Thứ sáu, 27/12/2024,


Lạ lùng thay, lục bát! (01/07/2011) 
 
Lạ lùng thay, lục bát!
 (Đọc tập thơ Lục bát làng của Hồ Phong Tư - Nhà xuất bản Hội nhà văn 2011)
 
      Nhìn tên tập thơ “Lục bát làng” bỗng thấy có vẻ xưa và… cũ! Giữa nhịp điệu đô thị hóa đến chóng mặt như “Rốc”, như lốc cuốn hàng ngàn lượt người ngày nào (chứ không chỉ hôm qua) cũng thoi đưa từ quê lên tỉnh, từ tỉnh về quê… Vậy mà đã “lục bát” rồi, lại còn đóng khung trong “làng” nữa! Có chật hẹp quá chăng?
      Nhìn mục lục tập thơ có tới ngót nửa trăm bài với những cái tên “Hoa thiên lý”, “chốn xưa”, “Chiều Đồng Mô”, “Chợ Viềng”, “Tháng giêng trảy hội”, “Lên chùa”, “Ở đền”… Liệu có cái gì mới?
     Thử đọc: Gần thôi gần đến khẽ khàng. Đã có ai viết về làn hương hoa Thiên lý ngay trước hiên nhà, thứ hoa: Dịu vàng năm cánh nhỏ nhoi, nhỏ đến như “vô hình”, dường như: Vắt hết đời mình để thơm? (Hoa Thiên lý).
       Thì em cứ việc đờn ca/ Thì tôi cứ uống như là không em/…. Em vô tình Tôi vô tình/ Hững hờ đôi bóng lặng thinh chốn này. Sao lại có cuộc giao lưu âm thanh “dửng dưng” đến thế? Ấy là “Tiếng đờn đêm” của cô gái mù vọng đến chỗ người khách lạ ngẫu nhiên dừng lại uống rượu ven đường. Không ai biết ai. Ấy thế nhưng mà thật kỳ lạ: Tiếng đờn em gửi về đâu/ Hơi men tôi buộc đáy sâu lòng mình. Cái ngẫu nhiên đồng điệu nơi đất mũi Cà Mau này chừng còn gây nhiều lan tỏa cho người thơ khi đứng trước ngọn núi Hờn ở chót tỉnh Cao Bằng: Giận hờn chi thế núi ơi/ Ngàn năm để trắng một trời hoa lau/ Gần nhau mà chẳng thấy nhau/ Núi đau lòng núi, người đau lòng người (Núi Hờn). Nó lan tỏa sang cả những ai đó đang phải Gồng mình gánh một chữ Tâm/ Cô đơn đi giữa lỗi lầm thế gian. Nó lan đến cả sự yên bình, tĩnh tại nơi đền, chùa: Đêm qua mưa gió ngập trời/ Tôi buồn biết tượng đền tôi có buồn? Hỏi tượng cũng là để một lần nữa hỏi lại chính mình xem có còn đủ cảm thương trước những nghịch cảnh: Tiền, vàng đè trĩu tay ngai/ Oan cho xéo cỏ lụi hai bên đường (Ở đền). Và đến cả Phật nữa! Sau những ngộ nhận: Bụi trần tảy sạch hư không/ Bàn chân nhẹ giữa bềnh bồng khói sương, thì lại vẫn cần những khắc khoải thật đời: Phật đau cho những kiếp đời/ Qua bao nhiêu kiếp liệu rồi hết đau?/ Ngàn năm trước, ngàn năm sau/ Đi sao cho hết một câu Vô thường! (Lên chùa).
          Từ “Hoa Thiên lý” đến “Tiếng đờn đêm”, “Qua đền gặp Lời cụ Từ” rồi “Lên chùa’… Người đọc khó mà dứt được cái mạch ngầm liên tưởng giàu nội tâm này.
           Đọc sách xưa thì có gì là mới? Không cứ gì sách xưa, mà cho đến cả sách nay vừa in xong chưa ráo mực, cũng chỉ là những điều đã qua, đã là “cố sự”. Nhưng cái giật mình để “tri tân” (nếu còn biết giật mình) thì không bao giờ cũ cả! Ngày suông dở sách ra xem/ Ngổn ngang chữ nghĩa lấm lem sự đời… Bao nhiêu đổ hết cho Giời / Giời ngồi Giời khóc cái thời đảo điên. Giời mà cũng phải khóc thì không thể đùa được! Việc của từng người đang sống mới nặng nề làm sao trước những “thuốc lú”, “bùa mê” đến để: Chìm thì sen, nổi thì bèo/ Lim già bỏ mục, tre pheo dựng chùa! Và muốn trả lại cho đúng mọi giá trị thì không còn cách nào khác là phải biết thuốc lú Bùa mê dấu ở cầu ao/ Đem ra thả để mưa rào cuốn đi (Mưa rào cuốn đi)…
           Mưa rửa đền! mưa rửa đời! Quý biết bao những cơn mưa giải hạn, dũng mãnh và trong trẻo mở đường cho những nhuần thấm, xanh tươi…
            Đọc sách xưa cũng giống và cũng cần như nhiều khi người ta phải tìm về chốn cũ với những cảm xúc đau đớn và cả lớn lao: Máu hoen đất cũ chiến hào/ Lặng nghe sóng dậy lao xao tứ bề/ Hoa lau trắng dọc câu thề/ Có người lính cũ tìm về bến xưa (Qua Sông Lô). Măng rừng trộn với ớt cay/ Rượu cần ai uống ai say một đời/ Đường lên… Mây trắng xa xôi / Biết đêm còn nhớ đợi người như trăng (Điện Biên mơ). Lục bát có cái cách tìm về sự dân dã của hoa lý và cũng có cách tìm về hoa lan-vương hậu của các loài hoa- bằng những vần thật đẹp, cái vẻ đẹp giầu suy tưởng: Thôi đừng gọi hậu, phong vương/ Cỏ hoa xin mãi bình thường cỏ hoa. Mỗi thể thơ đều có những vẻ đẹp riêng khi nó được tâm tình mời gọi chứ không phải ý thích lý trí của người viết. Cũng như sự gặp gỡ giữa chim, hoa và dòng sông chớm tiết xuân tơ đã thiết tha mời gọi lục bát: Xuân vừa tơ nõn bến sông/ Ngõ quê đào vội ủ hồng nụ hoa/ Có con chim khách la đà/ Cứ kêu gần lại kêu xa… rối lòng (Xuân tơ). Một kiệt tác ở Kinh thi: Chàng ở đầu sông Tương/ Thiếp ở cuối sông Tương/ Cùng uống nước sông Tương/ Nhớ nhau không gặp mặt. Sau vài ngàn năm lang thang sang Nam Việt gặp lục bát sông Cầu bỗng hay đến… thổn thức: Sông Cầu nước chảy lơ thơ/ Đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi/ Ra sông lại nhớ tới người/ Xuống sông uống nước cho nguôi tấm lòng. Cũng một ngụm nước ở thơ năm chữ (Đồng ẩm tương giang thủy), nhưng sang cái dịu lặng thênh thang của lục bát, trong nón nước múc từ sông lên của cô gái Việt như còn có cả hình bóng người thương nơi đầu sông thấm vào làn nước làm dịu mát tận đáy lòng! Không rõ có dân tộc nào có một thể thơ vừa có khả năng trùm lên sông núi, vừa có khả năng thấm đến những ngõ ngách tâm hồn riêng tư mọi lớp người như thể thơ lục bát Việt Nam? Nó dễ dàng biến thành ca từ cho hàng ngàn ca khúc từ ví, dặm, xẩm, xoan, trống quân, cò lả, quan họ, ghẹo, chèo… Nó có thể giúp Tản Đà việt hóa Trương Kế để hai ông cùng cho ta hai siêu phẩm thơ: Trăng tà, chiếc quạ kêu sương/ Lửa chài, cây bến , sầu vương giấc hồ Song song với: Nguyệt lạc, ô đề sương mãn thiên/ Ngư phong, ngư hỏa, đối sầu miên… Nó có thể bâng khuâng dịu dàng tới mức: Rừng thu từng biếc chen hồng/ Nghe con chim gọi tấm lòng thần hôn (Nguyễn Du). Lại cũng có thể vật vã đến mức: Phong trần tới cả sơn khê/ Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.(Nguyễn Gia Thiều).
             Tôi quý tập thơ này trước tiên là ở tấm lòng… Lục bát của tác giả. Anh đã biết gọi mời lục bát bằng cả tình thơ, tứ thơ, nhập điệu cảm xúc khiến lục bát cũng mở lòng khi đến với anh mà không quá lo bị trùng lặp, nhàm chán như đã có người nói: “Sự lười biếng lần mần/ Đôi khi được thương cảm/ Sự lười biếng có vần/ mới tận cùng thê thảm.”. “Niêm và luật/ Điệu và vần/ không ai bịa ra đâu/ Nó phục sẵn trong từng loài thanh quản/ Trong tiếng hú đầu tiên của bộ tộc ấy/ Rồi cứ thế lùa các nhà thơ/ vào các bài thơ/ như lùa vào trong rọ…/ Thơ giả sẽ khóc ròng/ Còn thơ thật sẽ thoát ra cùng gió…”
             Có lẽ, với dân tộc ta, lục bát đã “phục sẵn” trong từng thanh quản, trong tiếng hú gọi đàn đầu tiên của bộ tộc Việt.
            Quá nửa cuộc đời sống và trăn trở, viết, chọn ra  bốn mốt bài lục bát bên cạnh hàng trăm bài thuộc các thể lọai khác. Sáu mươi tuổi mới in thơ! Chẳng có Luật Quốc tế nào quy định tuổi in thơ trong tình hình in ấn thỏa mái như mấy mươi năm gần đây. Sự in ấn muộn mằn cẩn trọng của anh phải chăng cũng là một mối tình thơ… trang trọng? 
 
Nội 12/5/2011
 
Nhà thơ Trần Ninh Hồ
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Mai Xuân Hiệp - dieuhanh61@yahoo.com.vn - 0908.323329 - 9A Trần Phú,Ninh Kiều, Cần Thơ  (Ngày 20/07/2011 15:11:29)

"Có lẽ, với dân tộc ta, lục bát đã “phục sẵn” trong từng thanh quản, trong tiếng hú gọi đàn đầu tiên của bộ tộc Việt."
Câu này hay quá bác Trần Ninh Hồ ơi! Phải chăng vì vậy mà chỉ Việt Nam mình mới có Thơ Lục Bát!

  Đào Tuyết Thành - daotuyetthanh@gmail.com - 0123 228 2766 - Tân hội Đan phượng HN  (Ngày 16/07/2011 10:08:13)

ĐTT đã đọc bài viết sâu sắc của nhà thơ Trần Ninh Hồ và comment của cụ Nguyễn Thanh Hà. Điều đáng ghi nhận là thơ Lục bát vốn là di sản của người Việt Nam, nó gắn bó với tất cả các tầng lớp nhân dân ta. Việc có một sân chơi Lục bát là rất cần thiết và bổ ích. Tuy nhiên xin dành sân chơi này đến tất cả mọi " nhà thơ vườn " là điều không dễ. Nhưng lại rất cần thiết. Lại nữa, điều mà một số người còn lưu tâm ấy là về khía cạnh còn tiềm ẩn những hạn chế khi tham gia vào sân chơi và những ý tưởng cải cách chưa được nhiều người đồng tình.
Nếu đọc Nguyễn Du và nhiều Tg kinh điển của thơ Lục bát, thì ngôn từ và cách biểu đạt rất mượt mà, đằm thắm và dân dã, không cầu kỳ, không đánh đố, bài thơ cứ rót vào lòng người . Rất tiếc vẫn còn những mảng thơ không hoàn toàn như vậy, kiểu như Chèo pha thêm nhạc mới , nghe không hay được.
Xin mạn phép đàm đạo cùng quý anh và mong các vị đóng góp nhiều hơn cho Thơ Lục bát. cảm ơn . ĐTT

  Nguyễn Thanh Hà - nguyenthanhhahy@gmail.com -  -   (Ngày 01/07/2011 16:02:22)

