BIỂN VÀ EM
Tặng T.
Viết tên em giữa cát mềm
Bâng khuâng nhớ, anh lục tìm dấu xưa
Trời buồn ngại nắng ngại mưa
Cánh buồm neo ngọn gió xưa hững hờ
Triều dâng con nước bơ vơ
Hoàng hôn rơi nắng vắt hờ cánh chim
Bài thơ anh giấu vào đêm
Gió vô tình đọc lời tim tỏ tình
Chiều lặng thinh, biển lặng thinh
Chỉ mình anh với một mình không em
Trăng buồn khỏa giữa thiên nhiên
Vắng em biển cũng ưu phiền giống anh
Em sang trời ấy còn xanh?
Anh tan vào những thác ghềnh đêm mơ...
Lê Minh Dung
Biển trong tôi sao da diết quá! Ngay từ thời thơ ấu, tôi đã hay chép những vần thơ về biển, thích hát những ca khúc về biển. Và tự bao giờ, cứ đọc và nghe về biển là xúc cảm lại trào dâng. Phải chăng vì những con sóng vỗ ngàn năm, sự vô tận của đại dương sâu thẳm, tất cả đều có thể gợi ra sự mênh mông của cuộc đời và của lòng người? Có lẽ vậy. Có một bài thơ đã nói về cái mênh mông ấy, cái mênh mông của nỗi nhớ cũng giống như sự mênh mông của biển khơi và mang một nỗi buồn vô tận – Bài "Biển và Em" của tác giả Lê Minh Dung.
Bài thơ giống như một bức tranh về biển. Nơi ấy, có một người đang đứng lặng trên bãi cát với tâm trạng dâng đầy:
Viết tên em giữa cát mềm
Bâng khuâng nhớ, anh lục tìm dấu xưa
Trời buồn ngại nắng ngại mưa
Cánh buồm neo ngọn gió xưa hững hờ
Viết tên em trên cát – hình như đó là một việc mà những người yêu nhau rất hay làm khi một mình trước biển. Mỗi nét chữ mềm mại tạo nên tên em in hằn trên cát đã gợi cho anh bao nhiêu nỗi nhớ: "Bâng khuâng nhớ anh lục tìm dấu xưa". Kỷ niệm ngọt ngào bên nhau đã được hình tượng hóa thành "dấu xưa" trong nỗi bâng khuâng khi anh cố "lục tìm" lại tất cả. Nhưng có tìm được không, hay chỉ là một sự trống vắng cô đơn? Nỗi buồn ấy khiến cho cảnh vật cũng nhuốm đầy tâm trạng: Nắng mưa cũng "ngại" giữa trời, ngay cả ngọn gió cũng trở nên mệt mỏi không đủ sức đẩy buồm ra khơi: "Cánh buồm neo ngọn gió xưa hững hờ". Sự hững hờ ấy đâu phải của gió, mà là của em trong những âu lo của người đứng trước biển: Em còn nhớ hay em đã quên những kỷ niệm năm nào?
Nỗi nhớ nỗi buồn đã tìm đến với hoàng hôn sóng nước, để cả chiều trước biển cũng trở nên mong manh trong anh:
Triều dâng con nước bơ vơ
Hoàng hôn rơi nắng vắt hờ cánh chim
Bài thơ anh giấu vào đêm
Gió vô tình đọc lời tim tỏ tình
Thủy triều dâng lúc hoàng hôn là một quy luật tự nhiên, nhưng ở đây, nó đã trở thành triều dâng trong lòng người khi xa cách. Nỗi nhớ khiến con người cảm thấy "bơ vơ" hơn bao giờ hết, nên nhìn con sóng cũng thấy nó cô đơn. Và vì thế mà ngay cả cánh chim bay cuối trời cũng se sắt lòng. Hình ảnh "Hoàng hôn rơi nắng vắt hờ cánh chim" sao mà đẹp, sao mà chơi vơi đến thế! Những giọt nắng cuối ngày đang đậu trên cánh chim chiều, và cánh chim đang chuyên chở giúp con người một niềm hy vọng mong manh. Một bước chuyển của thời gian nhẹ nhàng hiển hiện trong khổ thơ này: Từ lúc "hoàng hôn rơi nắng" đến khi đêm về, một khoảng thời gian ăm ắp nỗi niềm, để rồi một bài thơ nhung nhớ đã tràn ra trên trang giấy. Biết giấu vào đâu tâm tư ấy? Giấu vào đêm, giấu vào cõi lòng sâu thẳm của mình, sâu như đêm dài thăm thẳm…. "Bài thơ anh giấu vào đêm", như không muốn cho ai biết tấm lòng của mình, sự thổn thức của trái tim mình. Bởi lẽ những người đàn ông thường không muốn để cho người khác thấy sự yếu đuối của mình, nên có lúc phải gồng mình lên mà chống đỡ lại những cồn cào đang vò xé trái tim. Nhưng càng như vậy, lại càng thấy thật là khó, nên phải trải lòng với gió với mây! Và những cơn gió trong đêm sâu đã hiểu thấu tâm tư sâu kín ấy. Cách viết về gió mới trữ tình làm sao! "Gió vô tình đọc lời tim tỏ tình". Thế là không định nói "tỏ tình" vẫn cứ vô tình buột miệng, không kìm giữ được! Làm sao ra khỏi quy luật này của con tim: Một khi đã yêu rồi, thì chỉ mong được nói lời tình yêu với người ấy mà thôi. Cho dù người ấy có đồng ý hay không, thì con tim cũng đỡ phần nào vò xé… Cái trạng thái hồi hộp đợi chờ, lo âu phấp phỏng trong tình yêu, đã được gửi gắm thật nồng nàn và đầy ngụ ý chính trong cái từ "vô tình" của gió ấy!
Nhưng càng như vậy, thì lại càng thấy cô đơn. Đứng trước biển, một cảm giác ngợp mình trước cái vô tận của thiên nhiên làm con người thấy mình thật bé nhỏ:
Chiều lặng thinh, biển lặng thinh
Chỉ mình anh với một mình không em
Trăng buồn khỏa giữa thiên nhiên
Vắng em biển cũng ưu phiền giống anh
Một sự im lặng đến không ngờ! Ngỡ rằng sau khi gió đã "vô tình" đọc được "lời tim tỏ tình" kia thì sẽ khác, nhưng hóa ra không phải. Sự "lặng thinh" của chiều, của biển hay là sự vô tình của con người đây? Cuối cùng, vẫn chỉ mình anh thôi, mình anh đối diện với con tim đang trào dâng nỗi nhớ khắc khoải khôn nguôi. Vì thế, sự cô đơn đã trở thành tuyệt đối! "Chỉ mình anh với một mình không em". Sự cô đơn đã tỏa lan, thấm vào cảnh vật, từ lúc hoàng hôn cho đến khi vầng trăng miên man tỏa sáng "khỏa giữa thiên nhiên". Đẹp và buồn biết bao! Biển cũng trở nên ưu phiền như anh đang sầu muộn. Có hình ảnh nào gợi trong anh nỗi buồn hơn thế?...
Và hai câu cuối cùng đã chìm vào nỗi đau đớn tận cùng:
Em sang trời ấy còn xanh?
Anh tan vào những thác ghềnh đêm mơ...
Đến đây thì người đọc đã hiểu ra rằng, "em" không thể đến với "anh" vì em đã "sang trời ấy". Em đã có một bầu trời khác bao bọc rồi, làm sao có thể thay đổi được đây? Chỉ còn lại nơi anh những thác ghềnh của mơ ước. Nó khiến cho anh đau đớn đến mức muốn tan chảy. Có lúc muốn trỗi dậy như con nước vượt thác ghềnh, nhưng rồi sau đó lại càng thấy cô đơn. Và càng cô đơn, lại càng mơ ước… Cứ thế, tâm trạng ấy đau đáu mãi không thôi. Biết đến bao giờ mới nguôi ngoai nỗi niềm muôn thuở?...
"Biển và Em" – Sự vô tận của tâm hồn, sự mênh mang của nỗi nhớ, sự tha thiết của một trái tim yêu! Bài thơ lục bát của tác giả Lê Minh Dung đã đi vào nỗi nhớ của người yêu thơ như thế!...
29/6/2011
Quỳnh Trâm