Thứ sáu, 27/12/2024,


Nghé nhát – Một bài thơ hoài niệm đầy xúc cảm (06/08/2011) 
 
Nghé Nhát
 
Nhớ ngày theo bước chân cha
Vực con nghé nhát đi qua đường mòn.
Gọi nghé, vì nó còn non
Cha bảo: Nó nhát, nên con chớ gần!
Dịu dàng gọi nó vài lần…
Ngờ đâu “Nghé Nhát” lại dần thành tên!
 
Trong Nam giặc dã chưa yên
Tổ Quốc kêu gọi khắp miền quê hương.
Chia tay, cha phải lên đường
Nghé Nhát ở lại nông trường kéo xe.
Có lần thấy họ cầm que
Đánh con Nghé Nhát mà nghe nhói lòng!
Nơi xa cha có biết không ?
Cứ nhìn Nghé Nhát là lòng nhớ cha !
 
Đất nước rợp bóng cờ hoa
Các bác về hết, sao cha chưa về ?...
Tiếc thay! Cha chẳng thể về
Mà xem Nghé Nhát lặc lè nữa đâu!
Hôm nay nghé đã thành trâu
Còn đây Nghé Nhát mà đâu thấy người !!!
 
Xuân Cường
 
 
            Trong chương trình thi thơ Tết Nguyên Tiêu “Mừng Đảng - Mừng Xuân Tân Mão” do CLB thơ Hoa Ban – TT Tân Uyên (Huyện Tân Uyên - Lai Châu) tổ chức vào đêm rằm tháng giêng, mười hai tác giả đã mang về cho đêm thơ hơn hai chục bài thơ tâm huyết nhất của mình và đã đem lại cho đêm Nguyên Tiêu một không khí vui tươi, lãng mạn thật sự. Trong hơn hai chục bài thơ ấy, có bài thơ mang tên “Nghé nhát” của tác giả Xuân Cường, đã được BGK trao giải nhất.
Mới đọc qua, bài thơ có vẻ đơn giản vì nó được tác giả thể hiện bằng thể thơ lục bát truyền thống và cái tên giản dị với hai từ “Nghé Nhát”. Nhưng khi đã đọc qua thì chúng ta nhất định sẽ phải đọc lại, bởi hình như đằng sau những con chữ kia ẩn chứa một tấm lòng, đau đáu một hoài niệm nào đó ?!
Với cách vào đầu tự nhiên, bằng ngôn từ mộc mạc, tác giả viết:
 
Nhớ ngày theo bước chân cha
Vực con nghé nhát đi qua đường mòn.
Gọi nghé, vì nó còn non
Cha bảo: Nó nhát, nên con chớ gần!
Dịu dàng gọi nó vài lần…
Ngờ đâu “Nghé Nhát” lại dần thành tên!
 
Đó là kỷ niệm đẹp của tác giả về người cha thân yêu của mình trong những ngày ấu thơ. Một con nghé có tính nhút nhát, được một người công nhân hiền lành, chất phác thuần vực để bắt đầu vào khuôn phép, đó là kéo xe giúp ích cho con người. Và người cha muốn truyền cho con trai cái đức tính thuần hậu của mình “Dịu dàng gọi nó vài lần”. Thế rồi “Nghé Nhát” đã thành tên riêng của con trâu non nhút nhát ấy.
Nhưng, những ngày bình yên bên cha không còn nữa vì:
 
Trong Nam giặc dã chưa yên
Tổ Quốc kêu gọi khắp miền quê hương.
Chia tay, cha phải lên đường
Nghé Nhát ở lại nông trường kéo xe.
 
Lên đường bảo vệ Tổ Quốc khi mà Nam Bắc còn chia hai miền là một hành động, một việc làm rất đỗi bình thường của những người con trai, con gái Việt Nam thời bấy giờ, khi đất nước kêu gọi “Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ”. Người cha thân yêu của tác giả đã khoác ba lô vào Nam chiến đấu. Còn con “Nghé Nhát” - Công cụ sản xuất của tập thể nên được bàn giao cho người khác quản lý. Nhưng những người khác ấy không có đức tính hiền lành thuần hậu như người cha của tác giả. Vì vậy nên mới có chuyện:
 
Có lần thấy họ cầm que
Đánh con Nghé Nhát mà nghe nhói lòng!
 
Thực ra, trong cuộc sống, việc dùng roi vọt để đánh trâu bò cũng khá phổ biến và cũng không có gì đáng chê trách lắm. Nhưng ở đây, tác giả thấy họ làm khác lời cha đã dạy bảo mình. Và sâu xa hơn, đánh con Nghé Nhát là động tới kỷ niệm đẹp của tác giả với người cha đang đi chiến đấu xa nhà. Vì vậy mà tác giả tỏ thái độ bất bình.
Nhìn về phương Nam khói lửa khi ấy, tác giả nhắn nhủ tới người cha thân yêu của mình bằng tình cảm da diết:
 
Nơi xa cha có biết không?
Cứ nhìn Nghé Nhát là lòng nhớ cha!
 
Rồi một ngày kia, đất nước sạch bóng thù xâm lược, non sông vang khúc khải hoàn. Những người lính đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ thiêng liêng, đó là bảo vệ Tổ Quốc, họ dần trở lại quê hương. Vậy mà hình bóng người cha thân yêu của tác giả vẫn còn ở phương nào? Tác giả đã phân vân đặt câu hỏi:
 
Đất nước rợp bóng cờ hoa
Các bác về hết, sao cha chưa về?...
 
Rồi sự thật phũ phàng, một mất mát không gì bù đắp được đã đến với tác giả và gia đình, đó là tấm giấy báo tử và tin tức về sự hy sinh của người cha. Ông đã mãi mãi nằm lại chiến trường vì độc lập tự do của cả dân tộc.
Trong khi đó từng ngày, từng ngày, Nghé Nhát đã trưởng thành và vẫn hiện diện cần cù với công việc kéo xe của mình. Tác giả như muốn khoe với cha mình về sự tiến bộ của Nghé Nhát. Nhưng lại ngậm ngùi, tiếc nuối:
 
Tiếc thay! Cha chẳng thể về
Mà xem Nghé Nhát lặc lè nữa đâu!
 
Để rồi tác giả kết thúc bài thơ khá đột ngột, bất ngờ mà thú vị, mang đậm chiều sâu triết lý nhân sinh:
 
Hôm nay nghé đã thành trâu
Còn đây Nghé Nhát mà đâu thấy người!!!
 
Rõ ràng, ban đầu đọc bài thơ, ta tưởng như không có gì để bàn luận nhiều, bởi đó chỉ là chuyện về một con Nghé Nhát. Vậy mà ẩn chứa bên trong là cả một tấm lòng, cả một miền ký ức, hoài niệm thuở ấu thơ trong sáng của người con về người cha kính yêu đã hy sinh vì hồn thiêng sông núi.
Thông qua hình tượng Nghé Nhát, với vẻn vẹn hai chục câu thơ lục bát, tác giả Xuân Cường đã cho chúng ta thấy được sự nhớ thương vô hạn người cha hiền lành, đôn hậu của mình. Ngay trong đoạn đầu, hình ảnh của ông luôn hiển hiện bên con Nghé Nhát. Sau đó là sự thương nhớ khi ông xa vắng. Rồi tiếp đến là sự thắc thỏm, chờ đợi. Cuối cùng là sự đau xót, chấp nhận sự thật: Người cha đã mãi mãi không trở về. Có điều, lúc nào hình ảnh người cha cũng song hành cùng Nghé Nhát. Vì vậy, khi tác giả viết: “Hôm nay nghé đã thành trâu/ Còn đây Nghé Nhát mà đâu thấy người!!!” thì lòng người đọc như thắt đau! Xuân Cường đã nói được nhiều hơn những điều anh đã viết.
            Có thể nói “Nghé Nhát” là một bài thơ về đề tài chiến tranh và nỗi đau mất mát do chiến tranh. Đó là đề tài không mới, nhưng được tác giả đưa ra một cách khéo léo nên dễ chấp nhận. Thể thơ lục bát truyền thống, đã được tác giả sử dụng vần điệu khá nhuyễn và suôn sẻ nên càng dễ đi vào lòng người.
            Bài thơ “Nghé Nhát” như những giọt nước mắt của tác giả khóc cha, những giọt nước mắt chảy về miền ký ức!
            “Nghé Nhát” thành công chính bởi cái tình của tác giả đã gửi gắm cả vào bài thơ một câu chuyện đầy hoài niệm và xúc cảm./.
 