Đọc đi đọc lại đến ba lần bài viết của Nhà thơ Trần Ninh Hồ trong trang mạng Lục bát com ngày 1-7, tôi cứ dâng lên một cái gì đó trong tâm trí. Tôi chỉ là một người yêu thơ và có tập làm thơ, mặc dù nay đã 76 tuổi. Vì thiếu người nên địa phương mới cử tôi làm Chủ nhiệm CLB thơ của xã. Nhận nhưng loay hoay không biết phải làm như thế nào để đưa phong trào thơ ở địa phương lên. Cũng may, câu lạc bộ của chúng tôi hiện có đến 30 thành viên gồm các giáo viên về hưu, cán bộ công chức nghỉ hưu và mất sức lao động, một số giáo chức, có cả các chị phụ nữ tham gia. Tôi động viên họ, làm thơ hay không phải chuyện dễ nhưng không phải không làm được. Còn thể loại ư ? Tùy theo. Tuy nhiên, câu lạc bộ của chúng tôi đã đứng vững được 20 năm, độ một phần tư số hội viên đã về nơi vĩnh hằng, chúng tôi lại có thêm hội viên mới. Đa số hội viên thích làm thơ lục bát. Tôi tham mưu cho Ban biên tập Đài truyền thanh xã nên đưa thơ vào các chương trình truyền thanh cơ sở. Ban biên tập đồng ý và suốt 20 năm nay, Đài truyền thanh xã chúng tôi duy trì được chương trình riêng của mình, không chỉ đơn thuần là đọc thông báo, hoặc báo tin tìm trẻ lạc nữa. Đọc kỹ bài của Trần Ninh Hồ, tôi càng nhận ra một cách khá sâu sắc Lục bát là dòng thơ Dân Tộc. Nay lục bát lại còn mang hơi thở của thời đại, còn là thể thơ được bay lên trời, thể thơ không biên giới, đến với các bác cao tuổi cũng như bà con Việt kiều đang sinh sống ở các nước trên thế giới. Lục bát còn đang được đề nghị được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam. Xa xưa, nếu Trung Quốc có các nhà thơ sống vĩnh cửu như tôi biét là Đỗ Phủ,Lý Bạch, ở Nga có Puxkin và Việt Nam có Nguyễn Du, đều là những bậc thiên tài về thơ nói chung, không những làm giầu ngôn ngữ dân tộc mà còn là những nhà thơ "sống vĩnh cửu" trong lòng các dân tộc của họ và là tài sản vô cùng quý của nhân loại.

Anh (xin phép được gọi anh là anh, không rõ anh bao nhiêu tuổi, tôi đã 76 tuổi, nếu kém tôi, xin phép được coi anh là "hiền đệ" và nếu hơn, xin tôn anh là "sư huynh", anh đã có một bài viết rất đáng đọc rất đáng ghi nhớ về thơ lục bát. Đúng như đầu đề bài viết của Trần Ninh Hồ: "Lạ lùng thay, lục bát" Không những lục bát "lạ lùng" mà còn "thần kỳ" nữa, anh Trần Ninh Hồ ạ. Tôi không làm cái việc "khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai !" đâu, mà nghĩ thế nào thì nói thế, không màu mè nịnh bợ ai, không tâng bốc ai để mưu lợi riêng. Vì đã 76 tuổi, không còn thời gian để làm cái việc vô ích ấy nữa. Tôi tham gia Lục bát com không phải vì danh, càng không phải vì tiền, vì Lục bát com đâu có nhuận bút, trong khi người già vẫn cần tiền để đong gạo chứ. Tôi yêu Lục bát com vì đây là một sân chơi không chỉ bó hẹp ở "làng" mà còn rộng ra ở "nước" và cả quốc tế nữa. Tôi tự hào về thơ lục bát Việt Nam. Lục bát rất có thể vừa dân tộc vừa đại chúng, lại có thể hiện đại nữa. Hiện đại nhưng vẫn trên sáu dưới tám chữ chứ không phải "hiện đại" là bẻ câu thơ làm hai làm ba làm bốn rồi bắt bó phải leo thang khó nhọc. Anh Trần Ninh Hồ hiểu tôi muốn trình bầy ý kiến gì chứ ?

Rất tiếc là chúng ta chưa có hoàn cảnh ngồi với nhau để "đàm đạo" về thể thơ trác tuyệt này. Rất mong có dịp, dù chỉ là một lần trước khi về thế giới bên kia, được gặp những nhà thơ đã vang danh và cả những nhà thơ trẻ ham làm thơ lục bát để cùng nhau uống chén nước trà trong cùng đồng điệu. Thân kính chào anh Trần Ninh Hồ và cảm ơn Trang mạng Lục bát com. Xin cảm ơn !  

Nguyễn Thanh Hà, cựu phóng viên, biên tập TTXVN, nay làm dân thôn quê, là người yêu thơ./.

Các bài khác: