Mẹ đi tái định cư
Tuổi già gần đất, xa trời
Lom khom chống gậy theo người định cư
Ngoái trông lau trắng phất cờ
Ngoái trông sương khói mịt mờ xa xôi
Thần Hoàng, Thổ Địa con ơi!
Que hương cắm đất, lên trời khói bay
Miếu thiêng còn mãi nơi này
Chắp tay mẹ lạy những ngày trần gian
Cây cau với lá trầu vàng
Đã thành cổ tích chứa chan tình người
Bê tông lấn ruộng, chiếm đồi
Làng quê.
Nguồn cội.
Đâu rồi…!?
Khó tin…
Đất hương hỏa
Đỏ mắt nhìn
Mồ cha
Mả mẹ
Nghĩa tình
Rưng rưng!...
Làm sao hài cốt đi cùng
Mộ chồng mới mất
Mé rừng chênh chao
Bây giờ
Mẹ biết làm sao
Ra đi đã quyết…
Lẽ nào…
Niềm riêng
Núi sông còn đó hồn thiêng
Tâm linh còn có một miền giao thoa
Đầu làng bật gốc cây đa
Giật lùi mẹ bước
Mắt nhòa lệ rơi!
Lê Văn Vỵ
Tập thơ gần đây nhất của Lê Văn Vỵ có tên là “Ngộ” (Nxb Hội nhà văn, 2010). Đọc thơ Lê Văn Vỵ tôi cứ nghĩ về cái tên ấy, rằng thơ là sự chứng ngộ của tác giả về một điều gì đó trong cõi nhân sinh và thơ đồng thời cũng tạo một đột phá ấn tượng vào sự cũ mòn trong mỗi người đọc. Đó là sự đúc kết một quan niệm về thơ, quan niệm nhập thế chứ không thoát tục. Đọc “Mẹ đi tái định cư” tôi càng tin vào điều mình vẫn nghĩ.
Đọc qua, nhắm mắt lại hình dung, ta thấy bài thơ như vẽ nên một hoạt cảnh với nhịp thơ lúc nhanh lúc chậm đầy bất trắc. Cảnh hiện ra chớp nhoáng nhưng nét nào cũng ấn tượng, như khắc vẽ vào tấm trí người xem, không quên được – ngay cả khi đã nhắm mắt lại. Cái cảnh khá phổ biến ở đất nước đang hướng đến một nền công nghiệp như nước ta đó là sự quy hoạch dân cư đến những nơi ở mới, nhường đất cho những dự án kinh tế - xã hội. Trong cuộc chuyển dời để tái định cư ấy nảy sinh biết bao vấn đề nan giải. Những người dân đất Việt ngàn đời sống bằng kinh tế nông nghiệp lúa nước, sống theo vòng quay không đổi của chu kỳ canh tác vốn ngại sự đổi thay, ít có nhu cầu chinh phục và tạo lập cái mới. Điều đó đã trở thành nét riêng của văn hóa xứ sở này rồi. Thế nên, nhận thức về vấn đề phát triển bền vững trong bối cảnh ấy được cả xã hội hết sức quan tâm. Và Lê Văn Vỵ, với một trái tim đầy trách nhiệm công dân cùng với sự mẫn cảm của một người làm báo, đã bất ngờ lên tiếng bằng thơ.
Lựa chọn hình tượng trữ tình là mẹ, tôi cho rằng đó là điều đắc địa nhất của tác giả ở đây. Với cái “tứ” của bài thơ này, hoàn toàn có thể hạ bút làm nên một bài phản ánh mang màu sắc báo chí đầy hấp lực. Nhưng Lê Văn Vỵ không làm thế, bởi trái tim người đòi thốt thành thơ. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là kiểu nhân vật trữ tình hoá thân, nhà thơ vừa tách mình ra để miêu tả mẹ, vừa nhập vào mẹ để thốt lên những tâm tư sâu kín nhất. Tái định cư có nghĩa là đi tạo dựng cuộc sống mới, xa nơi ở cũ, xa quê hương. Quê hương trong tiềm thức mỗi người vốn rất thiêng liêng. Raxin Gamzatov từng nói về mối quan hệ đó rất sâu sắc: Người ta có thể tách con người ra khỏi quê hương nhưng không thể tách quê hương ra khỏi con người. Thể hiện mối quan hệ gắn bó đó có hình tượng nào đắc địa hơn hình tượng người mẹ?! Thể hiện sự chia tách kia bằng hình tượng người mẹ đi tái định cư, có gì nhức nhối hơn không?
Sự thay đổi với người già thật tội nghiệp:
Tuổi già gần đất, xa trời
Lom khom chống gậy theo người định cư
Chấp nhận sự chuyển dời nhưng lòng mẹ đầy lưu luyến:
Ngoái trông lau trắng phất cờ
Ngoái trông sương khói mịt mờ xa xôi
Trong niềm tiếc nuối “ngoái trông” ấy, có những nỗi băn khoăn đầy chua xót của một con người sống gắn bó với cội nguồn quê hương. Cái quan niệm “Sống bằng mồ mả, không ai sống bằng cả bát cơm” của người Việt vận vào hoàn cảnh này thể hiện hết ý nghĩa:
Đất hương hoả
Đỏ mắt nhìn
Mồ cha
Mả mẹ
Nghĩa tình
Rưng rưng!...
Làm sao hài cốt đi cùng
Mộ chồng mới mất
Mé rừng chênh chao.
Đó là những niềm riêng không dễ gì nói lên được thành lời. Nhà thơ đã tinh tế lắng nghe và thấu hiểu những trăn trở âm thầm đằng sau thái độ “Ra đi đã quyết” đầy quyết đoán ấy. Đồng cảm với mẹ, với người dân quê, để rồi khi trở về với cái nhìn ngoài cuộc, tác giả thể hiện điều mình chiêm nghiệm: “Núi sông còn đó hồn thiêng/ Tâm linh còn có một miền giao thoa”. Sợi dây gắn bó mẹ với quê, con người với nguồn cội là sợi dây vô hình, là những vòng sóng giao thoa vi diệu. Bởi thế, nếu vô tình sẽ rất dễ chạm vào và làm thương tổn!
Từ chiêm nghiệm ấy, nhà thơ bỗng hướng ngoại, để thấy:
Đầu làng bật gốc cây đa
Giật lùi mẹ bước
Mắt nhoà lệ rơi!
Bài thơ kết thúc trong cảm giác thảng thốt bàng hoàng. Sau cảm giác ấy là muôn vàn những ngẫm suy. Hình ảnh cây đa bật gốc đầu làng và hình ảnh mẹ rơi nước mắt bước giật lùi là những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng, tác động mạnh mẽ vào nhận thức người đọc, có ý nghĩa cảnh báo với toàn xã hội về việc phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với quan tâm đúng mức các giá trị văn hoá tinh thần. Có như thế, việc kiến thiết để phát triển đất nước mới bền vững được.
Với nhiều người, bài thơ “Mẹ đi tái định cư” xứng đáng là một tài liệu tham khảo sâu sắc mà sinh động đang chờ sự đồng cảm!...
21/ 07/ 2011
Nguyễn Thanh Truyền