 
Thanh Phương
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  ĐỚI XUÂN CƯỜNG - doixuancuong26@gmail.com - 0972400499 - Khu:26-T.T: Tân Uyên-H;Tân Uyên-T: Lai Châu  (Ngày 13/08/2011 9:33:53)

Cảm ơn LUCBAT.Com . Cảm ơn tac giả Thanh Phương đã một lần nữa chăp cánh cho bài thơ cua tôi bay cao , bay xa hơn. Kính mong LUCBAT.Com Mãi lớn mạnh và là người bạn gắn bó của chúng tôi. Chúc tac giả Thanh Phương , dồi dào sừc khoẻ. Tràn đầy sức sống cùng chúng tôi và LUCBAT.Com. Một lần nữa xin trân thành cảm ơn.

  Nguyễn Vũ Long - sapnguon@gmail.com - 01682010868 - Tân Uyên - Lai Châu  (Ngày 12/08/2011 12:51:27)

Mỗi lần đọc lại bài thơ là một lần tôi hoài niệm. Hoài niệm về quá khứ đáng quên, chiến tranh và mất mát, chia tay và vết thương lòng sẽ khó có thể phai trong tâm trí. Tác giả vẫn đau đáu về người cha ra đi vì tổ quốc mà mãi mãi chẳng thể về. Chính hoài niệm về những ký ức ít ỏi trong quá khứ trước khi người cha ra chiến trường đã làm cho tác giả viết nên những dòng thơ chứa đầy xúc cảm dạt dào. Con nghé nhát của bài thơ đã làm cho tác giả không thể quên đi cái khoảnh khắc khi nghe tin báo tử từ người cha mình. Để rồi khi nhớ lại tác giả lại tìm những ức đẹp khi những ngày cha mình còn sống. Một bài thơ buồn, một hoài niệm chiến tranh nhưng lắng đọng trong tâm trí tôi một tình cảm bao la của tình cha con về những tháng năm đã cũ.
Khi đọc đến câu thơ:
" Đất nước rợp bóng cờ hoa
Các bác về hết sao cha chưa về?"
Hoài niệm của tác giả đã đẩy tới đỉnh điểm khi nỗi đau mất cha vẫn chưa thể nguôi ngoai trong tâm trí. Đây cũng là câu thơ mà khiến tôi nghẹn ngào không thành tiếng. Từ đó, để lại trong tác giả là nỗi mát mát vô bờ. Chờ đợi cha về mà chỉ là hy vọng nhỏ nhoi, rồi từ đó người con lại phải thay cha gánh vác việc gia đình. Không thể không nhắc đến người mẹ của tác giả. Bà lại một mình với những đứa con. Bà đã cố gắng vượt qua nỗi đau rồi bù đắp tình yêu của người cha, người ông dành cho những người con, người cháu, chỉ mong sao chúng nên người.
Tôi rất thích lời bình của Thanh Phương và tôi nghĩ rằng tác giả Xuân Cường cũng rất vui khi có một người đồng cảm, chia sẻ và hoài niệm cùng.
Có lẽ không chỉ tôi đồng cảm với hai tác giả mà những người con của Đất Việt sẽ mãi khắc ghi ơn những Liệt sĩ đã hy sinh vì tổ quốc, những kỷ niệm về các liệt sĩ sẽ mãi còn trong ký ức những người còn sống.

 

Các bài khác: