Thứ sáu, 27/12/2024,


"Gỡ tóc" - Một bài thơ tinh tế và nữ tính (11/06/2011) 
GỠ TÓC
 
Em ngồi
hong mớ tóc mây
Gỡ từng sợi một
Gỡ ngày tháng qua
Sợi này óng chuốt, nuột nà
Hương thơm tự buổi xanh xa ướp vào
Sợi này gầy mỏng hanh hao
Bão giông cuộc sống thuở nào đi qua
Sợi này mềm mại thướt tha
Tóc thề xưa...
dễ chi mà nguôi quên!
Nhặt dăm sợi úa dưới thềm
Thổi đi cát bụi
nâng trên tay gầy
Tóc mây...
giờ lẫn màu mây
Em ngồi gỡ tóc
Đếm ngày đi qua...
 
Chử Thu Hằng
 
 
Người phụ nữ chải tóc bao giờ cũng đẹp: một dáng lưng ong nghiêng nghiêng mềm mại, hai bàn tay vuốt ve mềm như múa, một suối tóc chảy tràn… Khi ấy, nét mặt của người phụ nữ dịu dàng lắm, thơ thới lắm. Đó là lúc người phụ nữ bộc lộ rõ nhất nữ tính của mình. Biết bao họa sĩ, nhà nhiếp ảnh, nhà thơ, nhà điêu khắc… đã cố gắng ghi lại thời điểm đẹp đẽ ấy bằng tất cả tài năng của mình.
Chị nghĩ gì khi đang chải tóc? Đọc “Gỡ tóc” của Nhà thơ Chử Thu Hằng, tôi chợt hiểu ra: động tác gỡ tóc kia không đơn thuần mang tính cơ học chải cho mượt tóc, mà khi đó chị còn gỡ lòng mình, còn tìm lại dấu thời gian vương trên từng sợi tóc:
 
Em ngồi hong mớ tóc mây
Gỡ từng sợi một
Gỡ ngày tháng qua.
 
Khi viết “Gỡ tóc” hẳn Chử Thu Hằng đã bước vào tuổi vãn niên, “Tóc mây giờ lẫn màu mây” rồi mà. Bao thăng trầm dâu bể, bao buồn vui mưa nắng của một kiếp người được chị ẩn dụ trong sắc màu của từng sợi tóc:
 
Sợi này gầy mỏng hanh hao
Bão giông cuộc sống thưở nào đi qua
 
Thời thanh xuân tươi đẹp, mái tóc cũng đẹp làm sao. Những kỷ niệm tươi sáng như vẫn còn vẹn nguyên trong mùi hương tự xa xưa vương lại:
 
Sợi này óng chuốt nuột nà
Hương thơm tự buổi xanh xa ướp vào
 
Mái tóc đẹp còn ghi dấu một mối tình lãng mạn, khi người con gái cắt một lọn tóc thề, để suốt đời mang theo kỷ niệm:
 
Sợi này mềm mại thướt tha
Tóc thề xưa…
Dễ chi mà nguôi quên!
 
Là cô gái Hàng Đào năm xưa, thế hệ chị lớn lên trong cơ chế xin cho, tem phiếu thời bao cấp, chiến tranh, bom đạn… Bão giông cuộc sống với những thăng trầm thời hậu chiến đã làm mái tóc xanh ngày xưa thoáng chốc đổi màu. Sợi tóc úa mang dấu thời gian, đi qua giông bão rụng xuống được chị nâng lên, gột đi những gì “cát bụi” của cuộc sống, để giữ lại, nâng niu như giữ kỷ niệm của mình. Người phụ nữ sống bằng nội tâm là thế. Sự nuối tiếc trong thơ như lan sang, ngấm sang máu thịt người đọc, người cùng hoàn cảnh:

Nhặt dăm sợi úa dưới thềm
Thổi đi cát bụi
Nâng trên tay gầy
 
Lời thơ thủ thỉ tâm tình như lời người em gái hiền thục và mẫn cảm, như lời người vợ đảm đang, thủy chung với người chồng độ lượng, thông cảm sẻ chia… Mạch cảm xúc trôi đi nhẹ nhàng uyển chuyển, mang nét đẹp tâm hồn của người con gái Hà Thành kế thừa sự tinh tế của mẹ, của bà, những phụ nữ đất Thăng Long.
Thể thơ lục bát giàu nhạc điệu, mượt mà, sâu lắng, dễ đi vào và lắng lại trong lòng người đọc trong bài thơ này đã vận dụng thành công. Chử Thu Hằng lại ngắt dòng rất hợp lý, vừa nhấn nhá được những ý muốn tô đậm, lại vừa làm bài thơ có sắc thái hiện đại.
Tôi cho rằng “Gỡ tóc” là một trong những bài lục bát phát sáng của chị!
 
 
Hà Nội ngày 3/6/ 2011
 
 
Nhà thơ Bùi Hải Đăng
Đ/c: Xã Nghĩa an huyện Ninh Giang Hải Dương
Điện thoại: 0972349303
Email: haidang4556@yahoo.com.vn
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Từ Đức Khoát - tukhoat@vn.com - 01679920465 - Khu8 Thạch Đồng Thanh Thuỷ Phú Thọ  (Ngày 12/06/2011 8:08:20)

Gỡ rối cho tình ?

Gửi CTH

Em ngồi gỡ tóc một mình !

Nuột nà óng chuốt , tươi xinh một thời

Hương thơm từ thủa đôi mươi

Ướp vào chăn gối cho người mình thương !

Sợi nào gầy mỏng gió sương-

Sợi nào mềm mại còn vương lời thề !

Từ trong bao cái bộn bề

Thổi đi cát bụi , nào chê úa tàn ?

Toc xanh giờ đượm mây ngàn

Em ngồi đếm cái nghèo nàn , phôi phai !?...



Thực lòng chưa dám trách ai

Đã gầy đâu để phí hoài tuổi xanh !



Từ Đức Khoát
 

Các bài khác: