Thứ bảy, 21/12/2024,


Cảm nhận về một bài thơ của Đồng Đức Bốn (15/05/2008) 

 

Tôi đọc thơ Đồng Đức Bốn khá muộn, hơn một năm sau khi nhà thơ đã qua đời do căn bệnh ung thư quái ác. Nhưng những bài thơ lục bát của Đồng Đức Bốn cứ ám ảnh tôi mãi, giống như bị bỏ bùa mê thuốc lú của một người con gái mà mình không thể nào dứt ra được. Tôi như một kẻ độc hành trên sa mạc tìm được nguồn nước cứu sinh khi đọc thơ ông. Phải công nhận rằng, sở trường của Đồng Đức Bốn là thơ lục bát. Nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa, nếu coi bậc thợ kim hoàn cao nhất là 7/7 thì Đồng Đức Bốn được xếp vào bậc 9/7. Ông viết trên 500 bài thơ lục bát, trong đó có khoảng vài chục bài thơ được liệt vào hàng tuyệt đỉnh. Thơ lục bát của ông có một nét riêng, rất quyến rũ, từ tốn, chậm rãi, khiến người ta có cảm tưởng như những câu ca dao, những câu nói bình thường trong đời sống hàng ngày. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp quả đã không ngoa khi cho rằng Đồng Đức Bốn là nhà thơ lục bát kỳ tài của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, khoảng chục sáng tác của ông là tài tử vô địch, còn phần nhiều lại chẳng ra gì [1].

Trong số những bài thơ lục bát tài tử vô địch của ông, bài thơ làm tôi nhớ nhất và đau đầu nhất vì khó hiểu chính là bài
'Vào chùa' [2].


Đang trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày


Mới đọc qua, ta cảm giác bài thơ lục bát này có gì đó tầm thường, rỗng tuyếch. Vỏn vẹn 28 chữ, mà cũng chẳng đặc sắc nếu xét về mặt niêm luật thơ lục bát. Nói một cách nghiêm khắc, bài thơ này hỏng về mặt gieo vần cũng như luật thơ. Thứ nhất, ở câu đầu tiên, chữ thứ hai và chữ thứ tư cùng vần bằng với nhau (trưa-mày), trái với luật bằng trắc trong thơ lục bát. Thứ hai, bài thơ bị điệp vận (trùng vần) ở câu thứ hai và câu thứ tư (đi-đi). Như vậy, chỉ có bốn câu lục bát mà đã mắc tới hai lỗi về gieo vần và luật bằng trắc thì làm sao mà thành một bài thơ hoàn chỉnh được. Bài thơ này nếu mà rơi vào tay những nhà phê bình chỉ chăm chăm đi xem mặt chữ để bình phẩm giá trị nghệ thuật thì sẽ bị chê cho tới số. Một người nước ngoài học tiếng Việt ở trình độ sơ cấp chắc là cũng dịch được tốt bài thơ này.

Vậy thì, bài thơ này tuyệt đỉnh ở chỗ nào?

Tôi chợt nhớ tới những bài thơ (hay văn) không có chữ như có lần Trần Đăng Khoa đã từng nói [4]. Không có chữ ở đây nghĩa là bản thân những con chữ bạc phếch kia, tự nó sẽ chẳng là gì nếu ta không thổi hồn thơ vào trong đó, và khi đọc hay bình phẩm những bài thơ không có chữ, nên đọc bằng trực giác nhiều hơn là đọc bằng lý trí. Trong lịch sử thơ ca Việt Nam, có thể bắt gặp một số ít nhà thơ như vậy. Chẳng hạn, trong thơ Bùi Giáng, thơ Hàn Mặc Tử, thơ Lê Đạt, thơ Yến Lan,... có rất nhiều bài là thơ không có chữ. Thậm chí, có người còn nói đó là những bài thơ điên, vì toàn những gầm rú, la hét, điên loạn,.. chẳng có vần điệu tối thiểu của thơ gì cả. Thực ra thì những bài thơ này đâu có điên loạn như mọi người nghĩ. Chẳng qua là những bài thơ đó được viết ra bằng một thứ được gọi là tư duy vô trí, khi sáng tác nhà thơ không cần quan tâm đến đến cấu trúc thơ, luật thơ ra làm sao mà chỉ cần có một ý tưởng bất chợt lóe lên trong đầu là họ chộp lấy và ghi ra giấy. Họ cũng chẳng cần sửa chữa gì nhiều đối với những bài thơ này. Làm thơ kiểu này khó vô cùng và vì thế, có rất ít nhà thơ có thể sang tác theo kiểu tư duy vô trí được. Những bài thơ không có chữ như vậy không thể hiểu, chỉ cảm nhận được mà thôi, cũng giống như không khí xung quanh chúng ta vậy, có ai nhìn thấy được nó bao giờ đâu mặc dù có thể cảm nhận được nó.

Quay trở lại với bài thơ lục bát này. Theo tôi, đây cũng là một bài thơ không có chữ.

 

Đang trưa ăn mày vào chùa


Câu thơ nêu lên một sự việc có vẻ lạ đời. Tại sao ăn mày lại vào chùa, và lại vào lúc đang trưa? Nếu chỉ để tìm kiếm cái ăn, sao anh/chị ta không đi đến nơi chợ búa, cửa hàng ăn uống vốn có nhiều thức ăn hơn? Đây là một sự vô tình hay hữu ý của kẻ ăn mày. Tôi đã phải đọc đi đọc lại câu này cả chục lần mà cũng vẫn chưa tìm ra được lời giải thích hợp lý. Tuy vậy, tôi có thể cảm nhận được những cặp từ đối lập “ăn mày - chùa” phải chăng chính là “vô minh - cao minh” theo triết lý nhà Phật. “Đang trưa” ở đây có phải là “nửa đời người” không?

 

Sư ra cho một lá bùa rồi đi


Đến câu này, sự việc có vẻ rõ ràng hơn. Ăn mày đứng ở chùa mãi không ai cho gì nên có nhà sư thương tình ra cho một lá bùa, có lẽ để “đuổi khéo” kẻ ăn mày đi cho khỏi ô uế nơi cửa Phật, vốn là nơi thanh tịnh không thể chứa chấp một kẻ nghèo hèn nhất xã hội. Vẫn cái giọng điệu thơ rất riêng, tửng tưng đến dễ ghét của Đồng Đức Bốn, giọng thơ làm say đắm lòng người, làm “mê cung đình” ấy mà sao tôi thấy phát sợ, rờn rợn vì cái câu thơ này.


Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày


Kết cục là thế này đây. Ăn mày đang đói mà nhà sư cho lá bùa để làm gì? Có hộ mệnh được gì không? Nghèo kiết xác đến thế thì quỉ thần cũng chẳng thèm tha đi, nữa là những người ở trần gian. Thế nên ăn mày thì vẫn là ăn mày mà thôi, có thay đổi đâu, vẫn cái vòng luân hồi luẩn quẩn ấy, không thoát ra để đến cõi Niết bàn được.

Khi xem lại tiểu sử của Đồng Đức Bốn, tôi thấy ông cũng là một người ngưỡng mộ đạo Phật (ông có theo đạo Phật hay không thì tôi không được rõ lắm). Có lẽ vì lý do đó mà ông đã viết nên bài thơ tuyệt đỉnh này chăng?

Theo như Nguyễn Huy Thiệp đã từng phân loại, thơ lục bát được chia làm hai phái: Ngộ năng và Trí năng. Loại trí năng có vẻ ở câu sáu như thế này thì ở câu tám phải như thế kia, những liên tưởng dễ dắt nhau lôgic và có lý, đọc câu sáu người ta luận được câu tám. Những người nhiều chữ, những trí thức làm thơ, hoặc học đòi trí thức làm thơ thường ở loại này. Loại ngộ năng vị tình, lấy tình át chữ, đọc câu sáu mà không đoán ra được câu tám thế nào. Ngộ năng có phần hay hơn trí năng. Thực ra làm thơ lục bát cần tinh thông trí năng, nhưng trí năng học tập được, rèn luyện được, ngộ năng thì chịu, dứt khoát trời cho. Bởi vậy, lục bát mà ngộ năng thì hiếm quý. Ngộ năng đương nhiên bao gồm trí năng, nhưng trí năng không thể bao gồm ngộ năng được [1]. Theo cách phân loại này, thơ lục bát của Đồng Đức Bốn được xếp vào loại Ngộ năng. Vì vậy mà đọc thơ của Đồng Đức Bốn, ta không thấy chán và tẻ nhạt vì thơ của ông lấy tình làm trọng, không quá quan tâm đến câu chữ, niêm luật mặc dù điều này cũng quan trọng trong thơ ca.

Khi viết những dòng cảm nhận về bài thơ này, tôi cũng vẫn chưa hiểu được hết ý nghĩa của nó. Vội vàng lật giở lại những bài phân tích về thơ của Đồng Đức Bốn của các nhà phê bình văn học trong đó có bài “Vào chùa”, tôi nhận ra rằng đây là một bài thơ thiền. Đã là thơ thiền thì mọi lời bình luận đều vô nghĩa. Còn các bạn, các bạn nghĩ thế nào về bài thơ này?

Tham khảo
[1].
http://nguyenhuythiep.free.fr/giangluoi/GIOITHIEU.html
[2].
http://annonymous.online.fr/Thivien/...hor.php?ID=398
[3].
http://www.thovn.net/Viewarthor.asp?athor=44
[4]. Trần Đăng Khoa. Chân dung và đối thoại. NXB Thanh niên 1998

 

( Tác giả Trịnh Quốc Dũng)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: