CHỢ CHIỀU
Thà rằng chẳng chợ thì thôi
Chợ gì chỉ rặt hàng vôi lá trầu
Mấy bà lụ khụ nhìn nhau
Mây ngăn ngắt xám trên đầu lặng bay
Băn khoăn mấy lá trầu gầy
Khẳng khiu mấy quả cau bày chỏng chơ
Tiếng đâu như tiếng khóc hờ
Người mua đứng lặng như tờ lại đi
Cao xa đám cỏ xanh rì
Phía đường tiếng dế u i gọi đàn
Gọi về những chuyến đò ngang
Người không về ấy nhỡ nhàng bao nhiêu?
Lênh đênh là mấy cánh bèo
Trầu cay lay lắt chợ chiều vắng duyên
Người đi ván chẳng đóng thuyền
Bao nhiêu người ở nghẹn duyên cuối mùa...
Phùng Văn Khai
Xa xưa dân ta đã khéo mượn "Miếng trầu làm đầu câu chuyện" khi tiếp xúc xã giao. Nông phẩm chỉ là cây nhà lá vườn giản dị nhưng sắc biếc hương nồng đã xúc tác cho quan hệ giao tiếp thêm cởi mở, chân tình. Trầu cau được chọn lựa làm lễ vật dạm ngõ, ăn hỏi, đón dâu quả là ý nhị mang phong vị nho giáo của Tiền nhân. Thuần phong mỹ tục đó đã cấu thành nét Văn hóa Việt lâu bền. Cho tới giờ, dù đơn sơ hay thịnh soạn thủ tục cầu duyên cũng không thể nào thiếu vắng trầu cau. Sau phút giây nhà gái nhận trầu, thì lời hò hẹn hứa hôn như được khắc lòng. Dù xa nhau, họ vẫn chờ vẫn đợi.
Có lẽ đó là xuất phát điểm hình thành tứ "Chợ chiều"? Nhà thơ Phùng Văn Khai tinh tế gắn kết với tập tục đã làm nên Cổ tích để chuyển tải thông điệp buồn đau, bất thành của tình duyên một thuở :
"Người đi ván chẳng đóng thuyền
Bao nhiêu người ở nghẹn duyên cuối mùa "
Ta không khỏi xúc động, nghẹn ngào trước cảnh "nghẹn duyên " lỡ dở, vò võ nguyên đây... mà cơ sự "ván chẳng đóng thuyền " kia đều do những người đi... đi mãi chẳng về!
Chiếc chìa khóa trao cho độc giả ẩn ở câu thơ cuối cùng, giúp mọi người quay trở lại chặng đầu mở cửa nội dung tác phẩm lục bát lẳng lặng, trầm buồn.
Hậu quả dai dẳng của chiến tranh được bóc trần qua hình ảnh sống mòn ngăn ngắt , đeo đuổi bao người ở lại chốn xưa :
"Mấy bà lụ khụ nhìn nhau
Mây ngăn ngắt xám trên đầu lặng bay"
Người đọc chẳng khỏi ngậm ngùi lặng đi khi liên tưởng tới bao cô gái vòm ngực tròn căng, phơi phới xuân thì bị phai tàn bởi tháng năm... giờ đây thành các cụ bà mình hạc thân gầy "lụ khụ " như nhau! Họ không may sinh ra cùng thời, sống cùng những thập niên gian khổ, cam go. Đồng cảnh, nên họ hiểu nhau hơn ai hết. Ngày lại ngày họ nhìn nhau với ánh mắt cam chịu, nhưng tận đáy tâm can luôn bị dày vò âm ỉ vì lạnh lẽo, khuyết thiếu, cô đơn. Còn mây trời lẳng lặng bay khó lòng thấu tỏ.
Thế người không trở về, họ là ai, giờ đương lưu lạc nơi đâu?
"Cao xa đám cỏ xanh rì
Phía đường tiếng dế u i gọi đàn
Gọi về những chuyến đò ngang
Người không về ấy nhỡ nhàng bao nhiêu "
"Chuyến đò ngang" hình ảnh ẩn dụ việc chở người "Sang sông" vu qui thì không lạ, nhưng lòng ta cứ day dứt, sao âm thanh văng vẳng "gọi về " lại là tiếng dế ri ri, tê tái, phấp phỏng ven đường? Dường như dế và những người đáng lẽ lái những chuyến đò ngang thuở xưa... nay đều thuộc "miền" dưới cỏ... ? Tiếng "u i " - loại hình "thông tin liên lạc" đặc thù kia phải chăng là "ngôn ngữ gọi hồn " đang mang mang, lan tỏa, vọng tìm...
Thế là những người ra đi giờ đây không còn nữa! Nắm xương phiêu bạt đã vĩnh viễn nằm lại nơi hoang vắng tận đầu suối cuối rừng hay vực thẳm non cao!
Khi mới tiếp cận bài thơ ta chẳng khỏi ngỡ ngàng. Sao qui luật họp chợ lại quen nếp vào các buổi chiều? Tất cả người bán đều là những phụ nữ già nua? Hàng hóa thì rặt cau trầu? Người mua lặng thinh im lìm như bóng? Thì ra "Chợ Chiều" tập trung những người mãn chiều xế bóng? Không gian chợ nằm giữa vùng giáp ranh, tranh tối tranh sáng, mấp mé giữa tàn ngày và đêm tới. Còn người mua ảo ảnh hình hài, ơ hờ, lặng đứng, rồi đi:
"Tiếng đâu như tiếng khóc hờ
Người mua đứng lặng như tờ lại đi "
Hồn người đã khuất quanh quất đâu đây mỗi khi chiều đến. Họ nhìn thấy được, cảm nhận được tình yêu thương bấy nay vẫn thủy chung đợi chờ trong tâm tưởng người sống cõi trần. Rất gần nhau mà họ cách biệt muôn trùng! Còn tâm trí người sống ở chợ Chiều thì bất định, lãng đãng, chập chờn, mông lung, giao thoa giữa mờ và tỏ .
Độc giả bắt gặp trong thơ nét hao hao dáng dấp chợ Tình. Nhưng nó hoàn toàn khác với nơi hò hẹn đầu xuân của các cặp tình nhân tới chợ Khau Vai (Mèo Vạc-Hà Giang). Chợ Chiều trong thơ Phùng Văn Khai là chợ ảo. Địa điểm của vạt chợ sóng sánh giữa biên ải Âm - Dương - Nơi gặp gỡ tâm tưởng của người sống và người đã hy sinh. Đó là điểm hẹn tại miền giao cảm Tâm - Linh đôi lứa. Thật sự đây là nét lạ, lạ đến đặc biệt trong sự sáng tạo độc đáo của nhà thơ Phùng Văn Khai. Đề tài - vùng mà bấy nay chưa mấy ai để tâm khai khẩn .
Dư chấn dai dẳng của chiến tranh hiển hiện cận cảnh trong thơ Phùng Văn Khai. Tác giả tố cáo tội ác của đạn bom xâm lược đã cướp trắng quyền hưởng hạnh phúc con người . Sự tàn phá của chiến tranh kéo dài không chỉ một đời. Đến nay chưa có con số chính xác số lượng người đã mất trong cuộc chiến. Nhưng đau lòng biết bao khi đến bất cứ địa danh nào trên dải đất còng hình chữ S này ta đều thấy nghĩa trang tăm tắp, bia mộ bạt ngàn . Mà hầu hết những người yên nghỉ dưới lớp cỏ xanh dày đều đang độ thanh xuân. Lứa tuổi sung sức, hừng hực yêu đương. Đó là chưa kể hết bao liệt sĩ mãi mãi nằm lại tại rừng sâu núi thẳm Trường Sơn, dù cố gắng đến mấy cũng khó lòng qui tập.
Phùng Văn Khai nhạy cảm phát hiện sự mất cân bằng giới tính trầm trọng do chiến tranh tàn khốc gây ra trong những thập niên vừa qua, đương sát nách, cận kề. Kẻ thù hủy diệt cả hạnh phúc riêng tư, quyền làm vợ, quyền làm mẹ của biết bao người phụ nữ lương thiện. Tác giả không thể cầm lòng khi bắt gặp thói quen bày bán cau gầy, trầu héo... của các bà già diễn ra giữa chợ chiều chiều. Dù hư cấu, thì triệu chứng rối loạn tâm thần của bao người đợi chờ người yêu vẫn điển hình, mà bệnh căn đều do mất mát. Điều ấy không hề hiếm thấy ở thời kì hậu chiến nước ta.
Giờ đây khi vết thương chiến tranh đã liền thịt lên da, người viết có độ lùi xa, đủ bình tĩnh nhìn nhận và thấm thía hơn trước thương tích chiến tranh, nhà thơ Phùng Văn Khai đã tạc phù điêu, dựng tượng đài "Chợ Chiều" vào trái tim độc giả, vào trí nhớ muôn người.
Bằng thể thơ truyền thống, câu chữ dung dị, tính từ láy tượng hình, tượng thanh hợp lí, đặt đúng chỗ... gây ám ảnh và lay động tâm thức biết bao độc giả trước số phận của con người trước thảm họa chiến tranh .
Bài thơ tựa lời nhắc nhở với lớp lớp những người kế thừa, tiếp quản rằng hạnh phúc được thừa hưởng hôm nay từng phải đánh đổi bằng máu, nước mắt và sự hy sinh thầm lặng vô bờ bến của thế hệ đi trước.
Hương cau vẫn ngan ngát, sắc trầu mãi mãi mướt xanh trên mọi miền đất Việt. Tình duyên đôi lứa sẽ nẩy nở trường tồn . Trong niềm vui duyên mới hẳn không ai nỡ quên một thời trầu gầy, cau héo... bởi đã có lần từng lật giở, tâm đắc với bài thơ lục bát " Chợ Chiều " ...
Bs. Nguyễn Thanh Tuyên
(Hội viên HNV Hải Phòng, ĐT: 0989094933)