Có một danh nhân đã nói: "Kỳ quan lớn nhất trên đời này là trái tim người mẹ". Nói về Mẹ là cả một kho tàng văn chương như suối nguồn tuôn chảy, không bao giờ hết! Đó là một thứ tình cảm độc đáo, thiêng liêng cao quý không gì sánh nổi. Từ vô thỉ đến nay, và mãi mãi, tình cảm đó đã đi vào lòng người nhẹ nhàng, êm ái, sâu sắc và bất diệt...
Trong kinh Phật, công ơn Cha Mẹ to lớn hơn biển và trời, cho nên làm con lấy chữ Hiếu làm đầu và đây là “Phúc đức lớn nhất” của con người. Vì vậy mà trong ca dao cũng thể hiện rất rõ:
HIẾU KÍNH CHA MẸ:
- Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Đây là tấm lòng hiếu thảo của con:
- Mỗi năm mỗi thắp đèn trời
Cầu cho Cha Mẹ sống đời với con.
- Gió đưa cây lựu lý hương,
Xa cha, xa mẹ, thất thường bữa ăn
Sầu riêng, cơm chẳng muốn ăn
Đã bưng lấy bát, lại dằn xuống mâm.
Ngày nay, con được thành đạt võng lọng thênh thang, ấy cũng là do phức đức của ông bà cha mẹ để lại, vì vậy mà ơn này con chớ quên:
- Khôn ngoan nhờ ấm ông bà
Làm nên, phải nhớ mẹ cha phụng thờ
Đạo làm con, chớ hững hờ
Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm.
Mẹ cha là cả một trời thương yêu bất tận:
Mẹ Cha là cả trời thương
Là ngưồn sống của Thiên Đường trần gian.
Cha mẹ già, theo quy luật là phải lần lượt qua đời, để con ở lại bơ vơ, dù lớn tuổi, con mà mất cha mẹ cũng như đứa trẻ mồ côi:
- Còn cha còn mẹ thì hơn,
Không cha, không mẹ như đờn đứt giây!
- Chiều chiều xách giỏ hái rau
Ngó lên mả mẹ, ruột đau như dần.
- Chiều chiều ngó ngược ngó xuôi
Ngó khộng thấy mẹ bùi ngùi nhớ thương.
CÔNG ƠN CHA MẸ:
Nếu nói đến công ơn cha mẹ thì dù cho núi có cao bao nhiêu, biển có rộng bao la chừng nào, thì cũng không thể có bút mực để diển tả cho hết được. Công khó nhọc sinh thành dưỡng dục, thuở còn là thai nhi, cũng như khi mới là hài nhi ngo ngoe trong nôi, đêm ngày bồng bế trên tay. Khi chập chững biết đi, nhai cơm, mớm sữa:
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương.
Trong cuộc sống, khi nhắc đến ý niệm về mẹ, thường không thể tách rời ý niệm về tình mẫu tử dạt dào, nồng ấm đầy ấp thương yêu:
- Một đời vốn liếng mẹ trao
Cho con tất cả, mẹ nào giữ riêng.
Mẹ nhường nhịn cho mọi người trong gia đình, nhất là đối với con, những miếng ngon, miếng ngọt đều để dành cho con, săn sóc từng chút sức khỏe của con, mong con chóng lớn:
Bắt con vịt nước nhổ lông.
Phần chồng miếng nạc, miếng lòng phần con.
Từ khi con hiện diện trên thế gian này, mẹ đã phải mang nặng đẻ đau, chăm chút cho con lúc còn bé, cũng như khi lớn lên cho đi học, rồi dựng vợ gã chồng, lo sự nghiệp tương lai. Ân đức cù lao này to rộng bao la, không bút mực nào ghi chép, diễn tả cho vừa:
Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.
Chim trời ai dễ đếm lông
Nuôi con, ai dễ kể côn tháng ngày.
HÌNH ẢNH NGƯỜI MẸ GIÀ:
Trong ca dao, tục ngữ, nếu chúng ta quan tâm một ít, đều thấy rằng người xưa đã ghi lại rất nhiều hình ảnh của bà mẹ già. Đó là điều mà các người con cần phải suy nghĩ! Mỗi người sẽ có những suy tư riêng, nhưng gợi nhớ nhất là tình mẫu tử vốn dĩ thiêng liêng và màu nhiệm:
- Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một như đường mía lau.
- Đi đâu mà bỏ mẹ già
Gối nghiêng ai sửa, kỷ trà ai nâng.
Tuổi già là khô cằn, xơ xác, tóc bạc, răng long, chân yếu, tay mềm. Đó là cái thể xác của thời gian, nhưng trái tim nóng bỏng yêu thương vẫn không hề thay đổi.
- Đói lòng ăn hột chà là
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.
- Mẹ già như mít chín cây
Gió đông cũng sợ, gió tây cũng buồn.
LẤY CHỒNG XA XỨ, NHỚ MẸ:
Thời buổi bây giờ, nhiều người con gái lấy Việt kiều, vì kinh tế, lấy chồng Đài Loan, Mỹ, Anh, Pháp... những nỗi đau buồn, quyến luyến gia đình, người thân ruột thịt, nhất là người mẹ thân yêu nơi quê nghèo không ai đỡ đần, chăm sóc:
- Ghe bầu trở lái về đông
Con gái theo chồng, bỏ mẹ ai nuôi.
- Chiều chiều ra đứng ngỏ sau
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều.
KẾT LUẬN:
Ca dao về mẹ là một trong những áng văn bất tử trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Nó phản ảnh tình cảm thiêng liêng, cao quý nhưng lại rất gần gũi giữa cuộc sống đời thường. Ca dao về mẹ đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng, êm ái và đọng lại rất sâu...
Minh Yến (sưu tầm)