VẼ HÌNH NHÂN
Vẽ đôi con mắt mơ màng
Nửa như rất tỉnh, nửa bàng bạc khinh
Vẽ viền môi rất chung tình
Nhưng sao giời bắt điêu linh thế nào
Vẽ hình dáng, vẻ thanh tao
Nhưng là đau trộn ngọt ngào bước đi
Vẽ bàn tay nhỏ tí ti
Vân vê yêu ghét, vỗ về khát khao
Vẽ hồn cười khóc lao xao
Ngày đùa với gió, đêm chào trớ trêu
Vẽ tóc ngắn, mặt rất kiêu
Đằng sau tiềm ẩn cô liêu mệt nhoài
Tháng bảy ngồi vẽ dông dài
Hình nhân thế mạng hình hài giống tôi
Đốt đi rồi thả lên trời
Một trăm năm nữa, xin tôi hãy về.
Thủy Hướng Dương
Rằm tháng bảy, xá tội vong nhân. Tục đốt vàng mã vẫn tồn tại. Người ta đốt hình nhân thế mạng. Hình nhân để trông coi đàn ngựa xanh đỏ… Trong đôi con mắt mơ màng của Thủy Hướng Dương lại có ý tưởng ngồ ngộ khi tự tay mình làm ra một hình nhân trong tháng bảy.
Từ việc vẽ hình nhân tháng bảy thành bức chân dung tự hoạ. Tự hoạ không theo niêm luật của hội họa. Cũng mắt cũng môi cũng tay cũng tóc. Rồi đôi mắt kia, nụ cười ấy, cả khi lao xao khóc nữa… đủ cả ái ố hỉ nộ. Xem ra tác giả muốn gửi cái đau đáu khác đang hóa vàng ngay trong lòng mình.
Cứ vịn vào văn bản chữ thì cái ý ấy chưa rõ lắm, chưa bật tung ra như tác giả mong muốn. Nhưng hết hai câu cuối thì các thứ vẩn vơ trên lại xiết chặt đội ngũ. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Thanh âm bật ra từ nỗi khóc cười lao xao cùng gió. Khí ấy bốc theo đèn trời vừa thả, bên trong lồng đèn thì rừng rực cháy, đèn nhẹ nhàng bay, thanh thản mà giấu nỗi bão giông. Ghê chưa?
Tất cả những hành trang cho chuyến đi dự định trăm năm sau quay lại. Đơn giản chỉ có vậy ư? Tôi thì không tin thế. Tôi vin vào chữ xin trong câu cuối để bàn về vấn đề này.
Đốt đi rồi thả lên trời
Một trăm năm nữa, xin tôi hãy về
Có hai giả định thế này:
Một: Kiếp này ở nhân gian chưa thoả lòng xứng ý bởi giời bắt điêu linh, đời bàng bạc khinh, bước đi trộn đau đớn ngọt ngào tùm lum nên chẳng thể rảo bước hoạn lộ hanh thông. Rồi cả những u ẩn sau khuôn mặt kia, nỗi cô liêu mệt nhoài cứ thường trực… Thế như ngộ nhận là kiếp giời đầy. Giời đầy u oa.
Hai: Thất tình. Tôi mạnh dạn nghĩ thế. Trạng thái này nó nằm trong bảy cảm xúc đặc trưng của con người. Người xưa nói thất tình, người nay hiểu chưa hẳn đúng bản chất trạng thái cảm xúc này. Tôi cho rằng “thất” hiểu như là “lỡ”. Giống như “lỡ bước sang ngang” vậy. Cảm giác này của nhà thơ càng sôi lên khi nhạc Trịnh làm nền. Những ca từ, những giai điệu của người nhạc sĩ tài hoa này đang thốt hộ tiếng lòng Thủy Hướng Dương để gió cuốn đi. Tấm lòng ấy đang hóa vàng rừng rực mà ngọn lửa lại không nóng đến thế!
Ấy là tôi cứ chủ quan mà đưa ra lời bàn của mình. Chỉ hai lựa chọn. Hai trong một. Một thứ cảm xúc duy nhất đó là nỗi buồn nhân thế. Con chữ trong thơ thì cũng không nói thẳng ra, và điều này chắc nhà thơ không nghĩ thế, ý nhà thơ không phải thế. Nhưng dù sao một văn bản chữ đã ra đời, in lại bóng mình trên trang giấy trắng thật, hay trên trang ảo, của công nghệ thông tin hiện nay, thì không thể đùa được. Bút đã sa mà.
Hay ta cứ hẹn nhau một trăm năm sau, lại có cuộc trò chuyện bâng quơ về một tứ thơ bâng quơ vừa trở về sau cuộc hành trình được thả lên trời và đã phiêu du ngần ấy năm. Khi ấy không gian trong veo, trời trong veo, gió trong veo, mây in mặt nước trong veo. Lòng ta thanh thản bàn về quá khứ, quá khứ của một trăm năm trước. Bàn về cái đẹp bất biến, cái đẹp cổ điển, kinh điển và gì gì nữa mà thực ra vẫn là bàn về cái hôm nay vừa xảy ra, đã xảy ra, đang xảy ra cứ đau đáu ấy mà thơ ca không thể lấp đầy. Để ngộ lại cái câu kinh điển đã học đã đọc: Văn học là nhân học vậy.
Ngày 6/7/2011
Vân Đình Hùng
Điện thoại: 0988000816
Email: vandinhhung@gmail.com