi vào lòng để khỏi bật thành tiếng nức nở trước cảnh hạnh phúc của vợ chồng, cha con anh thì tràn đầy viên mãn, mà những người đã dày công gây dựng, vun xới cho hạnh phúc ấy, hôm nay đang còn phiêu du ở mãi tận phương nào… Không buồn nhớ sao được…
Chỉ bằng 14 dòng lục bát được chia thành 4 khổ. Khổ 1: Giới thiệu sự kiện, và tâm lý của bà dì trước sự kiện ấy. Khổ 2: Phác thảo chân dung của bà dì khi về dự cưới cháu. Khổ 3: Nói về vuông khăn, kỷ vật cuộc đời mà bà dì đang quàng trên vai để như thấy có mẹ, có bà đứng cạnh, và cuối cùng tác giả buông hai câu đứng riêng một khổ, như một tiếng nấc nghẹn ngào của người trong cuộc trước bàn thờ tiên tổ:
Thôi đừng buồn thế dì ơi
Ngày vui sao nước mắt rơi nghẹn lòng.
Bài thơ viết ở thể lục bát - Thể thơ dân tộc, đại chúng. Lời lẽ mộc mạc rất gần gũi, gắn kết với đời sống làng quê và giàu tính hội họa. Hình ảnhmột bà già với chiếc quần đen, cái áo cánh mới, cái nón mới, vai quàng vuông khăn truyền kiếp liêu xiêu cõng tải gạo bước thấp bước cao trên nền thảm đỏ của ngôi biệt thự lộng lẫy, tạo thành một dấu ấn đậm nét trong tâm trí người đọc, để từ vui chuyển dần sang trạng thái buồn thương man mác… Với hai vật thể đặc biệt là “vuông khăn kỷ vật đời người” và “tải gạo quà cưới” được tác giả lấy làm chất liệu chính, tập trung khai thác những chất liệu ấy với những ngôn từ có tính khái quát, dẫn dắt người đọc liên tưởng, chắp nối các luồng suy tư theo sự rung ngân của một tiếng đàn ở nốt trầm. Cái âm thanh ấy cứ ngân dài, ngân dài mãi… xoáy sâu vào gan ruột người đọc, người nghe…
Vĩnh Hòa
Điện thoại: 01669422811
Email: phungcong.that@yahoo.com.