HAI NHÀ
Hai nhà lưng dựa vào nhau,
Cành xoan bên ấy ngả đầu sang đây.
Lá sả đấy gội đây say,
Ru em bên ấy bên này thiu thiu.
Hôm qua bên ấy lẩy kiều,
Bên này căm mãi cái mưu Tú Bà.
Mải nghe chênh chếch trăng tà,
Đầu hồi bên ấy ngả qua bên này.
Sáng ra nắng trĩu cành cây,
Mái lá bên này choàng cả bên kia.
Vĩnh Phúc 1962
Hữu Thỉnh
Bài thơ “Hai nhà” có ba tầng nghĩa. Tầng nghĩa thứ nhất là cảnh. Cảnh hai ngôi nhà quay lưng vào nhau_Một, quay bên tây và một, quay bên đông. Cả hai nhà đều trồng cây. Cành xoan nhà bên tây ngả sang nhà bên đông. Và buổi sớm, ánh nắng mặt trời chiếu nhà bên đông rợp bóng sang nhà bên tây.
Cảnh là phương tiện để bộc lộ tình. Trước nhất là tình làng nghĩa xóm, tình bà con láng giềng thân thuộc. “Hai nhà”, trong tầng nghĩa thứ hai được hiểu là hai gia đình. Hai gia đình ở cận kề nhau “lưng dựa vào nhau”. Gia đình này là “lưng” của gia đình kia. Khi “tối lửa tắt đèn” thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Hai nhà như một, không phân biệt ranh giới: “Cành xoan bên ấy ngả đầu sang đây”, sống hòa đồng, cao đẹp. Hai gia đình hay nhiều gia đình ở làng quê mà nhà thơ miêu tả đều như thế. Những câu thơ rất tự nhiên, bộc lộ ý tình cũng rất tự nhiên như những gì vốn có từ trong máu thịt, từ truyền thống ông cha. Tuy nhiên, đằng sau nó ta còn nhận ra một lời nhắn gửi, tâm sự, can ngăn với những ai còn nặng lối sống vị kỷ, kèn cựa, kiểu “Đất chăng dây, cây cắm sào”. Ở trong thôn cùng xóm vắng.
Những hình ảnh “Bên này…”, “Bên ấy…”, những cụm từ “đầu hồi”, “mái lá”, “ngả bên này”, “choàng”, “bên kia” đã khẳng định thêm tính cộng đồng cuả thi phẩm.
Sau tình nghĩa xóm làng là tình yêu lứa đôi. Đây là nội dung chính của “Hai nhà” mà tác giả muốn hướng tới. Cụ thể là tình yêu của chàng trai ở ngôi nhà “bên này” đối với cô gái ở ngôi nhà “bên ấy”, “người hàng xóm” của nhau. Hai câu: “Lá sả đấy gội đây say/ Ru em bên ấy bên này thiu thiu” đã vượt lên trên tình cảm láng giềng. Đành rằng “đây” có sự tế nhị lấy cái hương vị “lá sả” để nói cái “say” mái tóc, “say” em. Nhưng bạn đọc vẫn thấy cái thô mộc, vụng về của một chàng trai miền thôn dã được bộc lộ qua cách diễn đạt của câu thơ sáu tiếng mà có tới bốn âm vần trắc. Nếu nghĩ rằng chàng trai “say” mái tóc, “say” cái hình thức bên ngoài của cô gái thì chỉ là áp đặt. Nên chăng chỉ có thể hiểu chàng trai đã chết mê chết mệt vì lời “ru em” trầm bổng, ngọt ngào trước cái tài nghệ sĩ của nàng. Tới mức, “bên ấy” “ru em” mà “bên này” tưởng như được nằm “thiu thiu” trong lòng “bên ấy”, được “bên ấy” vỗ về, ôm ấp. Câu thơ có sự pha trộn giữa lời giao duyên và khát vọng hạnh phúc của một chàng trai đến tuổi dậy thì.
Bài thơ có mười câu mà có tới sáu câu miêu tả hiện tượng cô gái làm gì chàng trai cũng biết. Hai người gần nhà, nhưng xa ngõ. Có thể những tình tiết trên là thiếu tính chân thực? Chưa hẳn. Nếu cả hai ngôi nhà kia đều là vách đất, mái tranh thì sự không kín đáo của nó luân thỏa mãn với cảm xúc thị giác và thính giác của chàng trai “bên này”.
Hình ảnh “... lẩy kiều...” có thể xảy ra hai tình huống. Một là “bên ấy” lẩy đúng vào trang Nguyễn Du miêu tả nỗi cực khổ của Thúy Kiều ở lầu xanh khi mụ Tú Bà cho tay chân là Sở Khanh lừa nàng chạy trốn. Để rồi dưới làn roi oan nghiệt Kiều phải hứa: “Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”. Hai là “bên ấy” lẩy bất cứ trang nào trong “Truyện kiều” cũng làm cho “bên này” phải nao lòng trước số phận của người con gái tài sắc bị dập vùi. Số phận của nàng đã ám ảnh số phận của bất cứ người đàn bà nào. Trong đó có người mà chàng trai đang yêu. Dù ở trong tình huống nào thì cũng là sự đồng cảm, hết mình, mong được hòa nhập, gần gũi của chàng trai đối với “người hàng xóm”.
“Bên ấy lẩy kiều” thì “bên này” “Mải nghe chênh chếch trăng tà”... Chàng trai yêu cô gái như lúc nào cũng muốn níu kéo nàng về làm đâu bên này. Để ánh trăng kia đêm nào cũng rợp bóng nhà “bên ấy ngả” dài “sang đây”.
Hai câu thơ cuối là hai câu hay nhất, thể hiện rõ nhất nội dung bài thơ: “Sáng ra nắng trĩu cành cây/ Mái lá bên này choàng cả bên kia”. Cụm từ “nắng trĩu” rất hay, rất đa nghĩa_Điểm hội tụ của sự sống. Anh là hình ảnh “nắng trĩu” “choàng” lấy em, “choàng” cả cuộc đời em. Dẫu chỉ là “mái lá” nhưng anh rất khát khao có thêm một “trái tim vàng”.
“Hai nhà” có một mạch cảm xúc và giọng điệu thật gần gũi, thuần Việt, gợi lên những gì rất thân thuộc luôn sống trong mỗi tâm hồn chúng ta.
Lê Lanh
Địa chỉ: Số 7/92, Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội
ĐT: 0948161101 - Email: letaclanh@yahoo.com.vn
(Nguồn: Tạp chí thơ, số tháng 2.2009)